Giáo Sư John B. Trần Văn Đoàn
Đại Học Quốc Gia Đài Loan
Việt triết là Nhân triết: Vị nhân song không duy nhân
Trước tiên, chúng tôi hiểu bản chất như một tính chất căn bản nhất, thiếu nó, chúng ta không thể nhận ra được Việt Triết. Sau đó, chúng tôi cho rằng, bản thể là cái thể căn bản, được biểu lộ bởi những bản chất. Bản chất là những biểu hiệu căn bản của bản thể. Hiểu như vậy, chúng tôi xin được phép giải thích thêm một chút về bản chất. Bất cứ bản chất được coi là bản chất phải có ba đặc tính: phổ biến, thiết yếu và đặc thù. Trước hết, phổ biến có nghĩa là, ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ đâu (hai yếu tố thời gian và không gian), bản chất này không có thay đổi, và luôn luôn giữ cùng một (hay nhiều) đặc tính chung. Nói cách cụ thể hơn, bản chất của người Việt là những điểm mà đã là người Việt ta bắt buộc phải có: thí dụ như dòng máu người Việt tức cộng thể (khía cạnh sinh vật), tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt tức cộng ngôn (ngôn ngữ), lối tư duy của người Việt tức cộng thức (ý thức), tình cảm chung của người Việt tức cộng cảm, cũng như những sinh hoạt chung tức cộng hoạt. Thứ đến, thiết yếu (hay tất yếu) nói lên tính chất bắt buộc, mà nếu không có, thì bất cứ sự vật nào, bất cứ người nào cũng không thể hiện hữu hoặc không thể tự thức được sự hiện hữu của mình. Tính chất thiết yếu này thường được thấy trong những định luật của vật lý và luận lý (logic). Thí dụ việc nước bốc hơi phát xuất từ việc khi nước được đun nóng tới một nhiệt độ nhất định. Tương tự, những câu nói thông thường của dân Việt: 'có khói thì phải có lửa' hay 'rơm gần lửa có ngày sẽ cháy' v.v... nói lên thiết yếu tính trong sự tương quan giữa hai sự vật hay hai sự kiện. Trường hợp sau không chỉ nói lên định luật của vật lý mà còn cả định luật nhân quả trong đạo đức và luận lý. Đặc tính thứ ba la đặc thù hay cá tính cách biệt (speficity). Đặc thù có nghĩa là bản chất hay bản tính này chỉ thuộc về một chủng hay một loại nào đó mà thôi. Thí dụ, lối tư duy tương quan là một lối tư duy đặc thù của Việt Triết, trong khi lối tư duy nhị nguyên là một đặc tính của triết Hy Lạp. Thế nên, trong Việt Triết, tính chất phổ biến và tất yếu (được bổ túc bằng đặc thù tính) chỉ có phổ biến và tất yếu cho Việt dân hay Việt triết mà thôi. Những đặc tính chung của người mình không nhất thiết là những đặc tính chung của các sắc dân khác. Hiểu như thế, chúng ta bắt đầu đi tìm kiếm những điểm chung có tính chất phổ biến và tất yếu tiềm tàng trong Việt Triết.
Bản chất của Việt Triết có thể tóm gọn trong 3 yếu tính: Nhân, Trung và Việt (Siêu). Kim Định cho là Chí, Trung và Hòa. Tại sao chúng tôi nhận định bản chất của Việt Triết là Nhân, Trung và Siêu Việt , chứ không hoàn toàn là Chí Trung Hòa, đây là điểm mà chúng tôi sẽ bàn tới sau. Trong phần này, chỉ xin được phép vắn tắt như sau: trọng điểm của Việt Triết là con người, cũng như con người tương quan với con người, con người tương giao với Thiên Nhiên, con người đối diện với Thượng Đế. Do đó, làm sao để giải đáp những vấn nạn phát xuất từ sự tương quan giữa con người, giữa con người với vật hay vũ trụ, giữa con người và Thượng Đế, đạo trung dung và đạo nhân được coi như là những phương pháp hiệu lực nhất. Hơn thế nữa, khi mà tương giao giữa con người, giữa người với vật hay vũ trụ, giữa người và Thượng Đế, chúng ta bắt buộc phải phát triển kiến thức, lợi ích, đòi hỏi và hy vọng của con người. Tiếp theo, khi mà tri thức, lợi ích và hy vọng con người phong phú hơn, tương giao giữa con người cũng phức tạp hơn nhiều. Lý do này bắt nuộc chúng ta cần phải có một lối tư duy siêu việt, một hành động biện chứng siêu việt, mới có thể phát hiện những tương giao mới, và tiếp theo là những kiến thức mới, những lối giải quyết mới có hiệu năng hơn, v.v... Theo thiển ý, Chí, Trung và Hòa nói lên đặc tính của Nho Giáo (hay Việt Nho), trong khi Nhân, Trung và Siêu Việt nói lên bản chất của Việt Triết. Nơi đây, chúng ta bắt đầu thấy Việt Triết quảng hàm hơn là Việt Nho, sâu xa hơn là Phật và Đạo Giáo. Sự kiện Việt Triết siêu việt tam giáo cũng như tổng hợp chúng với tư tưởng đặc thù của Việt dân được thấy rõ ràng trong ba bản chất Nhân, Trung và Siêu Việt này. Nhiều thức giả có lẽ sẽ cười cho là, có lẽ hoặc quá tự ti hay quá tự tôn hay vì ái quốc quá khích, chúng tôi mới liều lĩnh quả quyết như vậy.
