HÃY CẦM VÀ ĐỌC - CỔ VÕ VĂN HOÁ ĐỌC SÁCH
"Thời gian dành cho việc đọc sách có thể mở ra những không gian nội tâm mới, giúp chúng ta không bị rơi vào những tư tưởng ám ảnh có thể cản đường phát triển con người chúng ta" (Đức Giáo hoàng Phanxicô).
WHĐ (13/9/2024) - Nhân dịp các Đại Chủng viện, các Học viện và trường học khai giảng năm học mới 2024-2025 và gần đây Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi tới toàn thể Dân Chúa, cách riêng cho các nôi đào tạo, lá thư về Vai trò của văn chương trong việc đào tạo (17/7/2024)[1], trong đó, ngài nói đến những lợi ích của việc đọc sách và tầm quan trọng của văn chương trong đào tạo linh mục. Với sự gợi ý của lá thư này, tôi xin nói đến việc cổ võ văn hoá đọc sách trong bối cảnh hiện nay.
Lý do phải rèn luyện thói quen đọc sách |
Đọc sách và những lợi ích
Sách là nơi chứa đựng kho tàng tri thức của nhân loại. Theo nghĩa hẹp, sách là một loạt văn bản hoặc hình ảnh viết tay hoặc in, được dán lại với nhau. Theo nghĩa rộng, sách được chuyển đổi thành văn bản, hình ảnh nhờ kỹ thuật số, có thể đọc được trên màn hình của máy tính hay các thiết bị điện tử, gọi là sách điện tử (electronic book hay e-book).
Đọc sách là một cách học dễ dàng nhất, đơn giản nhất, nhưng lại hữu ích nhất. Đọc sách mang lại những lợi ích như:
- Đọc sách giúp ta biết mình, hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân: “Khi đọc sách, chúng ta được nên phong phú bởi những gì chúng ta nhận được từ tác giả, và điều này cho phép chúng ta lớn lên ở bên trong… đổi mới và mở rộng thế giới quan của chúng ta”[2];
- Đọc sách giúp ta trau dồi và làm giàu kiến thức. Sách là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại được truyền lại qua thời gian. Đọc sách giúp ta hiểu biết và nhờ đó xử lý những tình huống khác nhau xuất hiện trong cuộc sống;
- Đọc sách kích thích trí não, trí tưởng tượng và tính sáng tạo, tăng cường khả năng tuy duy logic, phân tích, phản biện của ta, ngăn ngừa chứng mất trí, lão hoá và chết sớm;
- Đọc sách nâng cao khả năng tập trung của não, người hay đọc sách sẽ có khả năng tập trung tốt hơn cho từng công việc;
- Đọc sách củng cố vốn từ vựng và phong cách viết cũng như nói, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, tức là giúp phát triển khả năng sử dụng từ ngữ tinh tế, sâu sắc, phong phú và đúng với từng hoàn cảnh[3]. Một nhà truyền thông tốt trước hết phải là một người đọc tốt.
- Đọc sách còn giúp giảm mức độ thoái hoá nhận thức của trí não, làm dịu những căng thẳng lo âu, mang lại sự bình yên cho tâm hồn. Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: “Trong những lúc mệt mỏi, bực bội, chán chường hay thất bại, khi chính việc cầu nguyện cũng không giúp chúng ta tìm được yên bình nội tâm, thì một cuốn sách tốt có thể giúp chúng ta vượt qua sóng gió ấy cho tới khi tìm được bình an trong lòng”[4]. Thánh Ignatio Loyola là một điển hình cho điều đó khi ngài bị thương ở trong bệnh viện;
- Sâu xa hơn, đọc sách, nhất là đọc sách văn chương là lắng nghe tiếng nói của một người, là bước vào cuộc đối thoại với người khác, giúp ta nhạy cảm với mầu nhiệm của những người khác và dạy ta cách chạm vào trái tim của họ[5]. Nhờ nhìn qua đôi mắt của người khác, ta “có được một góc nhìn rộng giúp mở rộng nhân tính của chúng ta. Chúng ta phát triển một sự thấu cảm đầy sáng tạo cho phép mình đồng cảm với cách mà người khác nhìn thấy, kinh nghiệm, và đáp ứng với thực thế”[6]. Cùng với sự lắng nghe tiếng nói, kinh nghiệm và cảm xúc của người khác trong văn chương, ta có cơ hội để suy gẫm các kinh nghiệm của chính mình về những thực tế ấy. Văn chương dạy chúng ta kiên nhẫn trong cố gắng hiểu người khác, khiêm tốn trong tiếp cận các tình huống phức tạp, hiền lành trong phán đoán về các cá nhân, và nhạy cảm với thân phận con người của chúng ta[7].
