Truyền giáo trong thế giới hôm nay

19/02/2019
9199

Giới thiệu

Sứ vụ truyền giáo chính là đem Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người. Nhiệm vụ của chúng ta là mạnh dạn dấn thân vào con đường đối thoại với tất cả khả năng của trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm tin tưởng lạc quan nơi quyền năng Thiên Chúa, Đấng tác tạo và hướng dẫn muôn vật theo kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Ngài.

"Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Mt 28,19). Lệnh truyền của Chúa Giêsu vẫn luôn cấp bách như mới vừa nói xong, có giá trị cho mọi thời và mọi nơi. Tuy nhiên, lệnh truyền này phải được thực thi trong một hoàn cảnh cụ thể. Là người Kitô hữu và là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cần tìm ra những phương thức thích hợp và hiệu quả nhất để hoàn thành lệnh truyền của Ngài.

Dựa theo các sắc lệnh Công Đồng Vat II về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội hay "Sứ vụ truyền giáo cho lương dân-Missio Ad Gentes". Truyền giáo là khái niệm được hiểu trong tương quan với những dân tộc và nhóm người nơi mà Chúa Kitô và Phúc Âm chưa được biết đến hoặc biết chưa đầy đủ. Thông điệp truyền giáo "Redemptoris Missio" phân biệt sứ vụ truyền giáo với "thừa tác vụ mục vụ bình thường" và "tái Phúc Âm hóa". Dựa theo Thông điệp ấy, các khái niệm "truyền giáo" và "hoạt động truyền giáo" được giải thích cặn kẽ hơn và ngày hôm nay cũng được đề cập đến vấn đề phải hiểu truyền giáo là như thế nào. (Karl Muller, SVD)

Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: "Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là một cuộc truyền giáo" (Ag 2), qua đó đối với Giáo Hội và mỗi Kitô hữu, việc nghiên cứu ngành học truyền giáo và thực hiện việc truyền giáo phải trở nên nền tảng năng động cho mọi người Kitô hữu và là trung tâm điểm của Giáo Hội. Vì thế, tất cả mọi người đều có nhiệm vụ thừa sai như nhau, tuy nhiên chức năng và tầm hoạt động có thể khác nhau tùy nhu cầu và khả năng riêng biệt...

Vì mục đích của truyền giáo, rao giảng, loan báo Tin Mừng hay làm chứng, chính là giới thiệu đức tin, tình yêu và miềm cậy trông của mình vào một Thiên Chúa Ba Ngôi: tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người.

Một hạn từ thường dùng nữa, hiểu theo tính đặc sủng đó là "sứ vụ" hay "thừa sai", có nghĩa là được Đức Giêsu Kitô sai đi để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ của Chúa. Từ ngữ này được gán cho những nhà truyền giáo chuyên biệt, với sứ mệnh được ủy thác chuyên biệt.

Việc truyền giáo có thể dùng bất cứ hình thức nào, miễn sao cho phù hợp với trình độ, văn hóa, với môi trường, với hoàn cảnh sống của từng vùng, từng người. Chúng ta có thể dùng: lời nói, việc làm, chữ viết, cử chỉ, thái độ, nghi lễ, đời sống chứng nhân, các phương tiện truyền thông và cả các công trình nghệ thuật... để loan báo Tin Mừng.

Dù bằng phương thế nào, thì hoạt động của Giáo Hội bao giờ cũng phải đặt sứ vụ truyền giáo lên mức ưu tiên hàng đầu. Hội Thánh không thể thoái thác lệnh truyền rõ ràng của Đức Kitô, cũng không thể tước mất của mọi người "Tin Mừng" về tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với họ. Việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn bao gồm một lời công bố rõ ràng rằng: "Trong Đức Kitô... ơn cứu độ được cống hiến cho mọi người, như một quà tặng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa; đó chính là nền tảng, là tâm điểm, và đồng thời là tột đỉnh của động năng việc rao giảng. Mọi hình thức hoạt động truyền giáo đều hướng tới việc rao giảng này, nó tỏ lộ và dẫn tới mầu nhiệm vốn được giữ kín từ bao thế hệ và đã được mặc khải trong Đức Kitô-tâm điểm của việc truyền giáo" (x. Rm 44).

Sứ mạng đến với muôn dân "Ad Gentes" là một thực tại phức tạp bao gồm những hoạt động và những giai đoạn khác nhau (x. Rm 31). Nó đòi hỏi phải có một tiến trình lâu dài, bắt đầu với việc loan báo đầu tiên "kerygma và dạy giáo lý", cuộc hoán cải, thời dự tòng (thanh tẩy), khai tâm và việc hình thành một cộng đoàn Kitô giáo tự lập. Tiếp theo là việc xây dựng các cơ cấu Hội Thánh địa phương với hàng giáo sĩ riêng, các tu sĩ và các cơ cấu thích hợp với môi trường văn hóa riêng của địa phương. Sự chăm lo mục vụ cho cộng đoàn tín hữu và việc tái rao giảng Tin Mừng cho những ai đã mất cảm thức đức tin và cảm thức thuộc về Hội Thánh. (Paolo Giglioni).