Trên thực tế, sau khi nghiên cứu hơn 30 năm về lối tư duy của Đông Tây, chúng tôi đã nhận ra và trình bày điểm này tại nhiều hội nghị quốc tế. Có rất nhiều triết gia như giáo sư Jean Ladrière, Ghislaine Florival, Richard Rorty, Archie Bahm, Wolfgang Bauer, Chan Wing-tsit... đã phản ứng rất nhiệt liệt lối nhìn của người Việt. Lối nhìn của chúng tôi cũng đã gây được ảnh hưởng trên giới triết học Trung Hoa. (Xin xem Trần Văn Đoàn, Prolegomena for a Comparative Philosophy, từng phát biểu tại Manila 1994, Taipei 1994, Kyoto 1995 và Johnnesburg 1995. Sẽ xuất bản tại New Mexico trong bộ World Series of Philosophy, ed. Archie Bahm. Bản Hán Ngữ do Đại Học Đông Ngô xuất bản 1995). Ngoài ra luận văn của Giáo sư Thẩm Thanh Tùng, một trong những người lãnh đạo của giới triết học trẻ của Trung Hoa: 'Tứ Thập Niên Trung Quốc Triết Học Luận" nhấn mạnh tới tư tưởng tương quan và phê bình của Trần Văn Đoàn và trường phái của ông (Bình Đông Sư Phạm Học Viện, 06.1995). Tuy nhiên, để chứng minh Việt Triết có tính chất siêu việt, chúng ta cần nhiều thời gian cũng như tài năng khai quật, điểm mà chúng tôi hi vọng Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết (thành lập năm 1988, hiện nay bao gồm những thành viên: Kim Định, Vũ Đình Trác, Vũ Kim Chính, Nguyễn Đăng Trúc và Trần Văn Đoàn) sẽ tiếp tục làm. Cũng xin xem thêm, Trần Văn Đoàn, Die Relationskategorie in der Sozialwissenschaft, (Wiener Universitat, Springer Verlag, 1996), bản Anh Ngữ: The Category of Relation in the Springer Verlag, (sẽ xuất bản, Oxford, 1997) và Reason, Rationality, Reasonableness (Lý Tính, Lý Trí, Lý Hợp) (New York, London, 1989)
A. Nhân Triết: Vị nhân song không Duy nhân
Khi nói Việt triết là một nền Nhân triết, chúng tôi muốn nhấn mạnh những điểm sau:
Thứ nhất, trong Việt triết, con người là trung điểm, trung tâm của nền suy tư. Nói cách khác, đối tượng cũng như mục đích là chính con người. Nói như thế, Việt Triết không khác biệt nhiều với Nho Triết hoặc ngay cả với triết học hiện sinh. Tuy nhiên, chỉ khi phân tích trụ điểm (điểm đứng), tương điểm (điểm tương quan) và đích điểm (mục đích) cũng như hướng đạo (hướng đi và cách đi) của con người, chúng ta mới có thể nhận ra được một sự khác biệt giữa Việt Triết và các nền triết học khác.
Trước tiên, con người trong Việt Triết là trụ điểm. Trụ điểm có nghĩa là con người chính là điểm phát xuất (điểm alpha) cũng như cùng đích (omega), đồng thời cũng là trung tâm của nền suy tư. Nhận định con người như trụ điểm tức là chấp nhận con người là trung điểm. Tuy nhiên nếu con người là trung điểm, triết học của người Việt là triết duy nhân. Thoạt nhìn, chúng ta có cảm tưởng như vậy. Những kiến thức về Việt tỉnh hoặc về những kiến trúc như Thái thất, Hạ đồ hay biểu tưởng trong Lạc thư đều vạch rõ rệt cái trụ điểm và trung điểm của con người trong Việt Triết. Song nếu nhìn kỹ vào kết cấu cũng như luật tương quan giữa các yếu điểm trong Việt tỉnh, Hạ đồ hay Thái thất, và cả trong Lạc thư (Xin xem Kim Định, Gốc rễ Triết Việt, sđd, tr.85-87), chúng ta nhận thấy Việt Triết tuy nhận con người như trụ điểm và trung điểm, song không duy nhân.
Việt triết là triết học vị nhân, đó là một nền triết học cho con người. Nói đúng hơn, trọng điểm của triết lý hành động là vị nhân chứ không phải duy nhân. Càng rõ rệt hơn, vị nhân có nghĩa là coi con người như mục đích song không coi con người như toàn thể. Vị nhân cũng có nghĩa là con người tự hình thành, phát triển từ dã thú tới con người nhân linh chính nhờ vào sự tương giao giữa người với người. Sự tương giao này mang tính cách đồng thể (common nature) và tương thể (relational nature) hay hộ thể (recipocal nature0, từng thấy một cách rõ rệt trong tinh thần 'tương thân tương trợ'. Đó là một đặc tính nổi bật của xã hội Việt, nói lên sự hình thành cũng như tiến bộ của dân tộc Việt.
