Bài giảng khai mạc năm thánh giáo phận Thanh Hóa của Đức cha Giuse Nguyễn Năng

05/01/2017
3448
Cứ mỗi chặng đường 5 năm, giáo phận Thanh Hóa lại dừng chân để lấy sức chuẩn bị cho một cuộc lên đường mới. Khẩu hiệu “Tri ân quá khứ – Chấn hưng hiện tại – Dấn thân tương lai” dịp Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận vẫn còn vang vọng để trở thành ý nghĩa cho thánh lễ khai mạc Năm Thánh dịp kỷ niệm 85 năm hôm nay.

Năm Thánh là dịp để tạ ơn, trước hết tạ ơn tình thương cứu độ của Thiên Chúa, vì Chúa đã hiển linh, chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng trên vùng đất này. Tin Mừng Đức Kitô không chỉ dành riêng cho dân Do Thái, dân được tuyển chọn, mà ngay từ đầu, Tin Mừng đã vượt qua ranh giới Do Thái để tỏa sáng nơi phương Đông và dẫn đường cho các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Giêsu. Ánh sao lạ mà các đạo sĩ nhìn thấy có thể là một tinh tú lạ xuất hiện, có thể là một khám phá về thiên văn, nhưng chắc chắn đó là một tác động của ơn thánh siêu nhiên trong tâm hồn, qua đó Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ phổ quát, như thánh Phaolô nói trong bài đọc 2 : “Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người”, Ngài mặc khải cho muôn dân biết Tin Mừng để nhờ đó được thừa kế gia nghiệp Nước Trời.

Phát xuất từ kế hoạch yêu thương ấy, cách đây 390 năm, cha Đắc Lộ đã vượt qua những chặng đường dài từ phương Tây và cập bến Cửa Bạng để đem Tin Mừng đến cho chúng ta. Chẳng phải lặn lội đi tìm xa xôi như các đạo sĩ, những tâm hồn đơn sơ bé mọn thời đó đã nhận được ánh sáng Tin Mừng tại chính miền đất quê hương này.

Tin Mừng như hạt cải nhỏ bé cứ lớn dần, cho đến năm 1932 khi thành lập giáo phận thì đã trở thành cây to kiên vững, với 44.000 tín hữu Công giáo hiện diện trong 18 giáo xứ dưới sự chăm sóc của 16 vị thừa sai, 48 linh mục Việt Nam, 82 thầy giảng.

Sau 1954, do các biến cố của thời cuộc, ở lại quê nhà chỉ còn rất ít linh mục, chủng sinh, nữ tu, và 47.000 giáo dân. Dù hoàn cảnh xã hội bấy giờ rất khó khăn, Tin Mừng vẫn âm thầm chiếu sáng, Hội Thánh vẫn từng bước tăng trưởng. Đến năm 2005, nhờ nỗ lực Phúc Âm hóa của mọi thành phần Dân Chúa, số tín hữu đã tăng lên 128.200, với 46 giáo xứ, 42 linh mục, 152 nữ tu. Chỉ sau 10 năm, theo thống kê 2015, số tín hữu đã là 147.176, với 73 giáo xứ, 113 linh mục, 95 đại chủng sinh, 288 nữ tu, 1.410 giáo lý viên.

Gợi lại lịch sử truyền giáo chính là một lời tuyên xưng tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì từ hạt giống nhỏ bé, nay Tin Mừng đã thành cây cao bóng cả cho chim trời đến nương náu.

Gợi lại lịch sử truyền giáo cũng là để “tri ân quá khứ”, tri ân các thánh tử đạo, các vị thừa sai, các mục tử, đoàn ngũ đông đảo tu sĩ, thầy giảng và giáo dân, biết bao lớp người đã hiến thân vì Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng và chịu khổ vì Tin Mừng. Các ngài đã vất vả dày công xây dựng giáo phận, hy sinh quên mình vì đại cuộc, không nề quản gian khổ để Dân Chúa được lớn lên tại địa phương này.

