Tranh - Cuộc tử đạo của cha Jean-Louis Bonnard Hương ngày 01-05-1852 tại Vĩnh Trị

02/02/2018
2622


Bức họa cao 1,070 m, rộng 1,789 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng. Phần chính của bức họa được vẽ rất sống động từ góc nhìn cố định theo luật cận viễn và có dùng bóng sáng tối đồng thời áp dụng cả luật đồng hiện trong hội họa dân gian. Chúng tôi tạm chia bố cục bức họa thành hai phần: sau cuộc hành hình – nghi thức an táng. 

Giới thiệu khái quát 14 bức họa thời tử đạo



Sau cuộc hành hình: Ở phía dưới, góc phải, bức họa giới thiệu phía xa xa một tòa công đường. Gần tòa công đường là một nhóm lính cầm giáo đeo gươm. Viên quan giám sát cưỡi trên lưng voi với một nhóm lính cầm mộc đeo gươm đứng gần đó.



(Ngày hành hình cha Bonnard tại Nam Định, giáo dân kéo tới rất đông. Các quan đã đưa khoảng 500 lính áp giải và phải chuyển nơi hành hình ra bãi Đan Thủy, cách thành Nam Định khoảng một dặm rưỡi.). Một nhóm giáo dân ngồi ở góc bức họa. Viên đao phủ chém đầu cha bằng một nhát chém duy nhất. Trong bức họa, hắn vẫn còn đứng chống gươm xuống đất. Bốn tên lính đang khiêng xác cha, một tên khác xách đầu cha bước về phía hai chiếc thuyền, máu chảy lênh láng dưới đất (Cuốn sđd, trang 347-348 kể lại rằng theo thông lệ, xác tử tội được chôn cất tại nơi hành hình, nhưng vì không muốn để cho các tín hữu tôn kính vị tử đạo, các quan đã cho hốt đất thấm máu, đem xác và đầu thánh nhân ra hai thuyền lớn để ném xuống sông. Xác thánh nhân được đặt trong một chiếc thuyền với nhiều lính đi theo, vị quan xuống chiếc thuyền thứ hai. Họ mang theo lương thực cho ba ngày, rồi căng buồm xuôi theo dòng sông. Một chiếc thuyền nhỏ chở theo một thầy phó tế và một thầy giảng đi lảng vảng phía trước để quan sát. Đêm đó, nhiều thuyền đánh cá của các tín hữu ở các vùng lân cận cũng đi theo. Khoảng tám chín giờ đêm, trời tối, hai chiếc thuyền lớn đảo qua lại vài vòng rồi dong buồm ngược dòng sông. Các tín hữu đã xác định được vị trí, một thanh niên lặn xuống lòng sông và chạm vào được thân thể vị tử đạo. Xác thánh nhân đã bị cột vào một thớt cối đá xay bột, đầu thánh nhân bị bỏ vào rọ và buộc vào tay).



Cách hai chiếc thuyền lớn không xa, bức họa giới thiệu cảnh bốn chiếc thuyền nhỏ của giáo dân đang vớt xác thánh nhân từ lòng sông ở độ sâu chừng 25 bộ, tức khoảng 7,5 m.



Nghi thức an táng: Xác vị tử đạo lập tức được đưa về nhà tràng Vĩnh Trị (Lúc đó Vĩnh Trị cũng là trụ sở của giáo phận Tây Đàng Ngoài, được mặc áo lễ và đặt tại nhà nguyện nhà tràng với đèn đuốc sáng trưng như ta thấy trong phần chính của bức họa. Lúc đó khoảng 1 giờ sáng ngày 02-05-1852. Các giáo hữu làng Vĩnh Trị và các thầy nhà tràng tới kính viếng xác vị tử đạo. Trong bức họa, cha Phaolô Lê Bảo Tịnh, giáo sư nhà tràng, mặc áo trắng đứng ngay gần xác vị tử đạo.



Ở phía dưới của bức họa, một nhóm phụ nữ đã vượt qua hàng rào nhà tràng để vào xem xác vị tử đạo, nhưng một thầy giảng mặc áo nâu, tay cầm roi đang xua đuổi họ.



Xác vị tử đạo được quàn tại đó cho tới tối ngày hôm sau, Đức Cha Retord Liêu cùng một vị thừa sai, một linh mục Việt Nam và các thầy giảng tới cử hành nghi thức an táng. Trong bức họa, Đức cha Retord Liêu và đoàn tùy tòng đang từ phía phải tiến vào nhà nguyện.

(Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội)