Cuộc rước sám hối Thứ Tư Lễ Tro tại Vatican. Cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine

06/03/2022
878
 

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Hôm Thứ Sáu tuần trước, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha theo dự trù sẽ chủ sự các nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tuy nhiên, giờ chót ngài bị đau đầu gối nên đã nhờ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cử hành thay cho ngài.

Đức Hồng Y đã đọc bài giảng do Đức Thánh Cha dọn sẵn như sau:

Hôm nay, khi chúng ta bước vào Mùa Chay, Chúa nói với chúng ta: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6, 1). Điều đó có thể gây ngạc nhiên, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, từ chúng ta nghe thường xuyên nhất là phần thưởng (x. C 1.2.5.16). Thông thường, vào Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghĩ nhiều hơn đến sự cam kết đòi hỏi bởi hành trình đức tin, hơn là phần thưởng là mục tiêu của cuộc hành trình đó. Tuy nhiên, hôm nay Chúa Giêsu lặp đi lặp lại từ đó, phần thưởng, dường như là lý do cho hành động của chúng ta. Tuy nhiên, trong trái tim của chúng ta, thực sự, có một khát khao, mong muốn được ân thưởng, điều này thu hút và thúc đẩy chúng ta.

Tuy nhiên, Chúa nói đến hai loại phần thưởng mà cuộc sống của chúng ta có thể nhận được: phần thưởng từ Cha và mặt khác, phần thưởng từ thế gian. Phần thưởng thứ nhất là vĩnh cửu, là phần thưởng đích thực và chung cuộc, là mục đích của cuộc đời chúng ta. Phần thưởng thứ hai là phù du, là một ánh sáng mà chúng ta tìm kiếm bất cứ khi nào sự ngưỡng mộ của người khác và thành công trên thế gian trở thành điều quan trọng nhất đối với chúng ta, là sự hài lòng lớn nhất của chúng ta. Tuy nhiên, phần thưởng thứ hai này chỉ là một ảo ảnh. Nó giống như một ảo tưởng mà một khi chúng ta đến đó, chúng ta nhận ra ngay đó chỉ là ảo ảnh; nó khiến chúng ta không thỏa mãn. Sự bồn chồn và bất mãn luôn thường trực đối với những người hướng đến một thế giới đầy thu hút nhưng rồi lại thất vọng. Những người tìm kiếm phần thưởng thế gian không bao giờ tìm thấy hòa bình, cũng chẳng đóng góp gì cho hòa bình. Họ mất dấu Cha và anh chị em của họ. Đây là rủi ro mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt, và vì vậy, Chúa Giêsu bảo chúng ta “anh em hãy coi chừng”. Như muốn nói: “Anh em có cơ hội được hưởng một phần thưởng vô hạn, một phần thưởng có một không hai. Vì vậy, hãy coi chừng và đừng để mình bị lóa mắt bởi vẻ bề ngoài, theo đuổi những phần thưởng rẻ tiền khiến anh em thất vọng ngay khi chạm tay vào chúng”.

Nghi thức nhận tro trên đầu nhằm bảo vệ chúng ta khỏi sai lầm là đặt phần thưởng nhận được từ thế gian trước phần thưởng mà chúng ta nhận được từ Chúa Cha. Dấu chỉ khắc khổ này, khiến chúng ta suy ngẫm về sự phù du của thân phận con người chúng ta, dấu chỉ ấy giống như một loại thuốc có vị đắng nhưng lại có tác dụng chữa bệnh chuộng vẻ bề ngoài, một căn bệnh tâm linh nô lệ chúng ta và khiến chúng ta lệ thuộc vào lòng ngưỡng mộ của những người khác. Đó là sự “nô lệ” đích thực của đôi mắt và lòng trí (x. Ep 6,6, Cl 3:22). Đó là một chế độ nô lệ khiến chúng ta sống hết mình vì hư danh, trong đó điều quan trọng không phải là trái tim thuần khiết của chúng ta mà là sự ngưỡng mộ của người khác. Không phải Chúa nhìn chúng ta như thế nào, mà là thế gian nhìn chúng ta ra sao. Chúng ta không thể sống tốt nếu chúng ta sẵn sàng hài lòng với phần thưởng đó.

Vấn đề là “căn bệnh chuộng vẻ bề ngoài” này đe dọa ngay cả những khu vực linh thiêng nhất. Đó là điều mà Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày nay: rằng ngay cả việc cầu nguyện, bác ái và kiêng ăn cũng có thể trở nên tự quy chiếu. Trong mọi hành vi, dù là cao thượng nhất, cũng có thể ẩn chứa sâu xa sự tự mãn. Lúc đó trái tim của chúng ta không hoàn toàn tự do, vì nó tìm kiếm, không phải tình yêu của Cha và anh chị em của chúng ta, mà là sự tán thành của con người, sự vỗ tay của mọi người, và vinh quang của chính chúng ta. Mọi thứ sau đó có thể trở thành một kiểu giả vờ trước mặt Chúa, trước chính mình và trước người khác. Đó là lý do tại sao lời Chúa thúc giục chúng ta hãy nhìn vào bên trong và nhận ra sự giả hình của chính mình. Chúng ta hãy chẩn đoán bệnh chuộng bề ngoài mà chúng ta tìm kiếm và cố gắng vạch mặt chúng. Điều đó sẽ tốt cho chúng ta.

