NGHỆ THUẬT VÀ ĐỨC TIN Dưới ánh sáng của công đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo

21/02/2018
1235


NHẬP ĐỀ

Năm Đức Tin được khai mạc vào ngày 11 tháng 10 năm 2012, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng chung Vaticanô II (11-10-1962) và 20 năm ban hành Sách Giáo lý của Hôi Thánh công giáo (11-10-1992).

Trong thời gian khai mạc Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XIII tại Rôma với chủ đề: “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Một trong những phương thế được Giáo Hội sử dụng trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin là đối thoại với các nền văn hóa, trong đó in đậm dấu ấn của các loại hình nghệ thuật. Vì thế trong sứ điệp của Thượng Hội Đồng gửi cộng đồng dân Chúa có đoạn viết như sau:

“Chúng tôi muốn cám ơn những người nam nữ dấn thân trong một biểu thức khác của thiên tài con người, đó là nghệ thuật dưới những hình thức khác nhau, từ những hình thức cổ nhất cho đến những hình thức mới nhất. Chúng tôi nhìn nhận trong các tác phẩm nghệ thuật của họ có một con đường đầy ý nghĩa biểu lộ linh đạo trong lúc họ cố gắng thể hiện sự thu hút của con người đối với thẩm mỹ. Chúng tôi biết ơn, khi các nghệ sĩ, qua các tác phẩm mỹ thuật của họ, diễn tả vẻ đẹp của tôn nhan Chúa và của các thụ tạo của Chúa. Con đường mỹ thuật là một con đường đặc biệt hữu hiệu trong công trình Tân Phúc Âm Hóa”.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong văn thư hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin, cũng viết: “Thế giới ngày nay nhạy bén về mối quan hệ giữa đức tin và nghệ thuật. Do đó đề nghị các Hội Đồng Giám Mục vận dụng thích hợp nguồn di sản nghệ thuật tại địa phương thuộc trách nhiệm mục vụ của mình, đồng thời với sự hợp tác đại kết, để hướng vào việc giảng dạy giáo lý”.

Hai văn kiện trên đây phản ánh giáo huấn chính thức của Giáo Hội công giáo được trình bày qua các văn kiện của công đồng chung Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo. Giờ đây chúng ta thử tìm hiểu mối tương quan giữa nghệ thuật và đức tin dưới ánh sáng của hai nguồn giáo huấn này. Nhưng trước hết là một thoáng nhìn về mối tương quan giữa Giáo Hội và nghệ thuật.
 
I. GIÁO HỘI VÀ NGHỆ THUẬT: MỘT THOÁNG NHÌN

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, nghệ thuật đã được Giáo Hội sử dụng để diễn tả đức tin và các mầu nhiệm thánh, cũng như để truyền giáo. Ngoài nghệ thuật âm thanh với các bài thánh ca, nghệ thuật hình ảnh đã đóng một vai trò trung tâm trong phụng vụ và đời sống Giáo Hội. Các bản Thánh Kinh viết tay, những bản văn phụng vụ và những sách thần học được minh họa bằng những hình ảnh tinh xảo. Các nhà thờ, tu viện, được xây dựng với nghệ thuật kiến trúc đa dạng và được trang hoàng cả bên trong lẫn bên ngoài bằng những bức bích họa, điêu khắc, kính màu.

Vào thế kỷ 16, các nhà thần học tin lành cải cách như J. Calvin cho rằng bất cứ việc sử dụng hình ảnh nào trong thờ phượng cũng dẫn đến việc thờ ngẫu tượng, mặc dù những tác phẩm nghệ thuật trong những bối cảnh khác vẫn được đánh giá cao. Nhóm chống cải cách đã phản ứng ngược lại bằng hàng trăm tác phẩm nghệ thuật tôn giáo với ý hướng khơi lên lòng đạo đức.

Sang đầu thế kỷ 18, tại hầu hết các nước Tây Phương, nghệ thuật có giá trị nhất là nghệ thuật tôn giáo. Tuy nhiên vào hậu bán thế kỷ ấy, khi Giáo Hội bị phê bình gay gắt, nghệ thuật có khuynh hướng chú ý đến đời sống thường nhật hơn là những chủ đề tôn giáo. Chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của trào lưu tục hóa và chủ nghĩa nhân bản, nghệ thuật đã chọn con đường phân chia về mặt triết học tách khỏi thẩm quyền mạc khải của Thánh Kinh. Sự phát triển này đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ cũng như hành động và đẩy Thiên Chúa ra bên lề. Đồng thời ngôn ngữ nghệ thuật chủ quan ngày càng làm tăng khoảng cách giữa nghệ sĩ và cộng đồng tôn giáo.

Vì thế, vào đầu thế kỷ 20 nhiều Kitô hữu đã tách mình ra khỏi thế giới nghệ thuật hoặc tỏ ra thờ ơ đối với nghệ thuật. Họ không hiểu và cũng không được dạy về vị trí của nghệ thuật trong đời sống đức tin. Nhiều người lớn lên trong các cộng đoàn Kitô hữu đã không tìm được nguồn suy tư về ơn gọi của họ trong lãnh vực nghệ thuật, cũng không tìm thấy sự khích lệ để theo đuổi ơn gọi ấy. Chính vì vậy, người Kitô hữu đã ít khi làm gì để vun xới trí tưởng tượng của mình trong định hướng tôn giáo. Trong khi đó, trí tưởng tượng của cả thế hệ đang được định hình bởi các khuynh hướng văn hóa vắng bóng đức tin Kitô giáo, và chính các nghệ sĩ ngoại giáo, chứ không phải là Kitô hữu, đang “đào luyện” các quốc gia qua phương tiện nghệ thuật.