Tắt một lời, đọc sách văn học làm cho đời sống con người phong phú hơn: “Khi đọc những tác phẩm văn học lớn, tôi trở thành cả ngàn người mà vẫn là chính mình. Giống như bầu trời đêm trong thi ca Hy Lạp, tôi nhìn bằng muôn vàn cặp mắt nhưng vẫn là tôi. Ở đây cũng như trong thờ phượng, trong tình yêu, trong việc đạo đức, trong nhận thức, tôi vượt lên trên bản thân, và không bao giờ là ‘tôi’ hơn thế”[8].
Thực trạng về việc đọc sách
Từ xưa tới nay, đọc sách mang lại những giá trị tinh thần to lớn và thiết thực như thế. Tuy nhiên, với sự bùng nổ công nghệ thông tin và kỹ thuật số, văn hoá nghe, nhìn trở thành phổ biến; văn hoá đọc xem ra ngày càng giảm sút ở trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hình ảnh một người chăm chú vào một cuốn sách khi ở nhà, trên tàu hay trên xe, đang bị thay thế bởi hình ảnh những người chăm chăm chú chú vào màn hình điện thoại di động, màn hình tivi. Hiếm khi ta thấy một người cầm sách đọc nhưng thường thấy đa số người cầm điện thoại, lướt mạng, xem facebook, nghe nhạc v.v… Văn hoá hình ảnh thay thế cho văn hoá chữ viết. Tệ hơn, văn hoá nhậu lấn át văn hóa đọc; văn hoá đọc đang dần biến mất. Cuộc sống trở nên hời hợt và ít giá trị đích thật.
Những con số thống kê gần đây không mấy tích cực về người Việt liên quan đến việc đọc sách: Theo đó, tỷ lệ uống bia của người Việt là nhất thế giới và tổng lượng bia tiêu thụ hàng năm lên tới gần 3 tỷ USD (tương đương với 66.000 tỷ VNĐ). Trong khi đó, tiền thu từ việc bán sách là 2000 tỷ/năm, tức là chỉ bằng 1/33 so với tiền uống bia. Mỗi người Việt hiện chỉ đọc được 0.8 cuốn sách/năm, một số lượng thấp nhất thế giới. So với Malaysia, mỗi người đọc 20 cuốn/năm [9]. Hai hình ảnh tương phản mà ta thường thấy: một bên, quán nhậu thì tưng bừng náo nhiệt, dzô dzô 100%, một bên, nhà sách lại đìu hiu, vắng teo. Nên nhiều nhà giáo dục phải thốt lên rằng văn hoá đọc của cộng đồng phải chăng đang chết!
Khi nói về Thực trạng văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Hải Yến cho biết những khảo sát gần đây khá chi tiết về việc đọc sách:
“Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Và trong một khảo sát đối với sinh viên TP.HCM, có 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26.37% nghĩ rằng đọc sách là cần thiết, 25,15 cho rằng việc đọc sách là bình thường, có hay không cũng được và 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết”[10].
