Laudato Si’: Cây xanh đã không còn xanh?

21/05/2020
1578
Sinh viên Công giáo đáp lời: Laudato Si’

Bài số 5: Laudato Si’ - Cây xanh đã không còn xanh?

 

 Ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất màu xanh bao la
Ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất màu xanh hiền hòa.”

Có lẽ, hình ảnh ngôi nhà chung là trái đất của chúng ta được bao phủ bởi một chiếc áo màu xanh quen thuộc, tươi mát trước kia đã không còn nữa. Giờ đây, chiếc áo đó đang dần phai màu theo năm tháng. Những cánh rừng xanh mướt trước kia giờ đây lại là những quả đồi trơ trọc. Mặc kệ đúng sai, con người tự do tàn phá cây xanh vì những tư lợi cá nhân. Phải chăng ngôi nhà chung màu xanh không còn được ưa chuộng và đang dần bị loại bỏ?

 

Giá như “một màu xanh xanh - chấm thêm vàng vàng” thì bức tranh thiên nhiên sẽ mang lại  một vẻ đẹp hài hòa, cả về thẩm mỹ lẫn thực tại. Nhưng không, những ngôi nhà cao tầng, các công trình kiến trúc, các nhà máy, xí nghiệp... đã thay thế và làm mờ nhạt chiếc áo màu xanh thuở ban đầu mà Thiên Chúa dựng nên. Diện tích cây xanh bị thu hẹp và nhanh chóng được thế chỗ. Thay vì bắt gặp những hình ảnh cây xanh đâm chồi nảy lộc rồi vươn cao tỏa bóng mát, thì giờ đây, những mái ngói nhọn hoắt lại cứ chen chúc, đua nhau nhấp nhô. Ôi! Còn đâu những trưa hè oi ả, ta ngồi nhặt lá dưới gốc cây!
 

Tuổi thơ ta đã từng thong thả tận hưởng một bầu không khí trong lành, thưởng thức tiếng hót của những chú chim bé nhỏ, ngắm nhìn những chiếc lá xanh đu đưa nhè nhẹ khi cơn gió thoảng qua đang hòa mình với thiên nhiên trên thảm cỏ xanh mướt. Có lẽ, quá khứ đó đã bị chôn vùi khi con người cố tạo ra cuộc sống quá “hiện đại” thời nay. Sự vắng bóng của cây xanh để lại cho con người những thương tật nhất định. Cụ thể là, bầu không khí trên trái đất trở nên ngột ngạt, khí hậu biến đổi phức tạp, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất.... Khi phải đối mặt với những thực tại cấp bách, ta mới cảm thấy mình bị thu bé lại bởi một không gian sống đầy chật hẹp đến khó thở làm sao!

Dưới ánh sáng của thông điệp Laudato Si’, con người như bị “giật mình” về những hành động sai trái và những hậu quả đang phải gánh chịu. Biết bao sự thật được phơi bày, trong đó có sự thật  về việc con người đang phải đối mặt với cuộc sống “ngột ngạt” vì thiếu vắng cây xanh. Sự ngột ngạt ấy cũng vang lên một lời mời gọi thiết tha, lời mời gọi sám hối chân thành về cách thức con người sử dụng và gìn giữ các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên, trong đó có cây xanh.

 

Là những người trẻ, những sinh viên Công giáo, bạn và tôi sẽ đối diện với tình trạng cây xanh đang bị tàn phá ra sao? Không lẽ ta chỉ im lặng và khoanh tay làm ngơ? Laudato Si’ thúc giục ta cùng nhau lên tiếng, đẩy lui những hành vi sai trái làm tổn hại đến việc sử dụng cây xanh và môi trường sống. Lá phổi xanh mong manh kia đang cần ta che chở, bao bọc. Mỗi lần ta chung tay bảo vệ cây xanh, là ta đang gắn kết được tình liên đới với anh chị em thân yêu chung quanh ta. Mỗi lời cầu nguyện ta dâng lên Chúa là mỗi lần cây xanh như được vươn lên dưới ánh nắng chan hòa với mọi người. Cùng với sự phát triển của truyền thông và bằng những hành động thiết thực nhất, thì việc kêu gọi mọi người tích cực trồng cây xanh để cải thiện không gian sống của mình là điều hoàn toàn có tính khả thi. Hãy để ta được hòa mình với thiên nhiên!
 

Lạy Thiên Chúa toàn năng, công trình Ngài xiết bao kì diệu. Cảm tạ Chúa đã ban cho loài người chúng con một món quà vô giá, là được sống chung với nhau dưới một bầu khí trong lành, xanh mát và thoáng đãng. Nhưng con cũng xin lỗi Ngài vì đã bao lần con có những hành động thiếu nhận thức, không biết trân quý cây xanh mà Ngài đã ban tặng. Xin Thánh Thần Tình Yêu tác động, biến đổi để chúng con biết ý thức bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ cây xanh. Đặc biệt, xin cho các nhà cầm quyền, những người hữu trách biết đề ra những phương pháp tốt nhất để cây xanh không bị tàn phá; để mọi người cùng chung tay xây dựng, làm mới lại bầu khí mát dịu như thuở ban đầu. Amen.
Maria Thảo Tôm
Nhóm Sinh viên Công giáo Thanh Hóa