Lược sử giáo phận thanh hóa

19/08/2016
10332
Nhà Thờ Chính Tòa Thanh Hóa
Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Thanh Hóa

I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Cùng với nhiều miền đất trong đất nước, Thanh Hóa đã sớm nhìn thấy bóng dáng các vị tông đồ mang Tin Mừng cứu độ của Đức Giê su đến truyền bá cho nhiều người. Theo Đỗ Tộc Gia Phả tìm thấy tại Bồng Trung, thuộc xứ Kẻ Bền, giáo phận Thanh Hóa, cụ Đỗ Hưng Viễn có thể là người tín hữu đầu tiên của giáo phận này. Cụ đã tòng giáo dưới thời vua Lê Anh Tôn (1556-1573). Nhưng chắc chắn phải đợi đến sau ngày cha Đắc Lộ đặt chân đến Cửa Bạng (19.03.1627) và truyền giáo rộng rãi tại đây, người ta mới chứng kiến những cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Thanh Hóa.

Nhận thấy số tín hữu trong khắp nước ngày càng đông và rất sốt sắng, ngày 09.09.1659, Đức Thánh Cha Alexandre VII công bố sắc lệnh “Super Cathedram Principis” chia các cộng đoàn tín hữu trong Nam và ngoài Bắc thành hai giáo phận Tông Tòa: Đàng Trong và Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm ranh giới. Thanh Hóa thuộc Địa phận Đàng Ngoài. Địa phận này rất dài và đông dân cư, thoạt đầu chỉ chia thành hai: Đông và Tây Đàng Ngoài, lấy sông Hồng làm ranh giới (1679), rồi dần dần mỗi bên lại chia thêm. Riêng Địa phận Tây Đàng Ngoài đã cắt phần cực Nam thành địa phận Vinh (1846), phần Tây Bắc thành Giáo phận Hưng Hóa (15.04.1895) và cuối cùng, phần Duyên hải phía Nam thành Địa phận Thanh (19/04/1901) bao gồm các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Châu Lào. Đến năm 1924, Địa phận Thanh, hay còn gọi là địa phận Bắc Kỳ Duyên Hải (Tonkin Maritime), trở thành Địa phận Phát Diệm khi tất cả các địa phận nhận tên của nơi có tòa giám mục.

Về các giáo xứ tại tỉnh Thanh Hóa thuộc Địa phận Phát Diệm, cho đến ngày 07.05.1932, Tòa Thánh đã lập ra địa phận mới, bao gồm 2 tỉnh: Thanh Hóa ở đất Việt và Sầm Nưa ở đất Lào, trao cho đức cha Louis de Cooman, tức đức cha Lu-y Hành làm đại diện Tông Tòa. Tình hình kéo dài cho đến ngày 24.11.1960, Tòa Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và tất cả các địa phận tông tòa Việt Nam được nâng lên thành giáo phận chính tòa. Đức cha Phêrô Phạm Tần trở thành Giám mục Chính tòa tiên khởi của Giáo phận Thanh Hóa. Ngày nay, Giáo phận Thanh Hóa thuộc Giáo tỉnh Hà Nội và năm 2017 vừa qua đã tổ chức năm thánh kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo phận.

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ

1. Địa lý

Khi thành lập vào năm 1932, Giáo phận Thanh Hóa bao gồm tỉnh Thanh Hóa và vùng Sầm Nưa bên Lào với tổng diện tích gần 21.000 km2. Ngày nay, Giáo phận Thanh Hóa nằm gọn trong tỉnh Thanh Hóa, rộng 11.133,4 km2. Ðông Bắc giáp Ninh Bình (Gp. Phát Diệm); Tây Bắc giáp Sơn La và Hòa Bình (TGP. Hà Nội); phía Tây giáp Lào; phía Nam giáp Nghệ An (GP. Vinh) và phía Ðông giáp biển với bờ biển dài hơn 102 km. 

2. Dân số

Khi thành lập vào năm 1932, dân số trên địa bàn Giáo phận vào khoảng 1.500.000 người, trong đó có 44.000 người công giáo bao gồm cả 7.000 người thuộc các dân tộc thiểu số. Lúc ấy nếu không tính 5 xứ thuộc Châu Lào, Giáo phận có 18 giáo xứ, với 16 thừa sai, 48 linh mục Việt Nam, 82 thầy Kẻ Giảng, một ký túc xá của dòng Đức Bà Truyền Giáo, và một tu viện dòng kín Camêlô. 

