Một Vài Gợi Ý Về Việc Sống Đạo Trong Văn Hóa Việt

20/11/2019
2377

Lm. Hoàng Sỹ Quý, SJ.

Như ai nấy đều biết, đã có nhiều học giả viết về văn hóa Việt Nam, viết từng cuốn sách một, và hẳn còn nhiều học giả khác tiếp tục nữa. Thế nghĩa là về văn hóa Việt Nam, có quá nhiều cái để nói, nên nói hoài không hết. Mà nếu có cái được nói rồi, thì vẫn có người nói lại được, nhưng khác đi. Bởi lẽ trong văn hóa, chẳng mấy khi có gì “sáng sủa và rõ ràng” hẳn như các ý tưởng của Descartes hay công thức toán học, hầu có thể chỉ đích danh: “Nó ở đây”, trăm phần trăm nó là thế này, chứ không như vậy.

Thế rồi còn những đổi thay nữa chứ. Văn hóa cũng là một thể sống nó sống với con người, mà để sống được, thì nó phải biến hóa luôn luôn, khiến cùng một vùng mà có cái khác nhau, cùng một thời mà cái mất cái còn. Như nước chấm chả hạn, tuy cả ba miền Trung Nam Bắc đều ăn nước mắm cả (khiến nước mắm trở thành một trong những nét đặc trưng của phong tục nước ta), nhưng Bắc thì để nguyên vị mặn, Trung thì chế ớt thật cay, Nam thì thêm ngọt cho dịu bớt. Còn nói về quần áo, nó gần như thay đổi từng tháng, từng ngày. Cái áo dài đặc trưng của người Việt, khi chùng thêm và thêm cúc, lúc lại cộc lốc, thậm chí ngày nay nam giới bỏ hẳn, mà nữ giới cũng đang tấp tểnh theo nam. Cả cái quần lĩnh đen và quần trúc bâu trắng cũng vậy. Đúng là toàn cầu hóa, hay nói cho đúng hơn, toàn cầu Âu-Mỹ hóa.

Chính bởi vấn đề khó thế và mênh mông đến thế, nên tôi đã xin được thu hẹp đề tài, thành “Một gợi ý về v.v”. Mà cũng không phải tất cả các làm Việt Nam, nhưng một nét gì đó của cách ấy. Cố nhiên là phải chọn cái gì sâu một tí, bởi lẽ càng sâu, càng chìm, thì nó càng tổng quát và đổi thay chậm chạp hơn. Như tâm thức (mentality) chả hạn. Vâng, dù Tây hóa đến đâu, người Việt và Á đông nói chung, vẫn có những phản những không giống Âu Mỹ. Người Tây thì, sau khi tranh cãi nảy lửa trong hội nghị rồi, vẫn rủ nhau đi uống cà phê tỉnh bơ, chứ người Việt ta thì sức mấy.

Có điều càng sâu, thì nét văn hóa ấy càng không rõ, khiến diễn tả và chứng minh không dễ gì. Và nếu khá sâu, thì nó càng dễ thuộc những vùng văn hóa lớn rộng. Như văn hóa Hy-La bao trùm cả Hy Lạp, La Mã lẫn các nước Latinh. Dĩ nhiên là Pháp chả hạn vẫn có những gì đặc thù của riêng Pháp, nhưng không vì thế mà Pháp lại không có những gì chung của cả vùng văn hóa Hy-La nói trên. Vùng văn hóa còn có thể lớn rộng hơn thế nữa. Nhất là khi C.G.Jung đưa văn hóa 1 vào sâu tới vô thức, ở đó tiềm ẩn các nguyên tiêu (arkhêtupos) thuộc đại gia đình của nhiều chủng dân, và các nguyên tiêu chung cho tất cả loài người.

Theo tôi, Việt Nam chúng ta nằm ở chỗ giao lưu của ba vùng văn hóa gốc: văn hóa Đông Nam Á phía dưới, văn hóa Ấn Độ mà ta chịu ảnh hưởng qua Phật giáo, qua tiếp cận với các quốc gia Ấn hóa xưa, như Phù Nam, Chân Lạp và Chăm, và cuối cùng, văn hóa Trung Quốc. Các văn hóa của các nước như Pháp đến sau cũng tác động không ít đến bề nổi hơn của chúng ta.

Ở đây, tôi chỉ xin chọn trình bày một cung cách sống và đánh giá rất mềm dẻo mà chúng ta có chung với Trung Quốc và một số quốc gia tiếp giáp Trung Quốc. Đó là Nguyên Lý và biện chứng Âm Dương nó chi phối tư duy và cách sống của chúng ta từ trong ra đến ngoài, từ cá nhân đến xã hội.

Chúng tôi sẽ trình bày bằng cách đối chiếu nó với cách nhìn biện chứng của Phương Tây khi họ tiếp cận thực tại. So sánh với người khác như thế sẽ giúp ta thấy chính mình rõ. Nói như vậy không có ý bảo người Việt khác hẳn người Âu Mỹ đâu. Ai nấy đều nghĩ đàn ông sống lý trí và đàn bà sống tình cảm, nhưng đâu phải vì thế mà đàn ông là thỏi sắt biết đi và đàn bà cần giải phẫu để cấy thêm cái đầu. Bằng chứng là còn có những phụ nữ siêu lãnh như Võ Tắc Thiên xưa của Trung Hoa và siêu thép như M.Thatcher gần đây của Anh Quốc.

BIỆN CHỨNG ĐÔNG TÂY ĐỐI CHIẾU TRONG HIẾU ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO

Để xây dựng một Kitô giáo mang bản sắc châu Á, đã có một số cố gắng, nhưng cá nhân và lẻ tẻ, nên chưa mấy thành công. Như Deleury sống như một bà la môn. Như Monchanin và Dom Le Saux đi vào lối tu và nhập định Ấn giáo. Như Lassalle mở hai trung tâm thiền bên Nhật.

Hội nhập văn hóa trong thần học thì vì khó, nên càng hiếm kẻ tham gia, trừ mấy gương mặt quen thuộc bên Ấn là Panikkar và Amalados, bên Sri Lanka là Pierris…

Có điều các vị này, cả mấy chục năm “trau dồi kinh sử” Tây, nên dù đấu với Tây, họ chỉ biết dùng súng Tây, nghĩa là dù suy Ấn hay suy Tàu, họ cứ áp dụng thứ biện chứng pháp họ quen rồi, nghĩa là hơn kém biện chứng pháp Hegel vốn thiên về loại trừ, đối kháng. Do đó, cái mà thần học Tây phương đã tìm ra thì họ muốn gạch đi, viết lại. Và vì Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo xưa coi dân ngoại như kẻ thù, thì nay trong xu thế đối thoại, Amaladoss gần như muốn loại bỏ tính duy nhất của vai trò cứu thế nơi Chúa Giêsu. Riêng Pierris thì cùng với thần học châu Mỹ latinh, chỉ còn hiểu thứ ngôn ngữ giải phóng của Cựu ước (tách khỏi cách hiểu thiêng liêng hơn nếu quy chiếu về Tin mừng); ngược lại với Tây phương thời Trung cổ, do quá nhấn vào tính cánh chung của đạo mà quên rằng Thiên Chúa của chúng ta đã “thành thịt” giữa cõi trần này.

Chúng tôi không phủ nhận công mở đường lớn lao của các thần học gia nói trên cho một thần học châu Á còn quá non yếu. Chúng tôi chỉ xin lưu ý họ, là tránh đừng đi vào vết xe của Tây phương vốn quá nghiêng về  lý tính nên dễ dàng tuyệt đối hóa những kết luận. Chính vì lý do đó mà chúng tôi xin đưa ra đối chiếu ở đây hai cách tiếp cận thực tại của Đông và Tây, cũng là cách sống và đánh giá theo những suy nghĩ ấy.

NHỮNG CẶP ĐỐI NGHỊCH VÀ CÁCH NHÌN BIỆN CHỨNG BÊN TÂY

Để hiểu các thực tại, con người phải thống nhất chúng. Triết gia Hy Lạp cổ đã quy mọi sự vật vào những gì được coi là căn bản làm nên chúng, như nước, khí, lửa, như nguyên tử (atomos) hay đơn tử (monados). Để giải thích làm sao, những gì rời rạc và đơn giản như thế lại có thể làm nên những sự vật phức tạp như ta thấy quanh ta, thì Empedocle (thế kỷ V tr.c.n) đưa vô nguyên lý kép Tán-Tụ, mà ông gọi Ghét và Yêu, với những viên gạch phần nào đa dạng hơn, là Thuỷ, Hỏa, Thổ và Khí. Vâng, khi những viên gạch ấy kết tụ lại, thì có cái nọ cái kia thành hình, còn khi chúng rời ra để tụ lại theo cách khác, thì sẽ có những sự vật mới phát sinh.

Cách suy nghĩ như vậy cũng không có gì khác với Trung Quốc và Ấn Độ. Với học thuyết Sâmkhya Ấn Độ, thì sự tán tụ kia thực hiện trên năm loại gạch Thuỷ, Hỏa, Thổ, Khí, Âkâsa (ête), và, nền tảng hơn, trên tam cách Âm dương lực. Trung Quốc cũng chủ trương, rằng các viên gạch nền tảng nhất là âm dương, với lực tiềm sẵn trong âm dương rồi, khiến đối nghịch thành đối cực (polarisation), sinh bù trừ, hấp dẫn. Còn bớt nền tảng hơn, thì đây là ngũ hành Kim Mộc Thuỷ Hỏa Thổ.

S.Freud lấy lại ý tưởng về cặp đối nghịch Tán-Tụ hay Yêu-Ghét, mà ông gọi cách khác là Yêu-Diệt (Êrôs-Thanatos, với thanatos có nghĩa Chết), nhưng đưa nó vào giải thích sức năng động tâm sinh. Ai cũng biết con người do thể xác mà có hai bản năng: tồn sinh và truyền sinh, nhưng Freud quy hết về hai bản năng nền tảng hơn, là Yêu (hay sinh) và Diệt chúng chi phối mọi sinh hoạt của con người. Vâng, cũng như khi ăn, để thức ăn thành một với mình, rằng phải nhai và dạ dày nghiên nát nó, thì để người yêu thành một với mình, người ta cũng làm đau, thậm chí khi thanatos trội quá, có thể sinh sex-murder, tức dâm sát.

