Dấu Ấn “Nhập Thể” Trong Tác Phẩm Gitanjali Của Thi Sĩ Rabindranath Tagore

04/01/2018
1893
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Như một dấu ấn chẳng hề phai, in đậm dấu chứng tình yêu muôn thủa của Trời trên đất, Tagore như có muốn trào dâng những cảm thức tâm linh luôn dâng trào trong tâm hồn mình để bộc bạch những dấu ấn “Nhập Thể” tuôn chảy thành những xúc cảm mãnh liệt. Cảm nhận này như được phác học thật rõ nét như: “Tôi đang hát một mình trong xó tối, điệu du dương quyến rũ tai Người. Rời hoàng cung, Người đến đứng ở cửa nhà tôi, ngôi nhà tranh đơn sơ”[1] và một cách nào đó “Thượng đế vô hình đã làm trống rỗng chính mình để tiến trình tạo dựng được xảy ra và hoàn tất. Và Thượng Đế đã ban phát chính mình cho van thể trong tình yêu. Như một người Cha, Người đã ban phát sức mạnh, để cũng như Người, chúng ta có thể hi hiến chính mình hay cho đi chính mình trong trọn vẹn yêu thương” [2] đến nỗi, “Người ở nơi kia, nơi nông dân đang vật lộn cùng đất cứng, nơi công nhân đang xẻ đá làm đường. người đang ở đó cùng họ đổ mồ hôi dưới mưa lũ, dưới mặt trời; áo quần lấm láp, bẩn dơ. Hãy cởi tăng bào, rồi cũng như Người bước xuống đất cằn bụi bặm… Có sao đâu nếu áo quần anh lấm bẩn tả tơi? Hãy đến gặp rồi cùng Người lao động cho mồ hôi vã xuống đất cằn” [3] và kết cục là “Người đã làm bạn bè không quen thuộc biết đến tên tôi. Người đã dẫn tôi tới ngồi trong những căn nhà không phải của tôi. Người đã mang kẻ xa xôi lại thành người gần gũi và biến người xa lạ thành anh em thân”.[4]



DẪN NHẬP

Tư tưởng tôn giáo và thi tứ của Tagore hòa nhập với nhau như một tổng thể kỳ bí, diễn tả xúc cảm nội tâm, hay cảm thức tâm linh của ông. Tâm hồn của ông chạm đến tất cả những thực tại của trần gian, của hiện hữu và thân phận con người, để khám phá một sự hiện diện huyền nhiệm vĩ đại, bao trùm mọi hiện hữu trong vũ trụ này, hiện diện của Tuyệt Đối. Trái tim của Rabindranath Tagore cưu mang một tình yêu cháy bỏng, một tình yêu không ngừng thúc bách ông đi sâu vào kinh nghiệm tâm linh, để ông vui sướng thốt lên vì cảm động: “Ôi thi bá thi hào! Tôi đã đến ngồi dưới chân Người. Chỉ xin để tôi biến đời mình thành bình dị, thẳng ngay như chiếc sáo sậy, để Người phả đầy âm nhạc vào trong”.[5] Thứ âm nhạc mà Tagore khát thèm chính là sự sống, tình yêu, niềm vui, hạnh phúc và tự do phát xuất từ Vô Hạn, chảy tràn vào sự hữu hạn rỗng không của phận người.

Thi sĩ Rabindranath Tagore đã từng bộc lộ sự trải nghiệm huyền bí của mình trong tác phẩm Sadhana: “Chúng ta phải biết rằng chỉ có sự khải lộ của Vô Tận là mới mẻ hoài và đời đời tươi đẹp trong chúng ta và ban cho cái ngã của chúng ta ý nghĩa duy nhất của nó”.[6] Quả vậy, cùng với tác phẩm Gitanjali, thi sĩ triết gia Tagore đã giãi bày tất cả những kinh nghiệm sâu xa về tương quan kết hiệp giữa Đấng Tuyệt Đối và con người. Ngang qua đó, chúng ta có thể đọc được những dấu chỉ thật sống động và tinh tế về mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô.

