Satan, truyện ngắn của Kahlil Gibran

27/04/2019
1497
Kahlil Gibran là tiểu thuyết gia, họa sĩ, thi sĩ tâm linh với cung giọng ngôn sứ và triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh hữu thần. Ông sinh năm 1883 tại làng Bsharri, thuộc vùng núi Miền Bắc Li-băng (Lebanon) vào thời xứ sở ấy còn là một phần của Syria, chịu sự đô hộ khắc nghiệt của Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Nằm sát phía bắc vùng hoạt động chính của Đức Giêsu là Ga-li-lê, mảnh đất Li-băng tuy nhỏ nhưng vang danh với những người con nổi tiếng từ buổi bình minh của nền văn minh. Tuyết nghìn năm phủ trên đỉnh núi và mùa xuân xanh thắm của Li-băng tạo cảm hứng cho vô số văn thi sĩ Kitô giáo.

Và một người con của Li-băng là Kahlil Gibran, cũng được muôn triệu người trên thế giới đánh giá là thiên tài bất tử. Quả thật Gibran là một tác giả tôn giáo và bí nhiệm, tuy chưa được giới học giả hàn lâm trọng vọng nhưng được đại chúng đọc nhiều nhất và được thảo luận rộng rãi nhất trong thế kỷ 20 cũng như sang thế kỷ này, sau khi ông về cõi hằng cửu. Theo thống kê của giới xuất bản sách, Gibran là thi sĩ có số lượng độc giả đông vào hàng thứ ba, chỉ sau Shakespeare và Lão Tử.

(...) Văn bản của Gibran đầy dẫy những lối diễn tả và các dụ ngôn được viết theo thể điệu và kiểu mẫu Kinh thánh, đặc biệt sách của các ngôn sứ và Thánh vịnh - một trộn lẫn giữa thơ và văn xuôi. Ông thường cao giọng sứ ngôn khi lên án những thảm họa đang tạo ra dịch bệnh khô kiệt tinh thần và khốn khó vật chất trên quê hương mình cùng hăm dọa toàn thể loài người. Kiểu thức của ông là sự pha trộn của cái đẹp và lòng mộ đạo mà về sau được biết tới như là trường phái Gibran (Gibranism).

Ngôn sứ (The Prophet) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Gibran. Cuốn ấy về phong cách, chịu ảnh hưởng của cuốn Thus Sparke Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế) của Nietzsche. Nhưng đối cực với Zarathustra, Almustafa của Gibran là một nhân vật tôn giáo, tin vào con người và Thượng đế đồng thời lạc quan trong cuộc sống và tương lai của nhân loại. Ngôn sứ gồm 26 bài thơ xuôi, phát biểu về các vấn đề nhân sinh nhưng với tâm tình của một thi sĩ triết gia hiện sinh hữu thần. Tính tới nay, nó đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và bán được trên 100 triệu ấn bản. Từ thập niên 1960. cuốn Ngôn sứ được xem như một loại kinh thánh hay sách thủ bản cho phong trào phản văn hoá (counter-cultural movement) của giới trẻ Hoa Kỳ và trào lưu Thời đại mới (The New Age). Thậm chí có giáo sĩ Kitô giáo dùng nó trong thánh lễ hôn phối.

Gibran qua đời năm 1931 tại New York vì bệnh xơ gan và lao phổi thời kỳ đầu. Buổi tiễn biệt ông trên bến tàu New York có đủ đại diện của các tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Hồi giáo, v.v. Lễ tang ông tại Boston được tổ chức trang trọng và cảm động theo nghi thức Công giáo ở thánh đường tại Tyler Street. Sau đó, thi hài Gibran đưa về Li-băng, được chính quyền và dân chúng tổ chức liên hoan đón rước. Linh cửu được mang vào Nhà thờ Chánh toà St. George của Giáo hội Maronite tại Beirut với nghi lễ tiếp nhận do Đức Tổng giám mục Ignatius Mobarak chủ tế; sau đó, đem về Bsharri.

(Trích từ bài giới thiệu của Nguyễn Ước)
 

Mọi người đều xem Cha Samaan là người hướng dẫn tâm linh, người giải đáp mọi thắc mắc về các vấn đề thần học, vì cha là nhân vật có thẩm quyền và hiểu biết sâu sắc về tội lỗi, dù khinh tội hay trọng tội; cha cũng thường luận giải mạch lạc về sự huyền nhiệm của thiên đường, hỏa ngục và chốn luyện hình.