Nếu Freud mang cặp đối nghịch vào năng động tâm sinh libido, thì Hegel và Blondel lại đưa nó lên đầu, vào các ý tưởng. Vâng theo M.Blondel, thì “sức năng động của tâm trí kích sinh ra những ảnh tượng và ý tưởng tương phản”2. Thế nghĩa là nếu nghĩ đến Sáng, sẽ có Tối muốn xuất hiện. Và cũng thế đối với sống-chết, hữu-vô v.v. Riêng Hégel đã lợi dụng những ý tưởng đối nghịch từng đôi ấy để thiết lập một phép biện chứng nổi tiếng, tuy không thể nói là của chung phương Tây, nhưng tiêu biểu hơn cả cho cách suy nghĩ của phương Tây. Phép biện chứng này xướng nhất như sau: Hễ có Đề phải sinh Phản đề, để rồi trên nền tảng của hai cái giao nhau mà huỷ nhau đi sẽ sinh ra một cái mới: Tổng đề. Như thế, biện chứng Hégel nghiêng hẳn về loại trừ, đối kháng. Như đối kháng và loại trừ giữa Hữu và Vô. Hữu suông và Vô suông của Hégel chỉ là ý tưởng, mà gặp nhau thì tạo nên Biến dịch. Để cuối cùng chỉ Biến dịch như một thứ Tổng số mới là cái có thực. Để rồi ngay cả Tuyệt đối, Tinh thần, Thiên Chúa cũng chỉ là cái Toàn thể được tạo dần thành do liên hồi biến dịch của thiên nhiên bên ngoài và liên hồi ý thức (về thiên nhiên) của mọi tâm trí hợp kết lại. Nhìn nhận Biến dịch, Bergson cũng phủ nhận những thể đang biến dịch như thế. Và cũng thế, đã nhấn vào tính nội tại của Thiên Chúa, Spinoza phủ định tính siêu việt của Ngài luôn. Và cứ đà ấy, triết học Tây phương hễ nhận tinh thần thì phủ nhận vật chất, hễ nhận thân xác thì phủ nhận linh hồn, và ngược lại. Không phải hết thảy đâu, nhưng là số đông. Và thần học cũng có khuynh hướng giống thế. Như khi nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, ngay thời đầu, họ đã gán cho Ngài một thân xác xem như không thực; nhìn nhận Phép rửa là cần để được cứu vớt, họ liền khinh thị lương dân; rồi nay coi có Thánh Thần hoạt động trong nhiều tôn giáo, không ít kẻ lại xem Tin mừng và Giáo hội là không quan trọng nữa.

Ngay trong lãnh vực sống đạo cũng vậy. Vào thời Trung cổ, vì quá đề cao mầu nhiệm thập giá, người ta hạ thấp những giá trị trần thế, như sức khoẻ, tài trí, thông minh, cùng với các giả trí lành mạnh; còn ngày nay khi đã quan tâm đến nhân sinh và môi trường, người ta lại quên mất tính cánh chung và siêu thế của cứu độ, quên rằng con người là những vị-thân (le pour-soi), nên không thể để con người gặp nguy hiểm. Trái lại, họ đã bảo vệ bằng mọi giá những mãnh thú có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào.

CẶP ĐỐI NGHỊCH VÀ CÁCH NHÌN BIỆN CHỨNG CỦA PHƯƠNG ĐÔNG

Như Blondel phát hiện, người ta luôn tư tưởng trong những cặp đối nghịch như Sáng với Tối, Ác với Thiện, Trong với Ngoài, Có với Không v.v. Phương Đông cũng thế thôi.

Có điều nếu phương Tây thiên về lý trí, mà ý tưởng thì sáng sủa, rõ ràng, nên giới hạn rạch ròi, khó dung hợp nhau. Chứ phương Đông thiên về trực giác, cảm nhận, nên những cặp đối nghịch của họ dính sát với thực tại, nhất là với sự sống, do đó nghiêng về bù trừ hơn là mâu thuẫn. Chính R.N.Tagore cũng nhận định như thế, khi ông nói đến âm dương trong đối lập sinh hóa, cái mà sanskrit gọi là Dvandva (nhị lập)3.

Bởi thế, dù luân lý Khổng giáo chủ trương “Nam nữ thụ thụ bất thân”, người Á Đông vẫn ưa đối đáp nam nữ hai bè, như trong hát trống quân, hát quan họ, và cách hát này còn tìm thấy cả bên Lào và Vân Nam nữa.

Sự đối nghịch hướng hòa ấy sẽ đi vào mọi ngóc ngách của đời sống dù sinh lý hay tâm lý, dù luân lý hay xã hội.

Theo Hoàng đế nội kinh, vì khí dương thanh của trời và âm đục của đất giao cảm khiến cho sinh hóa, điều hòa, và cũng vì hai khí nói trên hợp lại với nhau mà làm nên con người chúng ta, nên khí sinh lý của chúng ta cũng phải tương thông với khí trời đất ấy thì sức khỏe mới tốt, chứ nếu mất thăng bằng âm dương thì cơ thể phải phát bệnh4.

Nếu ở trong tâm, thì sự thăng bằng và điều hòa ấy là giữa đức Nghiêm âm và đức Ái  dương, hoặc giữa Nhân thuộc dương và Nghĩa thuộc Âm 5. Còn trong thuật trị quốc, để dân an và thuận theo, thì vừa phải có luật pháp nghiêm minh, vừa phải có từ tâm và đức độ.

Lòng ưa xứng đối và hài hòa thấm nhuần sâu xa hồn người Việt, Hoa, đến nỗi nó thể hiện trong cả văn chương và nghệ thuật. Ở hội họa thì đó là sự hài hòa của sơn thuỷ, cùng với cỏ hoa chim chóc. Ở kiến trúc, thì đây là dựng chùa ở bên nước biếc non xanh, xây Càn thanh của vua đối xứng với cung Khôn ninh của hoàng hậu, với điện Giao thái ở giữa để có giao hòa như giữa đất trời. Còn ở thơ, thì đây là song đối. Vâng, sự song đối luôn phải có ở phần chính, phần quan trọng nhất của bài thơ thất ngôn bát cú hay song thất lục bát. Mà đối đây là đối cả ý lẫn lời (cùng với đối bằng trắc), và càng đối hay thì thơ càng tuyệt. Sau đây là một vài thí dụ quen thuộc:

Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Hay:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc (quốc quốc),
Thương nhà mỏi miệng cái da da (gia gia).

Người Do Thái thỉnh thoảng cũng đối đấy, nhưng chỉ đối lời mà không thêm ý, tức dùng lời khác để nói lại cùng một ý, rất thô sơ, như:

Con người là chi để Chúa nghĩ đến nó,
Con của loài người là gì để Chúa bận tâm về nó (Tv.8)

Hay:

Một cái chồi từ gốc cây Giessê đâm ra.
Một cái mầm từ rễ cây vọt ra. (Is.11.1)

Chẳng những có đối trong thơ, mà câu đối còn vượt ra ngoài khuôn khổ thơ, do một thứ sính câu đối của cả người Việt lẫn người Trung Quốc, để rồi có mặt ở những chỗ trang trọng nhất trong nhà cũng như vào những dịp lễ lớn nhất như Tết.

Cặp đối nghịch mà tương tác đã phổ biến từ xa xưa, dù chưa có tên Âm Dương, như bằng chứng tìm được trong Kinh Dịch. Căn bản thứ nhất của Kinh Dịch là các quẻ cùng với các vạch dài và vạch đứt. Vạch dài và vạch đứt, hay lẻ và chẵn, tiền thân của âm dương, sẽ nối kết với nhau mà làm nên các quẻ và tất cả. Thậm chí làm nên lưỡng cực âm dương bao quát nhất là Càn và Khôn, hay trời và đất, mà tất cả lệ thuộc vào, như một thứ Mệnh và Đạo.

Hai từ Âm Dương xuất hiện trong Đạo Đức kinh của Lão tử (thế kỷ V tr.c.n), xuất hiện mới chỉ một lần, ở mãi phía cuối, trong chương XLII: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật, vạn vật phụ âm nhi bão dương. Xung khí dĩ vi hòa”.

Nhưng có lẽ Âm Dương có mặt từ rất sớm, như bằng chứng tìm thấy ngay cả trong Kinh Thi, Hoàng Đế trạch kinh, Dịch truyện (truyền) v.v.6

Kể từ đó, âm dương ngày càng được nói đến và nói rất nhiều, đến nỗi gần như không một dòng triết lý nào lại không bàn về âm dương hay dựa vào nguyên lý âm dương mà suy luận, suy không những về sự hình thành thế giới, mà còn về con người, về sự sống và đạo làm người, về cả thuật cai trị lẫn xem phong thuỷ.

Về tạo thế, người xưa coi nền tảng của tất cả là Khí: khí âm và khí dương. Nhưng khí để phân thành âm dương và biến hóa được thì nó lại cần đến Lý, cái Lý ấy là “Nhất âm nhất dương”, nghĩa là có âm phải có dương, chúng tương bằng với nhau và tương tác vào nhau để có Xung hay kích động, mà cái đích của sự xung biến không phải là tan, loạn, nhưng Trung hòa: “Vạn vật đều cõng âm bồng dương, do xung nhau mà có được hòa” (Đạo Đức kinh, ch.42). Vâng, trong bất cứ triết thuyết âm dương nào, người ta cũng gặp Dĩ vi hòa, giống như Đạo Đức kinh.

Với Hoàng Đế nội kinh, khí là bản nguyên của thiên địa nhân, nên “khí tương đắc tắc hòa, bất tương đắc tắc bệnh”7.

Với Hoài Nam tử (178-122 tr.c.n) thì “Âm dương giả, thừa thiên địa chi hòa” (Khí, tr.128-129).

Với Đổng Trọng Thư (179-104 tr.c.n), nguyên khí là gốc của thiên địa nhân, mà đặc tính của nguyên khí là (hướng về) Thuận hòa hay Trung hòa. Mà để có trung hòa thì phải có thăng bằng âm dương: “Hòa giả, thiên chi chính (cốt yếu) dã, âm dương bình dã”8. Và sự thăng bằng âm dương ấy phải diễn ra trong trời đất để có mưa thuận gió hòa, để rồi nương theo đường trời phải diễn ra trong xã hội để có thịnh vượng và bình ổn, và đây là phép cai trị đúng đắn gọi là Vương chính. 9

Với Thái bình kinh (bộ sách kinh điển của Đạo giáo thời Đông Hán) thì “Âm dương cốt ở trung hòa. Đạt tới khí trung hòa thì vạn vật sinh sôi, nhân dân hòa thuận, vương trị thái bình”.10

Với Chu Hy, “âm dương biến hóa” khiến “vạn vật sinh sinh” (Chu tử ngữ loại, quyển 74).

Khổng tử, tuy không nói gì về âm dương trong Đại học và Trung dung, nhưng cái hướng Trung hòa của âm dương rất rõ trong toàn cuốn Trung dung, nhất là ở câu: “Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, Hòa là chỗ đạt đạo của thiên hạ. Trung hòa đến hết mức thì trời đất yên vị và vạn vật sinh hóa định ổn”. Còn trong Kinh Dịch thì ở Hệ từ thượng (nếu quả Hệ từ là do đức Khổng viết), ngài cũng nói rõ: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” sẽ sinh biến hóa ổn định mãi mãi, “Sinh sinh chi vị Dịch”, để sống theo đó thì là Thiện, thành được theo đó thì là Tính.