I. THI HÀO RABINDRANATH TAGORE

Rabindranath Tagore (1861-1941), người con của xứ Bengal, miền Đông Ấn Độ. Nơi ông kết tụ những tinh hoa truyền thống tôn giáo, văn hóa Bengal trong lịch sử Ấn Độ, cả những khát vọng được đổi mới trong sự giao duyên với những luồng gió văn hóa phong phú của thế giới bên ngoài, và sự đột phá để tiếp cận với những năng động không kìm hãm nổi trong thời hiện đại. Gia đình ông thuộc đẳng cấp quý tộc Bàlamôn (giới lãnh đạo của đạo Hindu), rất nổi tiếng và được nhân dân mến phục, vì đã cống hiến cho Bengal nhiều nhà trí thức nghệ sĩ thiên tài, đóng góp lớn cho công cuộc cải cách xã hội. Cha của ông, Devendranath là một lãnh tụ của phong trào cải cách Hindu ở Ấn Độ cuối thế kỉ XIX, đồng thời là một triết gia nổi danh, thấm nhuần sâu sắc cả hai nền văn hóa Ấn Độ và Châu Âu, đã dành trọn cuộc đời để làm việc thiện và hoạt động văn hóa xã hội. Devendranath luôn quan tâm giáo dục các con sống giản dị, cần cù, biết trau dồi sức khoẻ, quí thời giờ, yêu văn hóa nghệ thuật và ngôn ngữ dân tộc. Devendranath luôn khích lệ và hướng dẫn các con sống tự lập và phát huy năng khiếu riêng. Vì thế, cả 13 người con của Devendranath đều trở thành văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc của Bengal, đã cùng ông tích cực hoạt động xã hội.

Rabindranath Tagore cưu mang trong tâm hồn và cuộc sống của ông tất cả những khổ lụy, đáng thương của quê hương Ấn Độ thời phục hưng đất nước (1858-1947).[7] Ông cùng với đồng bào mình thoi thóp trong thảm kịch của lịch sử của đất nước, của gia đình và cá nhân ông. Vận mệnh đương thời của đất nước dường như bị bóp nghẹt trong bàn tay bảo hộ của vương quốc Anh. Gia đình Tagore gần như phải lưu đày trên chính quê hương mình, vì quan niệm sống của họ đã dám vượt ra khỏi những khuôn khổ của truyền thống và tôn giáo Ấn, bởi tinh thần cách mạng về văn hóa, chính trị và tư tưởng.

Từ năm 8 tuổi, Tagore đã bắt đầu sáng tác văn chương. Ông đã không ngừng sáng tác cho đến lúc lìa đời. Ông đã cống hiến cho Ấn Độ một gia tài văn học khổng lồ: 52 tập thơ, 47 vở kịch, 12 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, diễn văn, bút ký, chính luận và rất nhiều bức họa, bản nhạc, lời ca,v.v… Tinh thần nhân đạo, lòng yêu mến thiên nhiên, yêu đất nước và con người, yêu hòa bình và tự do, chống áp bức và chiến tranh là những tư tưởng chủ đạo trong các tác phẩm của Tagore.

Rabindranath Tagore là một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ thiên tài, một triết gia lỗi lạc và một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Ấn Độ và thế giới.

II. TÁC PHẨM GITANJALI

“Gitanjali” (Thơ dâng, Lời dâng) là tuyển tập những sáng tác của thi sĩ Rabindranath Tagore trong khoảng thời gian (1900 – 1912), đoạt giải Nobel văn học năm 1913. Gitanjali là bản tình ca tuyệt mỹ về tương quan giữa Thượng Đế và con người, để từ đó dâng trào nỗi khao khát, niềm say yêu tự do, yêu cuộc sống. Gitanjali đã tạo nên: “một không gian bên trong, một không gian để suy tưởng và một không gian để tìm thấy mình trong tất cả các hợp thành của bản ngã”.[8]

Gitanjali giới thiệu chân dung của Đấng Tuyệt Đối như một Đấng sẵn sàng tự nguyện ràng buộc mình với tha nhân, cưu mang nơi Người tất cả những thực tại của thân phận con người, để đồng hành, để hiệp thông, thương cảm, chia sẻ, đỡ nâng và giải thoát con người trong sự tự do và niềm vui bất tận.

Trong tác phẩm Gitanjali, thiên nhiên hiện diện một cách phong phú, đa dạng, chính là biểu hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, suy tư triết học sâu sắc của Tagore về Tạo Hóa, về vũ trụ và nhân sinh. Trong quan niệm tôn giáo Ấn Độ, thiên nhiên là nơi con người tìm đến để thân phận bám chấp được giải thoát khỏi mọi ràng buộc với cõi vô thường, ảo ảnh. Rừng xanh, núi thẳm trở thành một không gian nghệ thuật và tôn giáo – không gian hành đạo, tu luyện. Thiên nhiên chính là nơi trú ngụ, chở che, trả lại cho con người chân bản thiện, giúp họ thoát khỏi mọi dục vọng thấp hèn, mọi khổ đau, thoát vòng sinh tử luân hồi (samsara) và nghiệp báo (karma). Thiên nhiên trong Hindu giáo là nơi tìm kiếm chân lý giải thoát (moksha). Thiên nhiên trong thiền định (dhyana) giúp cho con người tìm thấy mình trong Đại Ngã (Brahman) và thấy Đại Ngã trong Tiểu Ngã (Atman) của mình, để đạt đến tự do tuyệt đối. Khi phác họa bức tranh vừa thực vừa mộng về thiên nhiên và con người trong thi phẩm, Tagore đã diễn tả tất cả những cảm thức tâm linh ấy bằng mọi chiều kính tình cảm yêu đời và đau đời của ông. Đối với Tagore, đằng sau vẻ uy hùng và tuyệt mỹ của thiên nhiên là cả một thế giới tinh thần huyền diệu và kỳ bí của trời, của đất, và của người.