Thứ đến, sự hình thành của con người không phải do những thế lực hay năng lượng ngoại tại, song do chính những động lực và quy luật nội tại. Nói cách khác, con người hình thành con người, câu nói này có vẻ duy vật và quá đơn sơ, kiểu những triết gia vô thần như Feuerbach, Marx, B. Holbach hay Dương Chu thường nhận định. Trên thực tế, khi nói con người hình thành con người, chúng tôi muốn nhấn mạnh:
a/ Việt triết tách biệt sáng tạo khỏi hình thành. Thượng đế tuy sáng tạo con người, song lại phú bẩm cho con người bản năng hình thành chính mình. Khi ban cho nhân loại tự do tính và lao động tính, Ngài đã phú bẫm cho chúng ta năng lực hình thành chính mình.
b/ Hình thành con người có nghĩa là làm cho con người trở thành con người vị cách (man as person), một con người xứng đáng là con người nhân cách (man as human) tách biệt khỏi thú vật và các sinh vật khác.
c/ Sự hình thành của con người có tính chất siêu việt, mà siêu việt có nghĩa là tiến vuợt một cách vô định và vô biên. Thế nên trong mạch văn của Nho giáo, Việt triết nhận định con người có thể trở thành thánh nhân, và trong mạch huyết của Việt dân, con người có thể trở thành thần và quỷ.
d/ Do vậy, triết học vị nhân của người Việt có thể tóm gọn trong đạo nhân, đó tức là đạo làm người, phát triển người, và siêu việt con người. Điểm cần phải nói thêm, quan niệm 'mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên' không hoàn toàn từ Việt Triết. Đây là một quan niệm bị ảnh hưởng của Phật Giáo (nhất là sau thời Tống / Lý). Trên thực tế, lối tư duy Việt phải là 'định mệnh tại thiên', song 'thành sự tại nhân' bởi vì con người có thể thay đổi vận mệnh của chính mình (truyện bà Nữ Oa). Lối tư duy của cụ Nguyễn Du chưa hoàn toàn phản xạ được cái tinh thần Bà Nữ Oa đội đá vá trời của Việt tộc là vậy.
B. Trung Triết: trung dung chi đạo, dĩ hòa vi quý
Bản chất thứ hai của Việt Triết tức tính chất trung dung trong (a) tương quan, (b) hành động và (c) suy tư. Bản chất này, chúng tôi xin gọi là Trung Triết.
Trước tiên, chúng ta cần phải giải thích trung trong đạo trung dung, cũng như lý do tại sao trung có thể đại biểu Việt Triết. Trong sách Trung Dung, ta đọc thấy:
'Bất phiên chi vi trung,
Bất dịch chi vi dung.
Trung giả thiên hạ chi chính đạo,
Dung giả thiên chi định lí'.
Tuy các học giả cho đạo trung dung, hay đạo chấp trung là do Khổng Tử truyền lại và được đồ đệ ghi lại, nhất là từ thời nhà Tống. Thực sự, như đức Khổng từng khiêm tốn chỉ nhận cái công lao ghi chép và san định lại những tư tưởng của cổ nhân, tư tưởng trung dung đã có trước thời Khổng Tử, ít nhất vào những thời Hạ hay Châu. Trong cái đạo này, chúng ta nhận thấy hai điểm: 'Bất phiên' và 'bất dịch', không nghiêng về bên nào, cũng không lệch về bên nào cả. Nói cách khác, đó là đạo công chính, nhân chính và cảm chính. Nói là công chính, vì là chính đạo của người quân tử, của vua tôi (quân thần), của quan dân, của bằng hữu, phu thê, sư sinh (thầy trò), v.v... Làm thế nào để giữ được những mối tương quan trên, đó là đạo công chính. Nói là nhân chính, vì chỉ có chính nhân, chính danh, chính vị, chính hành, con người mới có tư cách, mới đáng được gọi là người. Nói là cảm chính, là vì chỉ có những tình cảm chân thật, và chính đáng mới có thề cảm hóa cũng như thông thiên, thông nhân va thông địa. Cũng chính vì tính chất quan trọng không thể thiếu sót của trung và dung trong cái đạo làm người, song cũng chính vì nhân, thấy đấy là một đạo lý khó có thể thực hiện, mà Khổng Tử đòi hỏi chúng ta phải học hỏi cái đạo này (Trung Dung, chương 1) và nhất là trong chương 20: 'Hiếu học cận hồ tri, lực hành cận hồ nhân, tri sĩ cận hồ dũng, tri tư tam giả, tắc tri sở dĩ tu thân...'
Tử Tư, một đồ đệ của Khổng Tử giảng về đạo trung dung như sau: 'Trung hoa là cái tính tình tự nhiên của trời đất, mà trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không lệch về bên nào, dung là thường, nghĩa là lấy đạo trung làm đạo thường'. (Trần Trọng Kim dịch Nho Giáo, sđd, tr.214). Tử Tư chỉ nói ra được phần nào tại vì ông có lẽ chưa ý thức được đạo trung dung là một đạo phát xuất từ dòng Bách Việt. Thực ra dung không phải là đạo thường, vì nếu chỉ là điều thường nhật như ăn uống, thì ai mà chả làm được, cần chi phải học hỏi. Trung Dung không phải là cái đạo tầm thường, mà là một đặc thù chỉ có những ai tự bản chất hay tự mạch máu có sẵn dòng minh triết mới hiểu thấu triệt cái 'thường'. Giống như cái thường mà Lão Tử trang trọng lập đi lập lại 'phi thường đạo', 'phi thường danh' (Đạo Đức Kinh, chương 1), chúng ta mới hiểu cái thường trong nghĩa của trung và dung được.
Như chúng tôi từng quả quyết, một trong những bản chất của Việt Triết tức là trung, một bản chất tiềm ẩn trong mọi người Việt (dung, thường). Làm thế nào chứng minh được bản chất của Việt Triết là trung, đây là một điểm mà chúng ta cần nhiều công phu học hỏi. Trong phạm vi giới thiệu những khái niệm, chúng tôi chỉ xin được phép đưa ra vài chứng minh nho nhỏ thấy trong sử, kinh cũng như biểu tượng nghệ thuật của Việt dân.