Giáo Hội bày tỏ mối nghi ngại về các nghệ sĩ và tác phẩm của họ, khi thấy họ buông theo cảm xúc cách tự do phóng khoáng hoặc chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác. Chẳng hạn ở nhiều nơi Giáo Hội không dám đón nhận những hình thức nghệ thuật bản địa, vì sợ chúng gắn liền với ngoại giáo. Nhiều Kitô hữu làm nghệ thuật được đào tạo do nền văn hóa, chứ không do Giáo Hội. Điều này đã khiến các Kitô hữu làm nghệ thuật không có ý thức về vị trí của mình trong Giáo Hội hay trong công việc của Nước Trời. Họ ít có cơ hội được nuôi dưỡng trong hành trình thiêng liêng của mình.

Tuy nhiên trong những thập niên vừa qua đã có nhiều sự thay đổi trong Giáo Hội, chẳng hạn một số đáng kể các Giáo Hội địa phương tỏ ra cởi mở hơn với nghệ thuật. Nghệ thuật đóng vai trò quan trọng hơn trong việc phụng tự. Nhiều tổ chức cống hiến cho nghệ thuật đã được chính các Kitô hữu thành lập và có ảnh hưởng đáng kể.

Gần đây chúng ta cũng thấy nhiều bằng chứng của việc canh tân trong phụng vụ. Tất cả những ai được sự canh tân ấy đánh động đều thấy rõ rằng nghệ thuật đang đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta thường hiểu rằng hành trình đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng bởi những gì chúng ta hiểu được bằng trí óc, nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện. Việc canh tân phụng vụ ở thời đại chúng ta, trong cốt lõi, là một trường hợp thức giấc của những cảm nhận thẩm mỹ, vốn đã thiếp ngủ quá lâu trong nhiều cộng đoàn.

Sự thay đổi này một phần cũng do ảnh hưởng của văn hóa hậu hiện đại. Mặc dù lý thuyết hậu hiện đại chứa đựng nhiều khía cạnh tiêu cực, nhưng nó cho phép người ta cởi mở hơn với những điều thánh thiêng và chú ý nhiều hơn đến khía cạnh thẩm mỹ của cuộc sống. Khi bỏ lại sau lưng tính khắc khổ của luân lý phương Tây, lý thuyết hậu hiện đại đã thực sự đón nhận nghệ thuật dưới mọi hình thức. Ai cũng phải công nhận rằng sức mạnh của nghệ thuật làm lay động cả trái tim lẫn trí óc, và nghệ thuật có mặt khắp nơi. Chúng ta đang ở trong thời điểm chuyển tiếp trong lịch sử và những thay đổi này phải được xem như là việc cộng đoàn tín hữu tìm kiếm cách thế định hình cho sứ mạng thừa sai của mình trên toàn thế giới.

Sự canh tân trong cái nhìn của Giáo Hội đối với nghệ thuật được nhìn thấy rõ ràng nơi công đồng Vaticanô II là một công đồng mang tính cởi mở và đối thoại đối với thế giới và các nền văn hóa. Trong hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, Giáo Hội đã nhận định rằng: khác với ngày xưa, ngày nay sự từ chối và tránh né đề cập đến Thiên Chúa và các vấn đề tôn giáo không còn bị coi là dị thường và có tính cá nhân nữa, nhưng được nhiều người coi như một xu hướng tiến bộ và nhân bản ngày càng phổ biến, không những trong các lãnh vực triết học, khoa học, sử học, luật học, mà còn trong lãnh vực văn chương và nghệ thuật nữa.

Tuy nhiên, trong Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, Giáo Hội nhìn nhận rằng mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh là nghệ thuật thánh, là một trong những hoạt động cao quí nhất của tài trí con người, khiến Giáo Hội phải đặc biệt quan tâm, chứ không thể làm ngơ. Giáo Hội tự nhận mình luôn là bạn của nghệ thuật và nhìn nhận sứ mạng cao quí của nghệ thuật, cũng như tìm đến với nghệ thuật như một phương tiện hữu hiệu để trình bày đức tin và các thực tại thánh. Vì thế, Giáo Hội muốn đẩy mạnh việc huấn luyện các nghệ sĩ để họ có thể trình bày đức tin cách đúng đắn qua các tác phẩm nghệ thuật, cũng như tránh những điều sai lạc đức tin hay không phù hợp với đạo đức Kitô giáo.

Sự quan tâm và đánh giá cao của Giáo Hội đối với những đóng góp của nghệ thuật trong lãnh vực đức tin được tiếp nối trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 123, và được lặp lại trong Hiến chế Gaudium et Spes: “Vậy nên cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ và một khi được hưởng tự do đúng mức, họ có thể trao đổi với cộng đoàn Kitô hữu dễ dàng hơn. Giáo Hội cũng phải công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đem vào nơi phụng tự những hình thức mới này, một khi với lối diễn tả thích nghi và phù hợp với phụng vụ, chúng giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. (x. PV 123)”.