Đọc và suy gẫm tác phẩm Gitanjali, những ai sống trong niềm tin Kitô giáo có thể tìm được nguồn cảm hứng tâm linh thật tinh tế và chân thành. Chính những cảm hứng tâm linh này đem lại cho chúng ta những kinh nghiệm mới để chiêm nghiệm về mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô.

III. “EMMANUEL” - VƯỢT QUA GIỚI HẠN CỦA NGÔN NGỮ

“Emmanuel” (Is 7,14; Mt 1,23; 28,20) không chỉ là một danh xưng mang ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, nhưng đó là một thực tại về sự hiện diện của Thiên Chúa qua “Lời”, qua những hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại và qua Đức Kitô. “Emmanuel” biểu lộ chính niềm xác tín của Giáo Hội vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa, được thực thi trọn vẹn trong sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng Thiên Sai, Đấng Nhập Thể vào trần gian. “Emmanuel” minh xác thời kỳ viên mãn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. “Emmanuel” cũng là niềm hy vọng chắc chắn đối với các Kitô hữu khi cả cộng đoàn cùng cất lên lời khẩn nài “Maranatha” (“Chúa đến”, 1Cr 16,22; “Lạy Chúa, xin ngự đến”, Kh 22,20; Didaché 10,6), trong niềm khát khao cháy bỏng hướng về ngày Chúa Kitô quang lâm. Chẳng có một định nghĩa nào trọn vẹn để diễn tả đúng về mầu nhiệm “Emmanuel”,[9] chỉ có niềm tin, cảm thức tâm linh và sự mạo hiểm dám thoát khỏi những “tư duy” đầy phiến diện, hạn hẹp và thiên kiến của con người, để suy nghiệm và sống niềm tin vào mầu nhiệm “Emmanuel” trong lịch sử cuộc đời chúng ta.

Trong tác phẩm Gitanjali, thi hào Tagore đã diễn đạt về sự hiện diện của “Đấng Hằng Hữu”[10] vượt xa giới hạn của ngôn ngữ của thi văn: “Thượng đế đã tươi vui khoác vào mình những sợi dây sáng tạo; Người tự buộc Người mãi mãi với chúng ta”.[11]

Ngay từ lúc khởi đầu công cuộc sáng tạo Đấng Tạo Hóa đã khởi sự cuộc nhập thể của Người vào vũ trụ, thế giới và con người, vì tình yêu tự nguyện. Công cuộc tạo dựng là sáng kiến của tình yêu, Đấng Hóa Công đã “vui tươi” chia sẻ hiện hữu trong chính hữu thể Người cho muôn loài thụ tạo. Do đó, vũ trụ, vạn vật và con người xuất phát từ tình yêu, hiện hữu trong tình yêu và sẽ hoàn tất vận mệnh của mình trong tình yêu. Tagore đã khẳng định thực tại này trong tác phẩm Sadhana:[12] “Thượng đế vô hình đã làm trống rỗng chính mình để tiến trình tạo dựng được xảy ra và hoàn tất. Và Thượng Đế đã ban phát chính mình cho vạn thể trong tình yêu. Như một người Cha, Người đã ban phát sức mạnh, để cũng như Người, chúng ta có thể hi hiến chính mình hay cho đi chính mình trong trọn vẹn yêu thương”.[13]

Hành trình Nhập Thể trước hết là hành trình của Đấng Tạo Hóa thông chia tình yêu cho muôn loài thọ sinh, để hiện thể tình yêu của Người một cách phong phú và kì diệu nơi từng hiện hữu nhỏ bé của thụ tạo: “Vô tận chính là tình yêu – tinh thần bất diệt của hoan lạc”.[14] Sự hiện hữu của vạn thể chỉ đạt được ý nghĩa trọn vẹn của mình, khi đó là hiện hữu để trao tặng và đón nhận Tình Yêu Nguồn Cội. Tình Yêu ấy khởi sinh, duy trì và hoàn tất sự hiện hữu, sự sống của muôn loài thọ sinh. Do đó, xét trong ý nghĩa hiện sinh, con người hiện diện trong cuộc sống với quà tặng tự do, sẽ không ngừng hiến thân đáp lại tình yêu nhập thể của Tạo Hóa, để luôn là hiện thân của tình yêu, qua mọi sắc thái hiện diện và sống của mình.

