Thánh lễ tôn kính thánh Giuse: Quan Thầy Giáo phận Thanh Hóa và truyền chức Phó Tế tại Giáo xứ Ba Làng

20/03/2021
7181
Trong “Tông thư Patris Corde” Đức Thánh cha Phanxicô mô tả Thánh Giuse như một “người cha kính yêu”, “người cha hiền dịu”, “người cha vâng phục” và “người cha đón nhận”; “người cha can đảm sáng tạo”, “người cha lao động”, “người cha bóng mát”, luôn kín đáo, không mong đợi sự công nhận.

Đức Thánh cha Phanxicô đã dành cho Thánh cả Giuse nhiều suy tư khác nhau trong Năm Thánh đặc biệt. Đối với Năm Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy Thánh Cả làm gương mẫu cho con người ngày nay, vừa là “người cha trong việc tiếp nhận” bởi vì chính ngài đã đón tiếp Đức Maria mà “không đặt bất kỳ điều kiện nào”, một cử chỉ đặc biệt hùng hồn “trong thế giới mà bạo lực về tâm lý, lời nói và thể lý đối với phụ nữ được xem là hiển nhiên”.

Người thợ mộc thành Nazareth cũng cho thấy “giá trị, phẩm giá và niềm vui” của lao động, và Đức Thánh cha Phanxicô nhận xét rằng: “Thật sự cần thiết, với một nhận thức được đổi mới, để hiểu được ý nghĩa của lao động mang lại phẩm giá”, ngoài ra nó thúc đẩy sự hoàn thiện của cá nhân và của gia đình mình, lao động làm cho chúng ta “trở nên người tham dự vào chính công trình cứu rỗi”.

Năm Thánh Tình Yêu
“Với trái tim của một người cha” trong năm thánh “Thánh Giuse” cộng đoàn dân Chúa trong khắp hoàn vũ lại được nhìn lại những nhân đức tốt lành của Thánh cả Giuse đã dành cả cuộc đời để yêu thương nâng đỡ Chúa Giêsu. Thánh Giuse đã can đảm trở thành người cha của Chúa Giêsu theo lề luật, Đấng mà ngài đã đặt cho cái tên được mặc khải qua sứ thần báo trước: “Ông hãy đặt tên cho Người là Giêsu, vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội” (Mt 1,21).

Những hành trình trong suốt quãng đường của Chúa Giêsu trước khi Người đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, Thánh Giuse đã thực hiện những công việc yêu thương của một người cha dành cho đứa con của mình. Những cuộc tha hương để thoát khỏi bàn tay hung hãn của Vua Hêrôđê, để rồi sang Ai Cập sống như những người ngoại kiều đang tha hương nơi xứ người. Rồi khi trở về quê hương Nadarét, Thánh Giuse cùng gia đình đã sống ẩn dật tại ngôi làng nhỏ bé ít người biết tại xứ Galilê. Khi Chúa Giêsu lên mười hai, Thánh Giuse đã đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria hành hương về Giêrusalem.

Với trái tim của yêu thương Thánh Giuse được Tin mừng ghi chép lại rất ít, nhưng từ những dữ liệu quan trọng đó đã làm cho chúng ta hiểu được tình yêu mà Thánh Giuse dành cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria là cao trọng và là vai trò trung tâm trong lịch sử cứu độ nhân loại.

Ngày 08 tháng 12 năm 1870, cách đây một trăm năm mươi năm Chân phước Piô IX đã công bố Thánh Giuse là “Bổn mạng Hội Thánh”. Vì, như Chúa Giêsu đã nói, “lòng đầy miệng mới nói ra” (Mt 12,34). Trong những ngày tháng đại dịch Covid 19, khi chúng ta cảm nghiệm, giữa cuộc khủng hoảng của dịch bệnh, “cuộc sống của chúng ta được đan dệt với nhau và được nâng đỡ nhờ những con người bình thường - những người thường bị quên lãng, - họ không xuất hiện trên báo chí, hay trong những chương trình truyền hình mới nhất, nhưng ngay trong những ngày này, chắc chắn họ đang làm nên những biến cố quan trọng của lịch sử chúng ta. Các bác sĩ, y tá, các chủ cửa hiệu và nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, người chăm sóc người già và bệnh nhân, công nhân vận chuyển, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu và an ninh công cộng, các tình nguyện viên, các linh mục, nam nữ tu sĩ, và rất nhiều người khác. Họ hiểu rằng không ai được cứu một mình... Có biết bao người hằng ngày vẫn kiên nhẫn gieo niềm hy vọng, lo sao để không gieo rắc hoảng loạn nhưng gieo vãi tinh thần đồng trách nhiệm. Có biết bao người cha, người mẹ, ông bà, thầy cô, chỉ cho con cái chúng ta – qua những cách thức nhỏ bé hằng ngày – cách thức đón nhận và đương đầu với khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Có biết bao người cầu nguyện, dâng những hy sinh và chuyển cầu cho thiện ích của tất cả mọi người”. Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá rằng Thánh Giuse một người chẳng được để ý vẫn hiện diện hằng ngày cách âm thầm kín đáo, để cầu thay nguyện giúp, trợ giúp và hướng dẫn chúng ta khi gặp khó khăn. Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những ai ẩn mình hay sống trong bóng tối có thể đóng một vai trò không thể sánh được trong lịch sử cứu độ. Tất cả những người ấy đều đáng được nhìn nhận và biết ơn.

Thánh Giuse, người mà chính Thiên Chúa gọi là “cha”, vị thánh đáng kính trong số các thánh. Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta.

