Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô

11/09/2018
3229

Xuyên suốt gần ba thế kỷ, từ năm 1630 đến năm 1885, Giáo Hội Việt Nam chìm ngập trong thử thách và đau khổ, bị bách hại triền miên qua các đời vua chúa: Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và phong trào Văn Thân. Vậy mà Thánh Giá vẫn đứng vững và bất khuất giữa lòng đời. Năm 1837, dưới triều vua Minh Mạng, tổng đốc Nam Định là ông Trịnh Quang Khanh được triệu về kinh đô Huế, được vua trao cho 40 cây Thánh Giá với lệnh truyền phải áp dụng gắt gao chiếu chỉ cấm đạo. Ông Trịnh Quang Khanh trở thành một con người tàn bạo, được mệnh danh là “Hùm Xám Nam Định”. Và 40 cây Thánh Giá trở thành dụng cụ để thách thức niềm tin công giáo. Người tín hữu khi bị bắt, buộc phải “quá khoá”, nghĩa là phải bước qua Thánh Giá, một hành động nói lên sự “chối Chúa, bỏ đạo”.

Quả thật, bước qua Thánh Giá là thách đố nặng nề nhất mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam phải đối diện. Bước qua, là được sống, được trả lại tất cả những gì đã mất, đôi khi còn được tặng thêm chức cao quyền trọng bổng lộc phú quý vinh hoa. Chỉ một bước chân, là muôn vạn hạnh phúc trần thế ùa tới. Không “quá khóa”, ngay lập tức bị thích hai chữ “tả đạo” trên trán, kèm theo là đòn vọt, nhục hình, tù đày, tra tấn, bị tịch thu tài sản nhà cửa vợ con, và mất luôn mạng sống.

Thánh Giá trở nên cột mốc đức tin, phân định giữa sống và chết, giữa Thiên Chúa và thế gian. Giây phút đứng trước Thánh Giá là thời khắc sinh tử, vô cùng quan trọng. Đáp lại lời mời “quá khóa” của quan chức nhà vua, Thánh Têôphanô Ven nói: “tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo Thánh Giá, nay tôi lại đạp lên Thánh Giá thế nào được? Sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua?”.

Thánh Kim Thông thì nói: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên làm sao được”. Rồi ngài quỳ xuống hôn kính Thánh Giá. Có vị bị dụ dỗ giả vờ bước qua để quan có cớ mà tha, như Thánh Micae Hồ đình Hy; nhưng ngài đã khôn ngoan thắng được cám dỗ tinh vi ấy. Có vị bị khiêng qua Thánh Giá, nhưng đã kịp co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích…

Lịch sử còn nhắc mãi mẫu gương của ba thánh Augustinô Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Đức Thể và Đaminh Đinh Đạt. Quan quân bày ra trước mắt các ngài 10 nén vàng, 1 cây Thánh Giá và 1 thanh gươm, rồi nói: “Cho các ngươi tự ý chọn lựa: bước qua Thánh Giá, thì được vàng; nếu không, lưỡi gươm này sẽ chặt đôi các ngươi ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển”. Các ngài đã chọn thanh gươm, và được phúc tử đạo tại Nam Định năm 1839. Nhiều vị thì ôm lấy Thánh Giá vào lòng, nêu bật đức tin mạnh mẽ vào Chúa KiTô, như thánh Phaolô xưa :“Tôi sẵn sàng không những để cho người ta trói, mà còn chịu chết vì danh Chúa Giê-su “(Cv 21,13).

Không một nhục hình nào, không một hứa hẹn dụ dỗ ngọt ngào nào, khiến các anh hùng tử đạo nao núng. Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân đức tin và tình mến lớn lao cao cả. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Không bước qua Thánh Giá, can đảm chấp nhận khổ hình, là kết quả của những ngày dài cầu nguyện, của những đêm khuya trầm lắng hy sinh như Chúa KiTô trong vườn Dầu ngục thất năm xưa: “xin đừng làm theo ý con, nhưng theo ý Cha” (Mc 14,36). Dù ai nói ngả nói nghiêng, ta đây đứng vững như kiềng ba chân.

Lễ Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô (ngày 14.9) trong Năm Thánh 2018, là cơ hội đặc biệt để tưởng niệm và tôn vinh các anh hùng tử đạo. Chúng ta ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam có các bậc tiền bối anh dũng sống đạo và hiên ngang tử vì đạo. Năm Thánh nhắc nhở và thúc đẩy chúng ta thể hiện tinh thần sống đạo và tử vì đạo trong thế giới tục hóa. Quả thật, sống tinh thần tử đạo hôm nay cũng khó khăn không kém như chết vì đạo năm xưa, bởi có những hy sinh vì Tin Mừng khiến tim ta rỉ máu không khác gì việc chịu tử hình.

Để mãi mãi là muối mặn ướp đời, là men làm dậy thúng bột xã hội, là đuốc sáng chiếu soi trần gian, ta hãy chuyên chăm thực hành Lời Chúa, siêng năng hiệp dâng thánh lễ, can đảm lội ngược dòng tục hóa để thể hiện đức tin, sống bác ái cao độ, góp phần thức tỉnh thế giới, làm chứng cho Thiên Chúa là giá trị tuyệt đối, là viên ngọc quý nhất, kho tàng vô giá (x Mt 13,44-46), là sự sống muôn đời cho tất cả những ai trung thành tin yêu Ngài (x Ga 14,6).

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Các Thánh Tử Đạo VN).

Trích Nguyệt san Hạt Cải