Từ đó, tác giả này cho rằng: “Văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Và còn một thực tế nguy hại không kém là việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ theo phong trào chứ không thực chất, nếu có đọc thì thường chọn những loại truyện ngôn tình, những loại sách đen.”[11]
Trang báo điện tử giaoduc.net đăng lại băn khoăn của Ths. Trương Khắc Trà với tựa đề: “Nhậu nhiều, đọc ít và sự lên ngôi của văn hoá rẻ tiền,” cho rằng: “Uống nhiều bia rượu, lười đọc sách là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa người Việt đến với văn hoá giải trí rẻ tiền… Đất nước đã tụt hậu nhiều mặt so với Lào, Campuchia, Myanmar, đó là sự thật chứ không còn là nguy cơ như những năm trước đây.”[12]
Hiện tượng ít đọc sách cũng xuất hiện trong Hội thánh. Nhiều linh mục vì quá bận rộn với công việc mục vụ, nên không còn thời gian để đọc sách. Do ảnh hưởng xã hội và lối sống, không ít chủng sinh và nam nữ tu sĩ hôm nay cũng không còn thói quen đọc sách. Đối với giáo dân, việc đọc sách lại càng ít thấy. Hậu quả là chất lượng đời sống và sứ vụ không cao.
Lý do phải rèn luyện thói quen đọc sách
Việc đọc sách mang lại những giá trị lớn lao, nên chúng ta được mời gọi cổ võ và lan toả văn hoá đọc sách vì những lý do sau đây:
Trước hết, phần lớn kiến thức ta có là do đọc sách. Trường và thầy cô giáo chỉ cung cấp cho ta kiến thức cơ bản. Sách cung cấp cho ta nguồn kiến thức mênh mông gần như là vô hạn. Đọc sách là đứng trên vai người khổng lồ. Người khổng lồ mất cả đời để viết nên một cuốn sách hay, trong khi ta chỉ cần một tuần để đọc cuốn sách ấy. Vậy vì cớ gì mà bạn không đọc sách?
Trong bối cảnh hôm nay, chúng ta cần nhắc lại một số đòi hỏi của Hội thánh về đào tạo tri thức nơi ứng sinh linh mục. Giáo Luật điều 1029 quy định: “Giám mục chỉ tiến chức cho những người có… kiến thức đầy đủ.” Ratio mới của Bộ Giáo sĩ quả quyết: “Mục đích khi đào tri thức là làm cho chủng sinh đạt được khả năng vững chắc về triết học và thần học, có trình độ văn hóa tổng quát, để họ loan báo sứ điệp Tin mừng cho người đương thời cách đáng tin cậy và dễ hiểu… Việc nghiên cứu triết học và thần học cách chuyên sâu và có hệ thống… Cần phải chăm lo để có được một sự đào tạo tri thức vững chắc, đúng đắn, và có trình độ cao”[13] về con người, thế giới và Thiên Chúa.
Theo tầm nhìn đào tạo hiện đại, sự hiểu biết này phải có hai đặc tính, vừa chuyên môn (specialistic) và vừa xuyên môn (interdisciplinary): “Chuyên môn” có nghĩa là hiểu biết cách tinh tường, có chiều sâu từng lãnh vực, từng môn học, chứ không chỉ biết cách hời hợt, sơ sài; “xuyên môn” có nghĩa là hiểu biết nhiều lãnh vực khác nhau, như triết học, nhân học, xã hội học, tâm lý học, lịch sử, thần học, kinh thánh, phụng vụ, tu đức, mục vụ, truyền giáo v.v… các lãnh vực liên kết với nhau, bổ túc và soi sáng cho nhau làm thành một toàn thể và toàn vẹn của sự hiểu biết về chân lý nơi ứng sinh. Đó là lý do mà trong học trình ở chủng viện và học viện, nhiều môn học được bố trí. Các học viên không học theo kiểu thích môn này thì học, môn kia không thích thì bỏ. Trái lại, môn nào cũng quan trọng cả theo tầm nhìn trên.