Hạt Giống Cửa Bạng
Những bước chân truyền giáo đầu tiên của Cha Đắc Lộ nơi của biển Ba Làng ngày 19 tháng 03 năm 1627 đã ghi dấu hạt giống Đức Tin đầu tiên nơi đất Bắc. Những công trình của Thiên Chúa thật là lạ lùng, giữa biết bao nhiêu là cửa biển, bao nhiêu nước trên miền đất Á Châu giáp biển Thiên Chúa lại cho con thuyền truyền giáo của Cha Đắc Lộ cập cảng biển Ba Làng – Thanh Hóa. Lạ lùng hơn nữa, ngày mà Cha Đắc Lộ đặt chân đến Cửa Bạng chính vào ngày 19 tháng 03 là ngày kính Thánh Cả Giuse và từ biến cố lịch sử này, Giáo phận Thanh Hóa khai sinh đã chọn Thánh Giuse làm quan thầy của giáo phận để tri ân và ghi trọn dấu ấn truyền giáo của Cha Đắc Lộ trên mảnh đất xứ Thanh.

Những nét văn hóa được du nhập từ Phương Tây được Cha Đắc Lộ truyền dạy, kết hợp với đặc trưng văn hóa của những con người xứ Thanh đã tạo ra những nét đặc trưng cho những con người ở nơi đây.

Những con người xứ Thanh luôn noi gương Cha Đắc Lộ, lấy Đức Tin làm hành trình cho suốt cuộc đời. Dù bão táp, phong ba Đức Tin luôn được giữ vững và kiện định đến những phút giấy cuối cuộc đời. Minh chứng cho điều đó là năm vị Tử vì đạo đã kiện định cho đến chết dù gặp muôn vàn khó khăn gian lao.

Noi gương Giuse
Thánh Giuse đóng vai trò quan trọng trong quãng đường của Thánh Gia. Chính ngài là người đã cam kết bảo vệ hiền thê của mình và Con Thiên Chúa trong các thời điểm quan trọng của Kitô giáo, chẳng hạn như sự ra đời của Chúa Giêsu trong chuồng bò ở Bêlem và cuộc chạy trốn đầy kịch tính sang Ai Cập khi vua Hêrôđê ra lệnh thảm sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Thánh Giuse luôn là người nâng đỡ gia đình Nadareth với tư cách là người cha, người chồng, và là người giáo dục hài nhi Giêsu.

Thánh Giuse cũng được coi là đấng bảo trợ cho việc chết lành, bởi vì ngay cả khi không biết ngài chết ra sao, ở đâu và khi nào, thì chúng ta vẫn biết đến khía cạnh cơ bản và cao cả nhất: ngài được ơn rời bỏ thế gian này trong vòng tay của Chúa Kitô và Đức Trinh nữ Maria.

Ngày hôm nay, Thiên Chúa cũng tuyển chọn mười hai thầy đây được lên chức Phó tế. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho những người anh em này được trung thành sống phục vụ: phục vụ Lời Chúa, phục vụ Bàn thờ và phục vụ bác ái. Xin cho các thầy đây luôn lấy hình ảnh của Thánh Giuse bằng cách biến cuộc đời mình trở thành của lễ hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế. Chúng ta cũng cầu xin cho mỗi người noi gương Thánh Giuse, luôn biết sống khiêm nhường và yêu thương trong cuộc sống của mình”. Và cũng noi gương theo Mẹ Maria sống mầu nhiệm “Xin Vâng”: Đó là một mầu nhiệm cao cả, vì thế chúng ta bày tỏ sự cung kính khi Thiên Chúa xuống thế làm người ở giữa chúng ta, và Ngài còn tiếp tục nói với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Lời xin hứa của các tân Phó tế hôm nay xuất phát từ một quá trình đào tạo và huấn luyện, đón nhận Lời Chúa, đem vào trong lòng và đưa ra thực hành trong cuộc sống. Để được như vậy, thì cũng giống như Đức Maria, khi bà Êlisabét nói với Mẹ: “Bà có phúc vì đã tin”. Các phó tế thật có phúc, mặc dù trong cuộc đời, khi thi hành sứ vụ còn nhiều thử thách, khó khăn.. Vì các phó tế đã xin hứa và đã bước lên vì phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể vượt qua những khó khăn thử thách đó, để có thể thi hành chức năng đó, như Đức Mẹ và Thánh Giuse đã làm được.

Lời của Chúa Giêsu nói với hai môn đệ Giacôbê và Gioan khi hai ông đến xin được hưởng vinh quang với Chúa là nhằm phá đổ quan niệm trần tục của các môn đệ cũng như của chúng ta khi nghĩ về sứ mạng thiên sai của Đức Kitô, rằng Đức Kitô đến là để sống - phục vụ và hiến thân cho trần gian chứ không phải là vinh hoa, phú quý, chức quyền.

Tiếp nối sứ mạng đó, Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua luôn mời gọi con cái mình dấn bước trên hành trình Phục Vụ tha nhân. Sứ vụ Phục vụ đặc biệt được Giáo Hội đặt để nơi tác vụ của các Phó tế ngay từ thuở sơ khai là thi hành việc Rao giảng Tin Mừng và phục vụ Bàn Thờ.

Đặt tay truyền chức là hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và cầu xin cho các thầy đây. Đó là những con người mà Chúa đã gọi. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác, để công trình của Chúa được hoàn tất tốt đẹp”.

 “Lạy Thánh Giuse diễm phúc, xin hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời. Amen.” 

Xin xem hình ảnh đầy đủ TẠI ĐÂY

Dưới đây là Video ngày đại lễ:



 
BTT GP Thanh Hóa