Khi tri ân quá khứ, giáo phận Thanh Hóa không thể không nói đến công lao của Đức Tổng Giám mục Giuse, người đã thi hành nhiệm vụ Giám mục của giáo phận trong suốt 12 năm rưỡi. Chỉ còn một tuần nữa ngài sẽ chính thức nhận nhiệm vụ Tổng giám mục tổng giáo phận Huế. Ngài sẽ rời xa nơi đây, nhưng chắc chắn không ai quên được nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào cũng muốn chọc ghẹo mọi người, từ già tới trẻ, từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, để kết nối tình thân ái, để kiến tạo niềm vui.

Chắc không ai quên được châm ngôn trong sứ vụ giám mục của ngài : “Xin cho họ nên một”. Không ai không biết đến những khẩu hiệu được viết thật lớn như muốn ghi khắc sâu đậm nơi tâm khảm mọi người : “Hiệp thông là di sản ngàn đời của giáo phận Thanh Hóa”, hay “Mỗi vị khách là một hồng ân”. Đó là những tuyên ngôn của một kế hoạch mục vụ đặt nền tảng trên hiệp thông.

Nhờ tinh thần hiệp thông ấy, sau 12 năm rưỡi phục vụ, ngài đã để lại cho giáo phận không phải chỉ là các cơ sở vật chất bề thế, -chưa kể sắp tới đây còn mọc lên một tòa nhà cao tầng nữa-, nhưng nhất là một linh mục đoàn trẻ trung, đoàn kết, nhiệt thành ; một thế hệ chủng sinh nhiều khả năng và đầy nhiệt huyết ; một Hội dòng đông đảo nữ tu đầy tràn niềm vui trong đời tận hiến ; một cộng đoàn Dân Chúa hiệp thông, quảng đại, nhất là một thế hệ trẻ năng động, dấn thân, trưởng thành từ những khóa Men Phục Sinh được tổ chức hằng năm.

Năm Thánh là thời điểm nhìn lại quá khứ để tri ân, nhưng đồng thời cũng để “dấn thân tương lai”, để chuẩn bị hành trang cho một cuộc lên đường mới. Đức Tổng Giuse trong vai trò Giám quản của giáo phận Thanh Hóa đã công bố : “Chủ đề của Năm Thánh là "hãy ra chỗ nước sâu" (Lc 5, 4). Theo lệnh Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng ấy, chúng ta sẽ quan tâm đặc biệt đến sứ mệnh truyền giáo, sẽ hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng của Chúa cho những ai chưa biết Ngài. Tôi cầu chúc anh chị em tràn đầy nhựa sống tinh thần lẫn thể xác, để anh chị em có một Năm Thánh tuyệt vời”.

Ánh sáng Tin Mừng đã chiếu tỏa trên các Kitô hữu, xin đừng lấy thùng úp lại, nhưng hãy tiếp tục làm cho ánh sáng ấy tỏa chiếu trên mọi người. Tin Mừng cứu độ phải vượt qua ranh giới của các giáo xứ, các cộng đoàn, các gia đình Công giáo, để đến với 95% dân số trên dải đất Thanh Hóa còn chưa biết đến tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Làm cách nào để đem Chúa đến cho mọi người ? “Hãy ra chỗ nước sâu”, hãy ra khơi.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các cộng đoàn cũng như từng người tín hữu “hãy đi ra”. “Mỗi môn đệ của Đức Kitô phải là một thừa sai”. Hãy lên đường. Muốn bắt được cá, cần đi ra, ra khỏi nhà, ra sông ra biển tung lưới. Cứ đi ra và tung lưới, với tàu lớn, thuyền nhỏ, hay thúng mủng gì cũng được, hoặc ít nữa là thả câu, chắc chắn thế nào cũng được một cái gì đó đem về, cá to cá bé, hay ít là con tôm con tép. Ngược lại, nếu cứ yên thân ngồi ở nhà, thì chắc chắn sẽ không có gì, cùng lắm chỉ chờ cho có lụt để cá trong ao hàng xóm trôi sang nhà mình.

