Huấn Thị - Quyền Bính Và Vâng Phục

20/03/2018
2141

Bộ các Hội dòng tận hiến và các Tu đoàn tông đồ

Huấn thị

QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC[1]

Faciem tuam, Domine, requiram
“Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài”

************** 

Mục lục

DẪN NHẬP

1. Đời sống thánh hiến như một chứng từ của sự tìm kiếm Thiên Chúa

2. Một con đường giải phóng

3. Mục tiêu, đối tượng và những giới hạn của văn kiện

PHẦN I: THÁNH HIẾN VÀ TÌM KIẾM THÁNH Ý CHÚA

4. Chúng ta đi tìm ai?

5. Vâng phục là lắng nghe

6. “Nghe đây, hỡi Israel!”(Đnl 6,4)

7. Vâng phục Lời Chúa

8. Bước theo Đức Giêsu, Người Con vâng phục Chúa Cha

9. Vâng phục Thiên Chúa qua trung gian nhân loại

10. Học vâng phục từng ngày

11. Trong ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần

12. Quyền bính nhằm phục vụ việc vâng phục ý Chúa

13. Một vài ưu tiên trong việc phục vụ của người cầm quyền

14. Sự phục vụ của người cầm quyền dựa theo luật Hội Thánh

15. Thi hành sứ vụ với sự tự do của những con cái Thiên Chúa

PHẦN II: QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ

16. Giới răn mới

17. Những người cầm quyền phục vụ cộng đoàn, cộng đoàn phục vụ Nước Thiên Chúa

18. Ngoan ngoãn để Thánh Thần dẫn dắt đến hiệp nhất
19. Hướng tới một linh đạo hiệp thông và một sự thánh thiện cộng đoàn

20. Vai trò của người cầm quyền đối với việc tăng trưởng tình huynh đệ

21.“Người đứng đầu thì phải hầu hạ” (Mt 20, 27)

22. Đời sống huynh đệ như sứ vụ

PHẦN III: ĐI SỨ VỤ

23. Đi sứ vụ với tất cả con người, giống như Chúa Giêsu

24. Đi sứ vụ để phục vụ

25. Quyền bính và sứ vụ

26. Những khi vâng phục gặp khó khăn

27. Vâng phục và vấn nạn lương tâm

28. Nỗi khó khăn của người cầm quyền

29. Vâng phục cho đến tận cùng

30. Lời cầu nguyện cho những người cầm quyền

31. Lời cầu xin Đức Maria 

----------------- 

DẪN NHẬP

“Xin thánh nhan Ngài chiếu tỏa trên chúng con và chúng con sẽ được cứu độ”

Tv 79,4

Đời sống thánh hiến như một chứng từ của sự tìm kiếm Thiên Chúa

1. "Faciem tuam, Domine, requiram - Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài”(Tv 27,8). Con người, bị bao phủ trong mầu nhiệm vĩ đại quyện lấy mình, đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời giống như một kẻ hành hương, thực sự đang tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa, tuy dù thường không ý thức điều ấy. “Lạy Chúa, xin cho con biếtđường lối của Chúa, xin dạy con lối đi của Ngài ” (Tv 25,4): không ai có thể cất khỏi trái tim con người sự tìm kiếm Đấng mà Thánh Kinh nói “ Ngài là tất cả” (Hc 43,27) và tìm kiếm mọi nẻo đường tiến đến Ngài.

Đời sống thánh hiến, được kêu gọi để làm hiển hiện trong Giáo hội và thế giới những đặc nét của Đức Giêsu khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục[2], phát triển trong bầu khí của việc tìm kiếm thánh nhan Chúa và các đường lối dẫn đến Người (xc. Ga 14,4-6 ). Một sự tìm kiếm dẫn đến cảm nghiệm bình an – “sự bình an của chúng ta ở nơi thánh ý của Người en sua voluntate è nostra pace[3] - và điều này gây ra sự lao đao vất vả mỗi ngày, bởi vì Chúa là Thiên Chúa, và đường lối và tư tưởng của Ngài không luôn là đường lối và tư tưởng của chúng ta (Xc. Is 55,8 ). Bởi vậy, người thánh hiến làm chứng cho việc miệt mài tìm kiếm ý Chúa, vừa vui tươi vừa lao đao, và vì thế mà lựa chọn sử dụng mọi phương tiện có sẵn để giúp mình nhận biết ý Chúa và củng cố trong việc hoàn tất.

Ở đây, cộng đoàn tu trì cũng tìm thấy ý nghĩa của nó: cộng đoàn là một sự hiệp thông của những người thánh hiến tuyên hứa cùng nhau tìm kiếm và thi hành ý Chúa, một cộng đoàn của những chị em hoặc anh em, với những vai trò khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu và cùng một đam mê. Vì thế, ở trong cộng đoàn, tuy rằng tất cả đều được gọi để tìm kiếm điều gì đẹp lòng Chúa và vâng phục Người, nhưng một vài người được mời gọi, thường là trong một thời hạn, thi hành trách nhiệm đặc biệt là trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, và là người hướng dẫn trong việc tìm kiếm chung và trong việc thi hành, vừa cá nhân vừa tập thể, ý Chúa. Đây là vai trò phục vụ của quyền bính.

Một con đường giải phóng

2. Văn hóa của các xã hội Tây phương, cực lực đề cao vai trò của chủ thể , đã góp phần vào việc quảng bá giá trị kính trọng phẩm giá con người, ủng hộ sự phát triển tự do và tự trị.

Việc nhìn nhận ấy tạo nên một trong những đặc điểm quan trọng nhất của thời hiện đại, và là một dữ kiện quan phòng đòi hỏi những cách thức mới trong quan niệm về quyền bính và những gì gắn liền với nó. Mặt khác, phải nhớ rằng một khi tự do có khuynh hướng trở thành độc đoán và sự tự trị của con người trở thành tự lập tách khỏi Đấng Tạo hóa và những tương quan với người khác, thì người ta sẽ thấy mình đứng trước những hình thức tôn thờ ngẫu tượng không làm tăng thêm tự do nhưng lại trở thành nô lệ .

Trong những trường hợp như thế, những người tin vào Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Giacop, tin vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, phải dấn thân vào con đường giải phóng bản thân khỏi mọi sự sùng bái ngẫu tượng. Đó là một hành trình có thể tìm thấy một hình ảnh hấp dẫn nơi kinh nghiệm Xuất hành: con đường giải phóng dẫn từ chỗ chấp nhận ồ ạt dư luận vu vơ đến chỗ tự nguyện gắn bó với Thiên Chúa và, từ chỗ mù quáng chạy theo những sự đánh giá một chiều, đến chỗ tìm kiếm những hành trình dẫn đến sự hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Hành trình Xuất hành được dẫn dắt bởi cột mây, vừa sáng vừa tối, của Thần khí Thiên Chúa, và, kể cả đôi khi dường như bị lạc vào những hướng đi vô nghĩa, thì cuối cùng nó vẫn nhằm đến sự thân mật hạnh phúc của trái tim Thiên Chúa: “Ta mang con trên đôi cánh phượng hoàngvà đem con tới đây cho Ta” (Xh 19,4). Một nhóm nô lệ được giải phóng để trở nên một dân tộc thánh vui hưởng sự tự do phục vụ Thiên Chúa. Những biến cố của cuộc Xuất hành là một kiểu mẫu cho toàn thể thực tại Thánh kinh và được xem như một sự tiên báo của đời sống trần thế của Đức Giêsu, Đấng thoát khỏi nô lệ qua việc vâng phục ý muốn quan phòng của Chúa Cha.

Mục tiêu, đối tượng và những giới hạn của văn kiện

3. Bộ các Hội Dòng Tận hiến và các Tu đoàn Tông đồ trong Khóa họp Khoáng đại vừa rồi, từ ngày 28 đến 30 tháng 9 năm 2005, đã quan tâm đến chủ đề về việc thi hành quyền bính và vâng phục trong đời sống thánh hiến. Mọi người đều nhìn nhận rằng chủ đề này mời gọi sự suy tư cẩn thận, trước hết bởi vì những thay đổi đang xảy ra trong nội bộ các hội dòng và cộng đoàn trong những năm gần đây, và cũng dưới ánh sáng của những văn kiện mới của Huấn quyền về việc canh tân đời sống thánh hiến.

