Đức cha Paglia: Thông điệp Humanae Vitae và suy tư của các thần học gia về tính dục và sinh sản

11/06/2023
1116

 

  •  
  •  




Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, Đức cha Vincenzo Paglia, đề cập đến một số khía cạnh của thông điệp Humanae Vitae của Đức Phaolô VI, ở trung tâm của một cuộc hội thảo được tổ chức tại Rôma bởi diễn đàn đạo đức sinh học quốc tế Jérôme Lejeune.

Vatican News: Đạo đức sinh học khuyến khích suy tư về sự sống về tất cả các khía cạnh của nó. Ngày nay, chúng ta được mời gọi tập trung vào phần rỗi của hành tinh và nhân loại, và chiều kích của đạo đức sinh học toàn cầu đòi hỏi một liên minh giữa tất cả các ngành khoa học. Theo nghĩa này, khi nhìn vào các tài liệu của Giáo hội, Đức Cha đánh giá thế nào về thông điệp Humanae Vitae, 55 năm sau khi nó được công bố ?

Đức cha Paglia: Tôi muốn dừng lại ở một khía cạnh mà tôi cho là thiết yếu. Tôi muốn nói về mối liên hệ cấu thành giữa tính dục, tình yêu vợ chồng và sinh sản, vốn là chủ đề rất thời sự của Humanae Vitae. Đức Phaolô VI nhắc lại bốn “đặc điểm” cơ bản của tình yêu vợ chồng: một tình yêu hoàn toàn nhân linh, nghĩa là vừa cảm giác vừa thiêng liêng, một tình yêu toàn vẹn, nghĩa là một hình thức rất đặc biệt của tình bạn cá nhân, một tình yêu chung thủy và độc hữu cho đến chết, một tình yêu phong nhiêu. Tình yêu vợ chồng như thế là phong nhiêu, lập tức vượt qua vấn đề muôn thuở về mối tương quan giữa các mục đích của hôn nhân, mục đích chính (sinh con và giáo dục con cái, prolis generatio et educatio) và mục đích phụ (giúp đỡ lẫn nhau và phương dược xoa dịu dục vọng, mutuum adiutorium et remedium concupiscentiae).

Bằng cách này, sự phong nhiêu của việc sinh sản được coi là một đặc điểm nội tại của tình yêu vợ chồng chứ không phải là một phần thêm về sau. Như chúng ta đã hiểu được một cách khôn ngoan ngày nay, cần phải tự hỏi làm thế nào vấn đề được Humanae Vitae đặt ra có thể tiếp tục nuôi dưõng sự hiểu biết về mối liên hệ giữa tính dục, tình yêu vợ chồng và sinh sản, một sự hiểu biết đã trở nên rõ ràng hơn dưới ánh sáng của viễn cảnh chủ thuyết nhân vị. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng điều rất quan trọng là chúng ta tiếp tục suy tư và thảo luận về chủ đề này, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại cách chính xác về các biện pháp ngừa thai, khi khẳng định rằng “bổn phận của các thần học gia là nghiên cứu, suy tư thần học”. Chúng ta không thể làm thần học với chữ “không” trước mặt. Vì thế, chính Huấn quyền sẽ nói: “Không, bạn đã đi quá xa, hãy quay lại. Nhưng sự phát triển thần học phải cởi mở, các thần học gia ở đó vì điều đó” (Họp báo trên chuyến bay trở về từ Canada, ngày 29/7/2022).

Vatican News: Đâu là sứ điệp và giá trị của Thông điệp này ?