Theo thống kê xã hội, tính đến 01.04.2014, Thanh Hóa có 3.491.079 người, đứng thứ ba trong toàn quốc. Theo số Tất Niên 2016, Giáo phận Thanh Hóa có 147.697 tín hữu Công giáo, được chia thành 7 giáo hạt với tổng cộng 73 giáo xứ như bảng liệt kê dưới đây:

    1/ Giáo hạt Ba Làng (6 giáo xứ): Ba Làng, Hoài Yên, Minh Thanh, Nghi Sơn, Thanh Thủy, Thượng Chiểu

    2/ Giáo hạt Chính Tòa (12 giáo xứ): Cổ Định, Chính Tòa, Đa Minh, Đại Tiền, Gia Hà, Hà Nhuận, Hải Lập, Phù Bình, Phúc Lãng, Sầm Sơn, Toàn Tân, Thanh Bình

    3/ Giáo hạt Hữu Lễ (13 giáo xứ): Bích Phương, Đạt Giáo, Điền Thôn, Hữu Lễ, Kẻ Đầm, Kẻ Láng, Kẻ Vàng, Lam sơn, Mục Sơn, Phúc Địa, Phương Long, Phong Mỹ, Thường Xuân

    4/ Giáo hạt Kẻ Bền (13 giáo xứ): Bằng Phú, Dương Giao, Đồng Mực, Kẻ Bền, Ngọc Đường, Ngọc Sơn, Nhân Lộ, Pháp Ngỡ, Phong Ý, Quần Xá, Đa Lộc, Vân Lung, Yên Khánh

    5/ Giáo hạt Ngọc Đỉnh (10 giáo xứ): Đa Nam, Đa Phạn, Đông Quang, Đông Sơn , Đức Tâm, Kẻ Rừa, Mỹ Điện, Ngọc Đỉnh, Tiên Thôn, Trinh Hà

   6/ Giáo hạt Tam Tổng (11 giáo xứ): Bạch Câu, Chính Nghĩa, Điền Hộ, Liên Hải, Liên Nghĩa, Mông Ân, Phúc Lạc, Phước Nam, Tam Tổng, Tân Hải, Vĩnh Thiện

    7/ Giáo hạt Thái Yên (8 giáo xứ): Đông Yên, Kiến An, Ngọc Lẫm, Tân Đạo, Tân Sơn, Thái Yên, Vạn Thành, Yên Sơn

Theo số Tất Niên 2021, Giáo phận Thanh Hóa có 158.890 tín hữu Công giáo, số giáo dân ngày một tăng, vì thế cho đến nay, giáo phận được chia thành 8 giáo hạt với tổng cộng 94 đơn vị nhiệm sở:  79 giáo xứ, 14 chuẩn giáo xứ và 1 giáo họ biệt lập như bảng liệt kê dưới đây:

    1/ Giáo hạt Ba Làng (7 giáo xứ): Ba Làng, Hoài Yên, Minh Thanh, Nghi Sơn, Thanh Thủy, Thượng Chiểu, Thủy Cơ

    2/ Giáo hạt Chính Tòa (16 giáo xứ): Cổ Định, Chính Tòa, Đa Minh, Đại Tiền, Gia Hà, Hà Nhuận, Hải Lập, Phù Bình, Phúc Lãng, Sầm Sơn, Toàn Tân, Thanh Bình, Hoành Suối, Ngọc Tranh, Đại Thảo, Hòa Chúng

    3/ Giáo hạt Hữu Lễ (16 giáo xứ): Bích Phương, Đạt Giáo, Điền Thôn, Hữu Lễ, Kẻ Đầm, Kẻ Láng, Kẻ Vàng, Lam Sơn, Mục Sơn, Phúc Địa, Phương Long, Thường Xuân, Hậu Hiền, Ngọc Đông, Ngọc Lạp, Thiện Giáo