Truyền giáo là việc của mọi thành phần dân Chúa

Nhiều người cho rằng "truyền giáo" là việc của các giám mục, linh mục và các tu sĩ nam nữ, là những người được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt để chuyên lo việc truyền giáo, còn giáo dân chỉ có bổn phận đọc kinh sáng tối, và giữ lễ ngày Chúa nhật, lễ trọng là đủ. Chính vì những lý do đó mà cần phải giới thiệu cho mọi người biết "truyền giáo trong thế giới hôm nay" để mọi người cùng tìm hiểu ai là người làm công tác truyền giáo phải chăng chỉ là các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ? Để trả lời vấn nạn đó xin được giới thiệu:

- Truyền giáo Theo nghĩa rộng: Là tất cả người Kitô hữu, họ là những người dùng lời nói, chữ viết, cử chỉ, thái độ, nghi lễ, đời sống chứng tá và công trình nghệ thuật để giới thiệu hay làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng Cứu độ cho người khác.

- Truyền giáo Theo nghĩa hẹp: Là các giám mục, linh mục, tu sĩ và có cả một số giáo dân được truyển chọn. Nhưng họ phải là những người được bổ nhiệm hay được sai đi sống và làm việc giữa những người khác đạo, để giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng Cứu độ cho những người chưa biết Chúa, giúp họ nhận ra Chúa và gia nhập Giáo Hội...

Với tư cách là người thực hiện sứ vụ. Nhà truyền giáo không thể làm cho người khác trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô nếu bản thân nhà truyền giáo không là môn đệ đích thực của Ngài. Chính vì lẽ đó, nhà truyền giáo phải có tư cách riêng của người môn đệ Chúa Kitô bằng đời sống kinh nguyện và việc tu luyện, mỗi ngày nhà truyền giáo lớn lên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bất kể nhà truyền giáo ấy là ai, thì cũng cần phải học hỏi khuôn mẫu của Chúa Kitô và những nhà truyền giáo tiên khởi. Sách Công Vụ thuật lại rằng: "Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa" (Cv 4, 31).

Bản chất của sứ vụ truyền giáo

Bản chất truyền giáo của Giáo Hội, dựa trên chính sứ mạng thừa sai của Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Rm 1). Trước khi Chúa Giêsu Tử Nạn, Phục Sinh và lên Trời, Người đã ủy thác cho các Tông Đồ một mệnh lệnh truyền giáo, vang lên như một lời mời gọi, một sự hiệu triệu thành khẩn: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19).

Mục đích sứ vụ của Đức Kitô ngày nay vẫn luôn duy trì như vậy. Thông điệp Đấng Cứu Thế có ghi nhận: "Một trong những mục đích chính yếu của sứ vụ truyền giáo là quy tụ dân chúng để nghe Tin Mừng, để sống hiệp thông huynh đệ, để cầu nguyện và cử hành Bí tích Tạ ơn. Sống 'hiệp thông huynh đệ' (koinoia) có nghĩa là 'chỉ có một lòng một ý' (x. Cv 2,46) bằng cách xây dựng một đời sống hiệp thông về mọi phương diện: Thể lý, tâm lý, tâm linh và vật chất. Trong thực tế, cộng đoàn Kitô hữu đích thực đó quyết tâm phân phát các của cải vật chất để không ai phải túng thiếu và để tất cả mọi người có thể sử dụng của cải theo nhu cầu của mỗi người" (Rm 26).

Chúng ta được biết, sứ vụ của Chúa Con từ khi nhập thể được khởi sự cho đến cái Chết và Phục Sinh đều được Chúa Thánh Thần đồng hành và dẫn dắt. Sứ vụ của Chúa Con thiết yếu phải liên hệ và bày tỏ sứ vụ của Thần Khí, và không hủy bỏ hoạt động liên tục của Thần Khí. Chúa Thánh Thần là Đấng gieo vãi "hạt giống Lời Chúa" (x. Lg 17; Ag 3,15; Rm 28), nhưng Lời gieo vãi chính là hạt giống Thần Khí của sự hiệp thông trong tâm hồn các dân tộc. Nhưng tất cả hoạt động như thế đều hướng đến Chúa Con. Và cũng tương tự như vậy, tất cả hoạt động cứu độ của Chúa Con đều hướng đến Chúa Thánh Thần, hướng đến sự hiệp thông Đồng Bản Thể giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Mối liên hệ tương tự như thế cũng xảy ra nơi sứ vụ của Giáo Hội ngày nay. Sứ vụ của Giáo Hội không tách biệt khỏi mục tiêu đích thực của các tôn giáo trên thế giới, như Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế đã tuyên bố rõ ràng rằng: "Không được tách rời hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần khỏi hoạt động riêng biệt của Người trong thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội. Quả thật, chính Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động, cả khi làm cho Giáo Hội được sống động hay thúc đẩy Giáo Hội loan báo Đức Kitô, cũng như khi tuôn đổ và làm tăng triển các hồng ân của Người nơi tất cả mọi người và mọi dân tộc. Người dẫn dắt Giáo Hội khám phá, cổ võ và đón nhận các hồng ân đó nhờ đối thoại" (Rm 29).

