

Thuyết trình viên của khóa thường huấn là cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền – Giám đốc Trung tâm mục vụ TGP Sài Gòn. Tham dự khóa thường huấn năm nay có sự hiện diện của 130 linh mục đang phục vụ trong giáo phận và 19 thầy phó tế - những linh mục tương lai với sức trẻ và khát vọng đưa giáo lý đến gần hơn với thực tiễn của đời sống Kitô hữu.

Trước khi bắt đầu chương trình thường huấn, như thường lệ, quý linh mục đoàn và các thầy phó tế bước vào cuộc tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Giuse.

Giáo lý không phải chỉ riêng Đạo Công giáo mới có. Mỗi một tổ chức, một cộng đồng, một đất nước... thậm chí là một dòng họ hay một gia đình, đều có một hành lang bảo vệ, một đường lối để mọi thành viên bên trong bước đi đúng quỹ đạo. Một đất nước thì có hệ thống hiến pháp và pháp luật. Một gia đình thì có "lệ nhà". Một dòng họ thì có tôn ti trật tự, có nền nếp gia phong. Còn người Công giáo chúng ta, từ khi còn bé tý đến khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta trải qua không biết bao những mùa giáo lý. Liệu có phải giáo lý nhiều quá, hay việc học giáo lý chỉ là hình thức?
Tất cả đều không phải. Chúng ta chỉ cần cắt nghĩa một cách ngắn gọn từ "đạo", ấy là một con đường. Nhiều người đi, đi nhiều lần, con đường sẽ hình thành. Giáo lý cũng như vậy, đó là con đường mà Thiên Chúa đã tạo dựng giúp con người, hướng dẫn con người, bảo vệ con người đi theo ánh sáng chân lý đúng đắn với tình yêu thương vô hạn.
Chúng ta học giáo lý mỗi năm mỗi đợt để tự nhắc nhớ nhau điều hay lẽ phải Chúa dạy, để san sẻ với nhau những biến cố gặp phải mà nương tựa vào nhau để cố gắng sống tốt hơn. Nhất là dòng đời càng ngày càng biến thiên với muôn vàn cạm bẫy, giáo lý giúp mỗi người thêm vững tin mà tín thác, mà trở thành chứng nhân cho Chúa.
Giáo lý có vai trò quan trọng, và người đem giáo lý, cổ võ tinh thần học hỏi giáo lý, ứng dụng giáo lý vào tới từng tín hữu, làm sống dậy niềm yêu thích học hỏi giáo lý... chính là các linh mục. Thế nên, các cha chính là chứng nhân của giáo lý, chứ không phải những cuốn sách được in đẹp mà phát cho từng người.
Đó cũng là điều Đức Cha Giuse chia sẻ trong ngày đầu tiên của cuộc thường huấn. Nương theo thư thứ nhất của thánh Phêrô (1Pr 5,1-4), thông điệp của Đức thánh cha Phanxicô về đời sống và gương sáng của linh mục trong thế giới hôm nay cùng trong tinh thần Giáo luật điều 529 khoản 1 về sứ vụ và đời sống linh mục, Đức cha Giuse nói: "Chúng ta là linh mục, là người cầu bầu cho giáo dân. Hãy gần gũi với Chúa và gần gũi với giáo dân... Trong sứ vụ của mình, chúng ta có làm cho giáo dân hạnh phúc khi giữ đạo? Chúng ta có khiến cho giáo dân tự hào như là con chiên trong giáo xứ chúng ta không. Chúng ta có làm cho giáo dân yêu Chúa, yêu Giáo Hội hơn không? Điều đó là nhờ ơn Chúa, và đời sống thánh thiện, dám xả thân của linh mục vì đoàn chiên mà Chúa và Giáo Hội đã tin tưởng trao phó".
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của Đức Cha Giuse chính là trách nhiệm và nghĩa vụ thánh thiêng của quý linh mục đoàn Thanh Hóa trong thời gian sắp tới.
Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đến từ TGP. Sài Gòn trong hai ngày liên tiếp đã chia sẻ với quý cha Thanh Hóa về thực trạng xã hội ngày nay, trong đó có cả những vấn đề cần tìm cách khắc phục trong công cuộc giảng dạy giáo lý. Cha Phêrô đã đưa ra các phân tích cách dạy và học của Bộ Giáo Sĩ 1997 và HĐGM Việt Nam 2017, những ưu/nhược điểm, cùng các điều chỉnh phù hợp với môi trường kinh tế - xã hội - văn hóa Việt Nam ngày nay.