Huấn thị này là kết quả của những gì nảy sinh trong Khóa họp Khoáng đại vừa nói và trong cuộc bàn luận kế tiếp của Bộ. Văn kiện được gửi đến các phần tử của các Hội dòng thánh hiến sống tình huynh đệ cộng đoàn, nghĩa là gửi đến tất cả những người nam và nữ thuộc về các Dòng tu, và những phần tử các Tu đoàn tông đồ. Tuy nhiên, những người thánh hiến khác, tuỳ theo nếp sống của họ, cũng có thể thâu lượm những chỉ dẫn hữu ích. Đối với tất cả những ai được gọi để làm chứng cho quyền tối thượng của Thiên Chúa qua việc tự nguyện vâng phục ý muốn của Chúa, Tài liệu này mong muốn giúp đỡ và khích lệ họ vui tươi sống tiếng XIN VÂNG với Chúa.

Khi bàn luận chủ đề này, Huấn thị biết rằng nó mang nhiều hàm ý và cũng biết rằng trong thế giới rộng lớn của đời sống thánh hiến hôm nay, không chỉ có nhiều dự án đoàn sủng và những dấn thân truyền giáo khác nhau, nhưng cũng có một sự đa dạng của những mô hình quản trị và thực hành vâng phục, những sự dị biệt này thường chịu ảnh hưởng của những bối cảnh văn hóa khác nhau[4]. Hơn nữa, cần lưu ý đến những khác biệt, ngay cả dưới khía cạnh tâm lý, giữa những cộng đoàn nữ giới và nam giới. Thêm vào đó, cũng cần để ý đến những vấn đề mới được đặt ra cho vấn đề thi hành quyền bính do các hình thức của sự hợp tác truyền giáo, cách riêng sự hợp tác với các giáo dân. Ngoài ra, tầm quan trọng dành cho quyền bính địa phương hay quyền bính trung ương trong các hôi dòng cũng chi phối những hình thức không đồng bộ trong việc thi hành quyền bính và vâng phục. Cuối cùng, không được quên rằng truyền thống của đời sống thánh hiến thường nhìn hình thức   “công nghị” của tổng hội (hoặc của những cuộc hội họp tương tự) như là quyền bính tối cao của dòng[5], mà mọi phần tử, bắt đầu từ các bề trên, đều phải qui chiếu.

Thêm vào những điều đó là những ghi nhận hiển nhiên trong những năm gần đây về cách thức lắng nghe, cách thức sống quyền bính và vâng phục đã thay đổi cả trong Hội thánh cũng như trong xã hội. Đừng kể những lý do khác, điều này bắt nguồn từ sự nhận thức về giá trị của cá nhân con người, với ơn gọi và những khả năng trí thức, tình cảm và tâm linh, với tính tự do và khả năng tương quan của họ; từ việc đề cao linh đạo hiệp thông[6] với việc đánh giá những công cụ giúp con người sống linh đạo ấy; từ chỗ hiểu biết sứ vụ một cách khác biệt và ít mang tính cách cá nhân hơn, trong việc chia sẻ với mọi thành phần Dân Chúa, kèm theo những hình thức hợp tác cụ thể .

Tuy nhiên, khi nhận định về một số yếu tố của ảnh hưởng văn hóa hiện nay, cần nhắc rằng khát vọng thể hiện chính mình nhiều khi có thể trở thành xung khắc với những dự phóng cộng đoàn; sự tìm kiếm thoả mãn cá nhân, dù thiêng liêng hay vật chất, có thể gây khó khăn cho sự hiến thân hoàn toàn cho việc phục vụ sứ vụ chung; những lối nhìn quá chủ quan về đoàn sủng và việc phục vụ tông đồ có thể làm suy yếu sự hợp tác và chia sẻ huynh đệ.

Tuy nhiên tại một vài bối cảnh khác, lại nảy lên những vấn đề trái ngược, chịu ảnh hưởng bởi một cái nhìn lệch lạc về phía tập thể và sự đồng nhất quá đáng, mang theo nguy cơ bóp chẹt sự phát triển và trách nhiệm của các cá nhân. Sự quân bình giữa cá nhân và cộng đoàn không phải là chuyện dễ dàng, và vì thế sự quân bình giữa quyền bính và vâng phục cũng chẳng phải là điều dễ.

Huấn thị này không có ý định giải quyết hết mọi vấn đề được nêu lên do những yếu tố và những nhạy cảm vừa kể. Có thể nói rằng những vấn đề ấy nằm ở tiềm thức của những suy tư và những chỉ dẫn được đưa ra đây. Mục đích chính của Huấn thị này là tái khẳng định rằng sự vâng phục và quyền bính, cho dù được thực hành theo nhiều cách thức đi nữa, luôn có liên quan đặc biệt đến Chúa Giêsu, người Tôi tớ vâng phục. Hơn nữa, huấn thị đề nghị giúp đỡ quyền bính trong việc phục vụ ba chiều kích: đối với những cá nhân được gọi sống đời thánh hiến của họ (phần thứ nhất); xây dựng cộng đoàn huynh đệ (phần thứ hai); tham gia sứ vụ chung (phần thứ ba).

Những nhận định và hướng dẫn này tiếp nối những gì mà các văn kiện trước đây đã đồng hành với lộ trình của đời sống thánh hiến vào những năm không mấy dễ dàng, đặc biệt Huấn thị Những Chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội Dòng năm 1990[7], Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn năm 1994[8], Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Đời sống thánh hiến năm 1996[9] và Huấn thị Phát xuất lại từ Đức Kitô: Canh tân cam kết Đời thánh hiến trong Thiên niên kỷ thứ ba, năm 2002[10]. ********** 

PHẦN THỨ NHẤT

THÁNH HIẾN VÀ TÌM KIẾM THÁNH Ý CHÚA

“Ngõ hầu, một khi đã được giải thoát, chúng ta có thể phục vụ Người trong thánh thiện và công chính”

Lc 1,74-75 

Chúng ta đi tìm ai?

4. Với các môn đệ tiên khởi, là những người có lẽ vẫn còn ngập ngừng nghi nan khi đi theo một vị Rabbi mới, Chúa Giêsu hỏi: ” Các bạn tìm gì? ” (Ga 1,38). Qua câu hỏi này, chúng ta có thể đọc thấy những câu hỏi triệt để khác: Con tim bạn tìm kiếm cái gì ? Bạn đang bận tâm về điều gì? Bạn đang tìm chính mình hay tìm Đức Chúa, Thiên Chúa của bạn? Bạn đang theo đuổi những khát mong của riêng mình hay theo đuổi nỗi khát mong của Đấng tạo nên con tim bạn, và muốn cho nó được thực hiện theo như Người biết và hiểu? Bạn chỉ chạy theo những sự vật chóng qua hay bạn đang tìm kiếm Đấng không qua đi? Thánh Bênađô nhận xét[11] “Lạy Chúa, trong thế giới đầy tương phản này, chúng con cần phải quan tâm tới điều gì? Từ khi mặt trời mọc lên cho đến khi lặn xuống, con nhìn thấy con người bị chao đảo bởi những hỗn độn của thế gian: kẻ thì tìm kiếm tiền tài, kẻ thì tìm kiếm địa vị, kẻ khác lại tìm kiếm thoả mãn danh vọng”.

“Lạy Chúa, con tìm kiếm Thánh nhan Ngài” (Tv 27,8 ) là lời đáp trả của con người đã nhận ra tính độc nhất và vĩ đại vô biên của mầu nhiệm Thiên Chúa và quyền tối thượng của thánh ý Người; nhưng cũng là lời đáp trả, tuy dù là ám tàng và mông lung chăng nữa, của mỗi con người thụ tạo vật trên đường tìm kiếm sự thật và hạnh phúc. Quaerere Deum (tìm kiếm Thiên Chúa) vẫn luôn là chương trình của mỗi sinh linh khát khao Đấng Tuyệt đối và Vĩnh cửu. Nhiều người ngày nay có khuynh hướng coi bất cứ hình thức lệ thuộc nào cũng là hèn hạ; thế nhưng bản chất của một thụ tạo là lệ thuộc vào một Ai Khác, và con người xét theo bản chất là sống tương quan cho nên cũng lệ thuộc vào những người khác.

Người tín hữu tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống và chân thật, Khởi thủy và Cùng đích mọi sự, Đấng Thiên Chúa không được tạo dựng theo hình ảnh và giống như ta, nhưng là Đấng Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh và giống như Ngài, Đấng Thiên Chúa tỏ hiện ý muốn của Ngài, Đấng chỉ cho thấy những con đường dẫn đến Người: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, trước thánh nhan vui sướng tràn đầy, ở bên ngài hoan lạc chẳng hề phai” (Tv 16,11).