Trung hòa nói đây không được hiểu là Tĩnh hòa, hay do Tĩnh mà có, nhưng Động hòa và do Động mà nên: “Xung khí dĩ vi hòa”, nghĩa là do xung động tương giao tương tác giữa hai khí âm dương, khiến hòa đây là sinh sinh biến hóa một cách điều hòa, ổn định. Sở dĩ âm dương xung tác mạnh như thế, vì đối nghịch âm dương không chỉ là đối nghịch ý tưởng lạnh lẽo, mà đối nghịch phân cực (polarisation), như trong lãnh vực điện từ ấy.

Ấn Độ cũng chủ trương biến dịch do tương tác âm dương, với lực (rajas) đã tiềm sẵn trong âm (tamas) và dương (sattva) để có sự hấp dẫn và tương tác đó. Cho nên, tuy ba đấy mà là hai, để tất cả thành nhị lập, dvandva, khiến bù trừ mà sinh sinh hóa hóa.

Vậy, như trên đã nói, đạo âm dương chính là Dịch đạo vậy: “Sinh sinh chi vị Dịch”, “Âm dương tương thôi nhi sinh biến hóa”. Dịch và biến hóa đấy, nhưng không trong xáo trộn mà điều hòa: “Âm dương biến hóa, vạn vật sinh sinh”, với sự tương giao và tương bằng của “Nhất âm nhất dương”. Giống như bốn mùa điều hòa thay đổi, cứ âm cho đến cực là mùa đông thì lại dương lên, dương cho đến cực là mùa hạ thì lại âm tới, cốt cho không gì khắc nghiệt quá. Thật ra thì trời đất hướng về Sinh: “Thiên địa chi đại đức, viết Sinh”, nên cứ để tự nhiên đi thì thiên nhiên biết tự điều chỉnh, để hễ “cùng” thì “tắc biến” để “biến tắc phản” và “phản tắc thông”.

Quả đúng Sinh là sức mạnh lớn nhất của trời đất, khiến cho từ khoáng chất phải sinh ra sự sống, và sự sống ấy tự bảo vệ mình bằng dị ứng, hệ kháng thể, tự phát triển bằng bản năng truyền sinh và tiềm năng tiến hóa hướng về những giống loại ngày càng phức tạp và hoàn hảo hơn, như ngày nay khoa học cho thấy rõ.

Sở dị phương Đông chủ dịch hiếu hòa, hẳn là vì họ nhìn ra sự đối nghịch từng cặp không qua tư tưởng cho bằng qua sự sống với sự giao hợp đực cái và gắn bó nữ nam. Mà đây là đối nghịch không loại trừ, nhưng bù trừ, vừa sâu đậm vừa phong nhiêu. Và đấy là một cái nhìn biện chứng thật sống động, với đích tới là sinh hóa và trung hòa.

Tuy bắt nguồn từ sự sống, mà cái nhìn âm dương kia không dừng ở sự sống, nhưng vượt sự sống về phía những cảnh giới cao siêu và vô cùng bao la, chúng bao trùm hết, từ đất lên trời, từ ngoài vô nội tâm, từ cá nhân sang xã hội. Và đấy là Nguyên lý siêu hình, nguyên lý siêu hình Âm dương, do tác động của nó mà càn khôn liên kết, để rồi tất cả phải nương theo đạo trời đất ấy mà đi vào con đường thái hòa. Vâng, chúng ta đã bước sang lãnh vực của Hình nhi thượng, khiến chẳng những âm dương có mặt trong Khí và Tâm, mà còn trong Lý và Đạo nữa. Vâng, có triết gia đặt âm dương trong khí hay tâm, có triết gia trong lý hay đạo, với khí có trước lý hay lý có trước khí, nhưng lý và khí luônlà hai phạm trù đồng đại, không thể thiếu nhau trong việc hình thành và biến hóa của tất cả. Thế nghĩa là nếu Khí là nền tảng của vật chất, thì Khí cũng không thể hiện diện và biến hóa nếu không trong đường đi và quy luật, nghĩa là dưới tác động của Lý. Vâng, cả Lý và Khí đều cần cho nhau.

Tuy Chu Hy lấy Lý làm gốc của Khí, với Lý có trước Khí, nhưng ông cũng cho rằng Lý không thể hiển ra khi chưa có Khí đi cùng. Nếu Khí hiển là khí âm khí dương, thì Lý hiển lại là Nhất âm nhất dương để âm dương tương xung mà sinh biến hóa. Để rồi liền sau đấy, thể hiện kế tiếp của Lý sẽ là các quy luật. Vâng, Lý được xem như thụôc Hình nhi thượng và Khí thuộc Hình như hạ, chúng phải dựa vào nhau và tương tại với nhau, mật thiết đến nỗi không thể không có Khí để Lý dựa vô, không thể  không có Lý để Khí hiện thể và biến hóa (Xx. Khí, tr.365-374).

Ngô Trừng cùng chủ trương với Chu Hy, tuy coi Lý là chúa tể của Khí, nghĩa là nó điều khiển Khí, nhưng Lý Khí phải tương tại mà thành Đạo âm dương của trời đất, của cả đời sống sinh lý lẫn tâm linh. Mà không phải chỉ Khí mới âm dương, cả Đạo và Lý cũng âm dương luôn, thành: “Đạo âm và dương của trời, đạo mềm và cứng của đất, đạo nhân và nghĩa của con người”. Bởi thế, để tất cả biến dịch trong tương thông và ổn định, thì dù nơi vật hay người, dù trong tâm hay ngoài thế, tất cả phải đi vào quy luật âm dương. (Lý, tr.399-403)

Đổng Trọng Thư trước đó cũng coi Lý là Lý âm dương luôn (Lý, tr.135,138). Mà âm dương thì hướng về Bình, tức tương bằng, với Trung hòa là đích nhắm. Do đó, dù trong thuật dưỡng sinh hay vi chính, không thể không cố đạt sự bình ổn âm dương. Có điều trong vi chính, tức cai trị, và có lẽ trong những địa hạt khác cũng thế, Đổng Trọng Thư luôn chủ trương, rằng dương phải nhỉnh hơn âm một tí thì mới tốt; như để dân an, ta phải dùng đức (dương) nhiều hơn là hình (hình phạt, âm). (Lý, tr.137-138)

NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ BIỆN CHỨNG ÂM DƯƠNG

Qua những trình bày và phân tích trên, chúng ta rút ra được những đặc điểm sau đây của luật âm dương:

1. Hướng hòa. Dù âm dương được nhìn trong hỗ tương đối nghịch, nhưng đối nghịch có nhiều loại: đối nghịch bù trừ như giữa nam và nữ; đối nghịch loại trừ như giữa sáng với tối, ác với thiện, hữu với vô; đối nghịch kháng nhau tích cực như giữa nước với lửa. Đối nghịch âm dương xem ra bao trùm mọi thứ đối nghịch ấy, nhưng nghiêng hẳn về bù trừ và dung hòa, như chính hương vị âm dương nói lên và các học thuyết âm dương tỏ rõ. Vâng, biện chúng âm dương không hướng về tương diệt âm dương, để từ đó sinh ra cái mới như trong biện chứng Hégel, mà hướng về hòa hợp âm dương như giữa cái với đực, từ đó có sinh sinh hóa hóa.

2. Chủ dịch. Vâng, như bốn mùa đẩy nhau để có dịch chuyển, như nam nữ hút nhau để có hóa hóa sinh sinh: “Sinh sinh chi vị Dịch” mà!

3. Lạc quan: Hướng sinh, không hướng tử. Không như S.Freud đặt Erôs (Yêu tức Sinh) và Thanatos (Tử hay Diệt) ngang bằng nhau, Khổng tử trái lại nói về Sinh như cái đức lớn của trời đất, trong khi Đổng Trọng Thư chủ trương dùng đức nhiều hơn hình phạt để cai trị, còn các nhà âm dương luận nói chung thì luôn thuyết về sinh hóa, chứ không nhắc gì đến tử. Thế nghĩa là Á Đông có một cái nhìn thật lạc quan về biến dịch, coi Tử hay Tán chỉ là chiếc cầu nhún để vượt về phía Tụ và Sinh, y như đông tới chỉ là bước phải qua cho xuân xuất hiện.

4. Thiếu hướng cách mạng? Biện chứng âm dương nhắm đích trung hòa, nên xem ra không ưa loạn và cách mạng. Có điều khi tiên liệu “cùng tắc biến, biến tắc phản”, học thuyết cũng đã tiên liệu có loạn và cách mạng nếu không đi vào sự quân bình âm dương, do đó phải tránh những gì cực đoan. Nghĩa là thuyết âm dương muốn ngăn ngừa loạn bằng cách không gây mầm loạn, thế thôi. Riêng với cá nhân, khi công thành danh toại đến đỉnh rồi, họ phải tránh “cùng tắc biến” bằng cách lui về ở ẩn, để khỏi “trèo cao ngã đau”.

5. Thiếu hướng tiến bộ? Do hướng trung hòa và chủ trương điều hòa giống như trong chu kỳ bốn mùa tiếp nối, xem ra biện chứng âm dương thiên về ổn định, hơn là tiến hóa với những bước nhảy vọt giống như trong biện chứng Hégel. Có điều nó cũng không chống lại một tiến hóa điều hòa theo đường lối tự nhiên của trời đất.

6. Hướng trung dung. Chính vì “cùng tắc biến”, nên đạo âm dương là đạo Trung, nó đòi phải ngay thẳng, khách quan, đồng thời tránh những gì thái quá hay bất cập. Theo thuật dưỡng sinh, nếu dương khí quá thịnh thì âm sẽ suy: tình trạng Cách (nghẹt); trái lại nếu âm khí dư thì dương suy: trạng thái Quan (đóng lại).11

Tuy âm dương đòi “Nhất âm nhất dương” nên cân bằng, nhưng phương Đông thường nhấn vào âm – hay nói cho đúng, nhu- hơn. Bởi thế trong cai trị, các học giả nghĩ rằng phải Ái, Nhân, Từ hơn là Hình và Pháp. Nếu họ xếp Ái và Nhân vào vị thế dương, thì thật ra, Ái và Nhân thuộc nhu, nên đúng ra là âm mới phải. Mà đạo Nhu thì được nhấn mạnh và đề cao suốt tập Đạo Đức kinh, được đưa áp dụng trong võ Judo và Thái cực.

