Giáo phận Thanh Hóa: Ngày thứ II của  Khóa Thường Huấn Linh Mục năm 2023

22/08/2023
38942
Bước sang ngày thứ II của Khóa Thường Huấn Linh Mục đoàn giáo phận Thanh Hóa. Trong bầu không khí thánh thiêng đầu ngày, sau giờ kinh sáng chung cùng với nhau, quý Cha đã cử hành thánh lễ mừng kính Đức Maria Nữ Vương do Đức Cha Giuse Đỗ Quang Khang, giám mục giáo phận Bắc Ninh chủ tế, để cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và cầu xin Mẹ ban cho quý Cha trong những ngày thường huấn này và sau nữa luôn sống trọn ơn gọi của mình một cách tốt đẹp và chu toàn sứ vụ mà Chúa ủy thác cho quý Cha một cách triệt để trong hành trình theo Chúa.

Sau bữa cơm sáng huynh đệ, đúng 8g00 chương trình thường huấn linh mục ngày thứ hai, 22.08.2023, bắt đầu trong bầu không khí vui tươi. Trong bài thuyết trình của mình, Đức Cha Giuse tiếp tục mời gọi Linh Mục đoàn giáo phận Thanh Hóa cùng với ngài tìm hiểu sâu hơn Tin Mừng Matthêu qua những điểm nhấn Thần Học, và giải thích một số bản văn Tin Mừng Matthêu tiêu biểu.

Những điểm nhấn Thần Học Tin Mừng Matthêu
Ở phần này, Đức Cha Giuse đã đưa ra năm điểm nhấn thần học trong Tin Mừng Matthêu; thứ nhất là thần học Tin Mừng Matthêu vừa mang tính đặc thù và tính phổ quát; hai là điểm nhấn thần học Kitô học; ba là điểm nhấn thần học Giáo hội học; bốn là điểm nhấn thần học Lề Luật và cuối cùng là điểm nhấn thần học xét xử. Qua các điểm nhấn ấy, Mattheu nhìn nhận chỗ đứng quan trọng của Luật Môsê trong cái nhìn của Chúa Giê-su, vì trên hết Ngài đến không phải là để phá đổ lề luật nhưng để kiện toàn Lề Luật. Mattheu cũng giới thiệu Đức Giê-su là Đấng mà đã được các tiên tri tiên báo trong Cựu Ước. Kế đến, nơi điểm nhấn Giáo hội, được Mattheu mô tả nơi khuôn mặt của Nhóm 12, có Phêro làm đầu như là hình ảnh tiên trưng của cộng đoàn mới, một Giáo hội, với cơ cấu, phẩm trật, luật lệ và chế tài. Một Giáo hội hướng đến những con người hèn mọn, bị gạt bỏ bên lề. 

Giải thích một số bản văn Tin Mừng Matthêu (phần 1)
Trong phần trình bày này, Đức Cha Giuse Đỗ Quang Khang đã đưa ra một số bản văn Tin Mừng Matthêu mà theo ngài những bản văn này chứa đựng những dấu hiệu cần được giải mã và hiểu nó trong bối cảnh và văn hóa Do Thái.

Thứ nhất là bản văn nói về "Gia Phả của Chúa Giêsu" trong việc đối chiếu với gia phả trong trong Tin Mừng Luca (Lc 3,23-38); Qua đó, ta thấy xuất hiện một Đức Giêsu lịch sử, một Đấng được sức dầu để thi hành sứ vụ do Thiên Chúa ủy thác,và là một Đấng được thừa kế lời giao ước của Thiên Chúa hứa cho Abraham và vua Đavít.

Kế đến, nơi bản văn "Truyền Tin cho Ông Giuse" trong việc đối chiếu với Tin Mừng Luca (Lc 2,1-7), giúp ta khẳng định về việc cưu mang Đức Giêsu nơi cung lòng của Mẹ Maria là do quyền phép Đức Chúa Thánh Thần chứ không do phàm nhân nào cả. 

Nơi bản văn “Các Nhà Chiêm Tinh Đến Bái Lạy Đức Giê-su Hài Nhi” (Mt 2.1-12), Matthêu gợi lên cho chúng ta những dấu chỉ cần giải mã để chúng ta thấy rằng, hành trình theo Chúa của các nhà chiêm tinh cũng là hành trình tìm kiếm – nhận biết- và lên đường. Đó cũng là hành trình của mỗi người môn đệ theo Chúa.

Buổi Thường Huấn Linh Mục Đoàn ngày thứ II đã khép lại với giờ Kinh Phụng Vụ chung trong tâm tình cảm mến. Nguyện xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Đức Maria Nữ Vương ban cho quý Đức Cha, quý Cha trong những ngày thường huấn còn lại được ơn bình an và ở lại trong ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen

BTT giáo phận Thanh Hóa
Đọc thêm: 
 Ngày thứ I của Khóa Thường Huấn Linh Mục 2023