- “Người là mùa xuân sâu thẳm nhất của đời tôi, Người có hài lòng chăng, Chủ Tể của đời tôi (Jivan Devata)? Vì tôi dâng Người chén của tôi, đong đầy với bao buồn vui phúc họa, những trái nho chín của lòng tôi vắt kiệt”.[15]

- “Tôi buột thoát tất cả, vì lẽ tôi chỉ chờ tình yêu tới là sẽ dâng trọn thân mình vào tay tình yêu”.[16]

Trong tình yêu nhập thể, con người sống trong sự tự do đích thực của mình. Tự do với những ràng buộc tạm thời và phù phiếm của trần thế, tự do với chính thân phận bất toàn và phiêu bạt của mình. Tình Yêu là Vô Hạn.[17] Hiến thân cho tình yêu là để cho thân phận hữu hạn của mình biến tan vào Vô Biên của tình yêu. Hiến thân cho tình yêu là để cho “cái tôi” hữu hạn của mình hòa điệu với tình yêu, để được hiện diện trong cả vũ trụ và nơi mỗi thụ tạo đang đồng hành với mình trong sự tự do chân chính, do tình yêu cao cả đem lại: “Bằng đủ cách, những người yêu tôi trong thế gian này đã cố giữ cho tôi bình yên. Nhưng thực ra, chính bằng tình yêu của Người, lớn lao hơn tình yêu của họ, Người đã giữ cho tôi được tự do”.[18]

Tình yêu đến từ Thượng Đế, lan tràn và thấm sâu vào khắp toàn thể vũ trụ này. Trong đó, sự thật, cái đẹp và cái thiện chính là những khải tỏ khác nhau của chỉ một tình yêu. Chính qua tình yêu mà chúng ta có thể đạt tới sự kết hợp trọn vẹn với lạc phúc tinh ròng của Vô Hạn.[19]

IV. ÂN BAN NHƯNG KHÔNG

Đứng trước huyền nhiệm Tình Yêu Nhập Thể, con người ra như ngỡ ngàng, ngây ngất vì ân ban nhưng không, quá cao trọng và quá bất ngờ của tình yêu: “Đó là một ngày khi tôi chưa sẵn sàng chờ đón; như một người trong đám bình dân, xa lạ với tôi, Hoàng thượng ơi, chẳng hỏi han, Người đã đi vào tim tôi khép kín, in sâu dấu vĩnh cửu lên bao giờ khắc chảy trôi, giờ khắc đời tôi”.[20]

“Dấu vĩnh cửu” cũng là “dấu chỉ của tình yêu” mà Thượng Đế đã khắc ghi trong tim người, trong từng giờ khắc chảy trôi của đời người, là một lời mời gọi con người chuyển hóa bản chất hữu hạn của mình thành vô hạn, siêu vượt nhị nguyên thành nhất thể, tổng hòa những chi đối nghịch thành hòa điệu. Để cuối cùng, con người tìm ngơi nghỉ bình an trong sự hài hòa tuyệt hảo. Hạn tính nơi con người là một phần của Vô Hạn. Chính trong tình yêu tinh tuyền mà con người tìm được sự hài hòa tuyệt hảo giữa tâm hồn hữu hạn của mình và tinh thần vô hạn nơi nơi. Nhưng tình yêu luôn đòi hỏi sự hi hiến thân mình, sự khước từ vị ngã. Như vậy, sự như nhất của người và Thượng Đế chỉ có thể đạt tới được trong sự từ bỏ hoàn toàn cái tôi hạn hữu của mình.[21]

Mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô đã xác định sự hiện hữu đích thực của con người là “hiện hữu trong và nhờ Chúa Kitô”, để từ đó, con người được công chính hóa.[22] Sự từ bỏ cái tôi để con người hiến thân cho tình yêu Thiên Chúa chính là tiến trình con người được công chính hóa, được nhận lại ơn phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Khi con người dám buông mình cho tình yêu Thiên Chúa, thì chính trong sự hiện hữu mong manh, bất toàn và tạm bợ của họ: “Thiên Chúa được sinh ra cách thiêng liêng, qua ân sủng và tình yêu, từng khoảnh khắc và liên tục”.[23]

“Xin để Người hiện ra trước mắt tôi như tia nắng đầu tiên trong làn ánh sáng, như hình bóng đầu tiên trong mọi bóng hình. Xin để nguồn vui nao nức đầu tiên đi từ ánh mắt Người đến thẳng tâm hồn tôi thức giấc, và xin để việc tôi quay lại với mình cũng là việc tôi trở lại cùng Người”.[24]

V. TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI

Thánh Luca đã thuật lại lời truyền tin long trọng của sứ thần Gáprien ngỏ với trinh nữ Maria: “… vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,30-33). Biến cố Nhập Thể đã thay đổi vận mệnh lịch sử của nhân loại trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thời hòa giải con người với Thiên Chúa, kỷ nguyên của ơn cứu độ viên mãn.

