Triển lãm lịch sử ở Paris: “Kitô giáo ở Đông phương. Hai ngàn năm lịch sử”

08/10/2017
1046
WHĐ (08.10.2017) – Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Viện Thế giới Ả Rập ở Paris hợp tác với Hiệp hội nhân đạo Kitô giáo L’Œuvre d'Orient, tổ chức cuộc triển lãm lịch sử “Kitô giáo ở Đông phương. Hai ngàn năm lịch sử” từ ngày 26 tháng Chín 2017 đến ngày 14 tháng Giêng 2018. Đây là triển lãm tổng quát đầu tiên về đề tài này ở Châu Âu. Triển lãm diễn ra tại Viện Thế giới Ả Rập, đã được Tổng thống Liban Michel Aoun -đang có chuyến viếng thăm Paris trong ba ngày-, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng khai trương.

Sau khi khai sinh tại Giêrusalem, Kitô giáo đã lan rộng khắp vùng Cận Đông. Từ 2.000 năm nay, người Kitô hữu là những tác nhân thực sự đối với sự phát triển chính trị, văn hoá, xã hội và tôn giáo của khu vực này.

Qua các các thời kỳ khác nhau cũng là các đề tài được trình bày trong triển lãm: việc thiết lập Kitô giáo là quốc giáo, các Hội đồng sáng lập, cuộc chinh phục Hồi giáo, sự phát triển truyền giáo của Công giáo và Tin lành, những đóng góp của các Kitô hữu cho Nahda (cuộc Phục hưng Ả Rập), công cuộc đổi mới của thế kỷ XX và XXI, triển lãm này làm nổi bật lịch sử Kitô giáo ở Đông phương cũng như những đóng góp của Kitô giáo vào sự phát triển của xã hội.

Để trình bày thực tế ngày nay, triển lãm cũng dành một phần giới thiệu các hoạt động và sức sống của các cộng đoàn Kitô giáo trong thế giới Ả Rập - vẫn luôn đứng vững trước nhiều cuộc xung đột đang diễn ra như xung đột giữa Israel và Palestine, xung đột ở Syria v.v...

Các Giáo hội ở vùng Cận Đông đã tham gia trực tiếp vào việc thực hiện triển lãm này. Nhiều Giáo hội đã đồng ý cung cấp các vật phẩm và tài liệu như di vật khảo cổ, tranh icôn, vật phẩm phụng vụ, đồ dùng thường nhật, tài liệu lưu trữ, bản thảo, hình ảnh, phim và tài liệu ghi âm. Đáng chú ý là các bản Phúc Âm Rabula, một bản thảo nổi tiếng bằng tiếng Syriac và có hình minh hoạ từ thế kỷ thứ VI, và các bức tranh đầu tiên của Kitô giáo ở Dura-Europos thuộc Syria đã được thế giới biết đến, có niên đại từ thế kỷ thứ III. Đây là một cuộc hành trình cho thấy rõ tính đa dạng của Kitô giáo với các Giáo hội Copt, Hy Lạp, Assyria-Chaldea, Syria, Armenia, Maronite, Latinh và Tin Lành.

Sự kiện văn hoá giới thiệu Kitô giáo ở Cận Đông này được tổ chức sau nhiều cuộc triển lãm khác kể từ đầu thiên niên kỷ thứ hai: triển lãm đầu tiên vào năm 2000 về “Nghệ thuật Copt ở Ai Cập”, triển lãm thứ hai vào năm 2003 về “Tranh icôn Ả Rập, nghệ thuật Kitô giáo của vùng Cận Đông” và cuối cùng, triển lãm vào năm 2014 có chủ đề “Hajj, hành hương đến thánh địa Mecca”. Cuộc triển lãm cuối cùng giới thiệu một nét đẹp của Hồi giáo, và thành công của triển làm này dẫn đến chứng từ của triển lãm lịch sử mới về tính đa dạng tôn giáo trong thế giới Ả Rập.

Cha Jean-Jacques Pérennès, Dòng Đa Minh, giám đốc Trường Kinh Thánh và Khảo cổ Jerusalem, cho biết: cuộc triển lãm này là niềm vui cho “các Kitô hữu Ả Rập – những người không muốn bị coi là thiểu số, là thừa thãi, nhưng muốn được là công dân của nước mình một cách trọn vẹn”.

(Nguồn: WHĐ - Theo www.lpj.org)