Sơ Lược Về Học Thuyết Của Lão Tử
04/03/2018
51811
Lão Tử là một triết gia và một nhà tư tưởng vĩ đại, có tầm ảnh hưởng rất lớn và quan trọng đối với nền triết học Đông phương cũng như của nhân loại sau này. Có thể nói, ông sánh ngang với Khổng Tử và một số tư tưởng gia khác trong lịch sử triết học cổ đại của Trung Hoa. Thậm chí có phần hơn.[1] Chính vì vậy, học thuyết cũng như tư tưởng của ông có địa vị quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sau.
Tuy nhiên, ông có một tiểu sử hết sức phức tạp và mơ hồ ẩn ước. Thậm chí nhiều học giả và nhà nghiên cứu sử học đã đưa ra nhiều giả thuyết nghi ngờ về sự chính xác cũng như sự có mặt của Lão Tử. Như vậy, phải chăng Lão Tử là một nhân vật nửa thuộc về lịch sử, nửa thuộc về huyền sử?[2] Chính vì vậy, có rất nhiều truyền thuyết về Lão Tử với những nét tín ngưỡng văn hóa dân gian khác nhau. Một cách nào đó, người đời đã biến ông thành một vị thần tiên khác người với những chi tiết như: sinh ra đã cười; người mẹ mang thai ông 70 năm mới sinh ra ông, vì vậy, mới sinh ra tóc ông đã bạc trắng; ghép với Lão Lai Tử; ông đi ra cửa quan phía Tây (Trung Quốc) để lại bộ Đạo Đức Kinh và siêu thoát; sống trong im lặng và có tuổi thọ trên 200 tuổi; trong Lão Tử minh của Biên Thiều, dân chúng cho rằng, Lão Tử có từ muôn thuở muôn kiếp, ông chính là Người Trời; còn trong Biến Hóa Kinh, Lão Tử chẳng những có từ muôn thuở, mà Ngài chính là Thượng Đế, Ngài đã giáng trần nhiều lần để cứu nhân độ thể; thậm chí có sách còn chủ trương Đức Phật chính là hậu thân hay đồ đệ của Lão Tử[3]…
Theo sử ký Tư Mã Thiên[4], Lão Tử người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở (thuộc tỉnh Hồ Nam hiện nay); họ Lý tên Nhĩ, tên tự là Bá Dương, tên thụy (tên khi chết) là Đam; làm quan sử, giữ kho chứa sách của nhà Chu. Tính đến nay, người ta vẫn mơ hồ về năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết khoảng 580 – 500 tCN, thuộc thời Xuân Thu Chiến Quốc (vào khoảng cuối Xuân Thu sang đầu Chiến Quốc), sống cùng thời với Khổng Tử[5].
Bản thân người viết khi tìm hiểu phần tiểu sử của Lão Tử qua việc đọc và tham khảo các tài liệu cũng thấy được sự rắc rối và phức tạp như vậy. Nhưng điều này, thiết nghĩ, một cách nào đó có thể dễ dàng lý giải được. Sự rắc rối và phức tạp đó có phần liên quan chặt chẽ và đúng với học thuyết mà Lão Tử đã đưa ra. Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần cho rằng, vì chủ trương “vô danh” (không tên), “vô vi” (không làm), “thiện hành vô triệt tích” (đi khéo không để lại dấu vết) và “vi nhi bất thị” (làm mà không cậy công), cho nên Lão Tử đã cố tình giấu tông tích của mình, không muốn cho đời sau biết được tiểu sử. Và ông đã thành công.[6]
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thấy được rằng: những chi tiết về Lão Tử như tên tuổi, sinh ra ở đâu, những truyền thuyết hay quan niệm về ông như thế nào… không quan trọng cho bằng việc học tập và rút tỉa được những tư tưởng cũng như đạo lý trong Đạo Đức Kinh của ông. Tất cả những điều khác về Lão Tử chỉ là điều thứ yếu. Cho nên, người viết cũng không muốn đi sâu thêm nữa về vấn đề này[7], cho bằng đi tìm lại nội dung cốt lõi mà tác phẩm của ông để lại cho hậu thế. Bởi lẽ một điều, qua Đạo Đức Kinh với khoảng 5000 chữ (tính ra khoảng mươi, mười lăm trang sách) mà làm cho hậu thế qua biết bao đời phải thắc mắc, hao tổn tâm trí để học hỏi và nghiền ngẫm như vậy, có thể nói là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Đây mới là điều cốt yếu và quan trọng!
2. Tổng quan về học thuyết của Lão Tử
Học thuyết của Lão Tử được gồm tóm trong Đạo Đức Kinh. Đây được xem như tác phẩm triết học đầu tiên quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn của Trung Hoa. Qua tác phẩm này, Lão Tử được xem như là người đầu tiên luận về vũ trụ.
Thật vậy, theo như học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng, ngay từ thời thượng cổ (tức ngang với thời Xuân Thu ở Trung Quốc), đã có nhiều triết gia (như Thales, Anaximène, Anaximandre, Hecralite…) bàn đến vấn đề bản nguyên của vũ trụ, sự hình thành của nó như thế nào, bản chất của vũ trụ là gì… Còn ở Trung Quốc thời bấy giờ, ngoài tín ngưỡng thờ Trời cùng với thuyết Âm Dương – Ngũ Hành và Kinh Dịch, thì không có triết gia nào bàn tới những vấn đề khởi thủy đó một cách hoàn chỉnh và có hệ thống, ngoại trừ Lão Tử.
Cho nên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, Lão Tử là người đầu tiên bàn về nguồn gốc vũ trụ. Trước ông, chưa có ai đặt ra câu hỏi vũ trụ có “thủy” có “chung” không. Ông cho rằng, vũ trụ có khởi thủy và cơ hồ không có chung.[8]
Từ đó cho thấy, học thuyết trọng tâm của Đạo Đức Kinh là Đạo và Đức. Bởi vì, trình bày về Đạo và Đức cũng là nói tới vũ trụ luận của Lão Tử.
Theo ông, Đạo chính là nguồn gốc của vũ trụ, trời đất muôn vật do Đạo mà sinh thành. Chính nhờ vào sự sinh thành trời đất và vạn vật như vậy, nên Đạo được gọi là “nguyên lý chung” hay “tổng nguyên lý” của tất cả[9]. Nói Đạo là nguyên lý chung vì Đạo sinh ra vũ trụ vạn vật, mỗi cái đều có một nguyên lý riêng của nó và Đạo thì tương hợp với tất cả các lý ấy. Chính vì vậy, Đạo luôn biến hóa và vô thường. Đạo là cái hỗn mang chưa phân, là cái nguyên thủy và cũng là sự vận động hằng cửu mà ta không thể cảm, không thể biết. Lão Tử nói: “Đại Đạo tràn lan bên phải, bên trái. Vạn vật nhờ nó mà sinh, nhưng nó không nói gì. Hoàn thành việc rồi nhưng nó không xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài mà nó không làm chủ.”[10] Mặt khác, tuy Đạo là nguyên lý sinh ra vạn vật nhưng nó khác với sự vật mà nó sinh ra. Từ đó, có thể nói, Đạo vừa Hữu vừa Vô. Vô vì Đạo không phải là sự vật, Hữu vì Đạo có thể sinh ra vũ trụ và vạn vật. Vô là ám chỉ cái thể của Đạo, Hữu là ám chỉ cái dụng của Đạo. Hay nói cách khác, Vô (Không tên) chính là gốc của trời đất – Vô danh thiên địa chi thủy (Đạo Đức Kinh, chương 1), Hữu (Có tên) là mẹ của muôn vật – Hữu danh vạn vật chi mẫu (Đạo Đức Kinh, chương 1)[11].
Còn Đức hiểu theo ý nghĩa của Lão Tử thì gần giống với “đức tính” bẩm sinh nơi vạn vật vũ trụ. Hay nói cách khác, cái “đức tính” bẩm sinh ấy chính là “mầm sống ngấm ngầm” trong vũ trụ vạn vật này. Nói ngắn gọn, Đạo thì sinh ra, còn Đức thì nuôi nấng – Đạo sinh chi, Đức súc chi (Đạo Đức Kinh, chương 51). Người sống có Đức tức là sống theo Đạo.[12] Mặt khác, nếu như nói Đạo sinh ra vạn vật, thì vạn vật nhờ có Đức mới được hoạt động. Đức được xem như là tinh của Đạo. Đức tức là Đắc (có được), hễ có được Đức thì một vật mới là chính nó. Vì vậy, có thể nói, Đức là “chỗ ở của Đạo”, là Đạo cư ngụ trong vạn vật. Nói cách khác, Đức là cái mà vật có được từ Đạo để cho vật là chính nó[13].
Nói tóm lại, Đạo là “nguyên lý chung” hay “tổng nguyên lý” sinh ra vũ trụ vạn vật, Đức là nguyên lý sinh ra một vật. Đạo chính là cái phổ quát, bao trùm vũ trụ vạn vật, Đức là cái cụ thể, hàm chứa nơi mỗi sự vật. Cho nên, Đạo và Đức không ngăn cách, không phân biệt, nói về Đạo cũng chính là nói về Đức, nói về Đức cũng chính là nói về Đạo. Chính nhờ mối tương quan khắng khít, bền chặt và tinh tế giữa Đạo và Đức, vũ trụ vạn vật này được sinh ra và hoạt động.
Từ ý nghĩa tổng quát về Đạo và Đức đó, thì nhiều học giả Đông và Tây phương cho rằng, Đạo Đức Kinh là một quyển sách về Tâm Linh Đạo Học, hướng Đạo cho những con người đi theo con đường Huyền học và Siêu thoát, phép dưỡng sinh cho con người ở mọi thời.
2.1. Xuất xứ của Đạo đức kinh
Ngày nay, người ta cho rằng, Đạo Đức Kinh được viết sau thời của Huệ Thi và Công Tôn Long[14] (tức là khoảng sau thế kỷ IV tCn), với tên nguyên thủy là sách Lão Tử.
Đạo Đức Kinh có 81 chương, dài khoảng 5000 chữ, gồm hai phần là Thượng kinh và Hạ kinh. Thượng là Đạo kinh gồm 37 chương, bàn về Đạo cái lớn lao mà từ đó sinh ra vũ trụ. Hạ là Đức kinh gồm 44 chương bàn về Đức – cái là năng lượng của Đạo lưu hành trong vũ trụ.
Đạo Đức Kinh được viết theo hình thức câu dài ngắn khác nhau, giàu âm điệu, đọc lên nghe như thể thơ tự do ngày hôm nay. Súc tích. Không chấm câu. Không lý luận. Không chứng minh dài dòng. Thể được dùng là cổ văn trường đoản cú, một loại văn ngắn gọn, ít lời, nhiều ý, dễ thuộc lòng nhưng không dễ hiểu. Vì thế, nó có vẻ như chỉ để gợi ý và buộc người đọc phải suy nghiệm, mường tượng, lắng nghe tiếng dội lại từ lòng mình. Người đọc có rất nhiều cơ hội để tiếp nối quá trình sáng tạo và tư duy, khiến tác phẩm sinh động, thấm sâu và triển khai mãi theo mỗi lần đọc.[15]
Mặt khác, người ta tin rằng, phần nguyên bản của Đạo Đức Kinh ngày nay không hoàn toàn như thế. Một cách nào đó, qua sự lưu truyền theo thời gian, tác phẩm này chắc hẳn đã có sự thêm thắt, lược bỏ hay nhầm lẫn ít nhiều nào đó. Nhưng cho dù tác phẩm này có còn nguyên bản nhiều ít không quan trọng cho bằng việc tác phẩm vẫn có được một sự sắp xếp và một hệ thống tương đối trật tự theo từng chủ đề. Ngoài hai chủ đề chính là Đạo và Đức (bao hàm vũ trụ luận và tri thức luận của tác giả), Đạo Đức Kinh còn gồm chứa nhiều chủ đề khác như lối tiếp nhân xử thế đạt đạo của các bậc thánh nhân, cách thức cầm quyền trị nước, binh pháp, thiên văn, dưỡng sinh (mà trong tiểu luận này sẽ được đề cập nhiều đến)…[16]
2.2. Xét về Đạo
Không chỉ là người đầu tiên bàn về nguồn gốc vũ trụ, như đã nói ở trên, nhưng Lão Tử còn là người đã dùng chữ Đạo để chỉ về cái nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ, đã có từ trước khai thiên lập địa, không sinh không diệt, không tăng không giảm. Lão Tử nói rằng: “Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ…”.[17] Như vậy, theo Lão Tử, Đạo là bản nguyên của vũ trụ, cũng có thể là tổng nguyên lý hay nguyên tố của vũ trụ. [18]
Đạo có thể được quan niệm dưới hai phương diện: Vô, tức Đạo là nguyên lý của trời đất, một nguyên lý vô hình; Hữu, tức Đạo là nguyên lý hữu hình, là mẹ sanh ra vạn vật.[19] Như vậy, Không và Có (Vô và Hữu) chỉ cho thấy được hai “cách thức” của Đạo. Xét cái cách thức vi diệu của Đạo thì coi nó là “Không”; mà cái cách thức sinh hóa tới vô cùng của nó – nhờ cái tinh túy của nó, thì coi nó là “Có”.[20]
Đạo là một nguyên lý hoàn toàn huyền diệu, siêu hình và bất khả tư nghị, vì vậy, không thể định danh cho Đạo.[21] Thật vậy, làm sao con người có thể dùng một danh từ nào đó để đặt tên cho Thực Thể Siêu Việt huyền diệu vô cùng, vĩnh cửu bất biến, vô biên, không hình tượng[22], lại vừa có thể “lan tràn khắp, có thể qua bên trái, qua bên phải”[23], vừa có thể “không có gì giống nó cả”[24]. Gọi tên Thực Thể ấy bằng Đạo chỉ là một sự gượng ép có phần hạn chế của con người mà thôi. Bởi lẽ, nếu có thể gán định cho Nguyên lý Tuyệt đối ấy một cái tên, thì đó chỉ là làm cho chúng ta càng lìa xa với cái “bản lai diện mục” của nó, tức là cái Chân lý toàn diện của Đạo.
Chính vì vậy, Lão Tử quan niệm: Không có cái gì trên đời này mang ý niệm tuyệt đối cả, mà chỉ có thể tương đối mà thôi. Tất cả sự vật đều là vô thường, đều biến động không ngừng, không gì mà không thay đổi, hoặc mau hoặc chậm mà thôi. Chính tính chất vô thường này làm tính tương đối nơi vạn vật, nghĩa là nơi sự vật bao giờ cũng bao hàm hai mặt: tốt – xấu, thiện – ác, dài – ngắn, cao – thấp, nông – sâu, vinh – nhục[25]… Những cặp tương đối này luôn nằm sẵn trong sự vật và gây ra những tranh chấp, mâu thuẫn nơi chính mình. Con người muốn được Đạo thì không được nhìn bằng cặp mắt nhị nguyên, mà phải nhìn thấy tất cả là một[26]; muốn có được hạnh phúc thật sự thì phải bỏ đi cái óc phân chia sự vật[27], mà như Lão Tử gọi là “giải kỳ phân” để mà thấy được sự “huyền đồng” của tất cả vạn vật[28].
Mặt khác, Đạo bao trùm tất cả, nhưng không thấy gì cả, nên gần như “không có” gì cả. Đây chính là thể dụng của Đạo. Cái công dụng của Đạo và tính chất “không không” của Đạo được Lão Tử ví như “ổ trục” của bánh xe, khoảng “không” của chén bát, cái “chỗ trống” của buồng the[29]. Vì vậy, có thể hiểu được rằng, Đạo là thực tế, nó tạo ra tất cả cuộc sống và tiếp tục giữ cho cuộc sống hành hoạt qua sự giải phóng năng lượng của nó. Đấy là nói một cách chung chung đối với toàn thể vũ trụ vạn vật và cuộc sống. Còn đối với con người, đặc biệt có liên quan đến đạo dưỡng sinh hay đạo tu tiên, thì thể dụng của Đạo chỉ cho chúng ta thấy được rằng: Đạo không bao giờ bắt buộc con người phải theo một đường lối nào đó. Đạo chỉ hành hoạt. Chính Đạo là con đường, một con đường mang tính cách tự nhiên. Con đường tự nhiên ấy là con đường thiên nhiên và thích hợp với mọi cái.
2.3. Xét về cái động của Đạo
Trời đất vạn vật đều bắt nguồn từ Đạo và trở về với Đạo. Điều này cho thấy tiến trình sinh hóa của vạn vật không có điểm diệt tận theo quan điểm hư vô nhưng là một sự chuyển hóa không ngừng nhờ vào nguyên lý mâu thuẫn nội tại. Vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản. Đây chính là luật quân bình phản phục – nguyên lý vận hành và biến chuyển của vạn vật. Thật vậy, Đạo là một sự chuyển động, chuyển biến không ngừng nghỉ để sinh ra vũ trụ vạn vật[30]. Có lẽ vì vậy mà vạn vật tự bản chất cũng là một sự chuyển động không ngừng. Hay nói một cách dễ hiểu thế này, vạn vật đều trong trạng thái động, động nên mất quân bình, mất quân bình nên quay trở về để tìm lại quân bình.
Nếu như ở mục trên (mục 2.2), chúng ta hiểu Đạo như là một nguyên lý vận hành vũ trụ không ngừng và là mẹ của vạn vật, thì ở đây, nói tới cái “Động” của Đạo, tức là con đường đi về hay quay trở lại của Đạo. Phản giả Đạo chi Động – Trở lại là cái động của Đạo[31]. Đây là một trong những điểm quan trọng trong học thuyết của Lão Tử, vượt qua được cái học nhị nguyên của Dịch[32] và chủ trương cái đạo “quy Chân phản Phác”. Theo Lão Tử, vạn vật đều động chuyển theo hai khuynh hướng nghịch nhau: Đi Ra, rồi Trở Về.
Như vậy, cội rễ ở đây của Đạo tức là gốc “tĩnh”. Hay nói cách khác, tĩnh là cái gốc của động, từ trong trạng thái hư vô (tĩnh), vạn vật sinh hóa (động), để rồi trở về lại với hư vô (luật phản phục). Từ đó, Lão Tử mới chủ trương một lối sống vô vi, mục đích là để “Quy Căn Phục Mệnh”[33], xa hơn nữa là để đạt đến Đạo “Thường” (bất biến, luôn đúng). Hiểu rõ và nắm được nguyên lý này, con người một cách nào đó có thể sánh ngang trời đất (vì tự trong ẩn nghĩa của Đạo “Thường” đã nói lên điều đó. “Thường”, tức một cái gì bất di bất dịch, nắm cả giềng mối của vũ trụ vạn vật.)!
2.4. Xét về ý nghĩa Huyền – Đồng (Đức)
Bên cạnh việc nói về Đạo như Bản Thể và Nguyên Lý Tuyệt Đối của vũ trụ thì Lão Tử còn nói đến Đức. Theo ông, Đức là nguồn gốc sinh ra trời đất, vạn vật, là mầm sống ngấm ngầm, là đại năng lực của Đạo được dùng với một nghĩa siêu hình chứ không còn là nghĩa luân lý thông thường (tức đức hạnh). Lão Tử nói: “Đạo sanh ra đó, Đức nuôi dưỡng đó, tâm học đó gọi là Huyền Đồng”[34], tức là mẹ nhiệm mầu. Ở đây, Lão Tử đã cho thấy công năng của Đức đối với vạn vật không khác gì chức năng của một người mẹ từ ái chăm sóc những đứa con thơ (vũ trụ vạn vật) của mình. Từ đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa và công năng hết sức vô biên của Đức.
Như đã nói ở trên, Đạo là mẹ nuôi vạn vật, vạn vật là con nuôi của Đạo. Từ đó, chúng ta thấy được hình ảnh một bà mẹ là đầu mối của học thuyết Lão Tử. Cho nên, có thể nói, Lão Tử chú trọng về phần Âm. Từ đó cho thấy, để có thể hiểu được vũ trụ vạn vật này thì cần phải trở về với Mẹ, với cội rễ sâu xa của mình, tức Đạo. Và dường như đây là một quy luật tất yếu của vũ trụ vạn vật này. Huyền đồng tức là nói đến ý nghĩa quay trở về với Đạo – “các phục quy kỳ căn – mọi vật trùng trùng, đều trở về với cội rễ của nó cả”. Trở về với Đạo, thì người ta mới được trường cửu, hay nói một cách khác, người ta mới thực hiện được cái Chân Tánh của mình, tức là cái mà Lão Tử gọi là “tử nhi bất vong” (Đạo Đức Kinh, chương 33)[35].
Như vậy, điểm then chốt trong việc dưỡng sinh hay tu tiên theo học thuyết của Lão Tử là phải thực hiện được sự Huyền Đồng với Đạo tức là phải trải qua ba giai đoạn[36]:
- Tâm trai (cố gắng đạt đến chỗ thanh tĩnh – vô vi): Đây là con đường đầu tiên kêu gọi người tu tập phải “kiến tố, bão phác” và thiểu tư, quả dục”, nghĩa là cần phải từ bỏ tất cả trở về với lối sống tự nhiên, giản dị, ít ham muốn, ít dục vọng. Mục đích của con đường là nhằm gột bỏ đi những gì là mang tính vị kỷ nơi con người. Gần như đó là một đòi buộc tất yếu đối với những người muốn theo Đạo. Trong chương 48, Lão Tử đã nói như sau: Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi – Theo Đạo, càng ngày càng bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi (tức là vô dục). Như vậy, con đường Tâm trai này là con đường dứt bỏ, dứt bỏ tất cả, dứt bỏ cả cái “tôi” giả dối, nhân tạo để trở về với cái “tôi” đồng nhất với Đạo.
- Ngộ Đạo (hiểu biết và nắm bắt được nguyên lý vận hành của Đao): Đây là một bước chuyển biến quan trọng của người tu tập sau khi đã “tâm trai”, dứt bỏ hoàn toàn mọi thứ, kể cả bản ngã – cái “tôi” của mình. Vì hễ: Trí hư cực, Thủ tịnh đốc. Ngộ được hiểu là đã bỏ đi tâm phàm, tâm tục, để thấy cái tâm Thánh, tâm Đạo trải rộng thênh thang trong lòng mình và ở khắp nơi. Sách Trung Dung nói: “Thiên mệnh chi vị Tánh, Xuất Tánh chi vị Đạo.[37]” Như vậy, ngộ Đạo được hiểu như là đã “xuất Tánh”, đã “tâm trai” để tiến tới thế Trung Hòa muôn thuở. Và một khi đã ngộ Đạo thì mới có thể: Hoát nhiên đại ngộ.