Sự quan tâm của Giáo Hội đối với nghệ thuật còn được bày tỏ qua sứ điệp nhân dịp bế mạc công đồng. Ngỏ lời với những người say mê và phục vụ cái đẹp: các thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, diễn viên điện ảnh và kịch nghệ, Giáo Hội đã gọi những người yêu chuộng nghệ thuật chân chính là bạn. Giáo Hội nhìn nhận những công lao đóng góp to lớn của họ trong việc suy tôn các tín điều, diễn tả sứ điệp thánh và các mầu nhiệm vô hình bằng ngôn ngữ hình thể và sắc màu, qua các công trình xây dựng và trang hoàng thánh đường, phục vụ và làm phong phú các cử hành phụng vụ.

Giáo Hội rất cần đến các nghệ sĩ và tha thiết yêu cầu họ đừng từ chối liên kết với Giáo Hội để đem tài năng ra phục vụ vẻ đẹp của chân lý do Thánh Thần gợi hứng. Thế giới ngày nay đang cần đến vẻ đẹp ấy để khỏi chìm đắm trong tuyệt vọng, bởi lẽ cái đẹp cũng như chân lý luôn mang lại niềm vui cho tâm hồn con người. Những tác phẩm nghệ thuật là những hoa trái không bao giờ tàn úa theo thời gian, nhưng mãi mãi tồn tại và có sức nối kết các thế hệ trong sự đồng cảm.

Thái độ cởi mở và sự quan tâm của công đồng Vaticanô II đối với nghệ thuật đã được tiếp tục trong Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, một tác phẩm được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gọi là một trong những thành quả quan trọng nhất của công đồng. Sách Giáo lý đã mời gọi các giám mục lưu tâm cổ võ nghệ thuật thánh, cổ truyền cũng như hiện đại, trong mọi hình thức của nó.

II. VAI TRÒ CỦA NGHỆ THUẬT ĐỐI VỚI ĐỨC TIN

Mỗi người đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa của mình. Muốn truyền bá đức tin cho các dân tộc thuộc những nền văn hóa khác nhau, Giáo Hội cần phải nhờ đến các lối diễn tả của những nền văn hóa ấy, để các chân lý đức tin trở nên dễ hiểu và dễ chấp nhận đối với các dân tộc. Nghệ thuật là một thành phần cấu tạo của các nền văn hóa. Vì vậy, để có thể phân tích kỹ lưỡng vai trò của nghệ thuật đối với đức tin, trước hết chúng ta thử nhìn qua vai trò của văn hóa nói chung đối với đức tin.

1. Vai trò của văn hóa đối với đức tin

Công đồng Vaticanô II có một cái nhìn rất cởi mở và một đánh giá rất tích cực đối với các thực tại trần thế. Trong sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem, công đồng đã khẳng định: “Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế như giá trị của cuộc sống và của gia đình, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng chính trị, bang giao quốc tế và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ của chúng, tất cả những thực tại đó, hoặc xét ngay trong chính bản tính của chúng, hoặc xét chúng như thành phần của toàn thể trật tự trần thế, chẳng những chúng là phương thế giúp con người đạt tới mục đích tối hậu, mà chúng còn có giá trị riêng do Thiên Chúa phú bẩm: ‘Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!’ (St 1,31)”.

Trong lời khẳng định trên đây, văn hóa được kể vào số những thực tại thuộc trật tự trần thế. Nói đến trật tự là nói đến cái đẹp, sự hài hòa. Trật tự trần thế là do chính Thiên Chúa tạo dựng từ sự hỗn mang vốn được Thánh Kinh coi như biểu tượng của hư vô. Trật tự ấy phản ánh sự tốt đẹp của Thiên Chúa Tạo Hóa, và một khi được giao phó cho con người chăm sóc, thì nó cũng ghi dấu ấn của con người là thụ tạo tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã tạo thành giống hình ảnh của Người, với sứ mạng làm cho các thực tại ấy ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Do tội lỗi của con người, trật tự trần thế đã phần nào mất đi vẻ đẹp nguyên thủy và có nguy cơ trở về tình trạng hỗn mang. Vì thế, Lời Sáng Tạo đã trở thành Lời Cứu Độ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể để cứu độ trần gian. Theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Nhập Thể và để nối dài mầu nhiệm ấy, Giáo Hội đã tìm cách đưa Lời Chúa vào các nền văn hóa của các dân tộc, như lời dạy của công đồng trong sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes:

“Lời Chúa là hạt giống, vừa nẩy mầm trong đất mầu mỡ thấm nhuần sương thiêng, vừa thu hút biến đổi và tiêu hóa mẫu mỡ đó để sau cùng mang lại nhiều hoa trái. Thật vậy, tương tự như chương trình Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ trung, khi đang được bén rễ trong Chúa Kitô và xây dựng trên nền tảng các tông đồ, qua một cuộc trao đổi kỳ diệu, thu nhận tất cả những sự phong phú của các dân tộc đã được trao cho Chúa Kitô làm gia nghiệp. Các Giáo Hội đó rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Đấng Cứu Thế và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống kitô hữu. (x. GH 13)”.