7. Tính tương đối của âm dương. Âm hay Dương không hề có Âm tuyệt đối hay Dương tuyệt đối. Nghĩa là hễ có Âm liền có Dương, và ngược lại. Nghĩa là âm và dương sóng đôi với nhau và “tương đối” với nhau, tương đối đến nỗi, xét về Lý, thì mỗi bên chỉ là những thế (đứng) đối với bên kia, nên thay đổi tuỳ theo bên kia, cũng như tuỳ theo môi trường và hoàn cảnh. Như ngoài hè là sáng (dương) đối với trong nhà, nhưng lại là tối (âm) đối với ngoài nắng; như gỗ là cứng (dương) đối với bùn, nhưng lại là mềm (âm) đối với đá. Quả đúng thế, như Hoàng Đế nội kinh nói, ở cơ thể con người có khí trong (dương), khí đục (âm), nhưng riêng ở khí trong, cũng có chỗ bớt trong thành âm, và ở khí đục, có chỗ bớt đục thành dương (Khí tr.112). Bởi thế, kẻ có cái nhìn biện chứng âm dương thì luôn trọng chữ Tuỳ, không dễ gì tuyệt đối hóa bất cứ cái chi chi, dù một sự vật, một học thuyết hay nguyên tắc. Mà thật sự, dù phân định rõ như đàn ông đàn bà, cũng chẳng ai nam hay nữ trăm phần trăm đâu, nhất là về mặt tâm lý. Riêng về mặt sinh lý, thì nguồn gốc của tính đực và cái cũng chẳng rõ ràng gì cho lắm. Vâng, dù nữ hay nam ai nấy đều có hormone nam testosterone và hormone nữ oestradiol, và chỉ cần thay đổi phần nào tỷ lệ là có rối loạn ngay, khiến một con chuột đực có thể động ham muốn khi gặp con chuột khác đồng giới tính với mình. Thế rồi, lại còn trường hợp có người sinh ra với hạ bộ nam mà lại với tử cung cùng buồng trứng nữa. Chính vì thực tại không mấy khi rõ nét như ý tưởng, nên người Việt ta, dù có thể chết vì tôn giáo, tổ quốc hay người yêu của mình, nhưng chết vì một học thuyết hay ý thức hệ như Tây thì không dễ.

8. Cân bằng âm dương và ảnh hưởng của văn hóa. Hẳn là từ trong kinh nghiệm về tình yêu lứa đôi và hấp dẫn đực cái mà phương Đông đã phát minh nguyên lý Âm Dương. Thế mà khi yêu nhau, thì người ta muốn hai bên đồng đẳng với nhau, nên dù hoàng tử hay công chúa, lấy ai thì người ấy cũng trở thành phò mã hay công nương luôn. Bằng như nếu không lấy nhau được, ông hoàng thà làm thứ dân để được gần người mình ngày đêm thương nhớ. Chính vì thế, bàn về Âm Dương, người ta không so sánh cái gì hơn cái gì kém, trừ trong trường hợp Âm Dương hiểu theo lý, như sáng tối và thiện ác, chúng vốn chống nhau, chứ không bù đắp cho nhau.

Thế nhưng đôi khi, một số nhà nho cũng có những so đo khác lạ. Rõ ràng trong Kinh Dịch ở phần Truyện và Lời bàn, người ta luôn coi Cứng là dương, Mềm là âm, mà khi nghĩ về cai trị và tu đức, người ta lại đặt Nhân và Ái vốn mềm vào vị thế dương, còn Nghiêm và hình luật vốn cương lại được liệt vào loại âm. Mà lý do chỉ vì để cảm hóa dân, Nhân và Ái phải được coi trọng hơn là sự nghiêm của hình phạt, dù cả hai phải đi đôi với nhau. Và cũng chỉ vì trong tu đức, Nhân được coi là trung tâm và cao đỉnh của tòa nhà đạo đức. Phải chăng vì dòng máu phụ hệ của Hán tộc đã có ảnh hưởng trong việc trọng dương khinh âm, khiến có đảo lộn âm dương này?

Chính bởi những trục trặc nói trên, theo tôi nghĩ, dù học thuyết âm dương đã được khai triển rộng sâu bên Trung Quốc thì nguồn gốc của nó có thể đã nằm ngoài Trung Quốc, ở một trong những vùng thuộc địa mà xưa người Hán gọi là Tây di và Nam man. Cách đây mấy chục năm, Kim Định đã đưa ra giả thuyết, rằng Kinh Dịch là của dòng Lạc Việt. Trước đó nữa, chuyên gia nghiên cứu về văn minh Đông Nam Á, bà E.P.Maspero cũng nhận định rằng triết lý Âm Dương của Trung Quốc đã bắt nguồn từ cảm nhận nhị lập của người Đông Dương (trong đó có Việt Nam) vốn sống thông thoáng về mặt giao tiếp nam nữ, chứ không “nam nữ thụ thụ bất thân” như Trung Hoa12. Và đây cũng là quan điểm của giáo sư Phan Đăng Nhật trong Kiến thức ngày nay số 487 (tr.8). Theo tôi, cái sơ đồ của Âm Dương có thể đã được phác họa nên bởi một trong những dân tộc mẫu hệ hay bán mẫu hệ giáo với Trung Hoa, chứ không phải dân Hán và Mãn vốn rất phụ hệ.

Theo Montandin và một số học giả trước ông, thì Đông Dương xưa thuộc vùng “văn hóa cây cung”, mà một trong những đặc điểm của văn hóa này là chế độ mẫu hệ. Ngay gần đây, Đông Nam Á vẫn còn nhiều dân tộc mẫu hệ, và đây là Chăm (Thuận Hải) ở Việt Nam, Khassi ở Assam, Minangkabau ở Sumatra, Negri Sembilan ở Malaysia. Họ giữ tập tục mẫu hệ lâu bền được hẳn là nhờ môi trường thuận lợi xung quanh, môi trường ít là không trọng nam khinh nữ, đến nỗi sau này dù Đông Nam Á có bị Ấn giáo hay Hồi giáo phụ hệ đến thống trị, thì người phụ nữ ở đây vẫn không bị “cấm cung”, ông cậu và ông bà ngoại vẫn được quý mến, và tục gửi rể tồn tại.

Người Việt chúng ta cũng thế, dù bị người Hán đô hộ cả ngàn năm, mà luật Hồng Đức của nhà Lê vẫn không có biểu hiện khinh nữ. Như phân chia tài sản và điền sản thì con cái bằng nhau, dù nữ hay nam, con riêng vợ hay con riêng chồng 13. Thậm chí về quản trị hương hỏa, nếu thiếu con trai trưởng, thì lập con gái trưởng14.

Như đã nói trên, sở dĩ nhiều dân Đông Nam Á có thể sinh hoạt mẫu hệ được, là vì môi trường trọng nữ xung quanh cho phép như thế. Để rồi đến lượt chế độ trọng nữ, cũng như trọng giới tích và quan hệ nam nữ thường đi kèm (chứ không vì xấu hổ mà phải che đậy) cũng ảnh hưởng ra xung quanh, khiến chỉ từ những vùng trời này mới có thể xuất xưởng những cảm nhận căn bản đầy hương vị sự sống như nguyên lý và biện chứng âm dương. Vâng, nguyên lý âm dương có thể đã được thai nghén xưa ở miền đất Rồng Tiên, nơi có bình đẳng nam nữ mà phần nào dấu vết còn để lại trong bộ luật Hồng Đức của nhà Lê, nó khác hẳn với bộ luật nhà Nguyễn gần như bản sao của bộ luật Thanh triều.

Một nguồn gốc khả dĩ thứ hai cho thuyết âm dương, đó là vùng Đông Ấn, nơi sản sinh truyền thống tu luyện bằng phối hợp vợ chồng. Và đây là Mật giáo (Tantra), nó ảnh hưởng sang Ấn giáo thành Sakti-giáo và sang Phật giáo Tây Tạng thành Phật giáo Mật Tông. Và chắc cũng do cùng một ảnh hưởng ấy mà có Đạo giáo Trung Quốc, để rồi qua Đạo giáo có nguyên lý và biện chứng âm dương này.

Nếu chế độ phụ hệ Hán tộc khiến đôi khi do mặc cảm tự tôn mà người ta đặt nhu vào vị thế dương, để có thể vẫn coi dương là cao hơn, thì ngược lại, tính tương bình tự nhiên của âm dương chắc cũng ảnh hưởng đến tâm tư khiến họ bớt khinh rẻ nữ tính đi. Trong khi đó, chế độ nghiêng về mẫu hệ lại khiến dù trọng âm dương luận, người ta vẫn nghiêng về âm nhu để phát hiện nguyên tắc “Nhu thắng cương” như trong Lão giáo.

9. Đạo Âm Dương thuộc Hình nhi thượng. Như ở phần cuối tiểu đề trước chúng ta đã xác định, Âm Dương không chỉ là khí âm khí dương, càng không chỉ là đực cái hay nam nữ. Âm Dương đã được siêu hình hóa để thành Lý, tức nguyên lý, và Đạo.

Hơn nữa, cái Đạo và Lý ấy không dừng ở vật chất và sự sống, mà bao trùm hết, tới tận Trời (Kiền) và toàn bộ hiện hữu. Và như thế, con người không tách riêng. Nó thuộc về vũ trụ và nó phản ánh Đạo Trời thành Tính ở lương tri. Nên về phía Trời thì lặng nhìn vô nội tâm, nó hiểu được Thiên mệnh; nhìn ra ngoại thế, nó hiểu mình thuộc hoàn vũ. Do đó mà để khoẻ mạnh, người ta phải sống thuận với môi trường; để bình an và tiến phát, người ta phải quan tâm đến phong thuỷ.

ÂM DƯƠNG VỚI THỰC TẠI VÀ TRƯỚC ỐNG KÍNH KHOA HỌC

Đúng như Blondel thấy, trong đầu ta, các ý tưởng và hình ảnh luôn sắp thành những cặp đối nghịch, như trắng với đen, động với tĩnh, sai với đúng, ác với thiện… Và do đó chúng phân định rõ và loại trừ nhau. Chứ trong thực tế, thì giữa trắng với đen có biết bao trung gian, khiến cái áo này tuy trắng so với cái khăn kia, nhưng lại là đen so với tấm vải khác. Và nếu thiện ác không thể đội trời chung, thì người thiện nhất cũng vẫn sống chung với một vài khuyết điểm, và người ác nhất cũng tiềm tàng một hai cái tốt, khiến chỉ cần “buông đao đồ tể là… thành Phật” ngay. Chính vì thế, người sống lý trí quá sẽ cứng nhắc với các nguyên tắc của mình, trong khi người sống thực tế thì ứng xử mềm dẻo. Người Á Đông thường là loại người sau, bởi Á Đông chính cống thì nhìn bằng trực giác, đánh giá bằng cảm nhận, chứ không mấy trừu tượng. Trực giác, đó là điểm mạnh của ta, nhưng nếu vì thế mà bớt lý tính, kém khách quan, thì đây lại là điểm yếu. Vậy việc phải làm là phát huy sở trường của mình, trong khi vẫn cố học cái tốt của người để bù vào chỗ yếu của ta.

