RỰC RỠ MÙA HOA MÂN CÔI THANH HÓA

31/10/2018
3073
Ngày cuối tháng 10, nắng vàng trải nhẹ, gió thu thoảng bay mang theo cái không khí bình yên cho cuộc đời bộn bề, hối hả. Tạm gác lại những ưu tư về mưu sinh, trong cái hẹn đoàn viên – hiệp nhất, 5029 con hoa từ khắp các giáo xứ tề tựu bên trái tim của giáo phận – Tòa Giám Mục Thanh Hóa, để cùng nhau ngân vang lời kinh Mân Côi nhiệm màu.
Vãn hoa dâng Mẹ đã đi sâu vào lòng người Kitô hữu tự bao giờ không ai biết, nhưng dù vận hội có đổi thay thế nào, đây vẫn là một nét sinh hoạt đạo đức bình dân: đẹp và ý nghĩa. Trẻ thơ mong mỏi để cùng nhau kết hoa, tập hát, tập múa. Các mẹ hiền mẫu được có thời gian riêng sau những lo toan gánh gồng, để mà bên nhau, vừa tập hoa, vừa trò chuyện, vừa tâm sự cùng Mẹ Thiên quốc. Các ông, các anh ngày nay cũng “tham gia” nhiệt thành cùng mùa hoa, không phải là chiêm ngưỡng, không phải là ủng hộ, mà cũng thêm những cử điệu, thêm những tràng hoa, để dâng lên…

Mùa hoa dâng Mẹ thực sự đã trở thành ngày hội của gia đình, của giáo xứ, và với giáo phận Thanh Hóa, đó cũng là mùa của sức sống rạo rực hồi sinh trong lòng yêu mến. Hàng năm, giáo phận đều chọn ra một ngày trong hai mùa hoa đó, để quy tụ tất cả các con hoa trong giáo phận, cùng chung câu hát, cùng chung điệu múa, cùng chung tâm tình, cùng lời cầu nguyện… để kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa.

Năm nay, giáo phận đón mừng vị cha chung mới, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường – một người con của giáo phận “di dân” trở về. Lịch sử giáo phận lật sang trang mới, một hồng ân lớn lao Chúa đã trao cho đoàn con của xứ Thanh.

Vì vậy, dâng hoa cộng đồng cũng thêm một lời tri ân, cảm tạ của đoàn chiên Thanh Hóa, tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn Thiên Chúa, vì tất cả Người đã trao ban cách đặc biệt đến mảnh đất này.


Từ ý nghĩa của sinh hoạt đạo đức bình dân…

Đức Mẹ có vị trí đặc biệt trong lòng các tín hữu Công giáo. Việc yêu mến và tôn kính Đức Mẹ đã có từ rất lâu trong Giáo hội Công giáo. Nhờ Đức Mẹ mà đoàn chiên đến gần với Thiên Chúa hơn. Xưa kia, các em thiếu nhi thường tỏ bày tình cảm với Đức Maria bằng cách tặng những bó hoa tươi đến Mẹ. Hoa dễ gây cảm xúc và gợi hứng trong lòng người. Mùa hoa nở rộ là mùa thời tiết đẹp nhất, tràn trề sức sống nhất. Những người yêu thương nhau, luôn dành tặng nhau những bông hoa đẹp nhất.

Kitô giáo luôn biết thích nghi với văn hoá của con người. Những yếu tố tự nhiên đây, mặc dù là của các tôn giáo cổ xưa đã được người Kitô hữu mượn để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Maria, tạo vật cao cả nhất, đồng thời cũng là người phụ nữ cao quý đẹp đẽ nhất.

Song song với việc kết hoa lên các ảnh tượng của Đức Mẹ, việc dâng hoa như một lời nhắn nhủ các bạn trẻ không những ca hát để chúc tụng Mẹ, nhưng còn thực thi các hành vi đạo đức và yêu thương của mình như mẫu gương của Mẹ.

Đó là một truyền thống tốt đẹp, nhưng nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa, cùng đích của mọi việc tôn thờ là Chúa Cha toàn năng. Trong niềm hiếu thảo đối với Mẹ Maria, người Kitô hữu luôn được mời gọi để không ngừng kết hiệp với Chúa. Bên trên những biểu dương có tính cách tình cảm, người Kitô hữu luôn được mời gọi để thanh luyện đức tin, cũng như thực hành đức ái. Trong ý hướng ấy người Kitô hữu không nhìn lên Mẹ Maria như một Nữ Thần, mà là một tín hữu mẫu mực, một người tín hữu đã tiên phong trong hành trình đức tin.

Ở Việt Nam, người mẹ có vai trò “giữ lửa” cho gia đình, “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm”. Mẹ là biểu tượng của sự nhẹ nhàng, hiền từ, đức độ. Là người con hiếu thảo ai cũng muốn dành tặng mẹ mình tình cảm đặc biệt, muốn cài lên áo mẹ đóa hồng tươi thắm. Một cách tương tự, người Công giáo dành ra khoảng thời gian đặc biệt để tỏ bày lòng ngưỡng mộ con thảo dành cho Nữ Vương Thiên đàng. Tấm chân tình ấy được thể hiện qua từng buổi tập hoa, những cử điệu, những lời ca…từ trẻ nhỏ cho tới người lớn, từ hiền mẫu đến gia trưởng, từ em trai đến em gái… đều có thể tham gia.

Khi ấy, cộng đoàn không còn là những mảnh ghép đơn lẻ, mà là một gia đình, với Mẹ chung là Đức Maria.