Tìm kiếm ý Chúa có nghĩa là tìm kiếm một ý muốn thân thiết và nhân từ, ý muốn đó ước mong sự thành toàn của chúng ta, nhất là ý muốn đó khát mong một sự đáp trả tình yêu bằng tình yêu tự nguyện, để biến chúng ta trở thành dụng cụ của tình yêu linh thánh. Chính trong con đường tình yêu này (via amoris)mà nở ra bông hoa lắng nghe và vâng phục.

Vâng phục là lắng nghe

5. “Con ơi, hãy lắng nghe” (Cn 1,8). Trước hết, vâng phục là một thái độ của người con. Đó là thứ lắng nghe đặc biệt mà chỉ người con mới có thể dành cho cha mẹ mình, bởi vì nó được soi sáng bởi niềm xác tín rằng cha mẹ chỉ nói và trao ban cho mình điều tốt mà thôi. Đây là một cách lắng nghe, đầy tin tưởng, làm cho người con chấp nhận ý muốn của cha mẹ, chắc chắn rằng ý muốn ấy sẽ tốt cho mình.

Điều này lại càng rất đúng đối với Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta chỉ đạt đến sự sung mãn của mình khi chúng ta đặt mình trong kế hoạch mà Người đã dành cho chúng ta bằng một tình thương của người Cha. Vì thế, vâng phục là con đường duy nhất mà con người, một hữu thể hiểu biết và tự do, có sẵn để phát huy hết năng lực của mình.Thật vậy, khi nào nói “không” với Thiên Chúa, con người làm hư hỏng kế hoạch của Chúa, hạ giá bản thân mình và chuốc lấy thất bại cho mình.

Vâng phục Thiên Chúa là con đường tăng trưởng và, vì thế, là con đường tự do cho con người bởi vì sự vâng phục này cho phép ta đón nhận một kế hoạch hay một ý muốn khác với ý riêng mình, một ý muốn không những là không bóp nghẹt hay làm suy giảm phẩm giá con người mà còn xây dựng cho phẩm giá ấy nữa. Đồng thời, tự do tự nó cũng là một con đường vâng phục, bởi vì chính khi vâng phục kế hoạch của Cha như là người con mà người tín hữu hoàn thành sự tự do của mình. Dĩ nhiên, sự vâng phục như thế đòi hỏi con người nhìn nhận chính mình như con cái và vui thích được như vậy, bởi vì chỉ như người con mới có thể tự do đặt mình trong bàn tay của Cha; giống hệt như Đức Giêsu, Người Con, Đấng đã phó mình cho Chúa Cha. Ngay cả trong cuộc Khổ nạn, khi Người nộp mình cho Giuđa, cho các thượng tế, cho các lý hình, cho đám đông hung dữ, và cho những kẻ đóng đinh, thì Người hành động cũng chỉ vì tin chắc tuyệt đối rằng, mọi sự đều tìm được ý nghĩa của nó trong sự trung tín hoàn toàn với kế hoạch cứu độ theo ý muốn của Chúa Cha, Đấng “hài lòng không phải vì cái chết, nhưng là vì ý muốn của kẻ đã tự nguyện chết”, như Thánh Bênađô nhắc nhở chúng ta[12]. “Nghe đây, hỡi Israel ! ” (Đnl 6,4)

6. Đối với Thiên Chúa, người con là dân Israel, dântộc mà Chúa đã chọn, cưu mang, nuôi dưỡng, nắm lấy tay, đưa lên má và dạy bước đi (xc Hs 11,1-4). Bằng một giọng điệu tình cảm dạt dào, Thiên Chúa không ngừng nói với họ Lời của Ngài, cho dù dân này không luôn lắng nghe, hoặc coi như một gánh nặng, như một “lề luật”. Toàn thể Cựu ước là một lời mời gọi lắng nghe, và sự lắng nghe nhằm chuẩn bị Giao ước Mới, như Chúa nói: “Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽkhắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Dt 8,10; xc Gr 31,33).

Lắng nghe đưa tới vâng phục, như là một lời đáp trả tự do và giải phóng của dân Israel mới đối với đề nghị của một giao ước mới. Vâng phục là thành phần của Giao ước Mới, thậm chí là nét đặc trưng riêng biệt của nó. Điều này chỉ có thể hiểu được trong trong logic của tình yêu, của tình thân thắm thiết với Thiên Chúa, của sự gắn bó vĩnh viễn với Đấng mà làm cho con người thực sự được tự do.

Vâng phục Lời Chúa

7. Về phía thụ thạo, hành vi vâng phục thứ nhất là bắt đầu hiện hữu, nhằm thể hiện tiếng fiat (“hãy có”) của Thiên Chúa gọi con người được trở nên hiện hữu. Sự vâng phục ấy được diễn tả trọn vẹn nơi một thụ tạo tự do nhận ra và chấp nhận mình như là một quà tặng của Tạo hóa, để nói tiếng “Vâng” khi trở nên hiện hữu từ Thiên Chúa. Như thế, đây là hành vi tự do thực sự đầu tiên cũng là hành vi thứ nhất và nền tảng của sự vâng phục đích thực.

Tiếp đến, sự vâng phục riêng biệt của người tín hữu là gắn bó với Lời mà Thiên Chúa mạc khải và thông đạt chính mình, và qua đó mỗi ngày Ngài canh tân giao ước tình yêu.Từ Lời đó xuất phát sự sống được thông truyền liên tiếp mỗi ngày. Vì vậy, mỗi buổi sáng người tín hữu tìm kiếm một cuộc tiếp xúc bền bỉ và sống động với Lời được công bố trong ngày đó, suy niệm và nắm giữ Lời trong trái tim mình như một kho tàng, làm cho Lời trở thành nền tảng cho mọi hành động và là tiêu chuẩn chính yếu của mọi lựa chọn. Và vào cuối ngày, người tín hữu lại đặt mình trước Lời, chúc tụng Chúa như Cụ Simeon xưa đã thấy Lời vĩnh cửu được hoàn tất trong những biến cố nhỏ bé của mỗi ngày (xc Lc 2,27-32), và trao phó cho sức mạnh của Lời những gì vẫn chưa được thực hiện. Thật vậy, Lời không chỉ làm việc ban ngày, nhưng làm việc luôn mãi, theo như Chúa đã dạy trong dụ ngôn hạt giống (xc Mc 4,26-27).

Cuộc gặp gỡ âu yếm mỗi ngày với Lời sẽ dạy cho con người biết khám phá đường lối dẫn đến sự sống và những cách thức mà Thiên Chúa muốn giải phóng con cái mình; nuôi dưỡng bản năng thiêng liêng của con người bằng những điều làm đẹp lòng Chúa; truyền đạt cảm quan và thích thú ý muốn của Chúa; ban bình an và niềm vui vì sống trung tín với Ngài; làm cho con người nhạy cảm và mau mắn đối với mọi hình thức vâng phục: vâng phục Phúc âm (Rm 10,16; 2Tx 1,8), vâng phục đức tin (Tm 1,5;16,23; Cv 6,7), và vâng phục chân lý ( Gl 5,7; 1 P 1,22).

Tuy nhiên, không được quên rằng kinh nghiêm đích thực về Thiên Chúa luôn là một kinh nghiệm về Đấng Khác biệt. “Cho dù giữa Tạo hoá và thụ tạo có nhiều nét giống nhau đến đâu đi nữa, sự khác biệt giữa đôi bên còn lớn hơn gấp bội”[13]. Các nhà thần bí và những người đã nếm hưởng sự thân mật với Thiên Chúa đều nhắc nhở chúng ta rằng sự tiếp xúc với Mầu nhiệm cao cả luôn là sự tiếp xúc với Đấng Khác biệt, với một ý muốn đôi khi khác hẳn ý muốn của chúng ta cách kinh khủng. Thật ra, vâng phục Thiên Chúa có nghĩa là bước vào một trật tự “khác” của các giá trị, nắm bắt một cảm nhận mới mẻ và khác biệt về thực tại, trải nghiệm một sự tự do chưa hề nghĩ đến, tiến tới ngưỡng cửa của mầu nhiệm: “Vìtư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta cũng không phải đường lối các ngươi, sấm ngôn của Chúa. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu”(Is 55,8-9).

