Laudato Si’: Lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất

17/05/2020
2405
Sinh viên Công Giáo đáp lời: Laudato Si’

 Bài số 1: Laudato Si’: Lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất
 

Ngay từ khi sinh ra, con người đã có tương quan mật thiết với môi trường sống. Họ được Thiên Chúa dựng nên, được đặt vào trong thế giới với lời nhắn nhủ đong đầy thương yêu: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St1,28). Thời gian thấm thoát trôi nhanh, con người ít nghĩ tới, và chẳng mấy quan tâm về mối tương quan với Mẹ thiên nhiên. Nguy hại hơn, chính những hành động “bá chủ” quá mức và thiếu ý thức của con người khiến cho Mẹ thiên nhiên phải gánh gồng nỗi đau, phải lâm cảnh hiểm nguy đến độ Mẹ đang kêu gào than khóc.
 

Tiếng khóc vì những “món quà” không đáng nhận

Khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa chúc phúc và làm cho mọi sự đều tốt đẹp. Vẻ đẹp tuyệt mỹ của của Ngôi nhà chung khiến thánh Phanxicô thành Assisi không thể kìm lòng mà hát lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con”. Ngôi nhà chung ấy sẽ mãi luôn tuyệt đẹp nếu như ô nhiễm, khí độc, xói mòn, rác thải… không xuất hiện.

 
Nhưng bạn biết đấy, xã hội đang điên cuồng chạy theo lối sống quy kỷ,  khiến cho trái đất phải “nhăn mặt” hứng chịu những “món quà”.  Đâu đó, người ta dễ dàng  thấy hình ảnh các điểm vui chơi, các khu du lịch ngập tràn rác thải sau mùa lễ hội; bãi biển lềnh bềnh túi nhựa, lon nước, vỏ trái cây… Những “món quà” này thật sự quá mức tưởng tượng của Trái Đất. Có lúc, tôi đã từng nghĩ: “Nếu hậu quả không được nhắc đến, có khi nào Trái Đất sẽ trở thành một ngôi nhà chứa rác khổng lồ và mình cũng sẽ chung sống với nó suốt đời?” Thật khủng khiếp phải không bạn? Trái đất sẽ phản ứng thế nào?
 

Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ Dinh Tông Tòa vào sáng thứ Tư 22.04.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người ý thức hơn nữa về tính thánh thiêng trong việc chăm sóc Trái Đất với lời nhắn nhủ: “Thiên Chúa luôn tha thứ; con người chúng ta cũng đôi khi tha thứ đôi khi không; Trái đất thì không bao giờ tha thứ.” Và ngài nói thêm:  “Trái Đất không tha thứ: nếu chúng ta đã hủy hoại Trái Đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ”. (x. www.vaticannews.va/vi)

Biến “đau thương” thành hành động

Khi nhận ra Trái Đất đang nóng lên, khí hậu ô nhiễm, môi trường bị hủy hoại, con người mới bắt đầu lo sợ. Tuy vậy, tất cả sẽ chưa quá muộn nếu mỗi cá nhân ý thức ngay từ bây giờ. Lướt trên Facebook, có rất nhiều hình ảnh thật đẹp: nào là các bạn trẻ tham gia dọn rác thải trên bãi biển, nơi công cộng; nào là một bộ phận giới trẻ không sử dụng túi nilon mà chuyển thành túi giấy dễ phân hủy, dùng các ống hút và ly tái sử dụng, thân thiện với môi trường và còn rất nhiều hành động cao đẹp khác dành cho Ngôi nhà chung.

 

Đằng sau hình ảnh ấy là bao comments khen ngợi, hưởng ứng với lời hứa và lời quyết tâm.  Ước mong rằng, những quyết tâm đó sớm trở thành hành động, như một lời tạ lỗi chân thành gửi tới Mẹ thiên nhiên. Bởi lẽ, trong thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc gửi: “Môi trường tự nhiên mang đầy vết thương do thái độ vô trách nhiệm của chúng ta gây nên” (x. Laudato Si’, số  6). Mời bạn cùng chung tay, biến ý thức thành hành động, biến hành động thành thói quen ở đời để giúp Trái Đất – ngôi nhà chung được xoa dịu phần nào nỗi đau mà nó đang phải gánh chịu. Những hành động ấy rất đơn giản: thay vì vứt vỏ chai nước sau khi dùng xong, ta mang về để trồng thêm một mầm xanh, hay sáng tạo ra những món đồ nghệ thuật; thay vì vứt túi nilon bừa bãi, ta nghĩ xem nên làm gì với chúng và tái sử dụng thế nào... Rác sẽ không còn là rác nếu bạn và tôi tìm được cách sử dụng hữu ích. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không nhanh tay thu gom những thứ đồ mà lâu nay ta gọi là “rác” trong nhà mình để thỏa sức sáng tạo. Chắc chắn, bạn sẽ bất ngờ về thành quả của mình!
 

Ngôi nhà chung cần bạn và tôi

Có lẽ, nếu thiếu bạn và tôi, Trái Đất vẫn tồn tại. Nhưng nếu thiếu những hành động bảo vệ Trái Đất, thì tôi không chắc rằng ngôi nhà chung có thể trụ được mãi. Mỗi người được mời gọi ý thức hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Những hành động bảo vệ môi trường không bao giờ là thừa trong cuộc sống này. Ta không cần làm những gì quá cao sang, nhưng hãy làm với cả tấm lòng như tinh thần của Laudato Si’: “Tất cả chúng ta, có thể cộng tác như những khí cụ của Thiên Chúa để cứu giúp sáng tạo, mỗi người theo văn hóa, kinh nghiệm, dấn thân và khả năng của mình” (x. Laudato Si’, số 14).

 

Giữa cuộc sống vội vã và hối hả, ta cũng nên bước chậm đôi chút, để dừng chân nghĩ đến Trái Đất, để ngắm nhìn những cảnh sắc Thiên Chúa dựng nên mà không ngừng ngợi khen Đấng Tạo Hóa, với lời nguyện cầu tha thiết:

 “Lạy Thiên Chúa toàn năng
 Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ
 và ngay trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa.
 Chúa đã phủ đầy lòng từ ái trên tất cả những gì hiện hữu,
 Xin gieo vào lòng chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa,
 để chúng con bảo vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài”.          (x. Laudato Si’, số 246)
Têrêsa  Nguyễn Thị Linh Thao
Nhóm Sinh viên Công Giáo Thanh Hóa