…Đến dâng hoa cộng đồng giáo phận

Dù rằng ý nghĩa của vãn hoa dâng Mẹ có người hiểu, người không, nhưng truyền thống ấy đã ăn sâu vào trái tim mỗi người Công giáo xứ Thanh. Để rồi mỗi khi tháng Năm nắng cháy, hoa vẫn rực rỡ kính dâng; mỗi tháng Mười về lại kết tràng hoa thay lời nguyện cầu; rồi đến tháng kính Trái tim Chúa Giêsu… các em thiếu nhi nam cũng lấy hoa thay lời cảm mến …

Và thêm một nét đặc biệt mà cộng đoàn giáo dân Thanh Hóa đã, đang và sẽ tiếp tục làm “sống” mãi, đó chính là dâng hoa cộng đồng. Đã thành một thông lệ, khi thời gian lùi về những ngày cuối tháng Năm, là các giáo xứ rục rịch chuẩn bị cho ngày hội hoa toàn giáo phận này. Trước đó, suốt mùa hoa, các giáo xứ còn tổ chức dâng hoa giao lưu với nhau. Đó là các cách thức để cổ vũ và “làm nên sức sống” cho truyền thống của Giáo hội.

Khác với dâng hoa riêng lẻ trong từng giáo xứ, hội đoàn, từng giáo họ… chỉ giới hạn con số từ vài chục đến vài trăm con hoa. Dâng hoa cộng đồng chứa đựng con số khổng lồ: 5000 người với đủ màu sắc áo quần rực rỡ, đủ mọi lứa tuổi…Những cử điệu trong dâng hoa cộng đồng tuy rằng không quá phức tạp hay nghệ thuật nhưng lại tạo sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. 

Năm nay, hội hoa giáo phận lùi về tháng Mười – Tháng Mân Côi. Không nắng gắt, không lạnh giá, cái không khí của mùa thu dịu ngọt rất hợp với tràng hoa kính cẩn nguyện cầu. 

Từ rất sớm, các cửa ngõ của thành phố Thanh Hóa đã rộn rã hơn ngày thường bởi các đoàn hoa muôn ngả về với trái tim mục vụ của giáo phận. Một số nơi như Nga Sơn, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Thạch Thành… có vị trí địa lý cách xa thành phố, nên các con hoa phải xuất phát khá sớm.

6 giờ, sau khi ổn định trang phục và nghỉ ngơi sau chặng đường dài, các con hoa tập dượt lại cử điệu chung dưới sự hướng dẫn của Hội Dòng Mến Thánh Giá. Bỏ qua những mệt mỏi vì xăng xe hay thức dậy sớm, các mẹ vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển hòa cùng lời ca của “Tràng hoa Mân Côi” và “Sứ điệp Fatima” tạo nên một bức tranh đẹp mê người.

Đằng sau tà áo dài thướt tha, khuôn mặt rạng ngời ấy là những người phụ nữ thôn quê “dầm mưa dãi nắng”, quanh năm tảo tần vì chồng vì con… Có những làn da đã sạm vì sương gió, có những đôi tay hao gầy qua năm thắng, có những nếp nhăn đã hằn ghi biết bao nhiêu những lắng lo thường nhật…nhưng vẫn tỏa ngát nét đẹp mà không son phấn nào bì kịp.

Các chị, các mẹ trở thành những bông hoa đẹp, vừa ở hình ảnh hiện thực, mà còn ở tấm tình con thảo. 

Ngắm từ trên cao, Trung tâm mục vụ giáo phận như một bông hoa khổng lồ, muôn sắc, đang rung rinh trước gió. Và bông hoa ấy, đang tỏa đi thứ hương thơm mà không loài hoa nào có được, đó là hương thơm của tình yêu, sự ngưỡng mộ, lòng thánh kính, và “xin vâng” như Mẹ Maria – người phụ nữ đẹp nhất.










Tràng hoa Mân Côi


Sau vãn hoa dâng Mẹ, con hoa cùng cộng đoàn hiện diện cùng lần hạt Mân Côi – xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho thế giới được ơn sám hối, chở che đoàn lữ thứ khởi hành về bến bình an, canh tân đời sống theo ánh sáng Tin Mừng, và để khỏi những tai họa tội lỗi của nhân loại gây ra… Đó là ý nghĩa của lời kinh Mân Côi. Nhưng với mỗi tín hữu, ai cũng sẽ có lời cầu của riêng mình.

Chuỗi Mân Côi chính là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, tóm gọn Phúc Âm thành các mầu nhiệm chính yếu, khởi đầu bằng lời chào của sứ thần Gabriel và Đức Maria nhận lời. 

Hơn bao giờ hết, con người đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã của thời đại đầy những cám dỗ, trước sóng gió cuộc đời, mọi biến động thời cuộc, và những gian nan, chông chênh của sự sống. Những lúc mệt mỏi và cần tiếp thêm năng lượng, hãy chạy đến với Mẹ Maria qua kinh Mân Côi để xin Mẹ nâng đỡ, ủi an. Có Mẹ, chúng ta chắc chắn đậu bến an yên nơi Quê Trời.

Đó là thông điệp lớn nhất mà ngày hội hoa giáo phận Thanh Hóa muốn gửi tới đoàn chiên cùng với mối tình hiệp nhất một nhà. Hy vọng rằng, sau ngày hội hoa, mỗi tín hữu sẽ kín múc cho mình tâm tình và nguyện ước, để có thể vững tâm bước theo chân Mẹ, chân Chúa, mạnh mẽ tuyên xưng tình yêu và sự thật trong đức tin nhiệm mầu.



     
   Maria Én Trần

BTT. GP. Thanh Hóa.