Thứ nhất, trong tất cả mọi dã sử hay huyền sử, trọng điểm và kết cấu của câu truyện đều xây dựng trên trung và dung. Truyện bánh dày bánh chưng, truyện trầu cau, truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyện trạng Ếch, v.v... Tất cả những câu truyện trên có những đặc điểm sau:
(a) Theo cái đạo trung. Thí dụ, bánh chưng hình vuông, bánh dầy hình tròn. Con người giữa tròn và vuông. Đạo mẹ con tức đạo trung vì là tổng hợp của tròn và vuông (mẹ tròn con vuông). Tương tự, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ 100 trứng, 50 theo mẹ, 50 theo cha, một nửa trên núi, một nửa dưới biển. Sự phân chia rất công chính, theo lượng số cũng như theo phẩm số, theo tình cũng như theo lý. Không nghiêng, không lệch; là như vậy.
(b) Theo cái đạo thường: truyện trạng Ếch nói lên chân cảm, cũng như thường tính của con người Việt. Truyện thánh Dóng, truyện Phù Đổng Thiên Vương, diễn đạt cái thường tính tiềm ẩn trong tính chất siêu việt.
Thứ hai, hai chủ đạo trung và dung tiềm tàng trong văn hóa Việt, từ nghệ thuật điêu khắc (trống đồng), kiến trúc (theo hệ số 3) cho tới lối suy tư (cũng theo hệ số 3). Lối kết cấu xây trên hệ số 3 biểu hiện Việt Triết theo đạo Trung, không nhất nguyên, cũng không nhị nguyên, cũng không đa nguyên. Số 3 là con số giữa, đứng trung gian giữa nhất và nhị, đơn và đa.
Thứ ba, tuy lối suy tư chấp trung là một lối suy tư sâu sắc nhưng rất thông thường. Khi mà các hoàng tử lên núi xuống biển để kiếm ra những sơn hào hải vị cúng hiến Hùng Vương, thì ông hoàng trẻ nghe theo minh triết, từ nơi thông thường (thôn xóm) kiếm ra chất liệu thường dùng (gạo nếp) làm ra bánh dầy bánh chưng. Nơi đây, Thường đạo vượt khỏi độc đạo. Thường đạo tuy thông thường nhưng không phải tầm thường, chỉ người quân tử mới đạt tới. Thường mà không phải thông thường (vulgaire), đó mới chính là bản chất của Việt Triết.
C. Siêu (hay Việt) Triết
Bản chất thứ ba của Việt Triết tức tính chất siêu việt, mà chúng tôi tạm gọi là Siêu Triết. Điểm đáng chú ý là chữ Việt tự nó đã tiềm ẩn một năng lực siêu việt. Việt cũng đồng nghĩa với vượt và vươn lên. Tại sao chúng tôi nhấn mạnh đến bản chất siêu việt của Việt Triết. Không phải vì chúng tôi nhắm mắt nói bừa hay cuồng tín đến độ gọi bụt là anh, gán đại những cái tinh hoa thượng hạng cho Việt Triết. Thực tế, như thấy trong phần chứng minh cái bản chất trung và dung của người Việt, bản chất siêu việt của Việt Triết có thể bàng bạc trong những đặc tính sau đây:
(a) Việt Triết là một triết học tổng hợp và biện chứng (siêu việt biện chứng, điểm mà chúng tôi sẽ bàn tới trong phần bàn về phương pháp). Như từng bàn về sự kiện tam giáo đồng nguyên, cũng như những tôn giáo đặc thù của người Việt như Cao Đài và Hòa Hảo. Chúng ta thấy trong các tôn giáo này, tất cả mọi giáo thuyết đều được tổng hợp thành một lối tư duy cũng như một lối tin tưởng rất cá biệt. Theo thiển nghĩ của người viết, thì chính lối tư duy siêu việt thấy trong con người Việt giúp chúng ta có thể tổng hợp những giáo phái khác nhau vào trong một lý thuyết mà không vướng vào những mâu thuẩn hay phân kháng. (Chúng ta đừng quên là khi giáo phái Nestorians muốn tổng hợp tín lý Kitô giáo với những niềm tin người ngoại (pagans), họ bị phạt vạ tuyệt thông. Chúng ta cũng không được phép quên câu truyện của những triết gia trường phái nhất nguyên gạt bỏ tất cả những sự kiện mà họ cho là mâu thuẫn, không phù hợp với tiền đề của họ. Trong lối tư duy của Việt Triết, ta không thấy những câu truyện tương tự).
Tuy tổng hợp, nhưng Việt Triết không có tổng hợp một cách bừa bãi hỗn độn. Triết học Việt Nam tổng hợp mỗi triết học khác nhau một cách biện chứng. Biện chứng có nghĩa là tổng hợp những tinh hoa của đề (Thesis) và phản đề (Anti-thesis) vào trong tổng đề (synthesis). Lối tổng hợp này theo nguyên tắc siêu việt có nghĩa là tổng đề sau toàn vẹn hơn tổng đề trước. Lối tổng đề này cũng theo kết cấu của lối tư duy Việt: Tổng đề theo luật của chấp trung và luật của hiệu năng con người toàn vẹn. Điều đó có nghĩa là trong tổng đề, chúng ta thấy những đạo lý (có hiệu năng) của tiền đề cũng như của phản đề, song được thăng hóa vào một đạo lý sâu xa và toàn vẹn hơn. Sự tích 'con rồng cháu tiên' là một tổng hợp giữa hai nguyên chất và nguyên lý hoàn toàn đối lập: trời và đất, nước và lửa, người và vật, thượng và hạ, v.v... Sự tổng hợp này đưa đến một quan niệm mới, toàn vẹn hơn quan niệm đối lập, đó là quan niệm trung. Chính cái trung này mới phát sinh ra hòa khí và hòa bình. Chính cái trung này là nguyên lý của nền chính trị dĩ hòa vi quý.
