TGM Hồng Kông: Đạo giáo và Kitô giáo có thể chung tay xây dựng xã hội hài hòa

13/03/2024
948



TGM Hồng Kông: Đạo giáo và Kitô giáo có thể chung tay xây dựng xã hội hài hòa

Phát biểu bên lề một hội nghị về Kitô giáo và Đạo giáo đang diễn ra ở Hồng Kông từ ngày 11 đến 13/3/2024, Đức Hồng y Stephano Chu Thủ Nhân, Giám mục Hồng Kông, cho biết mục đích của hội nghị là để “chứng minh cách thức các tôn giáo có thể chung tay trở thành đối tác mang tính xây dựng để xây dựng xã hội của chúng ta”.

 

Vatican News

Hội nghị - được đồng tổ chức bởi Bộ Đối thoại Liên tôn Vatican và Hiệp hội Đạo giáo và Giáo phận Hồng Kông - có chủ đề “Xây dựng một xã hội hài hòa thông qua đối thoại liên tôn”, quy tụ các học giả và chuyên gia từ khắp châu Á, cũng như một số nước châu Âu.

Tinh thần phục vụ chung 

Chia sẻ với Vatican News về những điểm gặp gỡ giữa Kitô giáo và Đạo giáo, Đức Hồng y Stephano Chu Thủ Nhân lưu ý: “Tầm nhìn của Đạo giáo là thúc đẩy một phong trào thế giới hướng tới hòa bình và thống nhất, nơi mà nhân loại và Đạo - chúng ta gọi là ‘Logos’ (Lời) - được kết nối với nhau”. Ngài hy vọng rằng sự công nhận về tinh thần phục vụ chung này sẽ giúp cho “giá trị và ý nghĩa của tôn giáo [được] đánh giá cao hơn ở Trung Quốc”.

Ngài nhận xét rằng Kitô giáo và Đạo giáo “chia sẻ các giá trị của lòng thương xót, sự giản dị và không nhắm đến những mục đích trần thế”.

Đức Hồng y nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cởi mở đối với các nền văn hóa và tôn giáo khác, đồng thời chỉ ra rằng “Giáo hội Công giáo của chúng ta chấp nhận rằng họ cũng được chúc phúc – dù ở những mức độ khác nhau – với sự mặc khải thiêng liêng để hiểu biết về cuộc sống và tinh thần sống”.

Gương mẫu đối thoại của Cha Matteo Ricci

Ngài đã đưa ra gương mẫu của Cha Matteo Ricci, một nhà truyền giáo Dòng Tên thế kỷ XVI nổi tiếng vì hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Ngài nói rằng Cha Ricci là “hình mẫu cho việc đối thoại giữa tôn giáo và văn hóa, kết hợp nền tu đức của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo với đức tin và tu đức Công giáo của chúng ta”. “Điều này đã giành được nhiều sự khen ngợi và tôn trọng từ người dân Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc”.

Sức mạnh thiêng liêng của đối thoại

Về phần Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage, Tổng Thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn, ngài nhấn mạnh những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đối thoại trong thế giới đầy chia rẽ ngày nay. Ngài nói: “Như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất khó khăn. Thiếu hy vọng, điên đảo. Do đó, những cuộc gặp gỡ như thế này sẽ truyền tải một thông điệp mang tính biểu tượng đến thế giới, rằng đối thoại là có thể thực hiện được và chúng ta có thể ngồi lại với nhau và thảo luận, cùng nhau làm việc và cùng nhau bước đi”.

Vì thế, Đức ông Kodithuwakku nhấn mạnh rằng hội nghị Kitô giáo-Đạo giáo hiện đang diễn ra có tiềm năng “đóng góp không chỉ cho Hồng Kông mà còn cho thế giới rộng lớn hơn”. Ngài nói: “Trong kiểu đối thoại này, chúng ta bước vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Việc lắng nghe người khác có thể giúp chúng ta hiểu được cách thế Thiên Chúa cũng đã mặc khải chính Người cho họ … chúng ta gặp được mầu nhiệm thánh thiêng của người khác”.

 

 

Nguồn:vaticannews.va