Nếu việc bước vào thế giới của Thiên Chúa như thế có thể gây ra sự sợ hãi, nhưng, dựa trên gương của các thánh, kinh nghiệm cho thấy rằng điều mà con người không thể làm nổi thì Thiên Chúa khiến cho nó có thể được. Do đó, cảm nghiệm này trở thành sự vâng phục đích thực đối với mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng vừa gần gũi thân mật nhất (“interior intimo meo”[14]), lại vừa hoàn toàn khác biệt.

Bước theo Đức Giêsu, Người Con vâng phục Chúa Cha

8. Trên hành trình này, chúng ta không cô độc: chúng ta được hướng dẫn bởi gương của Đức Kitô, người Con Yêu dấu mà Chúa Cha yêu thích (Mt 3,17;17,5), và cũng là Đấng giải thoát chúng ta nhờ sự vâng phục của Người. Chính Người đã gợi hứng cho sự vâng phục của chúng ta, ngõ hầu kế hoạch cứu độ cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành kể cả qua chúng ta.

Trong Đức Kitô, tất cả đều là lắng nghe và chấp nhận Cha (xc Ga 8,28-29); tất cả đời sống trần thế của Người là một sự diễn tả và tiếp nối những gì mà Ngôi Lời thực hiện trong vĩnh cửu: để cho mình được Cha yêu, chấp nhận tình yêu của Cha một cách vô điều kiện, tới mức không làm bất cứ điều gì theo ý mình (xc Ga 8,28) nhưng luôn làm những gì vui lòng Cha. Ý muốn của Chúa Cha là lương thực nuôi dưỡng Đức Giêsu trong công việc của Người (xc Ga 4,34) và điều đó đem lại hoa trái cho Người cũng như cho chúng ta là ơn phục sinh, niềm vui sáng ngợp được bước vào chính trái tim của Thiên Chúa, gia nhập đoàn ngũ thánh của con cái Chúa (xc Ga 1,12). Chính nhờ sự vâng phục của Đức Giêsu mà “mọi người được kể là công chính” (Rm 5,19).

Người cũng sống vâng phục khi phải đối diện với cái chén khó uống (xc Mt 26,39.42; Lc 22,42), và Người đã trở nên “vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Đây là khía cạnh bi đát của sự vâng phục của Người Con được bao trùm trong một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ có thể thầu hiểu hoàn toàn được, nhưng lại quan trọng đối với chúng ta, bởi vì nó tỏ lộ cho chúng ta cả tính cách con thảo của sự vâng phục Kitô giáo: duy chỉ người Con cảm nhận được mình được Cha yêu và yêu Cha bằng toàn thân mình, thì mới có thể đạt tới sự vâng phục triệt để như thế.

Người Kitô hữu, giống như Đức Kitô, được định nghĩa như một kẻ vâng phục. Dĩ nhiên trong đời sống Kitô hữu, tình yêu giữ địa vị tối thượng, nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng tình yêu ấy đã có một khuôn mặt và một danh xưng nơi Đức Giêsu Kitô và đã trở nên đức Vâng phục. Do đó, vâng phục không phải là nhục nhã nhưng là sự thật giúp cho sự tròn đầy của con người được xây dựng và thể hiện. Vì thế, người tín hữu ước mong một cách mãnh liệt chu toàn ý muốn của Chúa Cha như là khát vọng tối thượng của đời mình. Như Đức Giêsu, người tín hữu muốn sống bởi ý muốn này. Trong việc noi gương Đức Kitô và học nơi Người, bằng một cử chỉ của sự tự do tuyệt đối và của niềm tín thác vô điều kiện, người thánh hiến đặt ý muốn của mình ở trong tay Chúa Cha để dâng một hy tế hoàn hảo đẹp lòng ngài (xc Rm 12,1).

Tuy nhiên, trước khi trở thành mẫu gương về sự vâng phục, Đức Kitô là Đấng mà mọi Kitô hữu vâng phục. Thật vậy, chính nhờ việc thực hành những lời của Người mà ta trở môn đệ đích thực (xc. Mt 7,24) và chính việc tuân giữ các mệnh lệnh của Người diễn tả ra cụ thể tình yêu đối với Người và lôi kéo tình yêu của Chúa Cha (xc. Ga 14,21). Người ở giữa cộng đoàn tu trì như là Kẻ phục vụ (xc Lc 22,27), nhưng cũng như là đối tượng của việc tuyên xưng đức tin (“Anh em hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy”[Ga 14,1]) và đối tượng của việc tuyên khấn vâng phục, bởi vì duy chỉ nơi sự vâng phục mà việc đi theo Chúa mới trở nên bền bỉ và chắc chắn. “Thật vậy, chính Chúa Phục sinh, hiện diện gần đây giữa anh em được qui tụ nhân danh Người, là Đấng vạch cho thấy con đường phải theo”[15].

Vâng phục Thiên Chúa qua trung gian nhân loại

9. Thiên Chúa biểu lộ ý muốn của Người qua tác động bên trong của Thánh Thần, Đấng “hướng dẫn mọi người đến sự thật” ( Ga 16,13 ), và qua nhiều trung gian bên ngoài. Thực vậy, lịch sử cứu độ là một lịch sử của các trung gian, nó làm hiển hiện cách nào đó mầu nhiệm ân sủng mà Thiên Chúa hoàn thành trong nơi thâm sâu của cõi lòng. Ngay cả trong cuộc đời Đức Giêsu, ta có thể nhận thấy không ít những trung gian nhân loại, qua đó Người nhận ra, giải thích, và chấp nhận ý của Chúa Cha, như lẽ sống và lương thực liên lỉ cho cuộc đời và sứ mạng của Người.

Các trung gian bên ngoài thông chuyển ý muốn của Chúa là điều phải chấp nhận trong những diễn biến của cuộc sống và trong những đòi hỏi cụ thể của một ơn gọi đặc biệt, nhưng các trung gian ấy cũng được diễn tả nơi những luật lệ điều hành cuộc sống của đoàn thể và nơi những quyết nghị của những ai được kêu gọi hướng dẫn các đoàn thể ấy. Trong khung cảnh Hội thánh, những luật lệ và những quyết nghị, được ban hành hợp pháp, cho phép ta nhận ra ý Chúa, bởi vì chúng diễn tả những yêu sách Tin mừng ra thực tại cụ thể và “có trật tự”.

Hơn nữa, những người thánh hiến được gọi để bước theo Đức Kitô vâng phục trong một “kế hoạch Tin mừng” hoặc một kế hoạch đoàn sủng, được Thánh Linh soi sáng và Hội thánh xác nhận. Khi chuẩn nhận một kế hoạch đoàn sủng như là một hội dòng, Hội thánh bảo đảm rằng nguồn cảm hứng và những quy tắc thiết định hội dòng có thể cung ứng một nẻo đường tìm kiếm Thiên Chúa và sự thánh thiện. Vì thế, Lề luật và những quy định khác liên quan đến lối sống cũng trở thành phương tiện trung gian ý muốn của Chúa: tuy là trung gian nhân loại nhưng vẫn có thẩm quyền, trung gian bất toàn nhưng vẫn ràng buộc, là điểm khởi phát để bắt đầu mỗi ngày, và hăng hái phóng đến sự thánh thiện mà Thiên Chúa “muốn” cho mọi người thánh hiến. Trong hành trình này, những người cầm quyền được trao nhiệm vụ mục vụ là hướng dẫn và quyết định.

Dĩ nhiên là tất cả những điều vừa nói sẽ chỉ được cảm nghiệm một cách mạch lạc và hiệu quả nếu duy trì được lòng khao khát muốn biết và thi hành ý Chúa, và ý thức sự mỏng dòn của mình cũng như chấp nhận giá trị của những trung gian đặc thù, kể cả khi không nắm bắt hoàn toàn những lý do mà các vị trung gian đưa ra.