- Huyền Đồng (đây là tình trạng thoát tục hoàn toàn, hòa làm một với tất cả): Ở giai đoạn ngày, người tu tập đã hòa mình làm một với Đạo, với tất cả vũ trụ vạn vật, không còn thấy chút gì là riêng tư hay phân biệt nữa. Trước con mắt của người đã thực hiện được “huyền đồng”, thì tất cả đều là Một. “Giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, thị vị Huyền Đồng” nghĩa là: Bỏ chia phân, hòa ánh sáng, đồng bụi bặm, ấy gọi là Huyền Đồng[38].
Một khi đã đạt tới trạng thái Huyền Đồng, con người sẽ cảm thấy một sự yên tĩnh, khoan khoái tâm hồn mà không một khoái lạc nào trên cuộc đời này có thể mang lại. Không phải là một thứ vui sướng nhưng là một cái gì đó lâng lâng nhẹ nhàng khác thường mà chỉ có ai đã trải qua mới ý thức được điều đó, chứ còn người bình thường không thể nào diễn tả được[39].
Tổng hợp: Phaolô Nguyễn Quốc Tài, OP
(Nguồn: http://catechesis.net)
______________________________
[1] Vì Lão Tử thời nào cũng được dân tộc Trung Hoa tôn trọng, không như Mặc Tử mà tên tuổi bị chìm luôn trong hai ngàn năm; có phần còn hơn Khổng Tử nữa vì chưa hề bị mạt sát tàn nhẫn như họ Khổng trong bảy tám chục năm nay; mà từ năm 165 (đời hậu Hán) lại còn được Đạo gia tôn làm Thái Thượng Lão Quân, một trong ba vị thần tối cao của họ (ba vị thần đó là Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, cũng chính là Thái Thượng Lão Quân – NV, Nguồn: Wikipedia.); đền thờ ông – Thái Thanh Cung, tương truyền dựng tại nơi ông sanh, hiện nay vẫn còn ở tỉnh Hà Nam, hương khói lúc này có thể đã lạnh, nhưng pho tượng cao bốn mét của ông thì may ra vẫn còn. (Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo Đức Kinh, Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 05)
[2] Một học giả Nhật tên là Tân Điền Tả Hữu Cát – phủ nhận hết thảy bảo Lão Tử là một con người huyền thoại không hề có! (Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo Đức Kinh, Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 06)
[3] Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, “Đức Lão Tử và Con đường Huyền Nhiệm Tâm Linh”. Truy cập ngày 08-05-2015, http://nhantu.net/TonGiao/LaotuConduongHNTL.htm.
[4] Cụ thể: Sử ký Tư Mã Thiên, phần Liệt truyện, thiên 63: Lão Tử, Trang Tử, Thân Bất Hại, Hàn Phi. (Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo Đức Kinh, Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 06)
[5] Sỡ dĩ ngày nay chúng ta biết được điều này qua tích truyện Khổng Tử đã từng hội kiến với Lão Tử khi ông đến kinh đô nhà Chu để tìm hiểu về lễ. Khi về đến nhà Khổng Tử đã nói với các đồ đệ của mình rằng: “Điểu ngô tri kỳ năng phi, ngư ngô tri kỳ năng du; thú ngô tri kỳ năng tẩu. Tẩu giả khả dĩ vi võng, du khả giả dĩ vi luân, phi giả khả dĩ vi tăng. Chí ư long, ngô bất năng tri kỳ thừa phong vân thượng thiên. Ngô kim nhật kiến Lão tử, kỳ do long da?”. Có nghĩa là: “Con chim ta biết nó có thể bay; con cá, ta biết nó có thể lội; con thú, ta biết nó có thể chạy. Chạy thời có thể chăng dò, lội thời có thể đánh lưới, bay thời có thể bắn tên; đến như rồng, thời ta không thể biết; nó cưỡi mây mà lên trời. Hôm nay ta gặp Lão tử, ngài thực là rồng vậy.” Tích truyện này được trích dẫn nhiều trong các sách cũng như tài liệu nghiên cứu về phần tiểu sử của Lão Tử. (X. Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa (tái bản lần thứ II), Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, 1974, tr. 18; Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo Đức Kinh, Tp.HCM: Văn Hóa, 1998, tr. 7)
[6] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh giải luận, Nxb, Phương Đông, 2010, tr. 06.