Nếu đi vào vũ trụ siêu vi mô và vĩ mô, thì với khoa học mới nó đang tìm về nguồn gốc cũng như nền tảng của vật chất và sự sống, ta sẽ thấy khá rõ sức ngự trị của âm dương.

Trước hết, thế giới muôn mầu của trái đất chúng ta được kiến thiết trên nền tảng của những phân tử, mà phân tử thì hợp thành bởi nguyên tử, với nguyên tử ấy làm nên do sự bó kết của những électron dấu âm bị hút, với hạt nhân dấu dương hút chúng (sức hút ấy cần đủ để cân bằng với lực ly tâm do sự quay vòng của các electron sinh ra). Riêng hạt nhân thì hợp thành bởi proton dấu dương và neutron trung tính. Có điều dù dương hay trung tính, chúng cũng do quark kết hợp mà thành. Có tất cả 7 loại quark, quark thứ bảy vì mới được khám phá nên tôi chưa có nhiều thông tin về nó. Chứ với sáu quark kia, thì ba quark up, charm và top mang điện tích +2/3, trong khi ba quark down, strange và bottom thì lại mang điện tích –1/3. Chính vì thế, proton do 2 quark up (bốc) kết với 2 quark down (dịu) thành +4/3 sánh với –2/3 nên có dấu dương, còn neutron do 2 quark down kết với một quark up thành –2/3 sánh với +2/3 nên triệt tiêu thành trung tính. Vậy đứng về mặt vật chất với các hạt tử rất nhẹ như electron và rất nặng như quark làm nên hạt nhân, tất cả đều do âm dương thống trị… Riêng lực hay năng lượng thì từ bosons sinh ra. Tất cả có bốn lực: lực điện từ và lực hấp dẫn, lực hạt nhân yếu và lực hạt nhân mạnh. Nay nhiều nhà vật lý muốn quy lực hấp dẫn vào lực điện từ. Nghĩa là, ngoại lực điện từ, chỉ còn lực hạt nhân thôi, nên lực điện từ (đặt nền trên phân cực âm dương) chiếm ít là phân nửa của toàn bộ năng lượng. Lại nữa, mới đây người ta còn khám phá thấy trong chân không có những dao động điện từ15. Dù chân không cũng có năng lượng điện từ, há phải chăng điện từ là năng lượng nền của mọi năng lượng? Nếu đúng thế thì không phải có bốn lực cơ bản, mà cơ bản nhất chỉ có một thôi (như một số nhà khoa học nghĩ, họ muốn quy cả bốn lực vào một), và lực cơ bản duy nhứt này hoạt động bằng đối cực âm dương.

Ngoài ra, ở nền tảng của tất cả, thì nơi mỗi hạt cơ bản nhẹ electron âm có tiềm ẩn một positron dấu dương, và nơi mỗi hạt cơ bản nặng hadron (như proton, neutron, hay cơ bản hơn là quark) luôn tiềm ẩn một antihadron dấu nghịch lại! Để rồi nếu hai bên cùng hiển thị cũng cùng tiêu biến đi luôn. Mà tiêu đây không phải là thành hư vô đâu, bởi vô trung vẫn tiềm hữu khi mà trước đó trong hữu là vật chất cũng tiềm vô nó là phản vật chất. Lại nữa như chúng ta đều biết, trong khối lượng m (làm nên hạt và vật chất) có năng lượng, và trong năng lượng có khối lượng theo công thức E=mc2. Để rồi trước giây phút Bigbang là cái gì đây, là hữu hay là vô, bởi chưa có hạt thì làm sao có chỗ dựa cho năng lượng tồn tại? Mà thế thì Hữu và Vô không phải những ý tưởng rõ ràng chúng loại trừ nhau như phương Tây nghĩ, mà là những siêu thực thể chúng tiềm bên dưới những thực tại muôn màu của thế giới này. phải hiểu như thế, ta mới dễ hiểu Phật, Ấn, Đạo giáo khi họ nói không theo lý cho bằng theo kinh nghiệm (thiêng liêng hay huyền ẩn) về cái thực tại mong manh là Sắc-tướng (nâma-rupa hay danh và hình), và về cái gốc của chúng là Vô, Vô vi…

Cũng như mầu đen thực ra chỉ là không mầu, do ánh sáng bị hút hết nên không phản chiếu, nên không có chi từ đó đến được mắt ta, thì Vô thực ra cũng không là gì, để có thể được biết là gì. Vâng, Vô chỉ là một khái niệm, chỉ có trong đầu của chúng ta thôi.

Cái nền tảng nửa hữu nửa vô như khoa vật lý lượng tử phát hiện có gì đúng như cái mà nhiều nhà âm dương luận gọi là Khí, cái Khí ấy khi chưa hiển thì mông lung như có như không, và để hiển lên thì bắt đầu nó phải thành khí âm khí dương dưới tác động của Lý. Mà ngay cả Lý cũng chẳng thành gì trước khi chưa nương vào Khí để có thể tồn tại và hoạt động. Vậy giữa khối lượng với năng lượng, giữa vật chất với phản vật chất, cũng như giữa Khí và Lý nó làm nên quy luật, luôn phải có sự tương tại mà bổ túc, bù trừ như thuyết âm dương nói lên. Và cũng như thuyết âm dương nói lên, giữa hai bên của những cặp đối nghịch ấy, ranh giới không hề rõ được. Và đây là ở nền tảng thứ nhất của vật chất, của thế giới vật chất này. Và đi với thế giới vật chất này là không gian và thời gian chúng cũng không thể thiếu nhau trong một vũ trụ bốn chiều Không gian – Thời gian của Eisntein, với không gian và thời gian đều không rõ nét, không xác định được như ý tưởng về chúng trong đầu óc của chúng ta. Mọi sự trong thế giới “sắc-tướng” của chúng ta đều diễn ra trong khung phạm trù của không gian và thời gian, nhưng ở bề chìm thuộc địa hạt của khoa vật lý lượng tử, thì cái mà ta gọi bằng tên không gian và thời gian ấy xem như không còn ý nghĩa nữ (bởi lẽ xem như không hiện hữu).16

Từ Bigbang mà hình thành dần, vũ trụ này đã tiến từ khoáng chất sang sự sống, và từ thảo mộc đến con người. Từ thảo mộc qua động vật tới những động vật thượng đẳng, sự phân biệt và đối cực âm dương ngày càng rõ, càng sinh động và sâu xa hơn. Bắt đầu để truyền sinh, sinh vật chỉ cần tự cắt đôi, một vấn đề nhân bản (cloning)17, hoặc tự mình chứa cả hai bộ phận đực cái như một số loài hoa, như cá sar, cá quyết. Thế rồi sự truyền sinh sẽ hóa thành sự hợp tác của hai cá thể riêng biệt, đực cái khác nhau. Ở mức sơ đẳng, có loài dễ đổi thay giới tính như sò lõm, sò dẹp; có loài giới tính chưa rõ khi còn non, khi mới chỉ là ấu trùng, để rồi tuỳ môi trường sống mà chuyển thành đực hay cái. Tiến triển hơn, sinh vật thượng đẳng thành cái hay đực ngay trong bụng mẹ, nghĩa là giới tích được cá thể hóa với chính cá thể đó18. Hơn thế, giới tính không chỉ dừng ở cơ thể, mà còn lan đến toàn con vật, cả trong lẫn ngoài, khiến cho phản ứng của con đực không thể lẫn với của con cái, mà ngay cả tâm lý hay cảm nhận của hai bên cũng vậy. Để rồi về lâu về dài, sự phân cực âm dương tâm lý nói trên sẽ khiến cho hai con đực cái cảm thấy thân quen và cần đến nhau, tới nỗi không thể rời nhau nữa: một thứ hôn nhân tự nhiên, như ở loài ngựa biển và cá bướm19. Sự đối cực âm dương nơi con người càng trở nên sâu xa hơn, khi ở đây tâm hệ (psukhê) đã thành tâm hồn, với sự phân cực được cá thể hóa hoàn hảo, khiến cảm nhận thành tình cảm và tình cảm sâu lên thành tình yêu, nền tảng thứ nhất của một hôn nhân đúng người. Nói “nền tảng thứ nhất” có nghĩa là còn nền tảng thứ hai nữa, và đây là quyết định sống chung, nó đòi hỏi trách nhiệm và tự do.

Sự bù trừ âm dương không dừng ở tình yêu cá nhân, các hiền nhân và triết nhân Á châu còn đưa nó vô đạo thờ Trời, rồi đạo làm người cùng với việc tu thân luyện đức. Và đây là vấn đề dung hòa, bổ túc cho nhau giữa những đức âm và đức dương, chính yếu là giữa đức Nghiêm âm và đức Ái dương, hay giữa Nhân dương và Nghĩa âm. Còn trong cuộc sống xã hội thì bên cạnh luật pháp và hình phạt nghiêm minh, người quân tử còn phải lấy đức mà cảm hóa và lấy lòng nhân mà đối xử với dân chúng.

Sự bù trừ âm dương tiến cả sang địa hạt tôn giáo nữa. Các Thể siêu việt hầu hết được trình bày như nam nhân, và đây là Yêhôvah, là Allah, là Visnu, Siva hay Buddha. Nam tính đã ngự trị, thì do bù trừ, tự nhiên các tín đồ sẽ tạo ra hay tìm đến với thần mẫu, như đức Maria Mẹ Thiên Chúa, như đức Bồ Tát Quán thế âm, Avalokitesvara, ngài đang là nam nhân bên Ấn, đã thành nữ bên Tàu, Việt Nam, để rồi được sùng bái hơn hết thảy. Và cũng thế, trường hợp của nữ thần Durgâ mà lễ hội tháng mười đã trở thành lễ hội lớn nhất của nước Tây trúc (Ấn Độ). Sự bù trừ âm dương còn đạt tới đỉnh cao nhất của sống đạo, nói trắng ra trong huyền nghiệm, như hoàng hậu Mirâ Bâi xưa bên Ấn, mỗi khi gần chông đều lẫn chồng với Thượng Chúa của mình, hoặc như Têrêsa Avila, Têrêsa Lisieux và nhiều nữ thánh khác, họ luôn nghiệm về Đức Giêsu như một tình lang, trong khi mà trước đó các ngôn sứ Israel cũng nói về Dân Chúa như người tình và hiền thê của Yaveh Thiên Chúa.

