Giáo phận Thanh Hóa: Nhật ký (phần II) chuyến thăm viếng mục vụ vùng sâu vùng xa trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi

22/01/2020
2206
Phần I: một chuỗi niềm vui cho đi

http://giaophanthanhhoa.net/tin-giao-phan/giao-phan-thanh-hoa-nhat-ky-phan-i-chuyen-tham-vieng-muc-vu-vung-sau-vung-xa-trong-nhung-ngay-cuoi-nam-ky-hoi-28972.html

Phần II: một chuỗi niềm vui nhận về

Khi ra đi mang niềm vui đến với anh chị em sắc tộc H’Mông tại các bản làng, thì cũng là lúc mọi người cảm thấy mình được nhận về thật nhiều niềm vui. Quả đúng như lời Thánh Kinh: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Mc 4,24)

 

Niềm vui tông đồ

Tự bản chất ngữ nghĩa, tông đồ là người được sai đi. Niềm vui tông đồ là niềm vui biết rằng bản thân đang được sai phái thực thi lệnh truyền. Có mặt trong đoàn thăm viếng lần này, mỗi người được gợi hứng bởi những tác động khác nhau, nhưng đều chung quy nơi lời của Đức Giê-su: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21). Đó thực sự là một niềm vui được trở thành khí cụ trong tay Đức Chúa.

 
 

Trở thành khí cụ trong tay Thiên Chúa, người tông đồ luôn được Ngài trợ giúp chở che bằng nhiều cách thế khác nhau. Chuyến thăm viếng mục vụ lần này là một kinh nghiệm như vậy. Có ân nhân góp của, có ân nhân góp công, và có cả những người hy sinh thời gian “dẫn đường”, “bảo vệ” cho đoàn.
 

Khi biết mình làm việc cho Chúa, người tông đồ cảm thấy vui: vui vì mình không chỉ chăm lo cho riêng một người, nhưng phục vụ lợi ích phổ quát của biết bao người. Nói như ngôn ngữ của vài người trẻ hiện nay, khi “nhà đang bao việc”, thì lại đi lo việc cho bao người. Niềm vui tông đồ là thế!
 

Niềm vui khám phá

Khám phá trước tiên nằm ở vẻ đẹp nơi sự đơn sơ thật thà của bà con sắc tộc H’Mông. Như lời chia sẻ của các cha đang trực tiếp phụ trách cộng đoàn nơi đây: “bà con thật thà lắm, có sao nói vậy, chẳng ai lấy dư của ai điều gì.” Quả là một lối sống đẹp giữa một xã hội đang bị vấy bẩn bởi những lời xảo trá điêu ngoa.

 

Vẻ đẹp trong lối sống của bà con sắc tộc như thể làm lộ rõ vẻ đẹp về sự quan phòng lạ lùng của Thiên Chúa. Ở một nơi xa xôi hẻo lánh, một nơi mà điều kiện học tập còn gặp muôn vàn khó khăn, thì bà con lại sống thật thà chất phác, và luôn trung thành vững niềm cậy trông nơi Chúa. Thiên Chúa lạ lùng làm sao!
 

Cái lạ lùng của Ngài là cái lạ lùng của việc không ngừng lao tác cùng với con người: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." (Ga 5,17) Thiên Chúa làm việc để lo cho con người, để mang lại niềm hạnh phúc cho con người.

Niềm vui hoán cải

Dù khó khăn thiếu thốn, dù gian nan vất vả, nhưng bà con dân bản Pù Ngùa, Pa Púa và Suối Tôn, vẫn vui sống và hài lòng đón nhận những gì mình có. Từ cụ già tới con trẻ, từ bậc làm cha lẫn người làm mẹ, ai cũng quảng đại trao ban nụ cười tỏ lòng tri ân khi nhận món quà. Lòng biết ơn cao đẹp của bà con không khỏi khiến ai đó giật mình hoán cải về thực tại cuộc sống của mình. Bởi một lẽ, mỗi ngày sống qua đi là mỗi ngày đón nhận biết bao quà tặng từ chính Thiên Chúa tình yêu.

 

Chính Thiên Chúa đã làm cho anh chị em sắc tộc H’Mông yêu Ngài đến độ quên đi biết bao nhọc nhằn gian khó. Cho dẫu quãng đường đi bộ có dài hàng chục cây số, nơi cử hành Thánh Lễ có thiếu thốn đến độ chẳng đủ chỗ ngồi, ngôn ngữ có khó đến nỗi chẳng hiểu tiếng Kinh, thì bà con vẫn hăng hái miệt mài tìm đến với Chúa để cầu nguyện ca khen.
 

Thật là một lòng đạo đức đáng để suy gẫm và cải hoán!

(Xin mời đón đọc phần III: Một trang sử mới mở ra)