Tiếp đến, trong hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, Giáo Hội đã nhìn nhận rằng giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thật vậy sứ điệp ấy được gửi đến cho con người qua con đường mạc khải. Nhưng để con người có thể hiểu được mạc khải, Thiên Chúa phải dùng đến ngôn ngữ nhân loại. Đỉnh cao và sự hoàn tất mạc khải được thực hiện trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, qua đó Lời Chúa trở thành một con người cụ thể nơi Đức Giêsu, trong một bối cảnh văn hóa đặc thù, để rồi từ đó Thiên Chúa tiếp tục sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc để nói với họ qua các nhà truyền giáo và các thừa tác viên trong Giáo Hội.

Quả thế, trải qua các thời đại và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã sử dụng những chất liệu, những lối diễn tả đặc thù của các nền văn hóa để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, giúp họ hiểu và ngày càng tiến xa hơn trong sự hiểu biết, cũng như để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của cộng đoàn tín hữu.

Mặc dù Giáo Hội có một truyền thống riêng cần phải được bảo tồn và tiếp tục xây dựng qua mọi thời đại, nhưng vì ý thức sứ mạng phổ quát của mình, Giáo Hội muốn hòa mình vào các nền văn hóa khác nhau với sự tôn trong các truyền thống và các giá trị của chúng, nhờ đó Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy trở nên phong phú hơn. Vì vậy, để trở thành những người loan báo Tin Mừng cho người đồng hương với mình, các tín hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa riêng của họ.

Trích lời của Đức Thánh Cha Gioan XXIII trong diễn văn khai mạc công đồng Vaticanô II, ngày 11-10-1962, hiến chế mục vụ Gaudium et Spes cũng đề cập đến cách trình bày đức tin nơi các sách thần học. Cũng như các khoa học khác, thần học có những phương pháp riêng cần phải tuân theo và những đòi hỏi cần phải đáp ứng, tuy nhiên các nhà thần học được mời gọi luôn tìm kiếm những cách thức thích hợp để truyền đạt giáo thuyết cho người đương thời, để nội dung đức tin được diễn tả một cách trung thành nhưng dễ hiểu đối với người nghe.

2. Vai trò của nghệ thuật đối với đức tin

Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thánh nói riêng có thể được Giáo Hội sử dụng như một phương tiện để giúp các tín hữu thể hiện niềm tin trong việc thờ phượng Thiên Chúa, sống và tuyên xưng niềm tin, cũng như nuôi dưỡng và truyền bá đức tin. Nhưng trước khi phân tích các chức năng ấy, chúng ta hãy thử xem xét vai trò của nghệ thuật đối với đức tin nói chung.

2.1. Một cái nhìn chung về vai trò của nghệ thuật đối với đức tin

Nghệ thuật là một lãnh vực của văn hóa đòi hỏi nhiều sáng tạo. Nhưng bất cứ sự sáng tạo nào cũng là kết quả của trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là khả năng nhìn xuyên qua cái hiện diện tức thời để thấy cái có thể sẽ xuất hiện. Có thể nói trí tưởng tượng giúp con người sắp xếp mọi thứ và làm cho những kinh nghiệm có ý nghĩa. Nó đưa con người đến tiếp xúc với một câu chuyện lớn lao, đó là câu chuyện về Thiên Chúa và giúp họ nhìn thấy mọi sự theo những cách thức khác biệt.

Nói cách chính xác hơn, trí tưởng tượng không đưa con người xa rời hiện thực, nhưng đặt họ vào những cách thế mới mẻ để nhìn sự vật. Đó là lý do tại sao các dụ ngôn của Chúa có sức mạnh đến thế. Các dụ ngôn ấy mời gọi chúng ta tưởng tượng ra những điều mà chúng ta không nghĩ đến trước đó. Trí tưởng tượng có khả năng đưa chúng ta đến gần sự thật về thế giới khi chúng ta nhìn qua lăng kính của Thánh Kinh. Là một hoạt động đầy tưởng tượng, nghệ thuật có thể mở đôi mắt chúng ta để chúng ta nhìn thấy những điều cũ trong ánh sáng mới.
Chính Thánh Kinh đến với chúng ta dưới hình thức nghệ thuật. Thiên Chúa được Thánh Kinh giới thiệu lần đầu tiên dưới hình ảnh một nghệ sĩ sáng tạo. Người là tác giả đã tưởng tượng ra mọi công trình sáng tạo. Người cũng ủy thác cho con người nhiệm vụ tiếp tay với Người trong công trình sáng tạo ấy. Công trình ấy cũng bao gồm mọi loại hình nghệ thuật, như lời khẳng định của công đồng Vaticanô II trong hiến chế về Phụng vụ thánh: “Riêng đối với tất cả những nghệ sĩ có tài năng, muốn phụng sự Thiên Chúa để làm vinh danh Người trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng một phần nào họ bắt chước Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng công giáo, vào việc cảm hóa các tín hữu cho họ thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa”.