Những trực giác thiêng liêng của các Vị Sáng lập, nhất là của những vị đã ghi dấu ấn đáng kể trên con đường tu hành qua các thế kỷ, đều luôn dành tầm quan trọng lớn lao cho sự vâng phục. Ngay từ khởi đầu Tu luật, thánh Biển Đức đã nói với các đan sĩ: “Bây giờ tôi ngỏ lời với anh, là kẻ đã từ bỏ ý muốn của riêng mình, để chiến đấu cho Chúa Kitô là Vua đích thực, anh hãy lãnh nhận võ khí mạnh mẽ và tuyệt vời nhất của sự vâng phục”[16]

Cũng cần phải nhớ rằng tương quan quyền bính-vâng phục được đặt ở trong khung cảnh rộng lớn hơn của mầu nhiệm Hội Thánh và thể hiện cách đặc biệt nhiệm vụ của Hội thánh làm trung gian. Về mặt này Bộ Giáo luật nhắn nhủ các bề trên hãy “thi hành quyền bính, nhận được từ Thiên Chúa qua sứ vụ của Hội thánh, trong tinh thần phục vụ”[17].

Học vâng phục từng ngày

10. Vì thế, đối với người thánh hiến có thể xảy ra chuyện “học vâng phục” qua đau khổ, nghĩa là qua những tình huống đặc thù và khó khăn: ví dụ, khi được yêu cầu từ bỏ một vài kế hoạch hoặc ý tưởng cá nhân, khước từ chủ trương tự mình giải quyết cuộc sống và sứ vụ; hoặc những khi điều đuợc yêu cầu (hoặc người yêu cầu) xem ra như không thuyết phục lắm theo phán đoán tự nhiên. Kẻ nào gặp phải những tình huống như vậy thì đừng quên rằng trung gian tự bản tính là hữu hạn và thấp kém so với điểm quy chiếu, nhất là khi đề cập đến trung gian nhân loại sánh với ý muốn của Thiên Chúa; nhưng cũng nên nhớ rằng mỗi khi con người đứng trước một mệnh lệnh được ban hành một cách hợp pháp, thì Chúa đòi phải vâng phục người nắm quyền bính mà lúc đó làm đại diện cho ngài[18] và ngay cả Đức Kitô cũng “học vâng phục từ những đau khổ Người phải chịu”(Dt 5,8).

Về điểm này, thật thích hợp để nhớ lại những lời của Đức Phaolô VI: “Các con phải am hiểu ít nhiều về sức mạnh đã thúc đẩy Đức Kitô đến Thánh giá của Người, đến ‘phép rửa mà Người phải lãnh nhận’, nơi đó bốc cháy ngọn lửa sẽ thiêu đốt các con (xc Lc 12,49-50); các con phải hiểu ít nhiều về ‘sự điên rồ’ mà thánh Phaolô cầu chúc cho tất cả chúng ta, bởi vì chỉ có sự điên rồ ấy mới làm cho chúng ta được khôn ngoan (xc 1 Cr 3,18-19 ). Chớ gì đối với các con, cũng như xưa đối với Đức Kitô, Thánh giá trở nên bằng chứng của tình yêu vĩ đại nhất. Phải chăng đã chẳng có một mối tương quan nhiệm mầu giữa thái độ từ bỏ và niềm vui, giữa hy sinh và tâm hồn được mở rộng, giữa kỷ luật và sự tự do thiêng liêng đó sao ?”[19]

Đúng vậy, trong những trường hợp đau khổ này mà người thánh hiến học vâng phục Chúa (xc Tv 119,7), lắng nghe Người và chỉ gắn bó với Ngài, chờ đợi Lời mạc khải của Ngài (xc Tv 119,81) với lòng kiên nhẫn và đầy hy vọng, trong tâm tình hoàn toàn sẵn sàng và quảng đại hoàn thành ý muốn của Chúa chứ không phải ý riêng mình (xc Lc 22,42).

Trong ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần

11. Do đó, ta gắn bó theo Chúa mỗi khi cảm thấy Người hiện diện nơi những trung gian nhân loại, đặc biệt nơi Tu luật, các bề trên, cộng đoàn[20], các dấu chỉ thời đại, những kỳ vọng của tha nhân, cách riêng là những người nghèo; khi ta có can đảm thả lưới dựa vào “ sức mạnh của lời Chúa” (xc Lc 5,5) chứ không chỉ dựa vào những động lực phàm nhân; khi ta chọn vâng phục không chỉ Thiên Chúa mà vâng phục cả con người khác nữa, nhưng cũng là vì Chúa chứ không vì người khác. Trong Hiến pháp, thánh Inhaxiô viết: “Sự vâng phục chân thật không xét đến mình vâng phục ai nhưng mình vâng phục vì ai; ta chỉ vâng phục vì Đấng Tạo thành và Đức Chúa của chúng ta; chính vị Chủ tể vạn vật là Đấng mà ta vâng phục”[21].

Nếu trong những lúc khó khăn, kẻ nào được mời gọi vâng phục mà không ngớt kêu xin Chúa Cha ban Thánh Thần (xc Lc 11,13), thì Cha sẽ ban Thánh Thần và Thánh Thần sẽ ban ánh sáng và sức mạnh để họ vâng phục, sẽ giúp họ biết chân lý và chân lý sẽ làm cho họ được tự do (xc Ga 8,32).

Chính Đức Giêsu, trong nhân tính của Người, cũng đã được Thánh Thần dẫn dắt: được thụ thai trong lòng Trinh nữ Maria nhờ tác động của Thánh Thần, lúc khởi đầu sứ vụ, khi chịu phép rửa, Người lãnh nhận Thánh Thần ngự trên Người và hướng dẫn Người; sau khi sống lại, Người ban Thánh Thần trên các môn đệ để họ cũng bước vào cùng một sứ vụ như Người, loan báo ơn cứu độ và tha thứ do công nghiệp của Người. Thánh Thần là Đấng đã xức dầu Đức Giêsu cũng là Thánh Thần sẽ làm cho tự do của chúng ta nên giống như tự do của Chúa Kitô, hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa[22].

Vì thế, mọi người cần phải mở lòng ra với Thánh Thần, bắt đầu từ các bề trên là người lãnh nhận quyền bính từ Thánh Thần[23] và hành sử quyền bính dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, trong thái độ “ngoan ngoãn tuân hành ý Chúa”[24].

Quyền bính nhằm phục vụ việc vâng phục ý Chúa

12. Trong đời sống thánh hiến, mọi người phải chân thành tìm kiếm ý Chúa Cha, bởi vì nếu không như vậy thì chẳng còn lý do cho việc lựa chọn cuộc sống này nữa; tuy vậy điều cũng không kém quan trọng là việc tìm kiếm này được thực hiện cùng với những anh em/ chị em, bởi vì đó chính là điều đã liên kết họ, làm cho họ trở thành một gia đình kết hợp với Chúa Kitô”.

Quyền bính là để phục vụ việc tìm kiếm này, để đảm bảo cho nó được diễn ra trong sự thành thực và chân lý. Trong bài giảng khởi đầu tác vụ lãnh đạo Giáo hội, Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định rất chính xác rằng:” Chuơng trình cai quản thật sự của tôi không phải là làm theo ý riêng của mình, không phải theo đuổi những ý tưởng của riêng tôi, nhưng là cùng với toàn thể Hội thánh, lắng nghe, lời và ý muốn của Chúa, và để cho Ngài hướng dẫn, ngõ hầu chính Ngài là Đấng hướng dẫn Hội thánh vào giờ phút này của lịch sử chúng ta.”[25] Mặt khác, cần phải nhìn nhận rằng nhiệm vụ hướng dẫn kẻ khác không dễ dàng, đặc biệt khi cảm thức tự trị cá nhân trở thành thái quá hoặc gây mâu thuẫn và cạnh tranh trong các tương quan với những người khác. Vì thế tất cả mọi người cần phải rèn luyện cái nhìn đức tin đối với nhiệm vụ này, noi theo thái độ của Đức Giêsu, người Tôi tớ đã rửa chân cho các tông đồ để cho họ được tham dự vào cuộc sống và tình yêu của Người (xc Ga 13,1-17).

Điều này đòi hỏi một sự nhất quán chặt chẽ về phía những người hướng dẫn các hội dòng, tỉnh dòng (hoặc các đơn vị khác của hội dòng) và các cộng đoàn. Những người được gọi để thi hành quyền bính phải biết rằng họ chỉ có khả năng thực thi chức vụ khi nào họ tiên phong dấn thân vào cuộc hành hương tìm kiếm ý Chúa với lòng nhiệt thành và ngay chính. Lời khuyên của thánh Ignaxiô Antiokia dành cho một đồng nghiệp giám mục quả là thích hợp: “Đừng để cho ai làm điều gì mà không có sự đồng ý của ngài, nhưng ngài đừng làm điều gì mà không có sự đồng ý của Thiên Chúa.”[26] Những người nắm quyền bính phải hành động thế nào để các anh em/ chị em có thể nhận ra được rằng khi họ ra lệnh thì chỉ vì để vâng phục Thiên Chúa mà thôi.