Vậy thì hãy đi ra, đừng ngại ngùng sợ hãi, đừng khép kín trong vỏ sò của một “mục vụ bảo tồn”, đừng an phận tự ru ngủ trong những thành tích, với những nhà thờ nhà xứ vĩ đại, những tổ chức quy mô, những nghi lễ hoành tráng, những cuộc rước rầm rộ…

Đi ra chỗ nước sâu là đi đến những vùng ngoại vi, đến với những người nghèo khổ bệnh tật, bị bỏ rơi và bị gạt ra bền lề xã hội, đến những người sống trong những hoàn cảnh đau thương, trong tâm hồn cũng như nơi thân xác, đang cần đến lòng thương xót. Ra chỗ nước sâu là mạo hiểm, là đương đầu với sóng gió biển cả, là dấn thân vào những môi trường khó khăn, những công việc vất vả. Tuy nhiên ngoài khơi mới có nhiều cá lớn, ở chỗ nước sâu mới có nhiều đàn cá đông vô số. Nếu hôm nay, trong ngày trọng đại lịch sử này, toàn thể Dân Chúa Thanh Hóa quyết tâm ra khơi tung lưới nơi biển sâu, chắc chắn con thuyền giáo phận sẽ kéo lên những mẻ cá lớn, không phải chỉ đầy hai thuyền như các Tông đồ, mà là vô số thuyền.
Viễn tượng tương lai ấy thật hấp dẫn, thật huy hoàng. Nhưng nhìn vào hiện tại lại thấy băn khoăn với nhiều nỗi âu lo.

Âu lo vì sợ rằng khi có ai đến hỏi về Chúa Giêsu thì không mấy người có khả năng trả lời, hoặc biết đâu lại tái diễn cảnh tượng ngày xưa : mang danh là Dân riêng của Thiên Chúa, tự hào có Lời Chúa, khao khát mong đợi Đấng Cứu Thế, vậy mà khi hỏi về nơi sinh của Đấng Cứu Thế, phải triệu tập cả thành Giêrusalem mới tìm ra câu trả lời.

Âu lo vì sợ rằng Dân Chúa biết Đấng Cứu Thế hạ sinh đấy, nhưng có ai lên đường đến thờ lạy đâu, chỉ có các đạo sĩ dân ngoại thành tâm kiên trì đi tìm để rồi cuối cùng gặp được Chúa, thờ lạy kính tin và dâng lên Chúa những lễ vật cao quí nhất.

Quả thật đó là những điều đáng âu lo. Làm sao không ưu tư trước tình trạng nguội lạnh thiêng liêng không còn ham thích cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa, đặc biệt nơi giới trẻ ? Làm sao không khắc khoải khi những người môn đệ Đức Kitô không còn lửa, không còn niềm say mê truyền giáo ? Làm sao không băn khoăn về cách thức thông truyền đức tin quá lý thuyết khô khan như một bài học thuộc lòng chứ không phát xuất từ kinh nghiệm đức tin sống động có sức hấp dẫn lôi cuốn ? Làm sao không ưu tư khi chính người loan báo Tin Mừng cũng không sống đức tin, giống như người quảng cáo rao bán một sản phẩm mà chính mình không tin không dùng ? Làm sao không âu lo khi chính các Kitô hữu cũng theo lối sống thế tục, mải mê chạy theo tiền bạc của cải, địa vị chức tước, công ăn việc làm, vui chơi giải trí, và đẩy lui Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống ?

Như vậy hướng đến tương lai cũng là để “chấn hưng hiện tại”. Năm Thánh sẽ là mùa hồng ân, là thời gian thuận lợi để các cộng đoàn cũng như từng tín hữu Phúc Âm hóa chính bản thân mình. Cuộc đời mình có đầy Chúa thì mới có thể tràn sang cho người khác.

 
Cầu chúc cho mỗi Kitô hữu Thanh Hóa trở thành ánh sao để Chúa hiển linh. Cầu chúc cho giáo phận Thanh Hóa một Năm Thánh đầy sức sống thần linh. Xin Chúa Thánh Thần nổi lửa lên đốt nóng mọi tâm hồn. Xin Ngài nổi gió để đưa các Kitô hữu đến với những người còn ở xa.