(b) Thứ đến, siêu việt cũng có nghĩa là viễn việt. Song khác với biện chứng của Hegel, một biện chứng hoàn toàn bị lệ thuộc vào thời gian, viễn việt không bị lệ thuộc vào thời gian. Điểm này có nghĩa là, không phải hiện đại siêu việt quá khứ hay tương lai siêu việt hiện đại (như thấy trong biện chứng của Hegel). Viễn việt chỉ nói lên tính chất khai phóng (hay theo Anh ngữ, openness), khai triễn và khai nguyên của Việt Triết.
(c) Sau cùng, siêu việt cũng có nghĩa là quy nguyên, hay giữ vững tính chất đồng nhất và nguyên nhất của Việt tộc. Câu truyện của thần Kim Qui nói lên nguyên tính của Việt Triết: Kim Qui không chỉ có nghĩa con rùa vàng như lời giải đáp thông thường. Qui còn có nghĩa như trở lại nguồn; quy cũng có nghĩa là quy tụ và quy cũng là biểu tượng của trường thọ. Đánh mất nguyên chất hay quên đi quy tính, tức là dị hóa hay vong thân. Câu truyện của Mỵ Nương nói lên giai đoạn vong thân, mất nước và dị hóa của Việt tộc, trong khi câu truyện dân gian như truyện 'thà làm quỷ (tinh thần) nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc' của Trần Thủ Độ nói lên sự ước vọng bảo vệ nguyên tính của Việt tộc. Hiểu như vậy, siêu triết trong Việt Triết chính là bản chất của người Việt. Một sự kiện khác chứng minh tính quy nguyên cũng như trưởng thành đó là cái chí bất khuất và tự thức cao độ của Việt dân về bản thể của mình. Lịch sử nhân loại và của các sắc tộc ghi nhận một sự kiện vô tiền khoáng hậu, có một dân tộc nào, một nước nào mà sau cả ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, nước này, dân tộc này vẫn không mất gốc, vẫn gìn giữ được ngôn ngữ, lối tư duy, nghệ thuật cũng như lối hành chánh cá biệt của mình như Việt Nam? (Kiến trúc Chùa Một Cột, theo thiển ý của tôi, cũng bị ảnh hưởng của lối tư duy 'quy nguyên' này).
Tóm lại, theo cách diễn đạt của Heidegger, người từng định nghĩa hữu thể như là điểm sâu nhất, điểm dài nhất, điểm cao nhất, điểm rộng nhất, điểm gần nhất, v.v... (M. Heidegger, Was Ist Metaphysik?, 1963, 1949, tb lần 5, phần dẫn nhập), chúng tôi cũng có thể nói: siêu việt tính biểu lộ thâm điểm, quảng điểm, viễn điểm, cận điểm, tương điểm và cao điểm của Việt tính. Siêu việt tính tiềm ẩn trong chính bản thể của Việt Triết. Nói cách khác, nếu thiếu siêu việt tính hay đánh mất siêu việt tính, Việt Triết ở trong một trạng thái vong thân hay dị hóa. Câu truyện Mỵ Nương đem cung thần (siêu việt tính) tặng Trọng Thủy gây lên sự vong quốc, là một câu truyện nói lên tính chất tất yếu của bản thể siêu việt của Việt Triết.
Những đặc tính của Việt Triết
Sau khi tạm phân tích bản thể của Việt Triết theo 3 bản tính: nhân, trung và siêu, trong phần này chúng tôi chỉ xin phiếm luận đặc tính của Việt Triết một cách rất sơ lược. Lý do là những đặc tính của Việt Triết chỉ là những tính chất rút ra từ bản thể của Việt Triết mà thôi. Thí dụ tính chất hoàn toàn vô nhiễm, vô ngộ, vô tội v.v... rút ra từ quan niệm bởi chính bản thể toàn thiện, toàn năng, toàn mỹ của Thượng Đế.
Theo mạch văn trên, chúng ta có thể nói, đặc tính của Việt Triết chỉ là những tính chất quan trọng rút ra từ bản thể của Việt Triết. Nói cách khác, đặc tính chính là quy tính (belongingness) hay thuộc tính (attributes) của Việt triết.
1. Lối Tư Duy Tương Quan
Rút ra từ bản chất trung, hòa và dung, chúng ta có thể xác quyết là lối tư duy của Việt Triết là lối tư duy tương quan. Lối tư duy tương quan có những đặc điểm sau:
(a) Chủ thể khi suy tư, song suy tư này không phát xuất từ chủ thể (như thấy trong triết học duy lý và duy tâm của Descartes, Kant), hay tự khách thể (đối tượng) (như thấy trong trường phái thực nghiệm hay duy nghiệm), song từ điểm giữa chủ và khách. Điểm tương quan này tức trung dung vi đạo, tức trung điểm.
