Laudato Si’: Chung tay cộng tác vì “Ngôi nhà chung”

18/05/2020
2042
Sinh viên Công Giáo đáp lời: Laudato Si’

Bài số 2: Laudato Si’: Chung tay cộng tác vì “Ngôi nhà chung”
 

Giữa cuộc sống hối hả với những bộn bề cơm áo, ta tự hỏi: có mấy ai dừng lại chút đỉnh để lắng nghe tiếng kêu cứu của mẹ thiên nhiên, của hệ sinh thái, và của môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Phải chăng, giờ là lúc mỗi người cần ý thức rõ nét hơn về món quà thiên nhiên Thiên Chúa tặng trao; cần sống liên đới và giao hòa với thiên nhiên, để hiện thực hóa cái nhìn hy vọng mà thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô vọng vang: “Nhân loại có khả năng cộng tác với nhau để xây dựng ngôi nhà chung.” (x. Laudato Si’, số 13)
 

Thiên nhiên là món quà tuyệt đẹp Thiên Chúa tặng ban

Vũ trụ rộng lớn bao la được Thiên Chúa tạo dựng và ban cho con người cách nhưng không. Sách Sáng Thế thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng trái đất, mặt trời, trăng sao, muông thú, cỏ cây và trao cho con người làm chủ: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31). Trước món quà tuyệt mỹ từ Thiên Chúa, tôi và bạn đã chiêm ngắm và gìn giữ thế nào? Trong cuộc sống thường ngày, nếu ai đó tặng ta món quà quý giá, ta không chỉ gìn giữ, mà còn luôn nâng niu cẩn thận như một cử chỉ trân trọng biết ơn. Ở đây, Thiên Chúa cũng trao tặng con người món quà tuyệt đẹp là thiên nhiên - nơi con người sinh sống để phục vụ Chúa. Lẽ nào ta lại không trân trọng và cẩn thận gìn giữ, để thể hiện lòng biết ơn đến Đấng tặng quà là Thiên Chúa tình yêu? Nếu con người tàn phá thiên nhiên, thì chính con người phụ bạc Thiên Chúa. Trong bài giáo lý nhân dịp kỷ niệm “lần thứ 50 Ngày thế giới về Trái Đất được thành lập" vào ngày 22.04.2020 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi chúng ta nhìn thấy những thảm kịch tự nhiên, những phản ứng của Trái Đất trước sự ngược đãi của chúng ta, tôi nghĩ: Nếu bây giờ tôi hỏi Chúa xem Người nghĩ gì về nó, tôi không nghĩ Người nói với tôi rằng đó là một điều rất tốt. Chính chúng ta đã hủy hoại công trình của Chúa.”  Vì thế, bạn và tôi, mỗi người hãy cộng tác để trở nên những khí cụ của Chúa, cùng ngăn chặn những “ngược đãi” với thụ tạo, và luôn trân quý món quà Thiên Chúa trao ban.


Hưởng dùng thiên nhiên như của cải chung

Thiên Chúa trao cho con người quyền làm chủ, khai thác thiên nhiên để phục vụ nhu cầu chính đáng. Con người được mời gọi chia sẻ của cải thiên nhiên ấy trong tình huynh đệ, chứ không phải ích kỷ chiếm hữu một mình. Thiên nhiên là của cải chung Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người trên trái đất. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã xác định rằng: “Thiên Chúa đã tặng cho toàn thể nhân loại trái đất này để trái đất có thể nuôi sống tất cả, không loại trừ ai và cũng không ưu tiên cho ai.” Vậy, con người đã sử dụng của cải Chúa ban thế nào? Nhiều khi, con người ích kỷ và tư lợi trong việc sử dụng của cải thiên nhiên. Ở nhiều nơi, nguồn tài nguyên thiên nhiên đã và đang dần cạn kiệt do sự khai thác và sử dụng “quá đáng” của con người, nhiều vùng tài nguyên đã bị các xí nghiệp, tư nhân chiếm đoạt trái phép và khai thác quá mức. Không những thế, người ta còn bóc lột sức lao động và chèn ép người khác trong việc khai phá tài nguyên để làm lợi cho bản thân... Laudato Si’ đã chỉ rõ: “nếu một người chiếm hữu một điều gì đó thì phải quản lý vì ích lợi cho mọi người. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ làm khổ lương tâm của chúng ta vì phủ nhận sự hiện sinh của những người khác.” (x. Laudato Si’, số 95). Khi chia sẻ của cải Chúa ban cho người khác, ta bày tỏ lòng thương xót với họ bằng việc làm thiết thực. Thánh Gregory Cả đã nói: “Lúc chúng ta chăm lo cho các nhu cầu của những người đang cần là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải cái của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang trả món nợ công bằng.” Chính vì thế, con người cần ý thức thiên nhiên là của cải chung mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Mỗi người nên biết sử dụng chúng cách hợp lý và có trách nhiệm, biết chiếm hữu và làm chủ chúng vì lợi ích chung cho mọi người, để của cải Chúa ban sẽ trổ sinh hoa trái trên khắp mặt đất.