Trong lá thư này, Đức Phanxicô cảnh báo một nguy cơ trong môi trường đào tạo linh mục, người ta coi văn chương là không cần thiết nữa. Theo ngài, đó là con đường không mấy lành mạnh, nó làm nghèo nàn về tri thức và linh đạo của linh mục tương lai. Nên ngài kêu gọi cần lưu tâm đọc sách văn chương, như tiểu thuyết và thi ca[14].
Lý do cuối cùng, chúng ta phải rèn luyện thói quen đọc sách như là việc học tập trường kỳ và thường huấn. Nếu không, chúng ta sẽ tụt hậu và lạc hậu. Một mặt, vì kiến thức nhân loại thì luôn phát triển không ngừng. Đơn cử, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đã đạt tới giai đoạn thứ sáu rồi, dự báo nó còn đi xa hơn nữa, tới giai đoạn thứ mười, siêu trí tuệ, vượt xa trí tuệ và khả năng con người… Nên ta phải cập nhật kiến thức liên lỉ, phải học nữa, học mãi. Mặt khác, khả năng trí tuệ và kiến thức của mỗi người luôn có nguy cơ suy giảm, mai một nếu không tự học. Khoa tâm lý học cho thấy con người có khả năng quên và có nguy cơ quên. Khả năng quên là điều tốt vì nhiều thứ cần phải quên. Nhưng nguy cơ quên là điều không tốt vì những kiến thức ta tích trữ sẽ biến mất. Theo các nhà nghiên cứu, một sinh viên đại học ra trường, nếu không đọc sách và tiếp tục nghiên cứu, 4 năm sau, kiến thức của anh chỉ bằng kiến thức của một học sinh cấp ba bình thường. Một tiến sĩ ra trường, sau 6 năm không tiếp tục nghiên cứu, kiến thức chuyên môn của anh trở về gần như là zero. Thế nên, đọc sách là cách thế tốt nhất để duy trì và phát triển sự hiểu biết của mình.
Đối với các giáo sư, việc đọc sách là một đòi hỏi liên lỉ để đáp ứng cho sứ vụ giảng dạy có chất lượng. Người ta thống kê: để dạy tốt 1 giờ trong lớp, giáo sư cần có 8 giờ nghiên cứu. Để là thầy của người khác, anh phải có sự hiểu biết gấp ba trò (từ magister trong tiếng Latin diễn tả ý nghĩa đó). Để dạy tốt, anh phải hiểu biết đủ rộng, đủ nhiều, vì kiến thức nền chiếm 80% và kiến thức chuyên môn chỉ chiếm 20%. Nên các giáo sư phải là những người hơn ai hết được mời gọi đọc sách và tiếp tục nghiên cứu không ngừng. Đó là lý do mà các đại học ở nước ngoài như ở Châu Âu và Mỹ yêu cầu các giáo sư mỗi năm phải có những bài nghiên cứu của mình. Đó là cách để cập nhật liên tục kiến thức.
Tóm lại, không đọc sách, ta trở nên người mù chữ, như nhà văn Mark Twain từng nói: “Một người không đọc sách chẳng khác gì một kẻ không biết đọc”.
Đức tin và văn hoá
Cũng trong lá thư này, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về mối liên hệ giữa văn chương và đức tin. Qua văn chương, Hội thánh giới thiệu tất cả vẻ đẹp, sự tươi mát và mới mẻ của mình trong cuộc gặp gỡ với các nền văn hoá khác nhau, trong đó đức tin của Hội thánh đã bắt rễ, hội nhập và thanh lọc những gì tốt đẹp nhất trong mỗi nền văn hoá. Thánh Phaolô nhìn thấy trong các trang văn chương cổ của người Hy Lạp có một sự chuẩn bị thực sự cho Tin mừng (x. Cv 17,16)[15]. Các Giáo phụ nhận thấy trong những áng thơ của Homer có sự thần hứng nào đó, là sự tác động của Chúa Thánh Thần. Trước đó Platon đã từng cho rằng: “Âm nhạc là sự thiên khải.” Để sáng tác thơ, văn, nhạc, thành những kiệt tác bất hủ, ắt phải có cảm hứng và thần hứng.