Đức cha Paglia: Việc nhìn nhận mối liên hệ bất khả phân ly giữa tình yêu vợ chồng và sinh sản trong Humanae Vitae không có nghĩa là bất kỳ mối quan hệ vợ chồng nào đều nhất thiết phải có khả năng sinh sản. Với lời khẳng định này, Thông điệp lấy lại tuyên bố mào đầu của Đức Piô XII trong bài phát biểu nổi tiếng dành cho các nữ hộ sinh năm 1951. Chính vì lý do này mà, khi lấy lại một trực giác rất thích đáng của Công đồng (Gaudium et Spes, số 50 và 51), Đức Phaolô VI nhìn nhận rằng việc sinh sản phải “có trách nhiệm”, và chỉ ra các phương pháp tự nhiên như là phương tiện để thực hiện trách nhiệm này. Sau đó, trong Tông huấn Familiaris consortio, Đức Gioan-Phaolô II sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của việc suy tư thần học để đào sâu – ngoài khía cạnh sinh học đơn thuần – ý nghĩa nhân học và luân lý của “sự lựa chọn các chu kỳ tự nhiên”: sự lựa chọn này “thực sự bao hàm cả việc chấp nhận thời gian của nhân vị, nghĩa là của người nữ, và với cả việc chấp nhận đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, làm chủ bản thân”.

Vatican News: Ở đoạn số 14 của Humanae Vitae, Đức Phaolô VI khẳng định rằng mọi phương tiện ngăn cản việc sinh sản đều là bất hợp pháp, một lệnh cấm có thể gây ra “khoảng cách” giữa các tín hữu và Huấn quyền. Đức Cha nghĩ sao về điều này?

Đức cha Paglia: Về phần mình, tôi đồng ý với tất cả các đoạn văn của Humanae Vitae. Bạn sẽ không tìm thấy ai bảo vệ sự sống con người cách quyết liệt và kiên cường hơn tôi. Tôi nghĩ rằng Thông điệp này phải được đọc trong tính thời sự của nó, vốn liên quan đến việc sinh sản của các mối quan hệ con người. Chúng ta đang đối mặt với những thách thức mang tính thời đại: vào thập niên 1960, “viên thuốc” dường như là một cái xấu tuyệt đối. Ngày nay, chúng ta đang đối mặt với những thách thức còn lớn hơn nữa: sự sống của toàn thể nhân loại đang lâm nguy nếu chúng ta không ngăn chặn được vòng xoáy của các cuộc xung đột, vũ khí, nếu chúng ta không ngăn chặn việc phá hủy môi trường. Tôi muốn có một lối đọc sáp nhập Humanae Vitae với các thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô (và của Đức Gioan-Phaolô II) và với Tông huấn Amoris laetitia, để mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa nhân bản toàn diện. Toàn diện, bằng cách bỏ đi các lối đọc một phần. Rốt cuộc, Đức Hồng y Zuppi, trong thông điệp gởi tới cuộc hội thảo, đã viết rằng điều “rất quan trọng là chúng ta tránh tiến hành theo những vòng tròn hẹp và đồng nhất, mà cuối cùng sẽ có ý định lặp lại các lập trường của các tham dự viên, mà không kích hoạt một cuộc đối thoại chân thành và đích thực”. Quả thật, bởi vì – tôi xin nhắc lại – ngày nay, thách thức của sự tiếp tục, của việc bảo vệ, của sự phát triển sự sống con người phải được đặt ra theo cách thức chiều ngang, như Thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti dạy chúng ta.

Vatican News: Liệu có thể liên kết lại, và nếu có thì bằng cách nào, Thông điệp Humanae Vitae với Tông huấn Amoris laetitia?

Đức cha Paglia: Mối liên kết là gia đình. Bằng cách định vị mình như là mô hình sinh sản của các mối tương quan nhân học cơ bản, gia đình chứng tỏ là “động cơ của lịch sử”, một trường học đích thực về sự sống, mở ra cho xã hội và thế giới, một “phòng thí nghiệm” các mối tương quan nhân loại và trách nhiệm dân sự. Như thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gia đình mở ra cho thế giới và truyền đạt một cách sống trong đó, được ghi dấu không phải bằng sự chiếm hữu hay thống trị chuyên quyền, nhưng trao hiến và trách nhiệm, theo phong cách của nền sinh thái toàn diện mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác họa trong Thông điệp Laudato si’.
Trong chân trời này, chúng ta cũng có thể hiểu rõ mối liên hệ sâu xa giữa gia đình và Giáo hội. Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày điều này trong chương 3 của Amoris laetitia, khi ngài khẳng định “Giáo hội là một gia đình của các gia đình” (AL,87) và nói thêm: “Giáo hội tốt cho gia đình, gia đình tốt cho Giáo hội” (số 87).


Nguồn VaticanNews