(b) Chủ thể nhận định, hành động và tư duy đối tượng không như một đối tượng ngoại tại, nhưng như một chủ thể nội tại. Nói cách khác, con người coi người khác đồng vị, đồng thể, đồng tính và đồng tình với chính mình, chứ không hạ giá người khác thành một đối tượng, một công cụ hay một ngoại thể (như thấy trong sự phân tích về hiện thực của tha nhân (l'autrui) trong triết học của Sartre).
(c) Sự phát triển ý thức, sự tiến bộ trong xã hội, và sự thỏa mãn cảm tình con người cũng phát xuất từ sự tương giao giữa các chủ thể. Tất cả ý thức về phát triển, thoái bộ, trưởng thành, v.v... của chủ thể, trên thực tế là sự ý thức về tương quan, thí dụ giữa nam và nữ, giữa thầy và trò, giữa con người và Thượng Đế, v.v... Tương tự, những tình cảm như ái, hận, nộ, ai, hỷ, v.v... tất cả đều do tương quan con người mà ra. Khi mà tương quan gián đoạn, khi mà tương quan không thông, không hiểu, khi mà tương quan hoàn toàn bị trung đoạn, lúc đó các vấn nạn con người mới phát hiện: gian, ghét, hận, báo thù, ghen tương, vô đạo, vô luân; nói tóm lại, đó là căn nguyên phát sinh bất nhân. Những tội lỗi, thiếu sót hay yếu đuối chỉ biểu tượng những hậu quả tất nhiên của bất tương giao, và ngộ tương giao.
(d) Tiếp theo, tất cả những nền đạo đức, luân lý, quy luật v.v... được lập ra với mục đích để bảo vệ và phát triển sự tương giao của con người. Đạo quân thần, đạo phụ tử, đạo phu thê, đạo bằng hữu, đạo huynh đệ, đạo sư thù, v.v... mà chúng ta thấy trong Khổng Giáo cũng như Việt Nho (Trung Dung, chương 2-3), trên thực chất, chỉ được thiết lập, gìn giữ và tôn trọng bởi vì chúng có hai công năng: bảo vệ và phát triển mọi tương giao giữa vua tôi, thầy trò, cha con, vợ chồng, bạn bè v.v...
(e) Thế nên, lối suy tư và quy luật suy tư (tức luận lý) là lối suy tư tương quan, tương giao và tương thông. Thế nên, luận lý của Việt Triết cũng là luận lý tương quan, tương giao và tương thông. (Điểm mà chúng tôi đã bàn rất kỹ lưỡng trong luận tập, Die Relationskategorie in der Sozialwissenschaft, 1996 sđd. Lối giải thích tại sao người Việt chọn Giao Chỉ làm quốc hiệu. Chữ Giao nói lên bản chất tương quan, tương hỗ của người Việt).
2. Lối Tư Duy Viễn Việt (hay Biện Chứng Siêu Việt)
Ngoài lối tư duy tương quan, Việt Triết cũng tư duy theo phương cách biện chứng và siêu việt. Như đã giải thích động tính siêu việt và động lực biện chứng trong đoạn bàn về Siêu Triết, đoạn này có tính cách bổ túc. Thế nên, chúng tôi xin bổ túc thêm vài điểm sau:
(a) Động lực biện chứng và động tính siêu việt tự tiềm ẩn trong tiềm thức cũng như phát hiện trong hành động. Được hướng dẫn bởi ý thức về trung, hòa (tổng hợp), hành động tự biểu hiện trong kết cấu và tổ chức hành chánh của xã hội. Sự tự biểu hiện nói lên động lực biện chứng. Song ý thức về mục đích của tổng hợp, hòa hợp, cũng như ý thức về hành động tính siêu việt. Trung và hòa chưa giải quyết được vấn nạn một cách toàn vẹn. Chỉ có siêu việt mới có thể giải quyết được vấn nạn một cách toàn vẹn hơn. Tương tự, chỉ có thăng hóa, vấn nạn mới có thể được giải đáp một cách tường tận.
(b) Chính vì thế, chúng tôi tạm gọi lối suy tư này là lối suy tư viễn việt. Viễn việt còn nghĩa là vượt xa, vượt sâu và vượt rộng: xa cho tới tận chân trời, sâu cho tới mực thần mực thánh, và rộng cho tới trình độ phổ biến (thí dụ như quan niệm tứ hải giai huynh đệ, thế giới đại đồng, v.v... Hai quan niệm này được Tôn Dật Tiên, cha đẻ của nước Tàu hiện đại tôn lên như mục đích của chính trị. Thực ra, hai quan niệm này tự dòng Bách Việt. Theo nhiều sử gia, bác sỹ họ Tôn thuộc sắc tộc Khách Gia, tức một tộc trong Bách Việt, rải rác từ vùng Triết Giang cho tới Vân Nam. Ở Việt Nam, người Tàu Khách Gia chiếm phần đông).
(c) Siêu việt biện chứng cũng tổng hợp, và có thể hòa giải hai thế giới nội tại và ngoại tại. Nhờ bản chất siêu việt mà con người có thể trở thành thánh và thần. Cũng nhờ siêu việt mà thánh thần nhập thế làm người, mà con người có thể 'nội thánh ngoại vương' (Vương Dương Minh), 'trí tri cách vật' (Luận Ngữ), tức con người có thể thông thiên đạt địa, hoàn thành được định mệnh của mình.