Thiên Chúa cho thấy ý định nguyên thủy của Người là tạo thành một thế giới vừa có công năng hoạt động vừa mang tính thẩm mỹ, khi Người đặt trong vườn địa đàng những cây cối với những trái cây vừa ngon để ăn, vừa đẹp để ngắm nhìn (x. St 2,9). Điều này sẽ không có kết quả nếu như Chúa không tạo dựng con người giống hình ảnh Người (x. St 1,26) với khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Thiên Chúa xác nhận công việc tay Người làm là “tốt đẹp” và Người giao cho con người nhiệm vụ duy trì và làm phát triển cái đẹp ấy. Đó là lời mời gọi đi vào thế giới này chứ không phải ra khỏi nó, dấn thân vào chứ không phải trốn tránh.

Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo đã dạy: “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn mọi nhu cầu sinh tồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo (x. Kn 7,17), để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và bằng tai nghe. Như vậy nghệ thuật bao hàm một sự tương tự nào đó với hoạt động của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý về vạn vật và lòng yêu mến vạn vật. Cũng như bất cứ hoạt động nào khác của con người, nghệ thuật không có mục đích tuyệt đối nơi chính nó, nhưng được qui hướng về con người và trở nên cao quí nhờ mục đích tối hậu là con người”.

Mối bận tâm của các nghệ sĩ là tìm kiếm, chiêm ngắm và trình bày vẻ đẹp ấy, qua đó dù muốn hay không muốn họ cũng giúp cho người khác nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa, bởi lẽ vẻ đẹp của vũ trụ thiên nhiên chỉ là phản ánh vẻ đẹp hoàn hảo của Thiên Chúa. Trong quá trình lịch sử đã có những biến dạng trong nghệ thuật, như khi người ta dùng trí tưởng tượng của mình để tạo ra những tượng thần, cùng với những ca khúc, vũ điệu, lễ nghi, để tôn thờ các ngẫu tượng ấy. Những biến dạng ấy cho thấy nhu cầu cần phải giáo dục và đào tạo trí tưởng tượng, chứ không phải là lý do để từ bỏ món quà tốt đẹp Chúa ban và đồng thời cũng là phương tiện Chúa trao để con người có thể khám phá sự hiện diện của Người. Đôi khi các nghệ sĩ dường như ít quan tâm đến việc tìm kiếm sự hoàn hảo và cái đẹp cho bằng phản ứng lại những rạn nứt, những cái xấu. Nhưng đó cũng là một cách để phục hồi cái đẹp đã bị con người đánh mất. Vì thế, Calvin Seerveld đã nhận xét: “Thiên Chúa muốn nghệ thuật thi hành hai chức năng: ca ngợi danh Chúa và đặt mọi thứ vào chỗ hoàn thiện”.

2.2. Vai trò của nghệ thuật đối với đức tin trong những lãnh vực khác nhau

Các nghệ sĩ và tác phẩm của họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống đức tin nơi cộng đoàn tín hữu. Những lãnh vực này có thể bao gồm việc giúp các tín hữu cầu nguyện và thờ phượng như hành vi cao nhất của đức tin, sống và tuyên xưng đức tin, nuôi dưỡng và truyền bá đức tin.

2.2.1. Thờ phượng

Vai trò cao nhất của nghệ thuật là giúp con người cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Vai trò này thuộc về nghệ thuật thánh được công đồng Vaticanô II xem như “tột đỉnh” của nghệ thuật tôn giáo và là “một trong những hoạt động cao quí nhất của tài trí con người”. Hiến chế về Phụng vụ thánh đã viết: “Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự tích cực góp phần hướng tâm trí con người về cùng Chúa cách đạo đức”. Thánh Gioan Đamascênô đã nói: “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thỏa mắt tôi, cũng như quang cảnh đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa”.

Nhờ vẻ đẹp và hình thức thích hợp, nghệ thuật thánh đáp ứng với ơn gọi riêng của nó. Trong đức tin và trong sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Kitô, “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Vẻ đẹp ấy cũng tỏa chiếu nơi Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và các thánh. Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến việc tôn thờ, cầu nguyện và yêu mến Thiên Chúa là vẻ đẹp tuyệt tối.

Thiên Chúa được ca tụng, tôn vinh và thờ phượng cách đặc biệt trong phụng vụ, vì phụng vụ có đặc tính thẩm mỹ đáng kể. Nếu vậy thì rõ ràng vai trò của nghệ thuật thánh rất quan trọng đối với bối cảnh phụng vụ. Nghệ thuật thánh có thể mở ra cho chúng ta những cánh cửa đến với cái siêu việt. Khi đặt trong bối cảnh phụng vụ đâm rễ từ Thánh Kinh, nghệ thuật thánh có sức mạnh mở to đôi mắt của chúng ta để nhìn thấy rõ hơn những điều linh thánh. Giáo Hội cần phải sử dụng thật nhiều nghệ thuật thánh trong phụng vụ để chúng có thể làm công việc của mình là cho chúng ta thoáng thấy chân lý, vẻ đẹp và vinh quang của Thiên Chúa.

Giáo huấn Thánh Kinh về đặc sủng trong Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo Hội (x. 2Cr 12-14) cũng có thể được áp dụng cho các tài năng nghệ thuật. Ở nhiều nơi trên trái đất, một làn sóng mới thuận lợi cho nghệ thuật sáng tạo đã tiến những bước dài trong việc đáp lại sự thách thức của việc hội nhập các đặc sủng truyền thống với đặc sủng nghệ thuật.

