Lược sử trụ sở Thanh Hóa tại Sài Gòn

26/10/2016
6209

Bài viết này nhằm khái quát lại đôi nét về lược sử của Trụ Sở Giáo Phận Thanh Hóa tại Sài gòn để mọi người được tỏ tường, hầu chung lời tạ ơn Thiên Chúa, tri ân quý Đức cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và giáo dân Thanh hóa đã cùng góp sức tạo lập nên cơ sở này và làm cho Trụ Sở trở thành Mái Nhà Chung và là Điểm Hẹn Tình Thương của giáo phận Thanh hóa thân yêu.

Theo biên bản cuộc hội nghị của địa phận Thanh hóa di cư tại chủng viện Tân Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng, ngày 28 tháng 04 năm 1960, dưới sự chủ tọa của cha chính Augustino Phạm Ngọc Oanh cùng với 36/64 cha thuộc địa phận Thanh hóa di cư vào Nam từ năm 1954, các ngài đã thảo luận các vấn đề sau: Trại Nhà Chung Tân Thanh, Trụ Sở Thanh Hóa và Trường Lê Bảo Tịnh ở Sài gòn, lập Ban Liên Lạc cho Địa Phận trong Nam, vấn đề phải làm đối với Đức cha Tần và Địa phận ngoài Bắc, xác định những ai là thành phần của Địa Phận Thanh hóa tại phía Nam, việc tương trợ các cha, về các thầy, về Chủng Viện Tân Thanh và những vấn đề khác.

Về Trụ Sở Thanh Hóa: Cha Phêrô Trịnh Việt Yên cho biết, từ ngày di cư vào Nam, việc giao dịch của Địa phận luôn luôn cần phải qua Sài gòn, nên rất cần phải có một Trụ Sở. Trụ Sở đó, trước mượn tạm nhà bổn đạo ở Thị Nghè, sau vì nhận thấy tình trạng đó không thể kèo dài mãi, nên Địa phận đã xin Đức cha được 1 số tiền 400,000$ để thiết lập một Trụ sở mới. Với số tiền đó, cha Yên đã mua được một ngôi nhà nhỏ và một miếng đất số 386/18-20 vào năm 1955. Sau khi đã lập được Trụ sở, vấn đề tiếp theo được đặt ra là làm thế nào để nuôi Trụ sở. Vấn đề được giải quyết bằng cách lập Trường Lê Bảo Tịnh (Trường Lê Bảo Tịnh được xây dựng với sự trợ giúp của Đức cha Harnett, viện trợ học chánh, các cha đóng góp, và tiền lãi 4 năm học của Trường Lê Bảo Tịnh 1956 – 1960. Tổng số chi xây dựng Trường Lê Bảo Tịnh hết 808,877$).

Năm 1962, tại hội nghị của Địa phận Thanh Hóa Di Cư, họp tại giáo xứ Thanh hải, giáo phận Phan Thiết, trong hai ngày 15 và 16 tháng 05 năm 1962, cha Phêrô Trịnh Việt Yên đề nghị với cha chính và quý cha về việc mở rộng và xây lại Trụ sở Thanh Hóa, vì tình trạng xuống cấp trầm trọng của Trụ sở. Hội nghị đã đồng ý giao cho cha Yên mua thêm nhà số 386/22 và tiến hành xây dựng một ngôi nhà 4 lầu, với kinh phí từ nguồn bán Chủng Viện Tân Thanh cho hội dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt và tiền Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền trả nợ về việc nuôi các chú cho giáo phận Đà Lạt, tổng kinh phí hiện có được 1,000,000$.

Năm 1967, ngôi nhà chính 4 lầu và dãy nhà phụ được xây dựng cũng như sửa chữa để làm nơi cư trú, gặp gỡ và các sinh hoạt cần thiết của Địa Phận Thanh Hóa Di Cư.

Năm 1978, Trụ Sở Thanh Hóa được cha Gioan Đinh Xuân Nguyên hay còn gọi là cha Thanh Lãng hiện là người quản lý Trụ sở ký giấy cho Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh mượn để làm nơi nghiên cứu.

Đến năm 1992, cha cố Phanxicô Xaviê Trần Xuân Lai – người vẫn bám trụ lại ở Trụ Sở kể từ ngày cho mượn, đã cùng với quý cha, tu sĩ và giáo dân gốc Thanh hóa tại Miền Nam gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng nhà nước để xin lại Trụ sở cho giáo phận Thanh hóa.

Năm 1994, sau khi về nhận giáo phận Thanh hóa, Đức cha cố Bartôlômêô đã được tập thể linh mục, tu sĩ và giáo dân Thanh hóa tại Miền Nam dâng cúng Trụ Sở làm tài sản chung của Giáo phận Thanh hóa.