Cha Phêrô nhấn mạnh việc dạy giáo lý ngày nay xét như là công cuộc giáo dục đức tin, phải góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông với ba chiều kích: với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với mọi người. Đồng thời việc dạy giáo lý phải góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu có khả năng đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa.
Đối với người Kitô hữu, giáo lý chính là cuộc đời, bởi ở đó có đủ đầy tất cả những chỉ dẫn thiết thực cho cuộc sống được trong lành, thánh thiện. Bởi vậy, quý linh mục không chỉ là giảng dạy mà còn cùng với cộng đoàn sống theo giáo lý. Đó cũng chính là một cách để rao giảng Tin Mừng và truyền giáo.
Trong khi chúng ta muốn và khuyến khích cảm thức sống động về các thành phần dân Chúa được diễn tả qua việc phục vụ cộng đoàn đức tin, Giáo Hội được quy tụ để được sai đi, và cách diễn tả quan trọng nhất về thực tại Giáo hội chính là sự cam kết biến đổi thế giới theo ánh sáng của Nước Trời. Rao giảng Tin Mừng là trọng tâm của sứ vụ Giáo Hội và là hướng đi nền tảng của việc dạy giáo lý. Thanh Hóa là một miền đất có thực tiễn đời sống đạo đức nảy nở và có chiều hướng thăng tiến. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc dạy và học giáo lý được dễ dàng hơn. Mỗi một môi trường đều có những bản sắc riêng và linh mục đoàn "chiên ta hiểu tiếng ta" sẽ tìm ra các thức phù hợp nhất.
Đó cũng là mong muốn mà Đức Cha Giuse mong muốn có được thông qua tuần thường huấn này, để mùa hè năm nay và tiếp tục thời gian tới, giáo lý Công giáo thêm ăn sâu vào cộng đoàn, trở thành một dấu ấn của hồng ân.
Ngày thường huấn cuối cùng, Cha Phêrô trình bày về việc chuẩn bị hôn nhân theo tinh thần Tông Huấn Niềm Vui Của Tình Yêu. Từ chỉ dẫn của Tông huấn, cần giúp cho đôi bạn nhận thức hôn nhân là một ơn gọi cả đời. Vì thế, cần giúp đôi bạn nhận thức niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu đích thực, đồng thời nhận ra những vấn để rủi ro có thể gặp phải trong hôn nhân. Một tín hiệu đáng mừng là hiện tại bộ UBGLĐT đang soạn thảo chương trình giáo lý hôn nhân. Điều này cho thấy Giáo Hội Việt Nam đang nỗ lực thực thi giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô qua Tông huấn "Niềm Vui Của Tình Yêu".
Chương trình thường huấn kết thúc vào lúc 15h30 cùng ngày. Qua buổi gặp gỡ và đúc kết chung, đại diện các cha trong các giáo hạt đã nhận định về thực trạng dạy và học giáo lý tại các giáo xứ trong Giáo phận Thanh Hóa.
Sau buổi đúc kết chung, cha Tổng đại diện Micae Trịnh Ngọc Tứ đã đại diện cho linh mục đoàn và các thầy phó tế tri ân Đức cha Giuse và cảm ơn cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, TGP. Sài Gòn đã ưu ái quan tâm tới việc chăm lo đức tin cho Giáo phận Thanh Hóa, qua việc truyền đạt phương pháp dạy và học giáo lý có hiệu quả trong bối cảnh xã hội hôm nay.
Xin Thiên Chúa quan phòng và chúc phúc cho mọi dự phóng của Đức cha Giuse nhằm xây dựng và củng cố giáo phận Thanh Hóa ngày càng hiệp nhất trong một đức tin, một lòng mến, và một đời sống đạo trưởng thành qua việc siêng năng học hỏi Giáo lý.

.jpg)




BTT. GP. Thanh Hóa.