Trong Cựu Ước, Bơ-xan-ên đã được Thiên Chúa kêu gọi để thực hiện một tác phẩm kiến trúc di động tuyệt vời mang tính phụng vụ là Nhà Tạm và Hòm Bia. Ông là người đầu tiên trong Thánh Kinh được công khai gắn liền với việc Thánh Thần ban cho quyền năng và hướng dẫn (x. Xh 31,1-5). Để vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Nhà Tạm (x. Xh 40,34-35), cần có một nghệ sĩ tràn đầy Thần Khí. Người đạo diễn nghệ thuật của ông chính là Thiên Chúa. Ông không làm đơn xin việc, nhưng ông được kêu gọi và chỉ định một cách rất đặc biệt. Điều đó cho thấy Thiên Chúa có thể kêu gọi người nghệ sĩ và do đó việc theo đuổi nghệ thuật có thể là một ơn gọi thiêng liêng. Ông không được ban cho kiến thức, sự khôn ngoan và kỹ năng để cho riêng mình, nhưng Thiên Chúa đã đặt nơi trái tim ông niềm khát vọng và khả năng dạy cho người khác (x. Xh 35,34), và như thế nhân lên gấp bội những gì Thiên Chúa ban cho ông.

2.2.2. Sống và tuyên xưng đức tin

Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo đã dạy: “Việc chiêm ngắm các ảnh tượng thánh, cùng với việc suy niệm Lời Chúa và việc ca hát các thánh thi phụng vụ, sẽ tạo nên một sự hòa hợp các dấu chỉ trong cuộc cử hành, làm cho mầu nhiệm được cử hành in sâu vào tâm khảm các tín hữu, rồi được biểu lộ ra trong đời sống mới của họ”.

Đức tin được biểu lộ ở mức độ cao nhất trong các hành vi phụng vụ và được các tín hữu sống và tuyên xưng trong bối cảnh đời thường. Không riêng gì nghệ thuật thánh, có thể nói mọi hình thức nghệ thuật đều có thể đảm trách vai trò này, bởi lẽ nghệ thuật liên quan đến ý nghĩa cuộc sống cũng bao gồm nghệ thuật liên quan đến niềm tin. Nghệ thuật không chỉ diễn đạt một quan điểm, mà còn tìm cách thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm ấy.

Trong hiến chế mục vụ, số 57, công đồng Vaticanô II đã nêu lên một cách tổng quát các bộ môn như triết học, sử học, toán học, sinh vật học và nghệ thuật, với nhận định rằng khi chuyên tâm nghiên cứu các bộ môn ấy, con người có thể đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán đúng đắn, nhờ đó có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại.

Tiếp đến, công đồng đề cập riêng đến vai trò của văn chương và nghệ thuật đối với đời sống đức tin của người tín hữu trong Giáo Hội và thế giới: “Văn chương và nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Thực thế, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn tả đặc tính riêng của con người cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng cố gắng khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, phơi bày những đau khổ và vui mừng, những nhu cầu và nghị lực của con người, lại cố gắng phác họa một vận mệnh khả quan hơn cho con người. Như thế văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau”.

Nghệ thuật có thể giúp con người sống và tuyên xưng đức tin bằng một cuộc tìm kiếm và thể hiện cái đẹp qua việc sống theo chân lý và thực hành điều thiện. Chân lý và điều thiện tự nó là đẹp. Khi sống đẹp, con người tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là nguồn mạch mọi điều tốt đẹp.

2.2.3. Nuôi dưỡng và truyền bá đức tin

Qua dòng lịch sử, Giáo Hội đã biết tận dụng nghê thuật, đặc biệt là nghệ thuật thánh, để nuôi dưỡng đức tin của các Kitô hữu và để làm phương tiện truyền bá đức tin cho các dân tộc. Trong lãnh vực này các ảnh tượng thánh đã đóng một vai trò không thể phủ nhận, như lời Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo đã dạy: “Các ảnh tượng thánh, hiện diện trong các thánh đường và trong nhà của chúng ta, có mục đích khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin vào mầu nhiệm của Đức Kitô”.

Trong công cuộc truyền giáo, chẳng những Giáo Hội rao giảng Lời Chúa mà còn dùng những hình ảnh trong nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng. Lời Chúa được minh họa bằng hình ảnh, còn hình ảnh thì được Lời Chúa đem lại ý nghĩa. Hình ảnh và lời nói làm sáng tỏ lẫn nhau. Việc sử dụng ảnh tượng trong công cuộc truyền giáo vốn đã có trong truyền thống Kitô giáo, như lời khẳng định của công đồng Nicêa II (năm 787) mà Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo trích dẫn: “Chúng tôi tuyên bố cách vắn tắt rằng chúng tôi gìn giữ nguyên vẹn mọi truyền thống, hoặc thành văn hoặc bất thành văn, của Hội Thánh đã được ký thác cho chúng tôi. Một trong những truyền thống này là việc sử dụng ảnh tượng, vốn phù hợp với việc rao giảng lịch sử Tin Mừng. Việc sử dụng ảnh tượng góp phần nói lên sự chắc chắn xác thực, chứ không phải chỉ là dáng vẻ, của việc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, và góp phần mang lại lợi ích cho chúng tôi. Những gì soi sáng cho nhau thì chắc chắn có những ý nghĩa hỗ tương”.