3. Lối Tư Duy Động Tỉnh
Lối tư duy thứ ba mà chúng ta thấy hiển nhiên trong Việt Triết, đó là lối suy tư có tính chất động chứ không tỉnh (a) Cái động thái của Việt Triết được phát hiện từ động năng của chủ thể cũng như tương năng của chủ thể với chủ thể khác. Động thái này được biểu hiện trong những hình thái biến động của tương quan. Câu nói bình dân ngược đời 'sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu rồi mới sinh ông', nói lên tính chất động của sự tương quan giữa cha và con, ông và cháu. Bất cứ người nào cũng có thể trở thành người cha. Ngược lại, trở thành người cha trước, người cha phải từng là người con. Do đó, không có cha chắc chắn sẽ không có con, và người lại, không có con thì cũng không có cha. Sự tương động phát xuất từ sự tương quan quyết định ý thức, địa vị, vị cách, v.v... của con người.
(b) Động tính được nhận ra không phải chỉ vì kinh nghiệm từ sự biến hóa của vũ trụ, trời đất, khí hậu. Động tính tiềm ẩn trong chính bản thể của con người. Thế nên sự kiện con người biến đổi thiên nhiên, biến thành ruộng đất, biến nước và non thành quê và hương, chứng minh cái động tính này. Càng rõ rệt hơn, động tính hiển hiện trong sự kiện con người biến đổi con người, từ con người động vật cho tới con người nhân cách, từ con người vô thức cho tới con người tự thức, từ phàm phu tục tử biến thành quân tử, từ dã nhân biến thành thánh nhân...
(c) Cũng vì bản thể của Việt dân là động thể, bản chất của Việt Triết là động tính, nên tất cả những hình thái, kết cấu, cơ năng cũng như lối biểu tả của dân Việt cũng luôn luôn biến đổi. Thế nên, trong Việt Triết không có điểm tuyệt đối, cũng không có điểm cố định. Cái trụ điểm mà chúng tôi bàn tới trong phần bàn về bản thể và bản chất Việt Triết, chỉ có nghĩa là căn bản, thiết yếu và phổ biến. Trụ điểm không có nghĩa cố định, hay bất biến, hay tuyệt đối. Chính vì vậy mà luật pháp của người Việt uyển chuyển theo tình người chứ không theo hình thức. Rõ rệt nhất ta thấy cái động tính này trong Kinh Thi (một bộ kinh mà Kim Định cho là thuần túy Việt), trong đó động tính được biểu hiện một cách khéo léo, tinh vi và hợp lý; trong đó tình cảm con người không bị hình thức bóp nghẹt song phát triển như một bông hoa; trong đó tương giao con người không bị bóp nghẹt, song đầy tự do và tự chủ.
4. Lối Tư Duy Toàn Thể Tính
Đặc tính thứ tư của Việt Triết là lối suy tư có tính chất toàn thể. Đặc tính này rút ra từ lối suy tư tương quan, phản đối nhất nguyên hay nhị nguyên. Đặc tính này càng rõ rệt hơn trong lối suy tư thấy trong Kinh Dịch: 'Thái xuất sinh lưỡng cực, lưỡng cực sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật' và trong Đạo Đức Kinh: 'Đạo thị vạn vật chi mẫu'. Để độc giả hiểu toàn thể tính của Việt Triết, chúng tôi cần phải giải thích đặc tính mà chúng tôi gọi là toàn thể tính (totality) như sau:
(a) Toàn thể không có nghĩa là sự kiện hay sự vật 'hoàn toàn', không cần thêm cũng không cần bớt. Nếu hiểu toàn thể theo nghĩa này, chúng ta không thể hiểu được siêu việt tính của Việt Triết.
(b) Toàn thể cũng không có nghĩa 'tất cả' (ominia, all, tous, alles) như thấy trong ngôn ngữ thông thường. Chúng tôi hiểu toàn thể tính theo những khía cạnh như sau:
(c) Đây là một lối suy tư không theo nhất nguyên, nhị nguyên hay đa nguyên. Lối suy tư nhất nguyên quy tụ tất cả vạn vật vào một nguyên lý, và cho đó là toàn thể. Nhị nguyên nhận định bất cứ sự vật nào cũng có hai phần, được kết hợp bởi một quan niệm toàn thể (thí dụ quan niệm con người bao gồm hai bản chất: linh thiêng (linh hồn) và cụ thể (thân xác). Đa nguyên nhận rằng sự vật mang tính chất đa tính và đa diện, không nhận ra tính chất toàn diện, không có một căn nguyên duy nhất hay duy nhị. Tuy nhiên đa nguyên không nhận ra tính chất toàn diện, hay một động lực có toàn thể tính, có thể nối kết đa diện, đa thức, đa cảm, đa thái v.v... Chính vì vậy mà thuyết đa nguyên có tính hỗn tạp.
(d) Chúng tôi hiểu toàn thể tính như một bản tính khái hiện (open), không gạt bỏ cũng không ôm đồm (xin xem Trần Văn Đoàn, Reflection on the Concept of Totality in Dialectic, Monograph, Fujen University Press, 1983, cũng như 'Synthesis and He' - Tổng hợp và Hòa in Asian Culture Quarterly, 1985, Jan. pp.1-20).
5. Lối Tư Duy Thực Tiển
Đặc tính thứ năm của Việt Triết là lối suy tư thực tiễn và cụ thể. Thực tiễn, tức một sự thực có thể phản ảnh thực tại, có thể đưa ra những vấn nạn thực tế đương phát sinh, đã phát sinh và sẽ phát sinh của con người. Thực tiễn cũng có nghĩa thực dụng. Người Việt không suy tư theo lối toán học hay luận lý, tức là một lối suy tư trừu tượng, song suy tư theo những tương quan: 'Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc' và theo những mệnh đề hiện sinh. Làm thế nào để giải quyết những vấn nạn nhân sinh; làm thế nào để giải quyết một cách xác đáng; và làm thế nào để đạt được mục đích của con người. Ngoài ra, suy tư một cách thực tiễn cũng có nghĩa suy tư chân thật: 'có sao nói vậy', 'có gì ăn nấy' và 'có sao mặc đó'. Lối suy tư chân thật này gồm nhiều đặc tính: (a) không trốn tránh sự thật đương xuất hiện (b) chấp nhận sự thật.