Tro tàn nói lên sự trống rỗng ẩn sau cuộc truy tìm điên cuồng để giành lấy những phần thưởng trần thế. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng tinh thần thế gian giống như lớp bụi được cuốn đi bởi một cơn gió nhẹ. Anh chị em ơi, chúng ta không ở trên đời này để đuổi gió; lòng chúng ta khát khao sự vĩnh cửu. Mùa Chay là thời gian được Chúa ban cho chúng ta để đổi mới, nuôi dưỡng đời sống nội tâm và hành trình hướng tới Lễ Phục sinh, hướng tới những điều không qua đi, hướng tới phần thưởng mà chúng ta sẽ nhận được từ Chúa Cha. Mùa Chay cũng là một hành trình chữa lành. Không phải thay đổi trong một sớm một chiều mà là sống mỗi ngày với một tinh thần đổi mới, một “phong cách” khác biệt. Cầu nguyện, bác ái và ăn chay là những trợ giúp cho điều này. Khi được thanh tẩy bởi tro của Mùa Chay, được thanh tẩy khỏi vẻ giả hình của dáng vẻ bề ngoài, cầu nguyện, bác ái và ăn chay thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn và khôi phục trong chúng ta mối quan hệ sống động với Thiên Chúa, với anh chị em của chúng ta và với chính chúng ta.

Cầu nguyện, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện “nơi kín đáo” (Mt 6, 6), trong phòng của chúng ta, trở thành bí quyết làm cho cuộc sống của chúng ta thăng hoa ở mọi nơi khác. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại, ấm áp trong tình cảm và sự tin cậy, là điều an ủi và mở rộng tâm hồn chúng ta. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu nguyện trên hết bằng cách nhìn lên Chúa chịu đóng đinh. Chúng ta hãy mở rộng trái tim mình để đón nhận sự dịu dàng đầy cảm động của Thiên Chúa, và trong những vết thương của Người, hãy đặt những vết thương của chính chúng ta và của thế giới chúng ta. Chúng ta đừng lúc nào cũng vội vàng nhưng hãy tìm thời gian để đứng trong thinh lặng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta hãy khám phá lại sự hiệu quả và đơn giản của cuộc đối thoại chân thành với Chúa. Vì Thiên Chúa không quan tâm đến vẻ bề ngoài. Thay vào đó, Ngài thích được tìm thấy nơi kín đáo, là “bí mật của tình yêu”, tránh xa mọi sự phô trương và ồn ào.

Nếu lời cầu nguyện là chân thật, thì nó nhất thiết phải sinh hoa trái nơi lòng bác ái. Và lòng bác ái giải phóng chúng ta khỏi hình thức nô dịch tồi tệ nhất, đó là nô lệ cho bản thân. Lòng bác ái Mùa Chay, được thanh tẩy bởi đống tro tàn này, đưa chúng ta trở lại những gì thiết yếu, đến với niềm vui sâu sắc khi cho đi. Bố thí, khi được thực hành xa ánh đèn sân khấu, lấp đầy trái tim bằng sự bình an và hy vọng. Nó tiết lộ cho chúng ta vẻ đẹp của việc cho đi, mà khi đó trở thành nhận lại, và do đó cho phép chúng ta khám phá ra một bí mật quý giá: đó là lòng chúng ta vui khi cho hơn là khi nhận (x. Cv 20:35).

Cuối cùng là chay tịnh. Ăn chay không phải là ăn kiêng. Thật vậy, chay tịnh giải phóng chúng ta khỏi sự quy hướng bản thân và sự tìm kiếm đầy ám ảnh vóc dáng thể chất gọn đẹp, nhằm giúp chúng ta giữ gìn vóc dáng không chỉ về cơ thể mà còn về tinh thần. Chay tịnh khiến chúng ta đánh giá cao mọi thứ theo đúng giá trị của chúng. Chay tịnh nhắc nhở chúng ta một cách cụ thể rằng cuộc sống không được phụ thuộc vào khung cảnh phù du của thế giới hiện tại. Cũng thế, chay tịnh không chỉ giới hạn ở thức ăn. Đặc biệt trong Mùa Chay, chúng ta nên kiêng khem bất cứ thứ gì có thể tạo ra nơi chúng ta bất kỳ một dạng nghiện ngập nào đó. Đây là điều mà mỗi chúng ta nên suy ngẫm, để chay tịnh theo cách sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế của chúng ta.

Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh cần phải được thực hiện một cách “kín đáo”, nhưng điều đó không đúng với tác dụng của chúng. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh không phải là liều thuốc chỉ dành cho chúng ta mà còn cho tất cả mọi người: chúng có thể thay đổi lịch sử. Thứ nhất, bởi vì những người trải nghiệm hiệu ứng của chúng hầu như truyền sang cho những người khác một cách vô thức; nhưng trên hết, vì cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là những cách chính yếu để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống của chúng ta và trong thế giới. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là vũ khí của tinh thần và với những điều đó, vào ngày cầu nguyện và ăn chay cho Ukraine này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho hòa bình mà con người không có khả năng tự xây dựng.

Lạy Chúa, Chúa thấy nơi những gì là kín nhiệm và Chúa ban thưởng cho chúng con ngoài sự mong đợi của chúng con. Hãy lắng nghe lời cầu nguyện của những người tín thác nơi Chúa đây, đặc biệt là những kẻ bé mọn, những người bị thử thách nặng nề, và những người đau khổ và những người phải chạy trốn trước tiếng gầm của vũ khí. Xin Chúa khôi phục sự bình yên cho tâm hồn chúng con; và một lần nữa, xin ban bình an của Chúa cho những ngày này của chúng con. Amen.
Source:Holy See Press Office