Tin Mừng Nhập Thể tiếp tục được vang xa, qua lời sứ thần Chúa loan báo cho các người chăn chiên, trong vinh quang của Chúa: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo đã xác tín: “Con Thiên Chúa, khi nhập thể, đã kết hợp với loài người”.[25] Người sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Chúng ta được kêu gọi nên một với Người. Những gì Người đã sống trong thân xác Người vì chúng ta và nên mẫu mực cho chúng ta, thì Người cũng cho chúng ta được hiệp thông như là chi thể của Thân Mình Người.[26]

Tagore trình bày chân dung của Đấng Nhập Thể qua hình ảnh tia nắng huyền diệu, đem lại hơi ấm, ánh sáng, niềm tin và hy vọng cho trần hoàn: “Tia nắng của Người dang rộng đôi tay tràn xuống trái đất này tôi ở, rồi đứng lại ở cửa nhà tôi, suốt ngày dài để thu nhặt rồi đem về nơi chân Người những đám mây, kết bằng nước mắt tôi nhỏ, bài ca tôi hát và tiếng thở dài tôi than”.[27] Vì tình yêu hiến dâng, Người đã xem tất cả những gì thuộc về tôi cũng thuộc về Người. Những gì làm nên đời tôi hoặc đi qua đời tôi cũng sẽ được ghi dấu trong tình yêu Nhập Thể của Người. Cảm thức về Người đã hoàn toàn xâm chiếm và biến đổi tận căn con người và cuộc sinh tồn của tôi, để trong tôi chỉ còn một khát vọng: “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì; nhờ thế cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi, đến với Người trong mọi thứ, mọi điều; và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được. Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì; nhờ thế trói buộc thân mình và ý muốn của Người, và nhờ thế thực hiện ý muốn của Người trong suốt đời tôi – ý ấy là tình yêu Người ràng buộc thân tôi”.[28]

Thánh Irené đã nhắc lại thông điệp của thư thánh Phêrô (xc. 2Pr 1,4), để khám phá lại danh phận đích thực của con người khi được dự phần vào mầu nhiệp Nhập Thể: “Ngôi Lời đã làm người. Con Thiên Chúa làm con loài người; chính là để cho con người, khi kết hợp với Ngôi Lời và lãnh nhận tử hệ thần linh, được trở nên con Thiên Chúa”.[29] Thánh Athanasio cũng kết luận: “Vì Con Thiên Chúa làm người để biến chúng ta thành con Thiên Chúa”.[30] Thiên Chúa đã bày tỏ ý định yêu thương muôn đời với con người, khi cử Con Một Người đến trần gian, để phục hồi phẩm giá cao trọng của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Nhờ ân ban của mầu nhiệm Nhập Thể, con người được trở về “tình trạng nguyên thủy”. Và hơn thế, họ được chia sẻ thiên tính của “Thiên Chúa trong Đức Kitô”. Khi Ngôi Lời mang lấy xác phàm (Ga 1,1.14), nhân tính của Đức Kitô được thiên tính đón nhận và thần hóa, mà cả nhân tính của loài người cũng được chia sẻ với nhân tính thần hóa của Đức Kitô.[31]

VI. CUỘC HỘI NGỘ

Đối với thi sĩ triết gia Tagore, Đấng Tối Cao nhập thể vào cuộc đời và thân phận con người như một cuộc hội ngộ kì thú: “Tôi đang hát một mình trong xó tối; điệu du dương quyến rũ tai Người. Rời hoàng cung, Người đến đứng ở cửa nhà tôi, ngôi nhà tranh đơn sơ”.[32]

Người say mê “tiếng hát của thụ tạo”, vì giai điệu ấy phản ánh chính sự tuyệt mỹ của Người như là Đấng Hóa Công. Chính điều này làm cho ta cảm nhận được ý nghĩa tuyệt diệu trong lời sứ thần tán dương và chia vui với trinh nữ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà… bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,28.30). Chính Thiên Chúa đã âu yếm khoát lên thân phận con người mọn hèn hồng ân cứu độ, để nâng cao phẩm giá con người, để tô điểm cho nhân tính của con người thêm kiều diễm, đáng yêu và “đẹp lòng Thiên Chúa”. Tagore thật có lý khi để cho “tiếng hát của thụ tạo” quyến rũ và lôi kéo Người đích thân tìm đến “ngôi nhà tranh đơn sơ”, bước vào căn nhà nội tâm, cư ngụ trong cõi sâu thẳm thiêng thánh của phận người. Sẽ chẳng còn ranh giới nào để phân biệt vô biên và hữu hạn, cao sang và thấp hèn, Tạo Hóa và thụ tạo. Tất cả đã trở nên Một trong và nhờ cuộc Nhập Thể của Người, để làm nên một đại hội bất tận của trần gian: “Tôi đã được mời dự đại hội trần gian; đời tôi thật có ân phúc diễm kiều. Đây tôi đã được nhìn và được nghe. Tại đại hội vui này, phần tôi là mang đàn dạo khúc; và tôi đã làm hết sức mình. Bây giờ, xin thưa, đã đến giờ chưa nhỉ, để tôi được phép bước vào nhìn mặt Người và dâng lời kính lạy lặng thầm?”.[33]