Sứ mệnh của Cha Samaan ở vùng đất phía Bắc Lebanon này là đi khắp các thôn làng để thuyết giáo, chăm sóc và bảo vệ giáo dân khỏi các loại bệnh tật tâm linh sản sinh từ tội lỗi, cùng giải thoát họ khỏi lưới bẫy nguy hiểm của Sa-tan. Cha Samaan đáng tôn kính luôn cảnh giác cao trong cuộc chiến chống Sa-tan. Nông dân trong vùng ca tụng, ngưỡng mộ cha, và luôn khao khát tìm kiếm lời khuyên dạy của cha hoặc xin cha cầu nguyện; đổi lại, họ dâng tặng cha những mẩu vàng hoặc những mẩu bạc; mỗi khi vào mùa thu hoạch, họ dâng cho cha các loại hoa quả tốt nhất của đồng ruộng.

Một buổi chiều mùa thu, Cha Samaan trên đường đến một ngôi làng hẻo lánh, đang băng qua các thung lũng và những ngọn đồi, chợt cha nghe tiếng kêu đau đớn từ một con rãnh ven đường. Cha dừng bước nhìn về hướng phát ra tiếng kêu, thấy một người đàn ông lõa lồ nằm dài trên mặt đất. Máu tuôn ra từ những vết thương sâu hoắm ở đầu và ngực. Gã rên la thảm thiết rồi kêu gào, “Cứu tôi với, xin hãy giúp tôi. Xin thương xót vì tôi sắp chết.” Cha Samaan bối rối nhìn người bị thương nhủ thầm, “Người này phải là một kẻ trộm. Có lẽ hắn đã cố trấn lột những khách bộ hành nhưng chuyện không thành. Ai đó đã đánh hắn bị thương. Không khéo nếu hắn chết thì mình có thể bị buộc tội sát nhân.”


Sau khi cân nhắc, cha nhớm bước quay trở lại con đường, nhưng kẻ hấp hối cố níu kéo kêu lên, “Đừng bỏ tôi! Tôi sắp chết!” Dừng lại suy nghĩ, gương mặt cha tái dần khi nhận ra rằng mình đang từ chối giúp đỡ người khác. Cha nói thầm với mình, môi run rẩy, “Chắc chắn rồi, hắn phải là một trong những gã điên lang thang trong hoang mạc. Những vết thương trống hoác của hắn trông thật khiếp đảm. Mình phải làm gì đây? Hiển nhiên là người thầy thuốc tâm linh không thể nào chữa trị những vết thương thể xác.” Nhưng mới vừa được vài bước thì cái thây ma ấy tuôn ra những tiếng rên siết đau đớn làm nhói lòng cha, rồi hắn hổn hển, “Xin lại gần tôi! Thêm chút nữa, chúng ta là bạn cố tri mà. Cha là Cha Samaan, người chăn bầy gương mẫu, còn tôi không phải là kẻ trộm hay gã điên đâu. Xin lại gần chút nữa, cha ơi, xin đừng để tôi chết ở nơi hoang vắng này. Rồi tôi sẽ nói cho cha biết tôi là ai.”

Cha Samaan đến gần, quỳ xuống, và nhìn chằm chằm vào gã; nhưng cha chỉ thấy một gương mặt lạ lẫm với những nét tương phản kề cận nhau: thông thái và tinh quái, gớm ghiếc và tuyệt mỹ, hung ác và dịu dàng. Cha co chân lại rồi hỏi, “Anh là ai?”

Kẻ hấp hối thều thào, “Cha ơi, đừng sợ, chúng ta là bằng hữu từ lâu lắm rồi. Đỡ tôi dậy, dìu tôi đến khe nước gần nhất, rồi lấy vải mềm rửa vết thương cho tôi.” Nhưng cha cứ tiếp tục hỏi, “Bảo cho ta biết anh là ai, ta không biết anh, ta chưa từng gặp anh.”

Gã trả lời, giọng yếu ớt và đau đớn, “Cha biết rõ tôi mà! Cha đã gặp tôi hàng ngàn lần rồi, ngày nào cha cũng nhắc đến tôi. Tôi gần gũi với cha còn hơn chính mạng sống của cha.” Nhưng Cha quở trách gã, “Ngươi là kẻ mạo danh dối trá! Người sắp chết chỉ nên nói sự thật. Suốt cuộc đời, ta chưa bao giờ nhìn thấy gương mặt quái gở của anh. Bảo cho ta biết anh là ai, nếu không ta sẽ để anh chết,” Gã cố nhúc nhích, nhìn vào mắt người tu sĩ, trên môi gã nở một nụ cười bí ẩn; giọng nhỏ nhẹ, trơn lướt và sâu thẳm, gã buông lời, “Ta là Sa-tan.”