BIỆN CHỨNG ÂM DƯƠNG TRONG HIỂU ĐẠO VÀ SỐNG ĐẠO

Kitô giáo xem như có gì rất hợp với đạo âm dương. Kitô giáo vốn chống lại những học thuyết mang lý trí với các ý tưởng rõ ràng của nó đặt lên ngai thờ. Cũng chống lại các ý niệm tĩnh và trừu tượng như thế, một người Tây (gốc Do Thái) là Bergson vốn chủ trương Trực giác, để qua trực giác, ông lấy Dịch (devenir), mà ông gọi Trớn sống (Élan vital), làm cái duy nhất có thực. Còn Charles Fourrier, nhờ hiểu thấu Kitô giáo mà không coi những gì đối nghịch có thể chống phá nhau. Vâng, theo triết gia này, hòa điệu của những thái cực (extrêmes) chính là đường đi của Thiên Chúa. Một triết gia khác hơn thế, nghĩ rằng “Kitô giáo là nhất tính của những gì đối nghịch” (Le christianisme, c’est l’unité des contraires). Cũng cùng trong sự thâm hiểu Kitô giáo ấy, Teilhard de Chardin đã nhấn vào sự nội tại của Thiên Chúa giữa lòng sự sống, khi mà vào thời ấy, vì quá đề cao tính siêu việt của Ngài, người ta quên mất rằng Lời Thiên Chúa đã nhập thể. Theo Teilhard, sự nhập thể này, cùng với con người thiêng liêng, đã được Thiên Chúa nhắm ngay ở điểm khởi đầu của tạo thế, điểm 0 của Bigbang theo cách hiểu của vật lý học ngày nay.

Quả đúng là không thể hiểu đủ Kitô giáo nếu không nhìn nó trong đối nghịch bù trừ âm dương. Tôi muốn nói âm dương ở vị trí Hình nhi thượng, tức nguyên lý siêu hình. Và như thế, chúng ta có thể bắt đầu ngay với Thiên Chúa. Chúng ta cứ lo giới tính hóa Thiên Chúa, mà không biết ngay từ đầu chúng ta đã làm vậy rồi. Chúng ta chả gọi Thiên Chúa là Cha, và nhìn Ngài như một nam nhân, một ông lão đấy sao? Bằng chứng rõ nhất là, ở các tiếng Ấn-Âu với danh từ gôm hai giống đực cái, hay ba giống đực, cái và trung tính, từ Hy ngữ Theos, La ngữ Deus, Pháp ngữ Dieu đều giống đực cả. Chỉ có Ấn Độ giáo đặt tuyệt đối thể Brahma của triết học ở giống trung tính, nhưng trong tôn giáo dân gian, thì Brahma trung tính là không được nhắc đến, mà chỉ Barmâ giống đực hay Hóa công mới có mặt bên cạnh các thượng thần nam giới là Visnu và Siva. Trong Kitô giáo, thể theo cách hiểu của con người, Lời nói về Thiên Chúa khi thành người cũng thành người nam luôn. Mà thật ra ngay trong Cựu ước, Yahveh tuy được gọi là Cha, được coi là Hôn phu của Dân Chúa đấy, mà đôi khi cũng được diễn tả trong thái độ và cách nói của người mẹ.

“Ta sẽ cho con bú, sẽ bồng con vào lòng, sẽ đu đưa con trên đầu gối. Như người mẹ nựng con trai mình thế nào, Ta cũng vỗ về con như vậy…” (Is.66.12-13)

Lại theo Evdokimov, sở dĩ trong vĩnh cửu thì Cha sinh Con, mà trên cõi đời, sinh con lại là mẹ, ấy bởi vì người mẹ chính là âm bản (négatif) trong thời gian của Cha trên vĩnh cửu đấy. Thế có nghĩa Chúa Cha chính là Chúa Mẹ. Riêng Thánh Thần thì nay đã được thần học nữ quyền (feminist theology) tái khám phá là từ mẫu rồi. Vâng, Thần khí chính là mẹ khi Ngài sinh ta làm con Cha trong đời sống siêu nhiên: “Thần Khí của Con được sai đến trong lòng ta kêu lên Abba, Cha” (Gal.4.6).

Còn để hiểu Chúa Giêsu, chúng ta luôn phải giữ cân bằng hai vế sử tính và huyền nhiệm, thiên tính và nhân tính; và về mầu nhiệm của Ngài, cả hai mặt một bên là nhập thể, bên kia là thánh giá và phục sinh. Hễ lệch nghiêng bên nào, chẳng những lạc đạo mà còn nguy hiểm cho sống đạo nữa, khiến hoặc không đếm xỉa đến các giá trị tự nhiên và trần thế như vào thời trung cổ, hoặc như ngày nay chỉ quý trọng con người, chỉ muốn xây dựng xã hội thành một thiên đường tại thế thôi…

Với Giáo hội cũng vậy, Giáo hội ấy phải được giữ trong thế cân bằng giữa hai mặt hữu hình và vô hình, đoàn sủng và cơ chế. Công giáo Việt Nam quá nhấn vào tính cơ chế, đến nỗi biến chữ Cộng đồng thành Cộng đoàn và kêu giáo hội địa phương là Giáo đoàn, nghĩa là đoàn thể có tổ chức. Trong khi ấy thì thánh Phalô và Gioan trong Khải huyền lại gọi là giáo hội: “Giáo hội người Thessalonica”, “Giáo hội tại Ephêsô”, “Giáo hội ở Corinthô”, “Bảy giáo hội tại châu Á”, v.v Có nghĩa là chính Giáo hội viết hoa đang hiển hiện tại Corinthô hay Êphêsô, thậm chí tại mỗi gia đình, như có giáo phụ gọi gia đình Kitô giáo là “giáo hội tại gia” (ecelesia domestica). Vâng, Giáo hội của Chúa luôn hiển hiện bất cứ đâu người ta họp lại nhân danh Ngài, dù để cầu nguyện hay sống đạo: “Khi hai ba người họp nhau nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ” (Mt.18-20)…

Cũng vì còn quá nhấn vào cơ chế, do đó quyền hành, nên tín hữu Việt Nam trở nên thụ động, không tích cực góp sức vào việc tông đồ và truyền giáo như bên Hàn Quốc, cũng chẳng dám có sáng kiến gì như trong lãnh vực phụng tự v.v. Bởi cơ chế đang mạnh, mà đoàn sủng quá yếu, nên giáo quyền cần nhập cuộc để khuyến khích việc Hội nhập văn hóa. Vâng, để khuyến khích hơn là kìm hãm. Và đó là áp dụng nguyên tắc cân bằng âm dương. Và cũng nương theo quy luật âm dương, về phía người dưới, dù thiện chí đến mấy, họ cũng nên dè dặt một tí, bởi nếu đi quá thì “Cùng tắc biến, biến tắc phản…”, giáo quyền vì lo vỡ bờ mà đóng cửa đập lại, và thế là Hội nhập văn hóa cũng sập tiệm mất.

Riêng về sống đạo, tôi đã nói dài dài trong hai tập Thần học thiêng liêng, nhất là ở phần đầu. Dưới đây, tôi chỉ xin lược lại vài ba điểm.

Về cân bằng âm dương, hãy nắm chắc cả hai bên: siêu nhiên và tự nhiên, nhập thế và xuất thế, tự tin và tin vào Chúa, tự trọng và coi mình như đứa bé trước mặt Chúa; thế rồi cầu tiến với bảo cổ, sống đạo tự mình với sống đạo cộng đồng; và sau cùng, cân bằng giữa nhu với cương, nhưng nhu mạnh hơn một tí.

Đối với Thiên Chúa, hãy giữ đúng vị thế chí âm trước Chí dương bằng đức tin theo ý nghĩa Kinh thánh, nghĩa là hạ mình hết mức, quy thuận hoàn toàn. Một cách cụ thể, hãy cụp mắt xuống để thấy Chúa lớn cao vô tận.

Còn về sống đạo, đừng quá lo cầu nguyện mà quên đưa Tin mừng vào cuộc sống. Lại trong cầu nguyện, cũng đừng lẫn cầu nguyện với đọc kinh, dù chúng ta có thể cầu nguyện bằng đọc kinh.

Khi sốt sắng và sùng đạo, người ta dễ coi thường cái gì là tự nhiên, như quan hệ gia đình, tình yêu trai gái, sức khoẻ và sắc đẹp, thông minh và tài giỏi v.v. Nhưng sống đạo đâu phải sống trên mây, mà sống từ chính con người tự nhiên của mình, cùng với khí chất và năng khiếu mà ta không thể thay đổi, nhưng chỉ có thể lèo lái và hướng dẫn để đi hết con đường của ta dưới ánh sáng Phúc âm. Và sống đạo chính là siêu nhiên hóa những quan hệ và tình cảm do tự nhiên mà có đó. Để rồi dù tu hay tục, ta luôn biết lợi dụng tất cả cho con đường đã chọn, đồng thời khiến chúng bổ túc cho nhau vì sự tròn đầy của Huyền thân Chúa. Trước đây bên Tây, người ta trọng tu mà khinh tục, nay thì ngược lại. Tại Việt nam bây giờ, người ta vẫn còn sống như Tây thời trung cổ, để chỉ kính các cha, các nữ tu, và coi nên thánh hay làm tông đồ không phải việc của tục gia. Ta nên nhận định đúng, nên thánh chính là sống thật tốt ơn gọi của mình, dù tu hay tục. Chỉ có điều đi tu thì được huấn luyện kỹ và có nhiều phương thế hơn, thế thôi. lại nữa, để nên thánh, thì dù tu hay tục, ai nấy không chỉ sống vì Chúa, mà vì Chúa và bằng những cách khác nhau, còn phải lo đến vận mệnh quốc gia và thế giới nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng nghĩ hễ khiêm nhường và tin tưởng là phải bỏ tự tin và tự trọng, nhưng dung hòa giữa hai đòi hỏi xem như đối nghịch đó. Lại cũng đừng vì nương vào Chúa mà không dám phiêu lưu, táo bạo, mà ngược lại, bởi nương vào sức Chúa nên càng phải lớn mật gấp trăm.

Nói về sùng đạo, thì không thể có sùng nếu không “ướt át” một tí, nhưng ướt mà ướt sũng thì sẽ lệch đạo và khiến trí giả xa đạo. Chả hạn như do đó mà biến đức Maria thành một vị thần bên Chúa dù dưới quyền Thiên Chúa. Cứ ướt đi, nhưng phải lấy cái lý của thần học mà chỉnh hướng cho cơn bốc của con tim. Thế nhưng cũng đừng “lý” quá, vì  lý quá sẽ sấy khô con tim ấy và bơm căng cái Tôi lên.

Sống đạo và sùng đạo tới đỉnh cao nhất của nó sẽ chuyển từ kinh nghiệm thủ đắc sang kinh nghiệm thiên phú, tức trời làm hoàn toàn. Tôi có ý nói đến huyền nghiệm (expérience mystique). Suốt cho đến khi chết năm 1973, Henri Le Saux O.S.B đã cố dung hòa hai huyền nghiệm của ông: huyền nghiệm Advaita (vô phân) của Upanisad và huyền nghiệm Dvaita (hữu phân) của Kitô giao. Thật ra thì Kitô giáo có cả kinh nghiệm Vô phân lẫn Hữu phân, như về Thiên Chúa của thánh Ignace de Loyola, khi thì ngài thấy Thiên Chúa thành ba, khi lại thành một (một Hiện hữu) với biểu tượng là hình cầu trắng hay hình tròn trắng. Còn giữa Chúa với hồn? Thì thánh Augustin đã chẳng gọi “Thiên Chúa sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi”, tức “trong tôi” (antara-âtman) nhưng lại “siêu tôi” (parma-âtman), cũng là “cao hơn chỗ cao nhất của tôi” (hữu phân). Còn giữa Thiên Chúa với thụ tạo nói chung? Xin thưa, thử hỏi thánh nào đạt tới cảnh giới Hôn nhân thiêng liêng, mà lại không luôn thất tất cả trong Chúa và Chúa trong tất cả: “Nơi Ngài hết thảy chúng ta hiện hữu và sống động”?