Thánh Luca đã phác họa những ấn tượng thiêng liêng ban đầu của mầu nhiệm Nhập Thể, trong một cuộc gặp gỡ chân tình và mộc mạc giữa Thánh Gia và các mục đồng: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16 [2,12]). Như một sự tương ứng tình cờ, Tagore cũng đã phác họa một cách thật sống động về bức tranh mô tả cuộc hội ngộ giữa thần thiêng và phàm trần trong những nét đẹp rất đời thường: “Cho dẫu muốn cúi đầu chào Người, lòng kính cẩn trong tôi cũng không thể chạm tới chỗ chân Người đang ngừng nghỉ cùng những người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn”.[34]

Khi chúng ta can đảm “ra đi” như các mục đồng, trút bỏ bức màn vô minh [35] và thức tỉnh khỏi sự mê hoặc của cái tôi mình, hướng đến sự trọn hảo của lương tri và tâm thức, chúng ta sẽ nhận ra nguyên lý nền tảng của sự hợp nhất ẩn tàng trong mọi tác năng sáng tạo và đạt tới giải thoát thực sự. Lúc đó chúng ta tận hưởng được niềm vui tròn đầy trong Thượng Đế. Niềm vui này của chúng ta là niềm vui của tình yêu đến từ sự từ bỏ mình trong Người.[36]

Đời tôi chẳng còn đơn độc trong xó tối cô đơn và thất vọng, vì: “Người đã coi tôi như người nhà trong khắp kho này châu báu; nguồn vui vô tận của Người tràn về trong khắp tim tôi; ước muốn của Người hiện hình trong suốt đời tôi”.[37]

VII. TÌNH BẠN

Ngôn ngữ của tác phẩm Gitanjali đã dẫn đưa chúng ta đi vào mối tương quan với Đấng Nhập Thể như là những người bạn bình đẳng, sẵn sàng hiệp thông, chia sẻ, thấu cảm và hi hiến cho nhau đến tận cùng: “Lòng kiêu ngạo chẳng bao giờ đi tới nơi, Người trong manh quần tả tơi, tấm áo đơn sơ đang cùng đi với những người tay trắng, khốn cùng, hèn mọn”.[38]

Thật tình cờ, thi sĩ Tagore chạm đến tâm tình của Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy… Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,14-15). Đức Giêsu tự nguyện đặt mình trong tương quan bạn hữu với con người. Trong tình bạn sâu nhiệm ấy, Đức Giêsu đã trở nên mặc khải trọn vẹn về tình thương vô hạn của Thiên Chúa, thể hiện trong kế hoạch cứu độ yêu thương của Người. Đáp lại, con người trở nên bạn hữu của Đức Giêsu khi để cho Lời sự sống và sự thật của Người được hiện thực trong mọi cách thế hiện hữu của con người, trong suốt lịch sử đời người.

Trong tình bạn, Đức Giêsu đã vui lòng gánh vác tất cả những thực tại vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và đau khổ, hồ môi, nước mắt, máu và tiếng cười hoan lạc của kiếp nhân sinh. Cùng với tôi, Người oằn lưng xuống vì gánh nặng cuộc đời, cắm mặt sát đất để thấu tỏ những nỗi cơ cực vất vưởng của con người, xác thân Người hứng chịu bầm giập, trái tim Người hằn lên thương tích, để Người sống trọn tình bạn với con người. Đó cũng là Người Bạn Vĩ Đại tự tỏ mình một cách hoàn hảo nhất, với một thân phận hèn hạ tột cùng, để liên đới với từng phận người hèn hạ khốn cùng trong Gitanjali: “Người ở nơi kia, nơi nông dân đang vật lộn cùng đất cứng, nơi công nhân đang xẻ đá làm đường. Người đang ở đó cùng họ đổ mồ hôi dưới mưa lũ, dưới mặt trời; áo quần lấm láp, bẩn dơ. Hãy cởi tăng bào, rồi cũng như Người bước xuống đất cằn bụi bặm… Có sao đâu nếu áo quần anh lấm bẩn tả tơi? Hãy đến gặp rồi cùng Người lao động cho mồ hôi vã xuống đất cằn”.[39]