    4/ Giáo hạt Kẻ Bền (16 giáo xứ): Đồng Mực, Kẻ Bền, Ngọc Sơn, Nhân Lộ, Pháp Ngỡ, Quần Xá, Đa Lộc, Vân Lung, Yên Khánh, Bản Thủy, Đắc Lộc, Đồng Phúc, Khánh Linh, Kiên Khánh, Tây Trác, Quan Nhân

    5/ Giáo hạt Ngọc Đỉnh (13 giáo xứ): Đa Nam, Đa Phạn, Đông Quang, Đông Sơn, Đức Tâm, Kẻ Rừa, Mỹ Điện, Ngọc Đỉnh, Tiên Thôn, Trinh Hà, Do Hạ, Thánh Mẫu, Thiên An

   6/ Giáo hạt Tam Tổng (12 giáo xứ): Bạch Câu, Chính Nghĩa, Điền Hộ, Liên Hải, Liên Nghĩa, Mông Ân, Phúc Lạc, Phước Nam, Tam Tổng, Tân Hải, Vĩnh Thiện, Tam Linh

    7/ Giáo hạt Thái Yên (9 giáo xứ): Đông Yên, Kiến An, Ngọc Lẫm, Tân Đạo, Tân Sơn, Thái Yên, Vạn Thành, Yên Sơn, Thanh Xuân

8/ Giáo hạt Phong Ý (5 giáo xứ): Bằng Phú, Dương Giao, Ngọc Đường, Phong Ý, Bá Thước

3. Dòng tu

Giáo phận có sự hiện diện của hội dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, cộng đoàn các nữ tu dòng thánh Phaolô de Chartres, các tu sĩ dòng Tên và dòng Phanxico.

4. Đời sống giáo dân

Đời sống kinh tế của người dân Thanh Hóa nói chung chưa cao, vì đa số còn làm nông nghiệp và ngư nghiệp trong điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Những năm gần đây, nhiều người trẻ lại rời bỏ giáo xứ đi kiếm công ăn việc làm tại các thành phố lớn dẫn đến những khó khăn trong mục vụ di dân và hôn nhân gia đình. Mặc dù vậy, đời sống sinh hoạt tôn giáo tại các giáo xứ cơ bản vẫn ổn định, đặc biệt là đồng bào có đạo cũng như không có đạo luôn sống chung trong tình đoàn kết. 

III. NHÂN SỰ

1. Giám mục đương nhiệm: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường. 

- 25.04.2018: Được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa giáo phận Thanh Hóa.
- 27.06.2018: Được tấn phong Giám mục tại nhà thờ Chính Tòa Thanh Hóa.
- Câu khẩu hiệu:  “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 4,5), đức cha Giuse mong muốn tiếp nối tinh thần truyền giáo của các vị tiền nhiệm.

 2. Các giám mục tiền nhiệm
    
     -  Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh (2004 – 2016) - Giám quản tông tòa (2016 - 2018)
     -  Đức cha Bartolomêô Nguyễn Sơn Lâm (1994 – 2003)
     -  Đức cha Phê rô Phạm Tần (1959 – 1990)
     -  Đức cha Louis de Cooman (1932 – 1954) 

3. Linh mục và tu sĩ

Theo thống kê của sổ Tất Niên 2021, Giáo phận Thanh Hóa hiện có 174 linh mục triều, 4 linh mục dòng đang phục vụ tại Giáo phận, 3 phó tế, 106 chủng sinh và 380 nữ tu. 

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN

1. Tổ chức điều hành

     -  Đức Giám Mục Giáo phận: Đức Cha. Giuse Nguyễn Đức Cường
     -  Cha tổng đại diện: cha Micae Trịnh Ngọc Tứ
     -  Quản lý: cha Phêrô Vũ Văn Hải
     -  Chánh Văn phòng: cha Thomas Nguyễn Tiến Hạnh

2. Ban tư vấn: cha tổng đại diện, cha Bề trên chủng viện Lê Bảo Tịnh, quý cha hạt trưởng của 8 giáo hạt. 

3. Các ủy ban mục vụ: UB. Giáo lý Đức tin; UB. Bác ái xã hội; UB. Phụng vụ; UB. Thánh nhạc; UB. Loan báo Tin mừng; UB. Giáo dân & Gia đình; UB. Giới trẻ; UB. Mục vụ di dân; UB. Truyền thông xã hội; UB. Tu sỹ; UB. Văn hóa – Thể thao; UB. Mục vụ ơn gọi; Tòa án Hôn nhân.