Kitô giáo không chỉ là đạo của từng cá nhân, mà còn là đạo cộng đồng, bởi Giáo hội là huyền thân của Chúa Cứu thế. Và tuy là chi thể Chúa Giêsu, nhưng mỗi chúng ta vẫn là những bản vị bất khả thông, khiến chúng ta không thể sống đạo kiểu bầy đàn như hiện nay tín hữu lắm người đang sống. Chúng ta phải tập sống đạo tự mình và tạo lấy cho mình một chân dung riêng, trong khi vẫn nhớ rằng tất cả chúng ta đều liên đới siêu nhiên với nhau trong Huyền thân của Chúa.

Điều cần thiết nữa là chúng ta hãy dung hòa cầu tiến với bảo cổ. Để hội nhập văn hóa giữa hướng đi toàn cầu hóa nó cũng gần với toàn cầu Âu Mỹ hóa hôm nay, chúng ta cần phải trở về truyền thống văn hóa của mình khi mà truyền thống ấy từ lâu bị bóp nghẹt không thể tiến cho kịp thời đại; do đó một đằng chúng ta phải học lại những hình thức và nền nếp cũ, mặt khác phải đi vào cốt lõi của chúng để có thể đơn giản hóa đi cho hợp với cách sống hôm nay. Thí dụ trong việc bày tỏ niềm cung kính, Công giáo ta từ mấy trăm năm đã theo Công giáo Tây mà quỳ gối thẳng người. Thế mà cúi đầu và cúi mình mới nói lên được tâm tình ấy của chúng ta, như Hàn Quốc và dân Nhật ngày nay vẫn còn làm như vậy. Có điều chúng ta có thể bỏ đi những gì quá cầu kỳ trong vái lạy, như cửu bái và tam quy cửu khẩu.20

Đứng về mặt tư tưởng, dung hòa là cách tốt nhất để làm giàu cho mình. Cũng như một người dù xấu cũng có vài ba điểm tốt, thì một học thuyết dù sai cũng có một số cái đúng, đúng mà có khi lại mới, khiến có thể lấy mang dung hòa với những ý tưởng tuy chắc mà cũ rồi, khiến hai đằng bổ sung cho nhau vì bước tiến của Hội thánh chúng ta. Giống như K.Rahner, vào thời mà Công giáo đang kỵ duy tâm và hiện sinh chủ nghĩa, đã dám lợi dụng học thuyết của Kant và Heidegger để xây cho mình một trường phái hoàn toàn mới: Thần học siêu nghiệm. Hay như Teilhard de Chardin, trong lúc Kitô giáo còn nhiều nghi ngại đối với học thuyết tiến hóa, đã nhờ thuyết tiến hóa mà, qua vật chất và sinh cầu (biosphère), nhìn ra được (tinh) thần cầu (nooshpère), với điểm Omega là Đức Kitô. Đứng về mặt thực hành thì các cần dung hòa nhất là giữa nhu và cương, thường với nhu chiếm ưu thế, đúng với khuynh hướng chung của Á châu vốn hướng về Vô và Vô vi, vốn quen với nguyên tắc “Nhu thắng cương”, như tôi từng đã trình bày trong “Con đường nước” ở Thần học thiêng liêng chương 5. Và đây là việc nương theo xung động (plusion) để sống đạo hơn là đối đầu với nó, y như thuyền buồm nương vào sức gió để đi con đường của mình. Đây cũng là dung hòa giữa các đức cương nhu trong luyện đức tu thân, là sự đối xử và ứng xử bên ngoài khi cương khi nhu chúng phụ trợ cho nhau, như thánh Phan Sinh Salê nói: “Nắm tay sắt trong găng tay nhung”. Xưa nay trong cai trị cũng như trong giáo dục, chúng ta đã quen với phương pháp khoa học từ Tây mang tới nó coi giáo dục giống như sản xuất, nghĩa là bắt tất cả những người thụ giáo vào chung một khuôn cho tiện và để ra lò cho nhiều, cho nhanh. Cách làm ấy không giống với cách làm của Chúa cũng như của Khổng tử xưa, coi con người căn bản khác nhau, nên phải tuỳ người mà áp dụng phương thức cũng khác nhau, nhất là đối với những tâm trí và tâm hồn đặc biệt. Tốt hơn hết, chúng ta nên vừa có khuôn chung cho tập thể, vừa bổ túc nó bằng phương thức tuỳ cho mỗi cá nhân nữa.

Trong cách sống, cách tu luyện và phê phán của mỗi người, thì khuôn là nguyên tắc. Không thể không nguyên tắc, và áp dụng nguyên tắc thì phải chặt. Nhưng “nguyên tắc quá” thì dễ cứng nhắc không thể xoay sở và ứng phó kịp với các hoàn cảnh muôn mặt và đổi thay luôn luôn của cuộc sống. Nên vừa phải có nguyên tắc, vừa phải thoát nguyên tắc khi cần, nhất là trong những trường hợp đặc biệt. Vâng, dù đây là nguyên tắc đạo đức nó hướng dẫn cuộc sống cá nhân, dù đây là nguyên tắc luân lý xoay quanh các vấn đề của xã hội. Vâng, phải chặt trong nguyên tắc (cương), nhưng áp dụng thì đôi lúc phải uyển chuyển.

Mềm dẻo và Tuỳ, đó là cách làm rất Á đông. Một trong những lãnh vực quan trọng phải ứng dụng Tuỳ là thời đại và vùng trời, như Việt Nam chúng ta quen nói: “Đào giang tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Giáo hội xưa vì đã không đuổi kịp thời đại, nên với đà tiến khoa học, Giáo hội ngày càng tách khỏi thế giới, với vụ án Galillê vào thế kỷ XVII và sự ra đời của thuyết tiến hóa vào thế kỷ XIX. Sự thờ ơ hôm nay đối với khoa học mới, như khoa vật lý lượng tử và khoa sinh học phân tử chúng tìm về nguồn gốc và nền tảng của vật chất và sự sống, sự thờ ơ ấy khiến vì vô tri mà ta cứ bám mãi vào những quan niệm lỗi thời của chúng ta, cả về vật chất, bản thể sự vật, lẫn về không gian, thời gian và bản chất thân xác con người”. Thêm vào đấy, hướng đi bảo thủ, nhất là duy bản chủ nghĩa (fondamentalism) của một số người sẽ càng làm cho thế giới quay lưng lại với chúng ta như trước công đồng Vatican II. May mà những hướng đi này nay chỉ mạnh ở một hai tôn giáo khác thôi. Cách tốt nhất với chúng ta, đó là hãy táo bạo Đón thời chứ không chỉ lúi cúi chạy sau thời. Tôi có ý nói, đi trước thời bằng một tầm nhìn luôn có tính tiên tri, ngôn sứ. Cũng tiên tri, ngôn sứ như Thầy và Chúa của chúng ta, Ngài đã mạnh bạo đưa ra một giáo lý mà người đồng thời nghe Ngài đã không thể hiểu, coi là chói tai!

NHỮNG GÌ TRƯỚC MẮT CẦN HỘI NHẬP

Như tôi đã trình bày trong phần khai lộ, về Văn hóa Việt Nam có quá nhiều cái để nói, và về Hội nhập văn hóa cũng vậy luôn. Nên tôi đã xin phép rút lại, chỉ trình bày một trong những nét tôi cho là tối cơ bản, và đây là cái nhìn biện chứng âm dương trong hiểu và sống đạo. Có điều sang đến phần Hội nhập cụ thể, không thể tôi không nới rộng đôi chút, về những gì, theo tôi nghĩ, trước mắt phải làm ngay, dù có cái không hẳn trong tầm ngắm của nguyên lý âm dương. Bù lại, tôi sẽ cố đưa nguyên lý ấy vô như phương cách thực hiện.

Trước hết về phụng vụ, cần đổi ngay cách tỏ lòng cung kính cho phù hợp với truyền thống Á Đông, đồng thời điều chỉnh phần nào cơ cấu thánh lễ cho hòa nhập nghi thức tế của người Việt, nhất là tế Nam giao.

Để tỏ lòng cung kính, người Á Đông không thể không uốn lưng, khấu đầu, ngược lại với cách bái quỳ ngay lưng và nhìn thẳng vào mắt của người Âu Mỹ. Hằng ngàn năm nay chúng ta quen làm như vậy rồi, nên chỉ làm như vậy, chúng ta mới cảm nhận niềm kính cẩn. Vâng, dù hôm nay tại những nước đã Âu hóa nhiều như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản v.v, người ta vẫn cúi mình sâu như vậy trước người trên, nhất là trước tổ tiên và thần thánh. Tại Việt Nam, các nữ tu cũng dạy các em Mẫu giáo làm thế, nhưng các dì lại không được làm thế khi vô nhà nguyện, nhà thờ.