Như thế, Người đã làm cho cuộc sống nhân gian bừng sáng như một đại hội, với niềm vui dâng trào bất tận vì sự hiện diện của Người. Nơi đây, sự sống và nhân phẩm của mọi người thuộc mọi thành phần xã hội đều được tôn trọng và được bảo vệ trong sự bình đẳng. Sống trong tình bạn với Người, thì cuộc đời con người trở nên bản trường ca hùng tráng miên viễn, để ca ngợi và hiến dâng tất cả cho Tình Bạn ấy: “Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình; tôi gọi Người là bạn, Thượng đế của lòng tôi”.[40]

Bài ca cuộc đời, ca ngợi Tình Bạn ấy đã làm cho ta trở nên gần gũi thân thiện với Người, vì được chính Tình Bạn của Người thanh tẩy mọi tội lụy, xóa tan mọi khoảng cách, dung hợp mọi khác biệt giữa Người và ta, để ta mãi mãi ở bên Người, để thuộc trọn về Người, để sống và chết cho Tình Bạn của Người: “Lời tôi ca vươn cánh rộng dài bay đến nhẹ vuốt chân Người – bàn chân trước kia nào dám mơ ước chạm tới”.[41]

Hiện diện trong Tình Bạn với Người, cá nhân tôi trở nên người anh em ruột thịt của mọi người. Tất cả “hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục” của tha nhân không còn xa lạ với tôi nữa, nhưng đã trở nên chính sự hiện hữu và sự sống của tôi. Tôi không chỉ có căn nhà riêng, sự sống riêng của mình, nhưng nhà của tôi là cả thế giới và vũ trụ này, sự sống của tôi là một phần không thể tách lìa của Toàn Thể. Thế giới của chúng ta sẽ không còn những ý niệm tranh chấp hơn thua, bại thành, còn mất, nhưng chỉ là thể nhập nên Một: “Người đã làm bạn bè không quen thuộc biết đến tên tôi. Người đã dẫn tôi tới ngồi trong những căn nhà không phải của tôi. Người đã mang kẻ xa xôi lại thành người gần gụi và biến người xa lạ thành anh em thân”.[42]

NHƯ MỘT LỜI KẾT

Nói về kinh nghiệm tâm linh trong tác phẩm Gitanjali, người viết nhận thấy mình như chơi vơi giữa dòng thác tư tưởng và cảm xúc đầy linh thánh và cũng rất đời thực của thi sĩ Rabindranath Tagore. Lời kết luận xem ra còn hụt hẫng, đơn điệu và chưa thành toàn.

Tagore đã nối kết một cách tài tình giữa huyền nhiệm Nhập Thể và huyền nhiệm sáng tạo. Tư tưởng của tác phẩm Gitanjali được cô đọng lại trong chính lời tâm sự của thi sĩ: “Khi thượng đế sinh ra tôi thì chính Người đã trở thành tôi rồi. Ngày nay Người triển khai con người tôi trong cuộc sống và nâng niu con người tôi với nhiều sinh lực và vẻ đẹp khác nhau trong thế giới này”.[43]

Tác phẩm Gitanjali là một thông điệp hùng hồn khơi nguồn cảm xúc nơi con người, khi cho thấy sự thể nhập giữa con người hữu hạn và Hữu Thể Tuyệt Đối đã nâng cao phẩm giá con người. Trong sự thể nhập này, đời người là một đại hội vui bất tận. Thật vậy, niềm vui mãnh liệt nhất của con người, mỗi lúc một lớn hơn, chính là ở sự thống nhất càng lúc càng toàn diện với Đại Toàn.

Từ ý tưởng này, trong tác phẩm Gitanjali, thi sĩ Rabindranath Tagore đã diễn đạt thật hữu lý về ý nghĩa bản ngã của con người trong tương quan sống còn giữa con người với Thượng Đế và tha nhân. Con người chỉ thực sự đạt đến sự tự do đích thực, sự toàn hảo trong vận mạng đời mình, vươn đến cùng đích tối thượng của hành trình trần thế, khi con người được tan chảy trong Tình Yêu Nhập thể, và trở nên hiện thân cho Tình Yêu cao cả ấy ngay giữa lòng nhân loại đang đồng hành với mình.

Phải chăng đó chính là những dấu ấn “Nhập Thể” bộc phát từ cảm thức tâm linh luôn dâng trào trong tâm hồn của thi hào Rabindranath Tagore, để tuôn chảy thành những xúc cảm mãnh liệt trong tác phẩm Gitanjali?

Lm. Giuse Lương Hồng Phong, O.P.

(Nguồn: http://catechesis.net/) 

 ________________ 
[1] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 49.

[2] Lê Quang Phúc: Rabindranath Tagore - Trực cảm tâm linh, Ottawa, 1997, tr. 155.

[3] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 11.

[4] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 63.

[5] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 7.

[6] Trích lại: Lê Quang Phúc: Rabindranath Tagore - Trực cảm tâm linh, Ottawa, 1997, tr. 178.