V. CÁC CƠ SỞ CỦA GIÁO PHẬN

1. Nhà thờ Chính Tòa: có khuôn viên rộng rãi phục vụ cho mọi sinh hoạt của Giáo phận vào những dịp đại lễ.
      Địa chỉ: 232A Trường Thi, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa.

2. Tòa Giám mục: Ngoài tư cách là trung tâm hành chính của Giáo phận, Tòa Giám mục cũng là nơi tổ chức nhiều sinh hoạt mục vụ và đào tạo nhân sự trong Giáo phận.
       Địa chỉ 50 Nguyễn Trường Tộ, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. 

3. Chủng viện thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh: nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục Thanh Hóa; là nơi ươm trồng ơn gọi và huấn luyện ứng sinh. Từ năm 2016, chủng viện Lê Bảo Tịnh chính thức trở thành cơ sở đào tạo linh mục cho Giáo phận Thanh Hóa. 

4. Trung tâm hành hương: Giáo phận Thanh Hóa hiện có 3 trung tâm hành hương. Đó là đền thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh tại giáo xứ Trinh Hà; đền thánh tử đạo Phaolô Nguyễn Ngân thuộc giáo xứ Yên Khánh; và đền thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm ở giáo xứ Kẻ Bền.

5. Trụ sở Giáo phận Thanh Hóa tại Sài Gòn: là trung tâm mục vụ cho người di dân Thanh Hóa phía Nam và là nơi cho các linh mục, tu sĩ, ứng sinh Thanh Hóa vào Sài Gòn để học tập hay cư trú.  
      Địa chỉ 386/18-22 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO TIN MỪNG, BÁC ÁI XÃ HỘI

 1. Loan báo Tin Mừng: Nhân dịp 90 năm thành lập Giáo phận (1932-2022), Giáo phận đã thiết lập UB. Loan Báo Tin Mừng, chọn câu Tin Mừng Lc 5,4: “Hãy ra chỗ nước sâu” làm phương châm cho mọi hoạt động truyền giáo trong Năm Thánh của Giáo phận. Hai giáo hạt Hữu Lễ và Kẻ Bền, nơi có nhiều anh em dân tộc thiểu số như Mường, H’mông, được đặc biệt ưu tiên để thăm viếng và đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng. 

2. Bác ái xã hội: Hoạt động mục vụ bác ái xã hội của Giáo phận chủ yếu thông qua UB. Caritas Thanh Hóa. Hiện nay, Caritas Thanh Hóa tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục (cung cấp học bổng), y tế (khám và chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, bệnh nhân HIV), cứu trợ (bão lụt, tai nạn, khó nghèo), thăm viếng (bệnh nhân, người già, anh em dân tộc thiểu số, trại phong), phát triển kinh tế (cấp vốn cho hộ nghèo vay), sức khỏe cộng đồng (nguồn nước sạch, bảo vệ sự sống). Bên cạnh đó, Giáo phận cũng có những nhóm thiện nguyện thường xuyên thăm hỏi bệnh nhân tại các bệnh viện vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Từ năm 2016, Giáo phận có thêm một trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân tật nguyền tại giáo xứ Ba Làng.  

3. Mục vụ di dân: Nhờ có trụ sở Giáo phận tại TP. Hồ Chí Minh, Giáo phận đã triển khai chương trình dạy giáo lý hôn nhân và dự tòng, giúp đỡ thủ tục hôn phối và thăm viếng mục vụ giáo dân Thanh Hóa đang làm ăn tại miền Nam. Hàng năm, Giáo phận cũng tổ chức ngày hội ngộ di dân để bày tỏ tình hiệp thông và sự liên đới giữa mục tử với đàn chiên đang sinh sống và học tập xa nhà. 

VIII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC 

           Văn phòng Tòa Giám mục Thanh Hóa
              Địa chỉ:  50 Nguyễn Trường Tộ, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. 
              Điện thoại:  (084) 2373853138
              Email: vanphong.tgmth@gmail.com
              Website: http://giaophanthanhhoa.net

Văn phòng TGM Giáo phận Thanh Hóa, 
      Cập nhật ngày 07.05.2022