Việc tôn trọng ý Chúa giúp cho những người cầm quyền sống trong một trạng thái tìm kiếm khiêm tốn, ngõ hầu hành động của họ hết sức phù hợp với ý Chúa. Thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta rằng kẻ vâng lời luôn chu toàn ý Chúa, không phải bởi vì lệnh truyền của quyền bính nhất thiết phù hợp với ý Chúa, nhưng bởi vì ý Chúa muốn cho nguời ấy vâng phục kẻ có trách nhiệm[27]. Về phần mình, những kẻ cầm quyền phải tìm kiếm một cách cần mẫn điều mà thực sự Chúa muốn, nhờ việc cầu nguyện, suy nghĩ, và bàn hỏi với những người khác. Nếu không như thế thì bề trên, thay vì thay mặt Chúa, thì lại cả gan chiếm chỗ của Chúa.

Vì thế, với ý định làm theo ý Chúa, quyền bính và vâng phục không phải là hai thực tại khác biệt hoặc đố kị với nhau, nhưng là hai chiều kích của cùng một thực tại Tin mừng, của cùng một mầu nhiệm Kitô giáo, hai đường lối bổ túc nhau để tham dự vào cùng một hiến tế của Đức Kitô. Quyền bính và vâng phục được hiện thân nơi Đức Giêsu: vì lý do này cả hai đều cần được hiểu trong mối tương quan trực tiếp với Người và trong sự hoà đồng với Người. Đời sống thánh hiến đơn thuần là muốn sống Quyền bính của Người và sự Vâng phục của Người.

Một vài ưu tiên trong việc phục vụ của người cầm quyền

13. a) Trong đời sống thánh hiến, quyền bính tiên vàn là một thẩm quyền tinh thần[28]. Những người cầm quyền nhận thức rằng họ được gọi để phục vụ một lý tưởng vượt xa hơn mình, một lý tưởng chỉ có thể tiến đến gần trong một bầu khí cầu nguyện và khiêm tốn kiếm tìm, cho phép họ nắm bắt được tác động của cùng một Thánh Thần trong trái tim của mỗi anh em / chị em. Một quyền bính được coi là “tinh thần” khi được đặt vào việc phục vụ những gì mà Thánh Thần muốn thực hiện qua những ân điển mà Ngài phân phát cho mỗi phần tử của cộng đoàn, trong kế hoạch đặc sủng của dòng.

Để có khả năng thăng tiến đời sống thiêng liêng, những người cầm quyền trước tiên cần phải trau dồi đời sống ấy nơi bản thân mình, qua việc thân mật cầu nguyện hằng ngày với Lời Chúa, với Luật dòng và những quy tắc khác của đời sống, trong thái độ sẵn sàng lắng nghe người khác và những dấu chỉ của thời đại. “Việc phục vụ của người cầm quyền đòi hỏi một sự hiện diện kiên trì, để có thể làm sinh động và đề xướng, nhắc nhở lý do hiện hữu của đời thánh hiến, giúp những người được ủy thác biết đáp ứng lời kêu gọi của Thánh Thần, với sự trung tín luôn đổi mới ”[29]

b) Những người cầm quyền được mời gọi đảm bảo cho cộng đoàn có thời gian và phẩm chất dành cho việc cầu nguyện, chăm sóc sự trung tín hằng ngày của cộng đoàn với việc cầu nguyện, vì ý thức rằng ta đến với Chúa bằng từng bước nhỏ nhưng kiên trì, mỗi ngày và do mỗi người; cũng như ý thức rằng những người thánh hiến có thể trở nên hữu ích cho tha nhân trong tầm mức họ được kết hợp với Thiên Chúa. Ngoài ra, những người cầm quyền được mời gọi hãy tỉnh thức, bắt đầu từ chính bản thân mình, để không mất sự tiếp xúc hằng ngày với Lời Chúa, vì “Lời Chúa có sức xây dựng” (Cv 20,32) những cá nhân và cộng đoàn, và chỉ vẽ những đường lối cho sứ vụ. Nhớ tới mệnh lệnh của Chúa:” Hãy làm việc này để nhớ đến Ta” (Lc 22,19), những người cầm quyền hãy lo liệu để cho mầu nhiệm thánh của Mình và Máu Đức Kitô được cử hành và tôn kính như là “ nguồn mạch và tột đỉnh”[30] của sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa các anh em/ chị em. Cử hành và tôn thờ hồng ân Thánh Thể trong sự vâng phục trung thành với Chúa, cộng đoàn nhận lãnh từ đó cảm hứng và sức mạnh để hiến toàn thân cho Thiên Chúa, để trở thành dấu chỉ của tình yêu vị tha của Người đối với nhân loại và là điểm quy chiếu cho những thiện ích tương lai[31].

c) Những người cầm quyền được mời gọi thăng tiến phẩm giá con người, qua việc quan tâm đến mỗi phần tử của cộng đoàn và con đường tăng trưởng thành của họ, tỏ lòng trân trọng và quý mến với mỗi người, nuôi dưỡng tình cảm chân thành đối với tất cả, và bảo mật những điều được thổ lộ.

Thật thích hợp để nhắc lại rằng trước khi kêu gọi sự vâng phục (cần thiết) thì cần phải thi hành đức ái (không thể thiếu được). Ngoài ra, cũng nên sử dụng sự hiệp thông đúng nghĩa, nghĩa là tránh hai thái cực: một đàng, không thể và không được phép hiểu như một thứ chuyển nhượng quyền bính cho cộng đoàn (kèm theo việc ngầm khuyến khích rằng “ai muốn làm gì thì cứ làm”); đàng khác, là một lối áp đặt kín đáo quan điểm của mình (mỗi người hãy “làm điều tôi muốn”).

d) Những người cầm quyền được mời gọi khơi dậy lòng can đảm và hy vọng giữa những khó khăn. Cũng như hai ông Phaolô và Barnaba đã khích lệ các môn đệ khi dạy bảo rằng “cần phải trải qua nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22), những người cầm quyền phải giúp biết chấp nhận những khó khăn của giây phút hiện tại, nhắc nhở rằng chúng nằm trong số những đau khổ thường rải rắc trên con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa.

Đứng trước một vài hoàn cảnh khó khăn trong đời thánh hiến, chẳng hạn như tại những nơi mà sự hiện diện của nó dường như bị suy yếu và thậm chí biến mất, người hướng dẫn cộng đoàn hãy nhớ lại giá trị trường kỳ của nếp sống này, bởi vì hôm nay, cũng như hôm qua và mãi mãi, không có gì quan trọng hơn, đẹp đẽ và chân thật hơn là dành cuộc đời của mình để phục vụ Chúa và những người con cái nhỏ bé nhất của Ngài.

Người lãnh đạo cộng đoàn giống như vị Mục tử Nhân lành hiến mạng vì đoàn chiên, bởi vì ngay cả trong lúc gay cấn họ cũng không rút lui, nhưng hiện diện, tham gia vào những lo âu và khó khăn của những người được trao phó cho họ chăm sóc, dành hết tâm lực mình vào đó; và giống như người Samaritanô tốt lành, họ sẵn sàng chăm sóc mọi vết thương. Hơn nữa, người lãnh đạo khiêm tốn nhìn nhận những hạn chế của mình và cần được người khác giúp đỡ, biết thu lượm những hụt hẫng và thất bại của mình thành những kinh nghiệm phong phú.

e) Những người cầm quyền được mời gọi để gìn giữ đặc sủng của dòng. Việc thực thi quyền bính cũng bao gồm sự phục vụ đặc sủng riêng biệt của hội dòng của mình, giữ gìn cẩn thận và làm cho nó hiện thực trong cộng đoàn địa phương hoặc trong tỉnh dòng hoặc toàn thể hội dòng, dựa theo những kế hoạch và định hướng đã được đưa ra, đặc biệt bởi các tổng hội (hoặc những đại hội tương tự)[32]. Điều này đòi hỏi những người cầm quyền phải hiểu biết tường tận đoàn sủng của hội dòng, trước hết thấm nhuần nó vào trong cuộc sống bản thân, rồi giải thích nó trong với đời sống huynh đệ cộng đoàn và trong sinh hoạt giữa lòng Hội thánh và xã hội.