Vừa nghe những lời khủng khiếp ấy, Cha Samaan kêu lên khiếp đảm, tiếng kêu của cha vang vọng đến từng góc xa trong thung lũng; cha nhìn gã chằm chằm, chợt nhận ra rằng thân hình gã, dù bị méo mó vì thương tích, rất giống với hình dạng của Sa-tan trong những bức tranh tôn giáo treo trên tường ngôi nhà thờ trong làng. Cha run lẩy bẩy, kêu khóc, “Chúa tỏ cho ta thấy hình dáng địa ngục của ngươi, khiến ta ghét ngươi, rủa sả ngươi đời đời! Người chăn bầy phải tiêu diệt con chiên ghẻ để cứu cả bầy chiên!”

Sa-tan trả lời, “Cha ơi, đừng vội, đừng phí thì giờ nói chuyện tầm phào. Xin hãy băng bó vết thương cho tôi trước khi tôi chết mất.” Người tu sĩ đáp lời vẻ dứt khoát, “Đôi tay ta hằng ngày dâng tế cho Chúa lẽ nào chạm vào thân thể được hình thành bởi chất liệu từ địa ngục của ngươi. Ngươi phải chết trong sự nguyền rủa của mọi người trong mọi thời đại, vì ngươi là kẻ thù của nhân loại, ngươi chỉ muốn hủy diệt mọi đức hạnh.”

Sa-tan cử động cách đau đớn, chống mình trên khuỷu tay, trả lời, “Ngươi không biết mình đang nói gì, cũng không chịu hiểu rằng ngươi đang phạm tội ác. Hãy nghe chuyện của ta. Hôm nay ta đi một mình trong thung lũng hoang vắng này. Khi tới đây, ta bị một nhóm thiên thần tấn công; nếu một người trong bọn họ không mang theo thanh gươm hai lưỡi sắc bén thì ta đã đẩy lui họ rồi. Nhưng quyền bính của ta không chống nổi thanh gươm sáng lóa ấy. Sa-tan ngưng nói, bàn tay run rẩy ép chặt vết thương bên hông, rồi tiếp, “Thiên thần cầm gươm – ta tin đó là Michael – là một kiếm sĩ tuyệt luân. Nếu ta không ngã xuống giả vờ chết thì ta đã bị mất mạng rồi.”

Giọng đắc thắng, mắt ngước lên trời, Cha dâng lời cầu nguyện, “Đáng chúc tụng thay danh của Michael, Đấng đã giải cứu nhân loại khỏi kẻ thù gian ác này.”

Sa-tan phản đối, “Sự khinh tởm của ta đối với loài người cũng không lớn hơn sự căm ghét ngươi dành cho bản thân. Ngươi chúc tụng Michael là kẻ chẳng hề đến cứu giúp ngươi. Ngươi đang nguyền rủa ta trong lúc ta mang thương tích dù ta vẫn và đang ban cho ngươi cuộc sống an bình và hạnh phúc. Ngươi không chịu nhìn nhận phước hạnh ta ban cho, cũng không biết ơn, nhưng thật ra ngươi đang sống phát đạt dưới bóng của ta. Ngươi vẫn sử dụng sự hiện hữu của ta như một cái cớ, và là một loại vũ khí để làm lợi cho nghề nghiệp của ngươi, ngươi dùng tên ta để biện minh cho hành động của ngươi. Ngươi không thấy sao? Những gì ta đã làm cho ngươi không thể mở mắt ngươi để ngươi hiểu ra rằng ngươi đang, và sẽ tiếp tục cần đến ta? Ngươi đã thỏa mong ước làm giàu chưa? Làm sao ngươi có thể thâu góp vàng bạc từ giáo dân nếu ngươi không đem vương quốc ta ra mà hù dọa họ?”