Thi hào T.S. Eliot mô tả cuộc khủng hoảng tôn giáo ngày nay như là một tình trạng mất khả năng cảm xúc lan rộng. Đúng hơn, khủng hoảng này phát xuất từ trình trạng mất khả năng cảm xúc sâu xa khi đứng trước Thiên Chúa, trước công trình tạo dựng và tha nhân.
Theo Rahner, ngôn ngữ thi ca tựa như cánh cửa dẫn vào cõi vô tận. Ngôn ngữ thơ kêu mời lời Thiên Chúa. Văn chương có vai trò giáo dục tâm trí của các mục tử, giúp Lời Chúa hiện diện trong tiếng nói của con người. Vì thế, theo ông, có một sự tương đồng tâm linh sâu sắc giữa linh mục và nhà thơ [16].
Cổ võ và lan toả văn hoá đọc sách
Dẫu biết rằng việc đọc sách mang lại nhiều lợi ích lớn lao, nhưng thực tế cho thấy, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, nhìn chung, khả năng đọc và viết của con người, nhất là người trẻ hiện là khá thấp. Đó không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề của Hội thánh. Việc cổ võ và lan toả văn hoá đọc sách nơi gia đình, trong các học đường Công Giáo, và nhất là trong môi trường giáo dục là điều cần làm hơn bao giờ hết.
Đối với các chủng sinh và tu sĩ, vì ơn gọi và sứ vụ hôm nay rất đòi hỏi, nên ngay từ khi bắt đầu bước vào con đường tu trì, các bạn hãy tập cho mình thói quen đọc sách không như một bổn phận mà là một sở thích và đam mê. Với kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên, bạn không chỉ đọc ebook, sách điện tử, sách nói, nhưng nên cầm lấy sách giấy mà đọc, vì nó giúp cho việc nhớ, suy tư và nghiên cứu tốt hơn.
Gần đây tôi rất ngưỡng mộ hình ảnh một linh mục già gần 90 tuổi người Mỹ gốc Đức mà tôi có cơ hội gặp ngài tại một xứ đạo ở New York, ngài luôn đọc sách mọi nơi mọi lúc, cả khi ngồi ăn cũng cầm sách, tôi hỏi ngài: Cha đang đọc sách gì? Ngài trả lời: Cuốn đối thoại của Thánh Catarina Siena. Tôi cũng cảm phục một cô gái trẻ đồng hương với tôi sang Úc làm ăn, nhưng thỉnh thoảng bạn ấy tìm đến thư viện đọc sách và mua sách quý về đọc. Đó là một chọn lựa thông minh và độc đáo! Và lần khác tôi vào Nha Trang thăm mấy người quen, tôi thấy một chị giáo dân ngồi đọc sách. Tôi hỏi: Chị đọc sách gì? Chị trả lời: Cuốn Đức Giêsu thành Nadarét của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI. Với tôi, đó là hình ảnh thật tuyệt vời!
Ở chủng viện và dòng tu, cần ưu tiên đầu tư để có một thư viện đủ tốt về phòng ốc, thiết bị và các loại sách, nhằm đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu của thụ huấn sinh như đòi hỏi của Hội thánh. Đức Phanxicô khuyên đọc sách thi ca và tiểu thuyết. Còn tôi khuyên các bạn hãy học sáng tác thơ văn và nhạc nữa.
Đồng thời cũng cần cổ võ, tạo thói quen đọc sách nơi các giáo xứ đạo bằng cách: khuyến khích các gia đình có tủ sách, cha mẹ mua những cuốn sách quý để trong nhà và tập cho con đọc khi đi làm về, thay vì xem tivi, chơi game trên điện thoại.