 


Tình liên đới trong việc bảo vệ “Ngôi nhà chung”

Mọi thứ đều liên kết với nhau và việc che chở đích thực cho cuộc sống riêng tư của chúng ta cũng như mọi liên hệ của chúng ta với thiên nhiên không thể bị tách ra khỏi tình huynh đệ, sự công bằng cũng như sự trung tín với kẻ khác.” (x. Laudato Si’, số 70). Nếu mọi sự đều có liên hệ với nhau, thì vấn đề sức khỏe của các cơ chế trong một xã hội cũng có những ảnh hưởng đối với môi trường, và tới chất lượng cuộc sống con người: “Mọi việc làm thương tổn sự liên đới và tình thân xã hội đều gây những tổn thất cho môi trường.” (x. Laudato Si’, số 142). Trong hoàn cảnh hiện tại của xã hội toàn cầu với những bất công và bạo lực, việc liên đới bảo vệ môi trường thiên nhiên chính là việc làm góp phần bảo vệ những người nghèo khổ, bởi họ là những người đang phải sống trong các vùng ô nhiễm, thiếu nước sạch, thiếu lương thực...Đó cũng là cách thức tốt nhất để giữ lại cho thế hệ mai sau một thế giới lâu bền - thế giới có tính bền vững. Bởi lẽ, những gì mà con người làm tổn thương đến môi trường thiên nhiên sẽ để lại hậu quả cho thế hệ tương lai. Và chỉ khi mỗi người bắt đầu suy nghĩ về loại thế giới mà mình sẽ để lại cho những thế hệ sau này, ta sẽ có cái nhìn khác về mọi thứ. Mỗi người sẽ nhận ra môi trường tự nhiên và thế giới này là một quà tặng vô giá mà mình đã nhận lãnh vô điều kiện. Do đó, mỗi người cần cộng tác để gìn giữ và chia sẻ quà tặng ấy với những người khác trong tình liên đới!

 


Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, vì yêu thương nên Chúa đã dựng nên con và trao cho loài người chúng con được quyền trên muôn loài thụ tạo khác. Xin cho mỗi người chúng con biết trân trọng, gìn giữ những quà tặng vô giá Thiên Chúa trao ban; và xin dạy chúng con biết khám phá ra giá trị của muôn vật Thiên Chúa dựng nên, để chúng con nhận ra rằng, chính chúng con cũng được liên kết cách đặc biệt với những thụ tạo này trong hành trình tiến về quê Trời vinh hiển. Đặc biệt, ở thời điểm Giáo hội đang kỷ niệm 5 năm thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề bảo vệ ngôi nhà chung, xin Chúa cho hết thảy mọi người trên thế giới biết yêu mến ngôi nhà chung, biết cùng cộng tác với nhau để bảo vệ và chăm sóc ngôi nhà chung, để ngôi nhà chung của chúng con sẽ luôn tươi đẹp và chan hòa niềm vui. Lạy Chúa, chúng con xin chúc tụng và ngợi khen Chúa!

Mary Hạnh Phạm

Nhóm Sinh viên Công giáo Thanh Hóa


Phần Dẫn nhập

Bài số 1: Laudato Si’: Lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất


Xin mời đón đọc bài số 3: Laudato Si’ – Lời sám hối chân thành từ thực trạng rác thải y tế