[7] Vì về vấn đề này, chúng ta thấy sẽ còn rất nhiều điều phải bàn đến, thậm chí là tranh cãi về quê quán, tên họ, chức tước, tuổi thọ, Lão Tử với Khổng Tử có gặp nhau hay không? Khổng Tử có hỏi Lão Tử về Lễ hay không? Lão Tử có phải là Lão Lai Tử hay không? Lão Tử có phải là thái sử Đam hay không?... Nếu người đọc quan tâm cụ thể về những vấn đề này, xin đọc trong Lão Tử Đạo Đức Kinh của tác giả Nguyễn Hiến Lê và nhiều những tài liệu khảo cứu khác.
[8] Xc. Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo Đức Kinh, Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 54-56.
[9] Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung Quốc (tập 1), Tp.HCM: Khoa học Xã hội, 2013, tr. 242.
[10] Nguyên văn chữ Hán: Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu. Vạn vật thị chi nhi sinh nhi bất tử. Công thành bất danh hữu. Ái dưỡng vạn vật nhi bất vi chủ. (Đạo Đức Kinh, chương 34)
[11] Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung Quốc (tập 1), Tp.HCM: Khoa học Xã hội, 2013, tr. 243.
[12] Xc. Nguyễn Ước, Đại cương triết học Đông phương, Nxb. Tri Thức, 2009, tr. 362-364.
[13] Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung Quốc (tập 1), Tp.HCM: Khoa học Xã hội, 2013, tr. 245-246.
[14] Ở đây, có vài vấn đề liên quan, xin được nói rõ thêm: Trước tiên, không nhất thiết phải có sự liên hệ giữa Lão Tử và sự xuất hiện của sách Lão Tử (Đạo Đức Kinh). Bởi vì, theo học giả Phùng Hữu Lan, có thể có sự xuất hiện của một nhân vật tên là Lão Tử vào thời Chiến Quốc, nhưng không có nghĩa ông là tác giả của cuốn Đạo Đức Kinh. Vì nhiều người cho rằng, Đạo Đức Kinh xuất hiện sau này, chứ không phải cùng thời với sự xuất hiện của Lão Tử. Thứ hai, trong cuốn Lịch sử Triết học Trung Quốc, học giả Phùng Hữu Lan cho rằng, sự xuất hiện của Đạo Đức Kinh là vào thời Chiến Quốc với những luận chứng đã được ông đưa ra. Nhưng sau này, trong cuốn Lược sử Triết học Trung Quốc, ông phủ nhận điều đó và cho rằng, Đạo Đức Kinh phải xuất hiện sau thời Huệ Thi và Công Tôn Long. Bản thân người viết, xét một cách chủ quan, nghĩ rằng giả thuyết này có phần chính xác nhiều hơn. Để có thể hiểu rõ thêm về điều này xin xem: Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội, 2013, tr. 234-235 và Phùng Hữu Lan, Lược sử Triết học Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội, 2013, tr. 108-109.
[15] Nguyễn Ước, Đại cương triết học Đông phương, Nxb. Tri Thức, 2009, tr. 362.
[16] Sđd, tr. 363.
[17] Nguyên văn chữ Hán: Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. (Đạo Đức Kinh, chương 25)
[18] Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử - Đạo Đức Kinh, Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 63.
[19] Nguyên văn chữ Hán: Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu. (Đạo Đức Kinh, chương 1)
[20] Sđd, tr. 62-63.
[21] Đạo khả đạo, phi thường Đạo; Danh khả danh, phi thường danh. (Đạo Đức Kinh, chương 1)
[22] Nguyên văn chữ Hán: Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng, thị vị hốt hoảng. (Đạo Đức Kinh, chương 14)
[23] Nguyên văn chữ Hán: Đại đạo phiếm hề, kì khả tả hữu. (Đạo Đức Kinh, chương 34)
[24] Nguyên văn chữ Hán: Thiên hạ giai vị ngã đại đạo, tự bất tiếu. Phù duy đại, cố tự bất tiếu. Nhược tiếu, cữu hĩ kì tế dã phù. (Đạo Đức Kinh, chương 67)
[25] Nguyên văn chữ Hán: Thiên hạ giai tri nữ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai chi thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. (Đạo Đức Kinh, chương 2)
[26] Lão Tử nói: Tuyệt học vô ưu. Duy chi dữ a, tương khứ kỉ hà? Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược hà? – Dứt học không lo. Dạ và ơi khác nhau chỗ nào? Lành với dữ khác nhau ở đâu? (Đạo Đức Kinh, chương 20)
[27] Lão Tử nói: Họa hề phúc chi sở ý, phúc hề họa chi sở phục. – Họa là chỗ dựa của Phúc, Phúc là chỗ dựa của Họa. (Đạo Đức Kinh, chương 58)
[28] Xc. Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa (tái bản lần thứ II), nhà sách Khai Trí, 1974, tr. 39-41.
