Laudato Si’: Tiếng nói từ tài nguyên nước

20/05/2020
1511
Sinh viên Công giáo đáp lời: Laudato Si’

Bài số 4: Laudato Si’ – Tiếng nói từ tài nguyên nước
 



Xã hội càng phát triển, nhu cầu nước sạch càng gia tăng. Dầu vậy, nguồn tài nguyên nước lại đang ở trong tình trạng khan hiếm hơn bao giờ hết. Khan hiếm không phải vì không còn nước, nhưng khan hiếm vì các nguồn nước đang bị ô nhiễm do hoạt động thiếu ý thức của con người.

Thực trạng biết nói của tài nguyên nước

Mỗi ngày sống trôi qua là mỗi ngày mà sông sâu biển cả trên đất Việt phải “đón nhận” lượng rác thải lên tới hàng tấn. Nước sông, nước suối, nước trong các ao hồ, hay nước mưa đều đang bị ô nhiễm nặng. Nước ngầm cũng có nguy cơ cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Nguồn nước bị ô nhiễm ở nhiều nơi khiến hàng triệu dân Việt chưa tiếp cận được với nguồn nước sạch. Họ phải chung sống với nước giếng khoan, và những nguồn nước khác không mấy an toàn cho sức khỏe.
 



Chắc chắn, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn nước phải “lên tiếng”. Dưới cái nhìn nhân bản, người ta có thể điểm mặt chỉ tên hàng loạt “phạm nhân” đang gây hại cho nguồn nước: nào là ý thức chưa cao của một số người khi vứt rác thải bừa bãi; nào là chuyện nhiều khu công nghiệp, nhà máy bỏ qua các khâu xử lý nguồn nước thải. Họ lợi dụng những kẽ hở, các sông suối gần nhà máy, để thải ra môi trường bao nhiêu nguồn nước bẩn. Rồi nữa, các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích trong trồng trọt và chăn nuôi cũng gây áp lực đến môi trường nước. Dưới cái nhìn thiêng liêng, ta không khỏi giật mình khi lắng nghe những lời từ Laudato Si’: “Bạo lực trong tâm hồn chúng ta do tội lỗi gây nên cũng phản chiếu trong những triệu chứng của bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, trong không khí và mọi dạng thức của sự sống. Đây là lý do vì sao mà chính trái đất, bị đè nặng và sử dụng lãng phí, lại là một trong số những người bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất trong số những người nghèo. Chị đang rên siết và quằn quại.” (x. Laudato Si’, số 2)
 


Thực trạng biết nói của lòng người

Là những người trẻ, những sinh viên Công giáo, khi đứng trước thực trạng biết nói của tài nguyên nước, chắc chắn bạn và tôi đều được mời gọi nhìn sâu vào trong tâm hồn, để đồng điệu với Laudato Si’ vang lời ngợi khen Thiên Chúa. Lời ngợi khen ấy có thể đến từ khía cạnh cá nhân, khi ta ý thức và sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm hơn trong chính hoàn cảnh của mỗi người. Nó cũng có thể đến từ khía cạnh tập thể, khi ta cùng chung tay giữ gìn Trái Đất như tài sản chung. Bởi lẽ, “chúng ta là những con người hiệp nhất với nhau như anh chị em trên cuộc lữ hành kỳ diệu, đan dệt với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo và tình yêu ấy cũng hiệp nhất chúng ta trong tình cảm trìu mến với anh mặt trời, chị mặt trăng, anh sông và mẹ đất.” (x. Laudati Si’, số 92) Khi có sự cộng tác chung, ta sẽ được dẫn tới cảm thức rằng chính Thiên Chúa là chủ và là Đấng có toàn quyền trên căn nhà chung là trái đất này. Mỗi người được mời gọi cộng tác bằng việc bỏ đi tính tham lam ích kỷ khi muốn chiếm hữu các tài nguyên thiên nhiên. Thay vào đó, ta cần nghĩ tới người khác, nhất là những người nghèo, trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người. Được như vậy, lời ngợi khen Thiên Chúa sẽ trở nên tròn đầy hơn.
 


Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chúng con cảm tạ Chúa vì tất cả những ân huệ mà Người tặng ban cho chúng con. Chúa đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh của Người,  và đặt để chúng con vào trong ngôi nhà chung là trái đất. Chúa cũng đã tạo thành mọi sự vì mỗi người chúng con, trao cho chúng con quyền làm chủ, trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ công trình Chúa đã dựng nên. Một trong những món quà ấy chính là tài nguyên nước. Nước để nuôi sống chúng con và nuôi sống sinh vật cỏ cây. Thế nhưng, lạy Chúa, xuyên suốt dòng thời gian, vì sự tham lam và ích kỷ cá nhân mà chúng con đã hủy hoại những ân ban ấy theo nhiều cách thức khác nhau và không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức về giá trị lớn lao của nước đối với Trái đất và cách đặc biệt là với sự sống thể xác của chúng con, để nhờ đó, chúng con biết bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên mà Chúa đã tặng ban.
 
Peace
Nhóm Sinh viên Công giáo Thanh Hóa


Phần Dẫn nhập

Bài số 1: Laudato Si’: Lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất

Bài số 2: Laudato Si’: Chung tay cộng tác vì “Ngôi nhà chung”

Bài số 3: Laudato Si’ – Lời sám hối chân thành từ thực trạng rác thải y tế

Xin mời đón đọc bài số 5: Laudato Si’ – Cây xanh đã không còn xanh?