Các giáo xứ khi xây dựng trường giáo lý, nên xây dựng thư viện hay phòng đọc sách như sáng kiến của nhiều linh mục trong giáo phận đã làm, nhằm tạo môi trường và thói quen đọc sách nơi các bạn trẻ. Lập thành các nhóm trong giới trẻ, thiếu nhi Thánh thể, kêu gọi họ đọc sách và thảo luận về những tác phẩm có giá trị.
Tôi vẫn còn ấn tượng xác tín của Bộ Giáo dục Công Giáo khi có dịp ghé thăm khi còn du học ở Rôma, khi viết những lời này trước cổng: “Một cuốn sách, một tập vở, một cây bút chì cho một em bé, có thể thay đổi cả thế giới.” Có khi chỉ một trang sách có thể thay đổi một cuộc đời, và nhiều hơn thế nữa… nên cần đầu tư tri thức, đầu tư giáo dục con người, hơn là chỉ lo đầu tư những gì hoành tráng bên ngoài. Có rất nhiều bằng chứng hùng hồn về hiệu quả của sách vở, nhưng chỉ xin kể lại chứng tá của Augustinô, một con người sai lạc, nhưng luôn khắc khoải tìm kiếm chân lý, chính đạo. Cuộc đời ngài được thay đổi hoàn toàn như sự vỡ oà niềm vui, khi gặp muốn cuốn sách trên ghế đá trong một công viên thành phố Milan và nghe có tiếng đâu đó vang lên: “Tolle et lege – hãy cầm lấy mà đọc!” Ngài đã cầm đọc và đã đổi đời, từ một tội nhân, trở thành thánh nhân và một tiến sĩ vĩ đại của Hội thánh.
Kết luận
Thánh Escriva nói: “Đối với người tông đồ hôm nay, một giờ nghiên cứu là một giờ cầu nguyện.”
Xin kết luận bằng nhận định của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Thời gian dành cho việc đọc sách có thể mở ra những không gian nội tâm mới, giúp chúng ta không bị rơi vào những tư tưởng ám ảnh có thể cản đường phát triển con người chúng ta. Trước khi mạng xã hội, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác ồ ạt chiếm lĩnh như hiện nay, việc đọc sách là kinh nghiệm chung của nhiều người và những ai có kinh nghiệm đó đều hiểu điều tôi muốn nói. Đọc sách không phải là điều hoàn toàn lỗi thời”[17].
Vậy, “Tolle et lege – hãy cầm lấy mà đọc!” Bạn và tôi sẽ được đổi đời!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê
Nguồn: WHĐ (13/9/2024)
_______
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thư về vai trò của văn chương trong đào tạo, ngày 17/7/2024, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-giao-hoang-phanxico-ve-vai-tro-cua-van-chuong-trong-dao-tao
[2] Ibid., số 3
[3] x. Ibid., số 16-18
[4] Ibid., số 2
[5] x. Ibid., 20-21
[6] Ibid., số 34
[7] x. Ibid., số 39
[8] Ibid., số 18
[9]X. https://giaoduc.net.vn/nhau-nhieu-doc-it-va-su-len-ngoi-cua-van-hoa-re-tien-post164689.gd, truy cập ngày 6/9/2024.
[10] https://iper.org.vn/thuc-trang-van-hoa-doc-hien-nay-o-viet-nam/, truy cập ngày 6/9/2024.
[11] Ibid.
[12] https://giaoduc.net.vn/nhau-nhieu-doc-it-va-su-len-ngoi-cua-van-hoa-re-tien-post164689.gd, truy cập ngày 6/9/2024.
[13] x. Bộ Giáo sĩ, Đào tạo linh mục, Nxb. Tôn Giáo, 2016, số 116 và 118.
[14] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thư về vai trò của văn chương trong đào tạo, ngày 17/7/2024, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-giao-hoang-phanxico-ve-vai-tro-cua-van-chuong-trong-dao-tao, số 4.
[15] x. Ibid., số 8-13
[16] x. Ibid., số 23
[17] Ibid., số 1