Hội Ngộ Tân Giám Mục Giáo Phận Thanh Hóa

15/06/2018
7428
Hôm qua cùng với hàng ngàn con tim tin yêu của giáo phận Thanh Hóa, tôi trở về để được ngụp lặn trong bầu khí thiêng liêng ngày đại lễ truyền chức cho 5 thầy phó tế. Tôi trở về cũng bởi một cái hẹn ân tình của cá nhân – tạm biệt vị chủ chăn mà bao năm tháng qua tôi vẫn gọi ngài cái tên thân thương “ông Linh”- Đức tổng Giuse Nguyễn Chí Linh. Và cũng hôm qua thôi, tôi được chứng kiến một không gian ngập tràn sức sống khi Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường – người sắp tới kế nhiệm “ông Linh” của tôi làm Giám mục giáo phận, bước những bước chân đầu tiên lên mảnh đất xứ Thanh này.

Biết bao xúc cảm vỡ òa được ghi tên trong ngày 14.06.2018 lịch sử: hội ngộ rồi chia ly, vui mừng xen lẫn nuối tiếc, nhớ nhung đan cài với hy vọng, và yêu thương đồng hành cùng với xin vâng… Lịch sử giáo phận Thanh Hóa dường như đã lật giở sang trang mới bắt đầu từ dấu son của ngày này.

Hội ngộ vị chủ chăn của giáo phận 

Nỗi buồn về sự chia ly với Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh vẫn âm ỉ trong lòng mỗi con chiên Thanh Hóa. 14 năm gắn bó với sự thay da đổi thịt của giáo phận, đã thực sự khắc sâu vào tâm khảm mỗi người hình ảnh vị Giám mục nhiệt huyết, yêu thương và hi sinh hết mình để phục vụ tha nhân. Cho dù viễn cảnh trước mắt là xa cách bởi không gian địa lý, nhưng tình cảm máu thịt một thời keo sơn chắc hẳn chẳng bao giờ phai. Đức Tổng mãi mãi là hình ảnh đẹp trong lòng mỗi người giáo dân Thanh Hóa. Và có lẽ, đối với ngài, Thanh Hóa cũng luôn mãi sống trong trái tim.

Nhưng cuộc đời của người mục tử là vậy. Nơi nào có đoàn chiên thì nơi ấy chính là nhà, chẳng biết cách xa tới bao nhiêu. Bởi cánh đồng truyền giáo thì luôn thúc bách, vẫy gọi, nên bất cứ khi nào Chúa Cha cất tiếng, người mục tử lại sẵn sàng ra đi. Mỗi Giám mục, linh mục khi đến mỗi vùng đất khác nhau, sẽ đưa tính cách khác nhau, giọng nói khác nhau, cách yêu thương và mục vụ khác nhau, để đưa mảnh đất ấy dần tiến về miền vọng ước. Khắp nơi đều là nhà, cho nên dù đi đâu, về đâu thì cũng đều vì một mục đích, đưa đức tin và giáo lý chân chính của Đức Kitô soi sáng cho cuộc đời. Thế nên các Kitô hữu đã học quen với mỗi lần chia tay và hội ngộ như vậy, nỗi nhớ dường như được che phủ đi phần nào.

Tuy nhiên, trên cả vẫn là sự quan phòng của Đấng Tối Cao. Người không bao giờ để con cái của người bơ vơ nơi trần thế. Khi đưa một ai đó ra đi, người tìm về một người khác để tiếp tục đồng hành với đoàn chiên. Người lật từng trang sử khi đổi thay vị trí. Người cũng mang đến hy vọng khi phái tới cho Giáo phận Thanh Hóa một người con tha hương “trở về”.

Đức cha Nguyễn Đức Cường cũng như Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh năm nào lãnh chức Giám mục giáo phận, cả hai đều là những người con ưu tú của mảnh đất Thanh Hóa, dưới tác động của ngoại cảnh mà phải chia xa đất Mẹ từ khi còn thơ ấu. Trưởng thành và nở hoa trên cuộc đời thánh hiến, bằng tài năng và sự nỗ lực không mệt mỏi thu nạp kiến thức, bồi dưỡng tâm đức…các ngài đã trở về với đất Mẹ Thanh Hóa. Thế nên, thay vì đón tiếp như lẽ thông thường thì với Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường, đó là cuộc hội ngộ sau cả mấy chục năm cách xa.

Trong cuộc đời nhỏ bé của mình, tôi đã được chứng kiến rất nhiều những lần hội ngộ. Nhưng ấn tượng của tôi về ngày lịch sử 14.6.2018 lần này thì hoàn toàn bất ngờ và xúc động.