f) Những người cầm quyền được mời gọi duy trì “cảm thức với Hội thánh”(sentire cum Ecclesia). Nhiệm vụ của người cầm quyền còn là duy trì cảm thức đức tin và hiệp thông với Hội thánh, giữa lòng một đoàn dân nhận biết và chúc tụng những kỳ công của Thiên Chúa, qua việc làm chứng cho niềm vui được thuộc về Chúa trong đại gia đình Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Việc đi theo Chúa không thể thực hiện do những thủy thủ đơn độc nhưng được hoàn thành trong chiếc thuyền của ông Phêrô đương đầu với bão tố; và những người thánh hiến góp phần vào sự vận hành của chiếc thuyền bằng lòng trung thành vất vả và vui tươi[33]. Vì thế những người cầm quyền hãy nhớ rằng “Sự vâng phục của chúng ta là tin với Hội thánh, nghĩ và nói với Hội thánh, phục vụ với Hội thánh. Ở đây cũng có thể áp dụng điều mà Đức Giêsu tiên báo cho Phêrô: ‘Con sẽ được dẫn đến chỗ con không muốn’. Để cho mình được dẫn đến chỗ mà mình không muốn là một chiều kích thiết yếu của sự phục vụ của chúng ta, và đó chính là điều làm cho chúng ta được tự do”[34].

Cảm thức với Hội thánh (sentire cum Ecclesia), như đã chiếu sáng nơi các vị sáng lập, bao hàm một linh đạo hiệp thông chân chính, nghĩa là “một mối tương quan hữu hiệu và trìu mến đối với các Giám mục, trước hết là với Đức Giáo hoàng, trung tâm sự hiệp nhất của Hội thánh ”[35] . Mọi người thánh hiến phải hoàn toàn và tin tưởng vâng phục Người kể cả do hiệu lực của lời khấn[36]. Hơn nữa, sự hiệp thông với Hội thánh đòi hỏi một sự trung thành gắn bó với huấn quyền của Giáo hoàng và các Giám mục, như một chứng từ cụ thể của tình yêu đối với Hội thánh và niềm say mê với sự hiệp nhất của Hội thánh[37].

g) Những người cầm quyền được mời gọi đồng hành với lộ trình thường huấn. Một nhiệm vụ rất quan trọng vào thời nay của những người cầm quyền là đồng hành trên đường đời với những người được uỷ thác cho mình. Điều này được chu toàn không chỉ bằng việc giúp đỡ giải quyết những vấn đề nảy sinh hoặc vượt qua những khủng hoảng mà còn quan tâm đến sự tăng trưởng bình thường của mỗi người qua mọi chặng và giai đoạn của cuộc đời, ngõ hầu đảm bảo cho “sự trẻ trung tinh thần được tồn tại suốt đời”[38] và người thánh hiến luôn phù hợp hơn với “những tâm tình nơi Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5).

Vì thế, trách nhiệm của những người cầm quyền là duy trì nơi mỗi phần tử thái độ sẵn sàng đào tạo liên lỉ, khả năng học hỏi từ cuộc sống, sự tự do để cho mỗi người được người khác đào tạo, và mỗi người cảm thấy có trách nhiệm đối với sự tăng trưởng của người khác. Tất cả những điều ấy sẽ được hỗ trợ nhờ sử dụng các phương tiện của việc tăng trưởng cộng đoàn mà truyền thống để lại, và ngày nay được đặc biệt giới thiệu bởi những người kinh nghiệm vững chắc trong lãnh vực huấn luyện thiêng liêng, đó là: chia sẻ Lời Chúa, dự phóng cá nhân và cộng đoàn, phân định cộng đoàn, kiểm điểm đời sống và sửa lỗi huynh đệ.[39]

Sự phục vụ của người cầm quyền dựa theo luật Hội Thánh

14. Trong những đoạn trên đây, sự phục vụ của người cầm quyền trong đời sống thánh hiến được mô tả dựa theo việc tìm kiếm ý Chúa Cha và một vài ưu tiên được vạch ra.

Để cho những ưu tiên này không bị hiểu như là điều nhiệm ý, thiết tưởng nên tóm lại những đặc điểm của việc thực thi quyền bính dựa theo Bộ Giáo luật[40], diễn ra thành quy phạm những nét tiêu biểu theo Tin mừng của việc hành sử quyền bính do các bề trên dòng tu thuộc nhiều cấp độ.

a) Đức vâng phục của Bề trên. Dựa theo đặc trưng của quyền bính trong Hội thánh, Bộ Giáo luật nhắc nhớ bề trên rằng: trước hết ngài được kêu gọi làm kẻ vâng phục đầu tiên. Do nhiệm vụ đảm nhận, ngài phải vâng phục luật Chúa, bởi vì quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa và ngài phải tường trình theo lương tâm với Chúa, vâng phục luật Hội thánh, vâng phục Đức Giáo hoàng, và vâng phục luật riêng của dòng

b) Tinh thần phục vụ. Sau khi tái khẳng định rằng quyền bính trong dòng tu bắt nguồn từ đặc sủng và qua trung gian của Hội thánh, giáo luật nhấn mạnh rằng quyền bính của bề trên, cũng tựa như mọi thứ quyền bính trong Hội thánh, mang đặc trưng là tinh thần phục vụ, theo gương Đức Kitô Đấng “không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45).

Đặc biệt, một vài khía cạnh của tinh thần phục vụ được vạch ra, nhằm cho thấy rằng việc sự trung thành tuân hành sẽ giúp cho các bề trên tỏ ra là “ ngoan ngoãn đối với ý Chúa” khi thi hành nhiệm vụ[41].

Vì thế, mỗi bề trên được mời gọi làm sống lại cách hữu hình, giữa anh chị em của mình, tình yêu mà Thiên Chúa yêu con cái của mình, bằng cách tránh một bên là thái độ thống trị, và một bên là hình thức gia trưởng bao cấp.

Tất cả những điều ấy có thể thực hiện được nhờ biết tin tưởng vào trách nhiệm của các anh em/chị em, bằng cách “khuyến khích vâng phục tình nguyện trong sự kính trọng nhân vị”[42]và qua sự đối thoại, luôn luôn nhớ rằng cần có sự thuận tuân “trong tinh thần đức tin và yêu mến, để theo gương Đức Kitô vâng phục”[43] chứ không vì những động lực nào khác.

c) Ưu tư mục vụ. Giáo luật vạch cho thấy mục tiêu chính yếu của việc thực thi quyền bính tu trì là xây dựng “một cộng đoàn huynh đệ trong Đức Kitô, ở đó Thiên Chúa được tìm kiếm và yêu mến trên hết mọi sự”[44]. Vì thế, trong cộng đoàn tu trì, cốt yếu của quyền bính là mục vụ, bởi vì quyền bính tự bản chất nhằm để xây dựng đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, dựa theo chính căn tính của đời sống thánh hiến trong Hội thánh[45].

Những phương thế chính yếu mà bề trên phải sử dụng để đạt được mục tiêu chính yếu này chỉ có thể đặt nền trên đức tin mà thôi, cách riêng là lắng nghe Lời Chúa và cử hành Phụng vụ.

Cuối cùng, nên nhắc đến vài lãnh vực chăm sóc đặc biệt về phía các bề trên đối với anh em/ chị em: “hãy chu cấp tương xứng cho những nhu cầu cá nhân của các phần tử, quan tâm chăm sóc và thăm viếng người bệnh, sửa trị những người ngỗ nghịch, an ủi những người nhút nhát và nhẫn nại với hết mọi người”[46].

Thi hành sứ vụ với sự tự do của những con cái Thiên Chúa

15. Ngày nay, lắm lần ta phải thi hành sứ vụ nơi những con người rất quan tâm đến sự tự trị, gắng sức bảo vệ sự tự do của mình, sợ mất đi sự độc lập của mình. Nhờ chính sự hiện diện của mình, những người thánh hiến cho thấy một con đường cho sự thành tựu của cuộc đời: con đường lấy Thiên Chúa làm cứu cánh, lấy Lời Chúa làm ánh sáng, và lấy ý Chúa làm chỉ đạo; họ tiến bước thanh thản trên con đường ấy bởi vì chắc chắn được nâng đỡ bởi bàn tay của một người Cha luôn đón nhận và an bài, được các người anh em/chị em đồng hành, được cùng một Thánh Thần thúc đẩy, Thánh Thần là Đấng muốn và biết cách làm thỏa mãn những khát vọng và chờ mong đã được Chúa Cha gieo vào trái tim mỗi người.