“Ngươi chưa chịu hiểu ra rằng nếu ta chết thì ngươi cũng sẽ đói đến chết? Rồi ngày mai ngươi sẽ làm gì nếu hôm nay ngươi để ta chết ở đây? Nghề nghiệp ngươi vẫn có lâu nay sẽ ra sao nếu không còn ai nhắc đến tên ta? Từ mấy chục năm nay, ngươi đã giong ruổi khắp các thôn làng để nhắc nhở mọi người chớ để mình rơi vào tay ta. Họ đã trả những đồng dinar ít ỏi cùng sản vật của đồng ruộng mình để nghe lời khuyên dạy của ngươi. Vậy thì, ngày mai họ sẽ trả cho ngươi cái gì nếu biết rằng kẻ thù gian ác của họ không còn nữa? Nghề nghiệp của ngươi cũng sẽ tiêu tán cùng với ta vì không còn ai phạm tội. Là tu sĩ, cớ sao ngươi không nhận ra rằng chính sự tồn tại của Sa-tan đã tạo nên kẻ thù của hắn là Giáo hội? Cuộc chiến muôn đời nay là bàn tay bí mật móc vàng bạc từ túi giáo dân để bỏ vào hầu bao giáo sĩ. Làm sao ngươi dám để ta chết ở đây một khi ngươi hiểu ra rằng cái chết của ta sẽ cướp mất đặc quyền, nhà thờ, nhà ở, và nguồn lợi của ngươi?”

Im lặng trong giây lát, không còn nét van xin nhưng lộ vẻ tự tin và độc lập, Sa-tan lại tiếp, “Thưa Cha, cha kiêu hãnh nhưng ngu dốt. Ta sẽ mở mắt cho cha thấy lịch sử của niềm tin, bởi đó cha sẽ nhận ra sự thật đã nối kết hai ta với nhau, cột chặt sự hiện hữu của ta với lương tâm của cha…”

“…Ở Babylon, người ta cúi lạy bảy lần trước thầy tư tế là người chuyên tấn công ta bằng sự tụng niệm. Tại Niniveh, dân chúng kỳ vọng vào kẻ trung gian giữa con người và thần thánh, là người tự nhận biết rõ mọi bí mật của ta. Ở Tây Tạng, kẻ tranh chấp với ta được tôn sùng như là con trai mặt trời và mặt trăng. Dân chúng ở Byblus, Ephesus và Antioch hiến tế con cái mình cho kẻ thù của ta. Còn tại Jerusalem và Rôma, họ phó thác mạng sống mình cho những kẻ tuyên bố ghét ta và tận lực chống ta.”

“Trong tất cả thành phố dưới ánh mặt trời, tên ta là tâm điểm của giới học thuật, tôn giáo, nghệ thuật, và triết học. Nếu không phải vì ta, không ai chịu xây đền thờ, cũng không có tháp đài hoặc dinh thự. Ta chính là sự dũng cảm kiến tạo lòng quyết tâm của con người. Ta là nguồn khơi động sự sáng tạo trong tư duy. Ta là sức mạnh nâng đỡ bàn tay con người. Ta là Sa-tan vĩnh hằng. Ta là Sa-tan mà con người tranh chiến để được sống. Nếu họ ngừng tranh đấu chống lại ta, sự biếng nhác sẽ giết chết tâm trí, tấm lòng và linh hồn họ, theo những hình phạt kỳ quái chép trong các loại truyện truyền kỳ của họ.”

“Ta là giông tố mãnh liệt nhưng câm lặng khích động tâm trí đàn ông và trái tim phụ nữ. Vì khiếp sợ ta, họ lặn lội tìm đến hoặc những nơi phụng tự để rủa sả ta, hoặc những chỗ trụy lạc để làm ta hài lòng vì chịu đầu phục ta. Hành động của người tu sĩ cầu nguyện trong sự tĩnh lặng của bóng đêm để xua đuổi ta khỏi giường ngủ cũng chẳng khác gì sự mời mọc của cô gái bán hoa đưa ta vào phòng nàng. Ta là Sa-tan muôn đời vĩnh cửu.”

“Ta là kẻ xây dựng các tu viện cho nữ tu và thầy dòng, nếu hiểu theo nghĩa vì cớ họ kinh hãi ta. Ta cũng cất các quán rượu và nhà thổ theo nghĩa con người muốn thỏa mãn dục lạc. Nếu ta không còn tồn tại, sự sợ hãi và vui thú cũng không còn trên đất. Như thế, dục vọng và hi vọng cũng ngưng tồn tại trong lòng người. Cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng và lạnh giá giống như cây đàn hạc không dây. Ta là Sa-tan vĩnh hằng.”