[7] Thời kỳ Phục hưng (1858-1947): Ấn Độ thuộc quyền bảo hộ trực tiếp của vương quốc Anh. Nhân dân Ấn Độ dùng mọi nỗ lực để đấu tranh vì nền độc lập dân tộc, vì sự bảo tồn những giá trị truyền thống của Ấn Độ trong lịch sử. Sự tiến triển tư tưởng trong thời Phục hưng Ấn Độ thể hiện qua những đặc điểm sau (x. R. Tagore - tuyển tập tác phẩm, Lưu Đức Trung giới thiệu, NXB Lao Động, 2004, tr. 789-799):

- Hòa hợp tư tưởng triết lý Đông phương với Tây phương, theo phương thức gạn đục khơi trong.

- Hòa hợp quan niệm phân tích tổng quát và khách quan của phương Đông về thẩm mỹ với ý thức cá nhân về thẩm mỹ của phương Tây, có sự tác động của môi trường xã hội và chính trị.

- Dung hợp văn học Tây phương với văn học Ấn Độ, để những sắc thái với trong văn học Ấn Độ vẫn hòa điệu được với những nét tinh túy của truyền thống.

[8] Nhận định của Indra Gandhi. Trích lại: Nguyễn Văn Hạnh, Rabindranath Tagore với thời kỳ phục hưng Ấn Độ, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007, tr. 153.

[9] Theo Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P., chỉ riêng từ “thần” trong tiếng Việt đã mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau về mặt từ ngữ, nên thật khó dùng từ ngữ để diễn đạt một cách thấu đáo về “mầu nhiệm Thiên Chúa” (x. Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa, Chân Lý, 2001, tr. 26):

- a. “Theos” (Hy Lạp), “Deus” (Latin), “Dieu” (Pháp), “God” (Anh): khi viết hoa thì được dịch là “Thiên Chúa”, viết thường thì dịch là “thần”. Do đó mà có từ “theologia” (thần học).

- b. “Thần” còn có nghĩa là “Thánh Thần” (Spiritus Sanctus, Esprit Saint, Holy Spirit) và “thiên thần” (angelus, ange, angel).

[10] Những ý niệm “Đấng Hằng Hữu, Đấng Tuyệt Đối, Đấng Toàn Hảo, Đấng Vô Biên, Tạo Hóa, Thượng Đế, Chủ Tể đời tôi,v.v…” được Tagore đặt với một đại từ nhân xưng “Người”, thật đơn giản, trang trọng, có vẻ mơ hồ, nhưng thể hiện một cảm thức tâm linh sâu xa về tương quan giữa con người với Đấng là Nguồn Cội và Cùng Đích.

[11] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 11.

[12] Thực hiện toàn mãn?

[13] Trích lại: Lê Quang Phúc, Rabindranath Tagore - Trực cảm tâm linh, Ottawa, 1997, tr. 115.

[14] Tagore: The Religion of man. Trích lại: Lê Quang Phúc, Rabindranath Tagore - Trực cảm tâm linh, Ottawa, 1997, tr. 178.

[15] Ibid., tr. 114.

[16] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 17.

[17] Theo quan điểm kinh Veda trong Hindu giáo, Vô hạn không ngừng hiện diện trong đời người, không ngừng dìu dẫn hoạt động của Người trên mặt đất, và không ngừng thể hiện chính Người trong vô hình tượng của hoan lạc tinh ròng.

[18] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 32.

[19] Xc. Lê Quang Phúc, Rabindranath Tagore - Trực cảm tâm linh, Ottawa, 1997, tr. 125.

[20] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 43.

[21] Kinh Upanishad: “Để tìm gặp Người, ngươi phải giang rộng tay ôm tất cả”.

[22] Alain de Libera, Eckhart, Suso, Tauler hay là việc thần hóa con người, tr. 44.

[23] Ibid., tr. 88.

[24] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 47.

[25] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 22,2.

[26] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 521.

[27] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 68.

[28] Ibid., 34.

[29] Thánh Irené, Chống lạc giáo 3,19,1.

[30] Thánh Athanasio, Nhập thể 54,3.

[31] Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Kitô học, Tập 1, Tp. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 405.

[32] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 49.

[33] Ibid., 16.

[34] Ibid., 10.

[35] Avidya

[36] Xc. Lê Quang Phúc, Rabindranath Tagore - Trực cảm tâm linh, Ottawa, 1997, tr. 117.

[37] Rabindranath Tagore, Gitanjali, 56.

[38] Ibid., 10.

[39] Ibid., 11.

[40] Ibid., 2.

[41] Ibidem.

[42] Ibid., 63.

[43] Tagore, Thư trả lời nữ văn sĩ Đức: A. Hoegman, 1924. Trích lại: Nguyễn Văn Hạnh, Rabindranath Tagore với thời kỳ phục hưng Ấn Độ, NXB ĐHQG Hà Nội, 2007, tr. 74.