Truyền thống rao giảng Tin Mừng bằng nghệ thuật ảnh tượng càng được củng cố hơn nữa trong thời đại ngày nay, khi hình ảnh ngày càng chiếm chỗ quan trọng trong cuộc sống thường ngày cũng như trong các môi trường giáo dục và truyền thông, khi hình ảnh ngày càng có khuynh hướng thay thế chữ viết.

Để truyền bá đức tin cho các dân tộc có những nền văn hóa khác nhau, Giáo Hội cần phải tập làm quen để biết sử dụng cách đúng đắn và trân trọng các hình thức nghệ thuật hiện có trong mỗi nền văn hóa bản địa. Việc làm quen với những cách diễn tả của nghệ thuật trong các nền văn hóa khác nhau cũng quan trọng như việc đến trường học ngôn ngữ để chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Nghệ thuật cung cấp một khung cửa sổ cho thứ ngôn ngữ của con tim. Một ngôn ngữ như thế có thể vòng qua các trở ngại vốn ngăn cản chúng ta quan hệ với nhau. Nghệ thuật có thể đi xuyên qua những rào cản ngôn ngữ và văn hóa và có thể lên tiếng nói thấm sâu vào lòng những người cảm nhận.

Do đó, Giáo Hội cần phải thực hiện những cuộc nghiên cứu về ý nghĩa của nghệ thuật bản địa và khéo léo dệt những sợi chỉ và hoa văn của Kitô giáo bản địa, để Tin Mừng có thể tràn vào những hình thức bản địa. Các thừa sai cần công khai bảo vệ các giá trị nghệ thuật của người bản địa trong phong cách và ngôn ngữ của họ, cho phép họ biểu lộ lời ca tụng Thiên Chúa theo cách của họ. Thật đáng ngạc nhiên khi có một số tổ chức truyền giáo tỏ ra ngại ngùng trong việc đón nhận nghệ thuật bản địa và sử dụng chúng trong công việc truyền giáo cho dân chúng địa phương.

III. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỨC TIN ĐỐI VỚI NGHỆ THUẬT

Tương quan giữa nghệ thuật và đức tin chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh rộng lớn của tiến trình hội nhập văn hóa. Thuật ngữ “hội nhập văn hóa” trong thần học về truyền giáo nhằm nói lên sự giao thoa, gặp gỡ giữa Tin Mừng và các nền văn hóa. Trong tiến trình này Giáo Hội sử dụng các lối diễn tả của một nền văn hóa đặc thù để trình bày sứ điệp Tin Mừng, trong đó phải kể đến các lối diễn tả đặc trưng của nghệ thuật bản địa, để các chân lý đức tin có thể được người dân địa phương hiểu được và đón nhận, như chúng ta vừa trình bày trên đây.

Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập văn hóa ấy, Giáo Hội đồng thời cũng đưa các giá trị Kitô giáo vào hệ thống giá trị của nền văn hóa địa phương, để thanh lọc, hoàn bị, nâng cao và làm phong phú chính nền văn hóa đó. Về điều này, công đồng Vaticanô II đã khẳng định:
“Tin Mừng của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống đối và khử trừ các sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn luôn đe dọa. Tin Mừng không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Những đức tính của mọi thời như được Tin Mừng làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô (x. Ep 1,10) nhờ những ân huệ bởi trời. Như thế, trong khi chu toàn bổn phận riêng, Giáo Hội cũng đồng thời thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, và nhờ hoạt động của mình, ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ, Giáo Hội giáo dục con người đạt tới tự do nội tâm”.

Đó là ảnh hưởng của Tin Mừng đối với văn hóa, và trong một phạm vi hạn hẹp hơn, đó là ảnh hưởng của đức tin đối với nghệ thuật. Trong đoạn trên chúng ta đã thấy đức tin cần đến nghệ thuật để diễn tả, để được chấp nhận, để sống và để truyền bá. Nhưng nghệ thuật cũng cần đến đức tin Kitô giáo để thể hiện và hoàn thiện chính mình.

Trước hết, như lịch sử văn hóa nghệ thuật của thế giới Tây Phương đã chứng minh, nghệ thuật đã cần đến đức tin Kitô giáo để tìm nguồn cảm hứng cũng như để chọn đề tài sáng tác, nhờ đó thể hiện chính mình cách phong phú. Có biết bao tác phẩm nghệ thuật được gợi hứng và lấy đề tài từ Thánh Kinh, lịch sử cứu độ hay các mầu nhiệm đức tin. Thật vậy, đề tài tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng là một trong số các đề tài được các nghệ sĩ mọi thời khai thác nhiều nhất. Có thể khẳng định rằng tôn giáo là nơi đặt ra những câu hỏi, những vấn nạn có tầm quan trọng sinh tử đối với con người, đồng thời cũng là nơi người ta tìm được những câu trả lời cụ thể và dứt khoát cho cuộc sống. Lý do dễ hiểu là tôn giáo và đức tin có khả năng giúp con người đi vào thế giới linh thánh, nhận ra chân lý, vẻ đẹp, cũng như ý nghĩa của các sự vật và cuộc sống con người. Đó cũng là những lãnh vực mà nghệ thuật mong muốn diễn tả, vì tự bản chất mọi nghệ thuật đều mang chiều kích thánh thiêng.