Đó là sứ vụ thứ nhất của người thánh hiến: họ phải làm chứng cho sự tự do của con cái Chúa, một thứ tự do hoạ theo sự tự do của Đức Kitô, một người tự do phục vụ Thiên Chúa và anh chị em; và hơn nữa, người thánh hiến cần nói qua cuộc đời của mình rằng Thiên Chúa, Đấng tạo nên con người bằng bùn đất (xc St 2,7.22) và đan dệt nó trong lòng dạ thân mẫu (xc Tv 139,13 ), có thể nhào nặn cuộc đời của nó theo khuôn mẫu của Đức Kitô, con người mới và hoàn toàn tự do. 


[1] Huấn thị này đúc kết những thành quả của phiên họp khoáng đại của Bộ hồi cuối tháng 5 năm 2005, để suy nghĩ về việc thi hành quyền bính và về sự cần thiết của vâng phục trong đời tu. Cả hai thực thể - quyền bính và vâng phục – đều được đặt trong khung cảnh tìm kiếm ý Chúa, và quy chiếu về Đức Giêsu như khuôn mẫu của đời thánh hiến. Cộng đoàn tu trì tìm thấy ý nghĩa của mình ở chỗ làm cho Chúa Kitô hiện diện giữa các phần tử, để rồi từ đó làm chứng tá cho Người trước mặt thế giới. Văn kiện trình bày quyền bính như một sự phục vụ các anh em (chị em), một trung gian để giúp cộng đoàn nhận ra ý Chúa (số 9;17), với tinh thần của linh đạo hiệp thông (số 19). Văn kiện không quên nhắc nhở rằng bề trên cũng cần phải biết nêu gương về sự lắng nghe và vâng phục Thiên Chúa (số 12;14a), và cũng như không quên những giới hạn của con người (số 13;18;21). Đức vâng phục được nhìn trong tương quan với đức tin (số 6-7) và đức mến (số 5;16), cách riêng với tự do (số 2;5;15;20g), cộng thêm một vài thành ngữ của các bộ luật cổ điển, tựa như “quyền bính tinh thần” (spiritual authority:số 13a), “vâng phục huynh đệ” (fraternal obedience: số 20g).

Bố cục gồm ba phần, dựa theo mô hình đã trở thành quen thuộc kể từ tông hiến Đời sống thánh hiến (thánh hiến – hiệp thông – sứ vụ).

1. Thánh hiến và tìm kiếm thánh ý Chúa (số 4-15)

2. Quyền bính và vâng phục trong đời sống huynh đệ (số 16-22)

3. Đi sứ vụ (số 23-31)

Bên cạnh những suy tư mang tính cách nguyên tắc, văn kiện đề ra một vài hướng dẫn cụ thể cho mỗi phần (các số 13; 20; 25), và không ngần ngại xét đến vài khó khăn cụ thể trong phần chót, chẳng hạn như: sự khó khăn giữa lệnh truyền với lương tâm, về phía người tu sĩ (số 26-27); sự khó khăn trong việc thi hành quyền bính, về phía bề trên (số 28). Những đoạn cuối cùng mở rộng nhãn giới, khi đặt sự vâng phục trong toàn thể cuộc đời của mỗi thụ tạo, từ khi bắt đầu hiện hữu cho đến lúc lìa đời (số 29), để rồi kết thúc với một lời nguyện dành cho những người có trách nhiệm cầm quyền (số 30) và một lời nguyện hướng lên Mẹ Maria dành cho tất cả mọi người thánh hiến (số 31).

Bản dịch do nữ tu Maria Trần Thị Sâm (Hội dòng Đaminh Thánh Tâm) thực hiện theo bản tiếng Anh, và được ban biên tập hiệu đính dựa theo bản tiếng Ý. Một vài lưu ý về kỹ thuật:

- Nếu muốn dịch sát vế thứ nhất của tựa đề văn kiện thì phải viết “sự phục vụ của quyền bính” (hoặc “quyền bính như phục vụ”: the service of authority). Soạn giả muốn trình bày đặc điểm của quyền bính trong Giáo hội là phục vụ. Nhưng để tránh cho tựa đề quá nặng nề (“Sự phục vụ của quyền bính và vâng phục”), chúng tôi rút gọn thành “quyền bính và vâng phục”.

- Authority được dịch là “quyền bính” (tuy rằng đôi khi cũng có thể dịch là “uy tín, thẩm quyền”) khi nói tổng quát, và “người cầm quyền” khi áp dụng cho người nắm giữ quyền bính (thường gọi là “bề trên”). Văn kiện tránh dùng từ ngữ “bề trên – bề dưới”, và thay vào đó là “người cầm quyền – người thánh hiến”.

- Mission được dịch là “sứ vụ” (tuy rằng đôi khi cũng có thể dịch là “sứ mạng, sai đi”).

[2] TH số 1.

[3]Dante Alighieri, Divina Commedia, Paradiso, III, 85.

[4] Xc.TH số 42; HĐ số 5; YT số 41.

[5] Xc. GL điều 631, § 1; TH số 42.

[6] Xc. ĐGH Gioan Phaolô II, tông thư Novo millennio ineunte (6-1-2001), 43-45. TH số 46; 50.

[7] HL, đặc biệt các số 15, 24-25, 30-32.

[8] HĐ, đặc biệt các số 47-52.

[9] TH, đặc biệt các số 42-43,91-92.

[10] Huấn thị Phát xuất lại từ Đức Kitô (19-5-2002), đặc biệt các số 7 và 14.

[11] T. Bênađô, De diversis, 42, 3: PL 183, 662B

[12] T. Bênađô, De errore Abelardi, 8, 21: PL 182, 1070A.

[13] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe salvi (30-11- 2007), 43; xc. Công đồng Lateranô IV, trong DS 806.

[14] T. Augustinô, Tự thú, III, 6, 11.

[15] Đức Bênêđictô XVI, Thư gửi Tổng trưởng Bộ các Hội dòng Tận hiến và Tu đoàn tông đồ nhân dịp phiên họp khoáng đại (27-9-2005)

[16] T. Biển Đức, Tu luật, dẫn nhập, 3. Xc. T.Augustinô, Tu luật, 7; T. Phanxicô Assisi, Regula non bullata, I, 1; Regula bullata, I,1; xc. TH số46.

[17] GL điều 618.

[18] Xc. DT số 14; GL điều 601.

[19] CT số 29.

[20] Xc. CT số 25.

[21] T. Inhaxiô Loyola, Hiến pháp Dòng Tên, 84.

[22] Xc. Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Bí tích Tình yêu (22 -02-2007), 12.

[23] Xc. LH số 13.

[24] DT số 14.

[25] Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ khai mạc tác vụ thánh Phêrô (24-4-2005), AAS XCVII (2005) 709.

[26] T. Ignaxiô Antiokia, Thư gửi Polycarpô, 4, 1.

[27] Xc. T. Augustinô, Enarrationes in Psalmos 70.1.2: PL 36, 875

[28] Xc. HĐ 50.

[29] Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ dành cho các Bề trên Tổng quyền, (22-5-2006); xc. Phát xuất lại từ Đức Kitô, 24-26.

[30] Xc. HT 11; Huấn thị Phát xuất lại từ Đức Kitô, 26.

[31] Xc. Tông huấn Bí tích tình yêu 8; 37; 81.

[32] Xc. TH số 42. 25

[33] Xc. LH số 34-35

[34] Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Truyền Dầu, 20-3-2008.

[35] Phát xuất lại từ Đức Kitô, số 32.

[36] Xc. GL điều 590, § 2.

[37] Xc. TH số 46.

[38] TH số 70.

[39] Xc. HĐ số 32.

[40] Xc. GL các điều 617-619.

[41] GL điều 618.

[42] GL điều 618.

[43] GL điều 601.

[44] GL điều 619.

[45] Thật vậy, chủ ý của cộng đoàn tu trì là đạt tới và biểu lộ quyền tối thượng của tình yêu Thiên Chúa, là chính cứu cánh của đời thánh hiến và, do đó, cũng là bổn phận thứ nhất và việc tông đồ thứ nhất của mỗi thành viên của cộng đoàn, xc. GL điều 573, 607, 663, § 1, 673.

[46] GL điều 619.

 (Nguồn:http://catechesis.net)