Điểm quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là người Việt hiểu chân thật không theo nghĩa chân lý (truth, veritas, véritas, vérité, Wahrheit), song theo nghĩa chân thực (reality, realitas, realité, Wirklichkeit). Chân lý tức một sự chân tuyệt đối, như từng thấy trong mệnh đề toán học 1=1. Đây là một mệnh đề mà không ai có thể phủ định, dù rằng người đó không thích toán học. Người Việt không phải không chấp nhận chân lý, song họ hỏi, niềm chân lý này có ích lợi gì cho nhân sinh hay cho định mệnh của chúng ta? (Điểm này mãi cho tới Hegel, người Tây Phương mới bắt đầu nhìn ra tính chất hình thức của chân lý. Hegel từng phê bình Kant cho rằng Kant sai lầm khi xây dựng nền giáo dục trên quan niệm chân lý, bởi vì một nền đạo đức như vậy quá trừu tượng và do đó thiếu thực tiễn). Trước Hegel, tổ tiên chúng ta đã nhận ra sự thiếu sót của lối suy tư trừu tượng.
Thế nên, đối với Việt Triết, chân thực mới là điều đáng được lưu tâm. Chân thực có những đặc tính sau:
(a) Chân thực được xét nghiệm qua sự hình thành (hay thực hiện) của quan niệm. Bất cứ một quan niệm nào, dù thật sao đi nữa, nếu không được thực hiện (realization), cũng không thể được coi như là thực tiễn.
(b) Chân tính không có tính chất vĩnh cửu, bất biến, bất động. Tuy theo tương quan, tương giao, tương cảm và tương thông, chân tính phát hiện cũng như biểu hiện trong những sinh hoạt, tổ chức cũng như lối tư duy của con người.
6. Lối Suy Tư Biểu Tượng
Một đặc tính nữa cũng thường thấy trong lối tư duy của Việt Triết đó là lối suy tư biểu tượng (symbolic). Nói là biểu tượng không hoàn toàn đúng song cũng không hoàn toàn sai. Lý do là, khác với biểu tượng số học, nhất là những biểu tượng trong toán học và luận lý, biểu tượng của Việt Triết được ghi lại qua những sinh vật, đồ vật, hành động. Thí dụ những biểu tượng trong những câu truyện dân gian hay trong dã sử. Những biểu tượng này có những đặc tính sau: (a) thực tiễn, (b) trực tiếp liên quan đến đời sống nhân sinh hay vận mệnh dân tộc, và (c) dễ hiểu.
Ngoài lối suy tư có tính chất biểu tượng, Người Việt rất thích suy tư theo lối so sánh (tỉ giáo), suy diễn (analytic, deductive) cũng như dùng dụ ngôn (parabol) để diễn đạt bình dân như 'cháy nhà ra mặt chuột', 'gái một con trông mòn con mắt', 'gậy ông đập lưng ông', 'đẹp như tiên'. Ngay trong văn chương bác học, chúng ta cũng thấy những lời diễn đạt tương tự; 'Văn như Siêu Quát vô tiền Hán' hoặc những câu thơ bất hủ của Nguyễn Du:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường
Trong những lối diễn đạt trên chúng ta thấy người Việt áp dụng lối so sánh, ngụ ngôn cũng như suy diễn để đạt tâm tình (Thúy Kiều), tài năng (Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát) hoặc suy diễn sự kiện (cháy nhà ra mặt chuột).
(Giáo Sư Trần Văn Đoàn, Đại Học Quốc Gia Đài Loan)
Vài hàng giới thiệu tác giả
Giáo Sư Trần Văn Đoàn, tác giả bản tham luận này đậu tiến sĩ Triết học năm 1975 ở Áo quốc. Năm 1978, ông qua học Hán ngữ và Triết Đông tại Đài Loan Trung Hoa Quốc Gia. Năm 1979, được bổ nhiệm Phụ Giáo (Associate Professor) tại Đại Học Phụ Nhân Đài Loan. Năm 1985, giữ chức Giáo thụ (Professor) tại Đại Học Quốc Gia Đài Loan. Năm 1988, Chính Giáo (Full Professor) môn Triết Học Xã Hội và Chính trị. Từ năm 1990, Chính Giáo, giữ ghế Lịch Sử Triết Học Tây Phương, đồng thời là Đạo Sư (Tutor) cho ban Tiến Sỹ. Được mời dạy tại các Đại Học Vienne, Frankfurt, Oxford, Louvain-la-Neuve, Bắc Kinh, Nagasaki, Tokyo... Ông còn kiêm nhiệm chủ bút tạp chí nghiên cứu The Asian Journal of Philosophy và chủ biên Bộ Triết Học Đại Thư của Trung Hoa. Đã xuất bản nhiều sách bằng Anh ngữ và Hán ngữ. Hoàn tất gần 60 luận văn nghiên cứu (research papers) viết bằng Anh, Việt, Đức, Hán ngữ đăng trên nhiều tạp chí nghiên cứu tại nhiều nước.