Những cử điệu khác, cả cách nói nữa, thì chưa ăn sâu đến vậy đâu. Có điều những gì đã lâu đời lặp đi lặp lại cũng dễ kết nối với những tâm tình tương ứng, trừ phi người ta cố ý chỉ dừng lại ở hình thức, như một cử chỉ xã giao thôi. Cho nên đừng theo Tây mà rời bỏ truyền thống, nhưng theo thời mà bớt rườm rà đi. Như thay vì để tang mà mặc áo xô, thì chít khăn xô cũng đủ trong ngày tang, ngày giỗ, còn ngày thường thì cài một miếng băng trắng (thô) là đủ.21

Riêng về thánh lễ, nên soạn lại kinh Tiền tụng theo kiểu Văn chúc, và chỉnh lại đôi chút kinh nguyện Thánh thể, sao cho có hương vị Văn tế ít nhiều. Theo cách làm của nhiều cộng đồng Công giáo bên Ấn, những đoạn kinh thư Ấn đó phù hợp cũng được lấy làm bài đọc; nếu trong thánh lễ thì đây là bài đọc nó dẫn vào Cựu ước, Thánh thư và Phúc âm nhờ đó có một sự liên tục giữa Á Cựu ước và truyền thống thiêng liêng phương Đông với Thánh kinh của Kitô giáo. Thánh lễ nhập thể của chúng tôi cũng làm như thế, và kinh thư được sử dụng là Tứ thư của Khổng giáo, Upanisad của Ấn giáo v.v. Chúng tôi cũng dịch nhiều bài thơ tôn giáo của Tagore và Tukâram để làm Đối xướng sau bài đọc kinh thư phương Đông, và Đối xướng ấy do hai bè nam nữ đối đáp theo cách làm âm dương hòa hợp của lối hát trống quân và quan họ bên Việt Nam, một số lối hát khác của Vân Nam và Lào.22

Về thời gian ngày lễ, Kitô giáo thế giới đã quen sử dụng dương lịch rồi, nên cũng đành theo thôi23. Dương lịch cũng chia 12 tháng, như thể theo mặt trăng, mà chúng ta gọi theo chữ Hán là “nguyệt”, nhưng chẳng còn gì là “nguyệt” cả. thế mà mặt trời thì rõ quá, “sáng sủa và rõ ràng” như những ý tưởng của Descartes vậy, nên chẳng còn gì huyền linh. Cố nhiên tối tăm cũng chẳng có gì tốt, bởi tối tăm gợi cho chúng ta về sự ác và tà quái, về quỷ và ma, khiến màu đen được gọi là hắc, đáng sợ. Chỉ có trăng mới đủ sáng để xua đi bóng tối, nhưng lại chưa đủ sáng để đánh tan huyền ảo và mộng mơ, khiến hợp với tâm trạng của nhà thơ và huyền nghiệm sỹ24. Chính vì thế, thơ và nghệ thuật thích tả trăng, nhiều cuộc cúng tế được tổ chức vào các tuần trăng, và các lễ hội lớn, nhất là bên phương Đông, luôn diễn ra theo âm lịch. Vậy chúng ta nên trở về với âm lịch trong những ngày lễ của riêng Công giáo Việt Nam, nhất là trong cưới hỏi và tang giỗ. Về tang giỗ, Công giáo Việt Nam đã tự động có những hội nhập rất đáng khen. Có điều vì tự động, không nghiên cứu kỹ, nên chúng ta làm và hiểu sai be bét. Chỉ có tang cha mẹ mới ba năm, nhưng ba tính theo người Việt, nghĩa là sang đầu năm thứ ba, thường 27 tháng.25

Nói về tôn giáo, thì có lẽ phương Đông sùng đạo nhất, bởi lẽ người phương Đông nói chung hướng nội. Quả thế, phương Đông chủ trương cân bằng âm dương, nhưng lại nghiêng về âm nhu, do đó sống tình cảm và thấy bằng trực giác, và cũng do đó dễ chủ quan và hướng nội, hướng tĩnh. Trong khi ấy thì người phương Tây hướng động và thấy bằng lý trí nên khách quan hơn, khiến cho về khoa học và khám phá các đỉnh cao, các đại dương thì họ luôn dẫn đầu. Để khai thác điểm mạnh của mình, về mặt tôn giáo ta hãy phát triển cầu nguyện, chiêm niệm, nhất là vào thiền để tâm hồn siêu thoát và định an, nhưng về mặt tông đồ lại phải học hỏi nhiều ở sự hăng say của các nhà truyền giáo Âu Mỹ.

Vì sống tình cảm, người Á Đông rất coi trọng gia đình, thậm chí coi quan hệ gia đình như kiểu mẫu lý tưởng để kiến thiết mọi quan hệ khác ngoài xã hội. Chính vì thế mà khi xưng hô ngoài xã hội, người Việt chúng ta gọi nhau bằng ông, bà, chú bác, cô thím v.v. Thậm chí tại một số giáo phận miền Bắc xưa, người ta tổ chức cuộc sống nhà tu thành những Linh tông và Nhà Đức Chúa Trời, với các cha, các thầy, các cậu và bõ ngãi; trong khi mà ở bên Tây, chỉ có một mình cha sở cô quạnh trong nhà xứ, chứ cha phó cũng thuê nhà bên ngoài, không ở chung. Cuộc sống chung khiến giảm đi nhiều thoải mái đấy, nhưng bù lại có bầu khí gia đình, có mọi người chăm lo lẫn cho nhau, có tiếng cười con nít làm cho lòng già ấm lại, có môi trường đạo đức để ươm trồng ơn gọi và gìn giữ cá nhân trong những phút yếu lòng dễ sa ngã.

Ngày nay, cũng để phát triển ơn gọi và tránh cô đơn, chúng ta nên phần nào trở lại với cách sống đó, miễn là khuôn khổ phải thanh thoáng hơn, và các thiếu niên không tách hẳn như xưa khỏi gia đình, bởi lẽ một giáo dục toàn vẹn đòi hỏi như thế.

Những đoàn thể Công giáo đặc biệt, ngoài chia sẻ trong cầu nguyện, cũng nên có gì chia sẽ trong cuộc sống nữa. Giống như một số cộng đồng cơ sở hiện giờ bên châu Mỹ, châu Âu. Còn gia đình Công giáo thì hãy cố bảo vệ hai nét chính yếu của gia đình Việt Nam là tính truyền thống và tính mở rộng, những cái mà nhà dân tộc học lừng danh, linh mục L.Cadière, đã ca ngợi không tiếc lời. Quả thật, gia đình chính cống Việt Nam không gói gọn ở cha mẹ và một hai đứa con, bởi lẽ còn có ông bà và một hai cô dì góa hoặc độc thân ở chung với, khiến vợ chồng hễ cãi nhau là có người can ngay, không dễ gì ly dị được. Tình gia đình càng sâu và thiêng liêng hơn khi hết thảy tập hợp quanh bàn thờ tổ tiên, khiến ai nấy cảm thấy sự gần gũi và che chở của người thân đã ra đi, và thấy mình có bổn phận giữ gìn gia phong, nền nếp. Vâng, chỉ cần dung hòa tính bền chặt trong quan hệ ấy với sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ. Đồng thời dung hoa giữa sống chung và những gì riêng tư của mỗi cá nhân.

 
————————————————

Chú thích

 

(1) Tuy Jung không gọi đó là Văn hóa

(2) L’action, P.U.F, Paris 1950 tr.130

(3) Xx. Thực hiện toàn mãn (Sâdhana), An Tiêm tr127.

(4) Xx. Trương Lập Văn, Triết học phương Đông: Khí, NXB Khoa học xã hội (bản dịch Việt ngữ) 2000 tr.104-105; 107-109.

(5) Theo tôi, vì Ái và Nhân có khí vị mềm nên coi là âm mới phải, còn Nghiêm và Nghĩa lại thuộc cương nên không thể không là dương.

(6) Lưu Bái Lâm, Phong Thuỷ, do Đinh Công Kỳ dịch, NXB Đà Nẵng, 2001 tr12-14.

(7) Xx. Trương Lập Văn, Triết học phương Đông: Tâm, NXB Khoa học xã hội 1999 tr.160.

(8) Xx. Trương Lập Văn, Triết học phương Đông: Lý, NXB Khoa học xã hội 1998 tr.135.

(9) Xx. Khí tr.133-149

(10) Idbid tr.197

(11) Thật ra giải thích Trung dung là Justum medium có lẽ hợp hơn với Trình tử và phần đông, nhưng nếu phân tích kỹ câu: “Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi Trung, nghĩa là khi chưa xảy ra biến cố, chưa có phản ứng gì, do đó cũng chưa có thái quá hay bất cập, thì đấy gọi là Trung. Vậy Trung không thể chỉ là tránh thái quá hay bất cập. Điều ấy càng rõ với câu sau đó: Phát nhi giai trúng tiết, vị chi Hòa: biến cố xảy ra rồi mà mừng giận đúng mức cần (đối với biến cố ấy), chẳng cứ mừng giận tới đây, thì đó gọi là Hòa, nghĩa là Đạt đạo (đúng với lẽ tự nhiên). Vậy Trung có gì giống như chữ Indifferentia, Bất thiên, không thiên lệch do tự ái, thành kiến, khuynh hướng bản năng tức khách quan vậy.

(12) Thậm chí Eveline Porée Maspero, trong bài phê bình một cuốn sách của G.Coedès, còn nghĩ rằng ngay chính văn minh Trung Quốc cũng bắt nguồn từ phía Nam (Xx Tạp chí Anthropos số 59 1964).

(13) Quốc triều hình luật, khoản 314, 375, 376, 388. Hồng Đức thiện chính thư, 84.

(14) Quốc triều hình luật, 391 Hồng Đức thiện chính thư, 1, 2, 6, 127, 320.

(15) Science et Vie, Juin 2003: Le vide est plein d’énergies tr.44-63.

(16)  Science et Vie, Janv 2003, tr.34-50.

(17) Chẳng những cây cỏ và một số động vật đơn giản có thể tự nhân bản, mà một số động vật cao hơn, như vài ba loài giáp xác cũng có thể làm như thế.

(18) Nghĩa là nó thành một bất khả phân ly với cá thể, đến nỗi một người nam yêu một người nữ với nữ tính ở con người này, chứ không phải ở bất cứ người đàn bà nào khác.

(19) Xx. Kiến thức ngày nay số 434, tr.96-98.

(20) Con người hôm nay ngại quỳ hai gối và phủ phục, bởi lo dơ và nhăn áo quần. Nên chỉ các đan viện, do khuynh hướng tĩnh lặng, chiêm niệm cao và thời gian không quan trọng mấy, mới có thể đi vào những nghi thức cầu kỳ, giàu tính truyền thống hơn.

(21) Từ lâu nay, các giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam, thay vì chít khăn tang, thì lại quàng khăn tang quanh cổ, một cách tân quá vô lý và lạ lùng.

(22) Giáo phụ nhìn nhận rằng, cũng như Cựu ước xưa đối với Do Thái giáo, Thiên Chúa chuẩn bị cho ngoại dân bằng chính triết học của “người Hy Lạp và man di” (Strômatês). Nay thì dù Đức Giáo hoàng cũng chủ trương Thánh Linh có thể hoạt động trong các tôn giáo lớn. Thế thì sao lại không thể coi Thánh kinh của họ như một Á Cựu ước, nó chuẩn bị cho Tân ước? Có điều chỉ có thể chọn đọc (trước kinh thánh của ta) những đoạn nào phù hợp thôi. Và đây là điều mà Công giáo Ấn Độ đã làm từ xa xưa rồi.

(23) Thật ra, thì một số lễ lớn có tên Paskha và Pentêcostê cũng diễn ra theo âm lịch, bởi hướng về hai biến cố Phục sinh và Quang lâm vốn đã xảy ra vào hai ngày lễ Do Thái là Paskha và Penêcostê, cũng ấn định theo âm lịch luôn.

(24) Khiến đen mà vẫn còn sáng thì gọi là Huyền. Mà Huyền cũng là u linh nữa.

(25) Tang cha mẹ gồm giỗ đầu hay Tiểu tường trọn một năm, rồi Đại tường trọn hai năm, nhưng bó tang phục thì hai, ba tháng sau trong nghi lễ gọi là Trừ phục