Như vậy, có một mối liên hệ và sự hỗ tương thiết yếu giữa sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần trong thế giới. Và như vậy thì không thể có hai con đường cứu rỗi song song: "Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong biến cố nhập thể, trong đời sống, cuộc khổ nạn, sự Chết và cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu nay đang hoạt động trong Giáo Hội. Như thế, Người không thay thế Đức Kitô và không phải là lấp đầy một chỗ trống, như đã có một giả thuyết nói rằng: có thể có chỗ trống giữa Đức Kitô và Ngôi Lời". (Rm 29)

Thật vậy, Thần Khí muốn thổi đâu Người muốn. Tuy nhiên, điều này không được hiểu như một hoạt động tách biệt khỏi hoạt động của Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người. Thần Khí chỉ thổi để đưa đến sự hiệp thông và thiết lập Nước Thiên Chúa trong tâm hồn các dân tộc nhờ Đức Giêsu Kitô.

Đời sống truyền giáo của người tông đồ

Chúa Giêsu phán rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra đồng gặt lúa về" (Lc 10,2; Mt 9,37-38). Vì thế, mỗi người tông đồ, phải có nơi mình một linh đạo truyền giáo thâm sâu và chuyên biệt, nhờ đó người tông đồ có thể diễn tả kinh nghiệm của cá nhân về Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, bằng một phong cách chuyên biệt về đời sống cầu nguyện và hoạt động. Linh đạo ấy chứa đựng những yếu tố như:

1.    Kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa.

2.    Qua Chúa Giêsu Kitô một phong cách riêng về cầu nguyện.

3.    Làm tông đồ.

4.    Vâng nghe Chúa Thánh Thần.

5.    Tinh thần tự hủy.

6. Tu đức (khổ chế) theo đòi hỏi của tư cách môn đệ phù hợp với cá tính, hoàn cảnh và khát vọng thiêng liêng của từng người.

Đức Phaolô VI lưu ý rằng "con người thời đại này sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn những thầy dạy". Người tông đồ không có kinh nghiệm về Thiên Chúa thì không thể nói về Chúa cho người khác. Người tông đồ không cầu nguyện thì không thể giúp người khác gặp được Chúa. Người tông đồ mà không hăng say rao giảng Tin Mừng thì như thánh Giacôbê nói: "đức tin không có việc làm là đức tin chết". Người tông đồ không không biết lắng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì có rao giảng cũng chỉ như thanh la phèng phèng mà thôi. Người tông đồ không tự hủy mình, luôn mang theo cái tôi, luôn vì tư lợi thì nói chẳng ai thèm nghe. Người tông đồ không có đạo đức, thì những lời họ nói chỉ là sáo ngữ, không làm chứng cho Chúa mà còn là gương mù gương xấu nữa. Vì vậy, người tông đồ không chỉ rao giảng bằng lời nói suông, mà luôn phải hiểu biết về Chúa; cầu nguyện gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa; hăng hái ra đi loan báo Tin mừng; cần có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn; biết từ bỏ mình chính để làm vinh danh Chúa; hơn nữa phải có một đời sống đạo đức thực sự để làm gương sáng và làm chứng cho Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Kết luận

Truyền giáo không phải là điều gì mới mẻ, cũng không phải là việc thích thì làm, mà là lệnh truyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ và những đấng kế vị các tông đồ: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Mt 28,19).

Truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội, nếu Giáo hội không làm việc truyền giáo thì Giáo hội tự đánh mất chính mình. Vì vậy, mỗi phần tử trong Giáo hội: giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, hay giáo dân đều phải truyền giáo, hăng say ra đi loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ trước khi về trời: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15), để làm cho danh Chúa được cả sáng, nước Chúa mau trị đến, ý Chúa được thể hiện khắp mọi nơi.

Truyền giáo bằng bất cứ hình thức nào: từ khối óc, con tim, lời nói tới những hành động bên ngoài, như Thánh Phaolô nói: "dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1Cr 10,31), miễm sao để làm sáng danh Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người, làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Chúa ngày một hơn.

Jos. Hồng Ân

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)