Ngày 29 tháng 03 năm 2003, tại nhà xứ Phú Hạnh – TGP. Sài gòn, Đức cha cố Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đã chủ tọa cuộc họp đặc biệt, với sự tham dự của quý cha và giáo dân – những người đại diện cho Địa Phận Thanh Hóa Di Cư, để xác định những truyền thống và các quyết định trước đây của Giáo phận Thanh hóa liên hệ tới các sinh hoạt của Địa Phận Thanh Hóa Di Cư và Trụ sở Giáo Phận. Đồng thời, Đức cha cũng đã bổ nhiệm Cha Antôn Vũ Ngọc Đăng và ông Giuse Đỗ Văn Hóa làm ban đại diện cho Giáo phận để trực tiếp liên hệ với nhà nước nhằm lấy lại Trụ Sở Giáo Phận. Cha Giuse Nguyễn Quang Huy cũng được đặt làm giám đốc sau khi Trụ sở được trao trả.

Sau hành trình dài 9 năm đầy gian nan thử thách được tập thể linh mục, cựu chủng sinh và giáo dân gốc Thanh hóa tại Miền Nam cùng với Đức cha cố Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm thực hiện, ngày 09 tháng 12 năm 2003, nhà nước đã chính thức trao trả lại Trụ Sở Thanh Hóa tại Sài gòn cho Giáo phận Thanh hóa thân yêu. Như vậy, sau 26 năm kiên trì theo đuổi, cuối cùng Trụ Sở Thanh Hóa cũng được trở về với những người đã khai sinh và là chủ sở hữu đích thực.

Ngày 30 tháng 12 năm 2003, cha Phêrô Vũ Tiến Phúc – tổng đại diện giáo phận Thanh hóa và cha Grêgôriô Nguyễn Quý Trung – quản lý của giáo phận, được sự ủy nhiệm của Đức cha Ngô Quang Kiệt – giám quản giáo phận Thanh hóa, đã vào Sài gòn để tham dự thánh lễ tạ ơn và gặp mặt với quý cha, nam nữ tu sĩ và giáo dân gốc Thanh hóa tại Miền Nam, nhân dịp Trụ Sở được nhà nước trao trả lại. Tại buổi gặt mặt, các vị hữu trách của giáo phận trong Nam cũng như ngoài Bắc đều đồng ý thực hiện ý nguyện của Đức cha cố Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm.

Tiếp theo, vào ngày 26 tháng 08 năm 2004, tại Trụ Sở Thanh Hóa nhân dịp giỗ 100 ngày cha Phêrô Trịnh Việt Yên – nguyên giám đốc Trụ Sở, dưới sự chủ tọa của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – tân giám mục giáo phận Thanh hóa, tập thể linh mục, tu sĩ và giáo dân gốc Thanh hóa tại Miền Nam đã đồng ý sử dụng Trụ Sở vào hai mục đích : a) nơi đào tạo mầm non cho Gp. Thanh hóa ; b) nhà vãng lai cho Địa Phận Thanh hóa trong nước cũng như hải ngoại. Và với sự chấp thuận của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa – giám mục giáo phận Nha trang, cha cố Giuse Nguyễn Quang Huy đã được bổ nhiệm làm giám đốc Trụ Sở. Đây cũng là ước nguyện của Đức cha cố Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm lúc sinh thời qua thư ngỏ của ngài ký ngày 24, tháng 05 năm 2003 tại Sài gòn gửi cộng đồng dân Chúa Thanh hóa.

Tháng 05 năm 2005, được sự chấp thuận của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – giám mục giáo phận, cha giám đốc Giuse Nguyễn Quang Huy đã tiến hành việc trùng tu và xây dựng lại Trụ Sở Giáo Phận.

Sau 15 tháng thi công, Trụ Sở Gp. Thanh Hóa được hoàn thành. Công trình có hình chữ U gồm 3 khu vực như sau:

  • Khu A với 4 tầng lầu: dành cho quý cha, tu sĩ, giáo dân vãng lai
  • Khu B với 3 tầng lầu: dành cho việc đào tạo ơn gọi
  • Khu C với 3 tầng lầu: dành cho nhà nguyện, phòng ăn, và sinh viên tạm trú.

Tổng diện tích toàn bộ cơ sở của Trụ sở khoảng 520m2, với 41 phòng đầy đủ tiện nghi cho các sinh hoạt ăn ở, hội họp và học tập. Tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng có được một phần do Địa Phận Thanh Hóa Di Cư để lại, phần khác do cha cố Huy và Giáo Phận Thanh Hóa quyên góp.

Kể từ ngày thành lập tới nay, Trụ Sở đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm cùng với thời cuộc của Giáo Hội và Xã Hội Việt Nam. Nhờ ơn Chúa giúp và sự nhiệt tâm của mọi đấng bậc trong Giáo Hội mà Giáo Phận Thanh Hóa có một “ Mái Nhà Chung” thứ 2 tại thành phố Sài gòn hoa lệ.

Kính xin Đức cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ, bạn bè thân hữu, và toàn thể anh chị em giáo hữu thuộc cuội nguồn Thanh hóa cùng chung lòng chung sức, để làm cho Trụ sở Giáo Phận ngày càng ấm lên tình nghĩa quê hương Thanh hóa thân yêu.

Sài gòn, ngày 26 tháng 10 năm 2016
Lm. Raphael Đỗ Minh Tuấn