Tôi đã nhận thấy được sự hồi hộp của mọi thành phần Dân Chúa xứ Thanh đang hiện diện nơi trung tâm mục vụ giáo phận. Từ rất sớm, dưới cái nắng gay gắt của chiều hè, mọi người đã tề tựu về nhà thờ Chính Tòa. Từ những em bé đang còn nằm ẵm ngửa trong vòng tay của người mẹ, từ những ông bà mái tóc chẳng tìm thấy sợi đen, đến các bạn trẻ, các bạn thiếu nhi… cũng đều có mặt. Ai cũng háo hức được nhìn thấy đầu tiên Tân Giám mục giáo phận. Các mẹ hoa của giáo xứ Chính Tòa trên tay cầm hoa, với những bộ áo dài rực rỡ đứng dọc bên đường từ quốc lộ 1A vào tới cổng nhà thờ Chính Tòa. Các mẹ đã tạo ra một con đường mềm mại, rực sáng. Nhưng cái đẹp nhất mà tôi nhận ra không hoàn toàn ở những bộ cánh ấy. Lặng nhìn và quan sát, tôi thấy ánh mắt lấp lánh ngóng trông có đôi phần thẹn thùng rất riêng của người phụ nữ Việt, có cả tia hy vọng đang bừng bừng phả lên khuôn mặt của những người chịu trách nhiệm giữ lửa cho mỗi gia đình. Bỗng nhiên, tôi nhớ đến hình ảnh buổi sáng khi các bậc mẫu thân dâng phẩm phục cho tiến chức. Sao những người phụ nữ Công giáo quanh tôi lại đẹp đến nao lòng như thế.



Rồi khi đoàn xe đón Đức Cha Giuse hướng về, tiếng chuông giáo đường ngân vang reo báo tin vui. Đức Cha Giuse bước ra trong sự chào đón thấm đượm ân tình, tiếng vỗ tay giòn tan trong nắng, và bất giác tôi nhìn khắp một vòng, tất cả ai nấy đều đang mỉm cười.

Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới

Để thể hiện tình yêu, sự nâng niu, trân trọng mảnh đất không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn mà còn là nơi đồng hành với ngài trên sứ vụ mới, Tân Giám mục giáo phận quỳ phục hôn đất. Hình ảnh đầu tiên mà tôi thấy giữa đời thực, vì trước đó chỉ thấy qua hình ảnh Đức Giáo Hoàng hôn đất nơi ngài đi qua. 



Cử chỉ khiêm nhường mà ý nghĩa vô cùng nơi vị chủ chăn mới của giáo phận. Tiếp đến là hình ảnh hai vị giám mục cùng quỳ trước cung thánh đọc kinh cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần. Tất cả vẽ nên bức tranh tôn nghiêm mà sùng kính của các bậc chủ chiên nhân lành, vừa là hỉnh ảnh đẹp của tình hiệp thông, tình huynh đệ. Giáo phận Thanh Hóa hạnh phúc hơn khi được đón về những người con ưu tú.



Sau những nghi thức chung, lúc này Logo và châm ngôn Giám mục của Đức Cha Giuse được treo lên trong thánh đường giáo xứ Mẹ Chính Tòa “Hãy ra chỗ nước sâu (mà thả lưới)”.

Logo lấy hình ảnh tượng trưng cho sắc màu địa lý xứ Thanh với đầy đủ núi đồi, sông biển và đồng bằng. Sẽ là gian nan và thử thách đối với Tân Giám mục và linh mục đoàn trên con đường khai phá và truyền giáo. Nhưng có nề gì khi có Chúa Thánh Thần soi sáng, dẫn lối, chỉ đường.

Hình ảnh con thuyền dong buồm ra khơi bật lên chí hướng “vươn tới nơi nước sâu” của sự nghiệp loan báo Tin Mừng mà Tân Giám mục Thanh Hóa chọn cho những năm tháng của sứ vụ chủ chăn.

Câu chuyện ra chỗ “nước sâu” được diễn tả trong Phúc Âm theo Thánh Luca như sau: Chúa Giêsu đã nói với ông Simon Phêrô: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông trả lời với Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Kết quả là ông đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi phải nhờ bạn đánh cá khác kéo lưới giúp. (x. Lc 5, 4-7).

Tân Giám mục Giuse chia sẻ: “Với tôi, giáo phận Thanh Hóa là chỗ nước sâu mà Chúa sai tôi tới. Nước sâu chỉ hết mọi người sống ở Thanh Hóa, nhất là những người túng thiếu, nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi”. “Khẩu hiệu này nhắc nhở tôi, Chúa sai tôi đến với mọi người chứ không phải cho bản thân mình. Đồng thời Ngài cũng nhắc nhở tôi để có được kết quả tôi phải liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu, cộng tác với linh mục, tu sĩ, và giáo dân trong việc rao giảng Phúc Âm”.

Tân Giám mục cũng khẳng định, “rao giảng Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội, là bổn phận của mỗi tín hữu mà tôi cũng là một tín hữu, hơn nữa là người kế vị các Tông đồ. Khẩu hiệu này cũng là chủ đề của giáo phận Thanh Hóa đã chọn vào năm 2017, kỷ niệm 85 thành lập. Tôi nghĩ đây là quyết tâm của các vị tiền nhiệm và tôi có nhiệm vụ tiếp tục quyết tâm này…” Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường đã vắn gọn lý do ngài lựa chọn khẩu hiệu Giám mục của mình. Ở Đức cha Giuse có một sự giản dị, khiêm nhường mà đức tin lại rắn rỏi đến lạ kỳ. 



Cũng hy vọng rằng với trái tim đầy nhiệt thành, khẩu hiệu mạnh mẽ… Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường sẽ vẽ nên một Giáo phận Thanh Hóa căng tràn sức sống trong tương lai. 

Cả giáo phận dang rộng vòng tay đón ngài trở về với đất mẹ.

Maria Én Trần