[29] Lão Tử nói: Tam thập phúc, cộng nhất cốc, đương kỳ vô, hữu xa chi dụng. Duyên thực dĩ vi khí, đương kỳ vô, hữu khí chi dụng. Tạc hộ dũ dĩ vi thất, đương kỳ vô, hữu thất chi dụng. – Ba chục căm, hợp lại một bầu, nhưng nhờ chỗ “không”, mới có cái dùng của xe. Nhồi đất để làm chén bát, nhờ chỗ “không”, mới có cái dụng của chén bát. Khoét cửa nẻo, làm buồng the, nhờ chỗ “không”, mới có cái dụng của buồng the. (Đạo Đức Kinh, chương 11)
[30] Nói tới đây, người viết nghĩ đến hình ảnh Thiên Chúa Cha trong đạo Công Giáo. Theo quan niệm của Công Giáo thì Ngài chính là vị Thiên Chúa sáng tạo trời đất bao la cùng với vũ trụ muôn loài này. Ngài vẫn không ngừng hoạt động và sáng tạo. Chính Chúa Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa và là Con Chúa Cha đã khẳng định như vậy: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc.” (Ga 5, 17)
[31] Đạo Đức Kinh, chương 40.
[32] Khi nói về nguyên lý tạo thành và con đường sáng tạo vạn vật của Đạo (hay nói ngắn gọn, cái Dụng của Đạo), Lão Tử cũng căn cứ vào học thuyết “Thái Cực sinh lưỡng nghi” của Dịch Học. Lão Tử nói: Đạo sinh Nhất. Nhất sinh Nhị. Nhị sinh Tam. Tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương. Xung khí dũ vi hòa. – Đạo sinh Một (tức cái thế Duy Nhất của Đạo, đại năng lực tiên thiên hay theo Dịch học gọi là Thái Cực). Một sinh Hai (tức hai khí Âm – Dương hay Lưỡng Nghi). Hai sinh Ba (tức là xung khí giữa hai nguyên lực Âm – Dương hay Tứ Tượng). Ba sinh vạn vật (tức là Bát Quái). Trong vạn vật, không vật nào mà không cõng Âm bồng Dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau. (Đạo Đức Kinh, chương 42)
[33] Lão Tử nói: Phù vật vân vân, các phục qui kỳ căn. Qui căn viết tĩnh, thị vị phục mệnh. Phục mệnh viết thường. – Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng (tức Đạo). Trở về căn nguyên thì tĩnh, trở về căn nguyên gọi là trở về mệnh. Trở về mệnh là luật bất biến (thường) của vật. (Đạo Đức Kinh, chương 16)
[34] Nguyên văn Lão Tử nói: Đạo sinh chi, Đức súc chi. Trưởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi. Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị Huyền đức. – Đạo sinh ra, Đức nuôi nấng. Làm cho lớn, chăm chút, làm cho đẹp, đùm bọc, bão dưỡng, che chở. Sinh ra mà không chiếm hữu, làm mà không cậy công, bậc trên mà không làm chủ, đó gọi là Đức huyền diệu. (Đạo Đức Kinh, chương 51)
[35] Xc. Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa (tái bản lần thứ II), nhà sách Khai Trí, 1974, tr. 48-49.
[36] Sđd, tr. 49.
[37] Nhân tử Nguyễn Văn Thọ, Trung Dung Tân Khảo, quyển 2: Trung Dung Bình Dịch, Chương 1: Thiên Đạo Tại Nhân Tâm. (Xin xem thêm tại: http://nhantu.net/TonGiao/TrungDungTanKhao/TD201.htm)
[38] Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa (tái bản lần thứ II), nhà sách Khai Trí, 1974, tr. 50.
[39] Lão Tử nói: Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kỳ vô vị. Thị chi bất túc kiến, thính chi bất túc văn, dụng chi bất túc ký. – Đạo ra cửa miệng, lạt lẽo vô vị, nhìn không đủ thấy, lắng không đủ nghe, nhưng mà dùng nó không hết. (Đạo Đức Kinh, chương 35)
Tin bài khác