“Ta là nguồn cảm hứng của sự dối giả, vu khống, phản bội, lừa đảo, và báng bổ. Nếu dời bỏ những nguyên tố này khỏi thế giới thì xã hội loài người sẽ trở thành một hoang mạc quạnh hiu, chẳng có gì mọc lên nổi ở đây ngoại trừ các loài gai gốc của đức hạnh. Ta là Sa-tan vĩnh hằng.”

“Ta là cha đẻ mà cũng là mẹ đẻ của tội lỗi. Nếu tội lỗi biến mất khỏi đất, những kẻ chuyên chống trả tội lỗi cũng biến mất theo, cùng với gia đình và gia sản của họ.”

“Ta là trái tim của mọi tội ác. Ngươi có thực sự muốn mọi vận động của con người đều ngừng lại nếu trái tim ấy ngưng đập? Ngươi có chịu đựng nổi hậu quả của sự cố này? Ngươi có dám để ta chết ở nơi hoang vắng này? Ngươi có muốn cắt đứt sợi dây ràng buộc ngươi với ta? Trả lời ta đi, hỡi người tu sĩ!”

Sa-tan giang rộng đôi tay, cúi đầu thở hào hển; gương mặt trở nên xám xịt trông giống bức tượng Ai Cập bị bỏ hoang phế từ bao đời nay bên bờ sông Nile. Rồi thì đôi mắt rực sáng nhìn chăm chăm vào gương mặt Cha Samaan, Sa-tan cất giọng run rẩy, “Ta mệt mỏi và suy yếu quá rồi. Ta đã lầm khi phung phí sức lực mà tỏ cho ngươi những điều ngươi đã biết rõ. Bây giờ hãy làm điều ngươi muốn. Đem ta về nhà để rịt vết thương, hoặc để ta chết ở đây.”

Cha Samaan đưa tay run rẩy xoa trán, giọng bào chữa cha nói, “Tôi đã hiểu điều mà chỉ một giờ trước đây tôi không hề biết. Xin tha thứ cho sự ngu dốt của tôi. Nay tôi biết sự hiện hữu của ngài là căn nguyên của mọi cám dỗ, mà sự cám dỗ chính là phương tiện Thiên Chúa dùng để thẩm định giá trị của linh hồn loài người. Nó là thước đo Chúa Toàn năng sử dụng để đoán định tâm linh. Tôi chắc rằng nếu ngài chết, sự cám dỗ sẽ không còn, khi ấy, sự chết sẽ hủy diệt sức mạnh lý tưởng được dùng để nâng cao và thức tỉnh con người.”

“Ngài phải sống, vì nếu ngài chết, và khi người ta đã biết tin ngài chết, nỗi sợ hỏa ngục thiêu đốt lòng họ sẽ tan biến ngay, như thế họ sẽ không chịu phụng thờ nữa, bởi vì chẳng còn ai phạm tội. Ngài phải sống, bởi vì sự sống của ngài chính là sự cứu độ loài người khỏi tội ác và tội lỗi.”

“Về phần tôi, tôi sẽ hiến tế sự căm ghét ngài trên bàn thờ của tình yêu nhân loại.”

Sa-tan cười to, tiếng cười làm rúng động mặt đất, rồi nói, “Ôi cha ơi, cha đúng là người thông minh! Kiến thức thần học của cha thật tuyệt vời! Cha đã nhận thấy, qua sức mạnh của kiến thức, mục đích hiện hữu của ta mà chính ta cũng chưa từng biết, bây giờ ta biết mình cũng hữu dụng cho mọi người.”

“Hãy đến gần ta, người anh em; bóng tối đang che phủ cánh đồng, một nửa số máu trong người ta đã thấm vào cát của thung lũng, chẳng còn gì ngoài thân thể rách nát này mà thần chết sắp cướp lấy trừ khi người anh em chịu giúp ta.” Cha Samaan sắn áo chùng, bước lại gần, cõng Sa-tan trên lưng rồi bước về nhà.

Giữa thung lũng chập chùng, đắm chìm trong tĩnh lặng và màn đêm bắt đầu phủ bóng, Cha Samaan lê bước về làng, lưng oằn cong nặng trĩu. Chiếc áo chùng đen và bộ râu dài lấm tấm những giọt máu, miệng lẩm bẩm những lời thiết tha nguyện cầu cho mạng sống của Sa-tan đang hấp hối trên lưng cha.


Trích truyện ngắn Satan của Khalil Gibran 

Nguồn: https://enarty.wordpress.com/2012/07/26/sa-tan/