Ngoài ra, đức tin Kitô giáo không chỉ giúp nghệ thuật thể hiện, mà còn góp phần làm cho nó trở nên hoàn thiện hơn, theo mô hình của mầu nhiệm Nhập Thể. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đi vào trần gian, mặc lấy hình dạng con người và chịu ảnh hưởng của một nền văn hóa đặc thù với những sắc thái và giá trị của nó, nhưng đồng thời Người cũng dùng sức mạnh của thần tính để thánh hóa các thực tại trần gian và làm cho chúng được thanh luyện, được biến đổi để trở nên hoàn thiện hơn. Cũng vậy, đức tin Kitô giáo một khi đã hội nhập vào thế giới nghệ thuật, cũng góp phần thanh luyện và hoàn thiện nghệ thuật.

Trong khi nghệ thuật trong tình trạng nguyên thủy không cần được cứu độ, thì sự biến dạng, sự sử dụng sai mục đích và sự lạm dụng mà nghệ thuật phải hứng chịu trong quá trình thể hiện do ảnh hưởng của tội lỗi con người khiến cho nghệ thuật cần phải được cứu độ bằng đức tin chân chính. Trong trường hợp này tiến trình cứu độ bao gồm sự gạn lọc, để những ý nghĩa và ý tưởng trái ngược với lời dạy của Thánh Kinh bị loại ra và những ý nghĩa mới được định hình cho hình thức nghệ thuật. Cũng như trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật, luật pháp, v.v., nghệ thuật cũng phải tùy thuộc vào các tiêu chuẩn luân lý do Thiên Chúa mạc khải. Một tác phẩm nghệ thuật mang tính vô luân, ngược với các tiêu chuẩn đạo đức, thì không thể chấp nhận được. Về vấn đề này công đồng Vaticanô II đã dạy:

“Vấn đề thứ hai là xét đến điều mà người ta thường nói là những tương quan giữa quyền lợi của nghệ thuật và tiêu chuẩn của luật luân lý. Vì những cuộc tranh luận thường xuyên về vấn đề này nhiều khi bắt nguồn từ những học thuyết sai lầm về luân lý và thẩm mỹ, nên thánh công đồng tuyên bố mọi người phải tuyệt đối tuân giữ quyền ưu tiên của lãnh vực luân lý khách quan, bởi vì lãnh vực này là lãnh vực độc nhất trổi vượt và phối hợp một cách thích đáng với mọi lãnh vực khác, dù là rất cao quí, của hoạt động con người, kể cả nghệ thuật nữa. Thật vậy chỉ có lãnh vực luân lý mới liên hệ đến toàn diện bản tính con người, một tạo vật có lý trí đã được Thiên Chúa tạo dựng và mời gọi vào đời sống siêu nhiên, vì nếu trung thành tuân giữ lãnh vực luân lý, con người sẽ đạt tới hoàn thiện và hạnh phúc đầy đủ”.

THAY LỜI KẾT

Trên đây chúng ta đã cùng nhau đặt mình dưới ánh sáng của giáo huấn công đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo để có một sự hiểu biết nào đó về mối liên hệ giữa đức tin và nghệ thuật. Tuy nhiên, có một hiểu biết cũng chỉ là giai đoạn khởi đầu. Điều tiếp theo cần phải thực hiện là làm sao để các cộng đoàn tín hữu có thể đẩy mạnh sự hiểu biết, nâng cao ý thức về nghệ thuật cũng như tạo được sự hòa hợp giữa nghệ thuật với đời sống đức tin. Nền giáo dục mà chúng ta muốn khích lệ phải bao gồm giáo dục về nghệ thuật, cũng như giáo dục đức tin nhờ nghệ thuật. Giáo dục đức tin bằng con đường nghệ thuật cũng là một cách Tân Phúc Âm Hóa.

Thời gian đã chín muồi để các cộng đoàn Kitô hữu chú tâm gắn kết với nghệ thuật như một yếu tố quan trọng trong đời sống Giáo Hội và là nguồn nối kết các nền văn hóa đa dạng nơi các cộng đoàn Kitô hữu đang sống. Sự thờ ơ với nghệ thuật làm nghèo đi đời sống cộng đoàn dân Chúa và làm mờ nhạt khả năng làm chứng tá cho Nước Chúa và Tin Mừng của Người.

Người tín hữu được mời gọi sử dụng và làm phát triển các quà tặng Chúa ban để làm vinh danh Chúa. Điều này cũng áp dụng cho các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ Kitô giáo nhận lấy món quà nghệ thuật và dâng tặng món quà ấy để làm vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta đang ở vào thời kỳ mà Giáo Hội được mời gọi có cái nhìn mới mẻ về vai trò của nghệ sĩ, cũng như Giáo Hội mời gọi các tín hữu phải có một cái nhìn mới về việc rao giảng Tin Mừng, trong chương trình Tân Phúc Âm Hóa được thực hiện chẳng những bằng một nhiệt tình mới, mà còn bằng phương pháp mới và cách diễn tả mới. Thiết tưởng dùng nghệ thuật để loan báo Tin Mừng là một trong những phương pháp mới và cách diễn tả mới ấy. Cho đến nay, rõ ràng nghệ thuật là một trong những nguồn chưa được khai thác đúng mức trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho con người thời hiện đại.

Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

(Nguồn: nghethuatthanh.net)