Giáo phận Thanh Hóa: Đêm Canh Thức Phục Sinh 2020

12/04/2020
3095
Phụng vụ Giáo Hội cử hành Canh Thức Vượt Qua để kính nhớ đêm mà Đức Giêsu Kitô đã phá bỏ xiềng xích tội lỗi, chiến thắng sự chết, đem lại sự sống đích thực cho nhân loại. Bầu khí trầm lặng của ngày thứ Bảy Tuần Thánh đang dần qua đi để nhường chỗ cho Ánh Sáng và Tin Mừng Phục Sinh tràn ngập khắp địa cầu. Trong tâm tình đó, Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường, Giám mục giáo phận Thanh Hóa, đã khai mạc Đêm Canh Thức và cử hành Đại Lễ Phục Sinh lúc 19 giờ 00, thứ Bảy, 11.04.2020 tại nhà nguyện của Tòa Giám Mục Thanh Hóa. 
 

Những năm trước, nghi thức long trọng này luôn cử hành tại nhà thờ Chính Tòa với cộng đoàn đông đảo giáo dân tham dự. Nhưng năm nay, thực hiện lệnh cách ly để phòng chống sự lây lan đại dịch Covid-19 đang chao đảo toàn thế giới, Thánh lễ Vọng Phục Sinh được cử hành trong khuôn khổ một nguyện đường nhỏ, với thành phần tham dự tối thiểu, vừa đại diện, vừa phục vụ trong thánh lễ mà thôi. Các nghi thức vẫn được cử hành đầy đủ 4 phần: Khai mạc đêm canh thức với tung hô nến sáng Phục Sinh và bài ca Exsultet công bố Tin Mừng Phục Sinh; Phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc được rút gọn;  Phụng vụ Thánh Tẩy với việc lặp lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và Phụng vụ Thánh Thể. Tuy nhiên, thay vì hiện diện thể lý tại các nhà thờ, toàn thể cộng đồng dân Chúa được mời gọi hiệp thông với vị Cha Chung của giáo phận qua các màn hình tại nhà riêng, nhờ công nghệ truyền hình trực tiếp qua mạng Internet. 

Canh Thức Phục Sinh 2020, bởi vậy, vốn đã là một đêm đặc biệt, nay lại càng trở nên “lạ thường” đối với mọi Kitô hữu, không chỉ vì một cảm giác thiệt thòi, mất mát, và xót xa khi nhìn vào những ngôi thánh đường vắng lặng; mà còn vì một trải nghiệm sống mới, đang trào dâng trong lòng những ai canh thức đêm nay, tại ngôi nhà của mình. Corona virut đã ngăn cản tín hữu đến nhà thờ, nhưng không thể dừng bước họ đến với Chúa, và lại càng không thể chặn được niềm vui Phục Sinh. 

Bài trích sách Xuất Hành trong đêm canh thức đã gợi nhắc đến một kinh nghiệm tương tự. Trước khi vượt qua Biển Đỏ, thời khắc quyết định để dân Israel chính thức thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, người Do Thái đã giết chiên làm thịt để ăn mừng lễ Vượt Qua tại nhà của mình. Đêm hôm ấy, họ ăn tiệc tại nhà mình, với những người thân trong gia đình, rồi lấy máu chiên bôi lên cửa nhà làm dấu chỉ cho sự bình an. Để rồi sáng hôm sau, rời bỏ mảnh đất Ai Cập đầy xác chết, họ hân hoan tiến về miền đất hứa. 

Tham dự đêm canh thức tại nhà năm nay, mỗi gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi thực hiện một bữa tiệc Thánh Thể Vượt Qua như vậy. Dù không đi đến nhà thờ, không có cha chủ tế, không được trực tiếp rước Mình Thánh Chúa… nhưng mỗi thành viên trong gia đình vẫn có thể ngồi cùng nhau hướng về Tòa Giám Mục, nơi những nghi thức chính yếu đang được cử hành một cách trang trọng mà ai cũng có thể nhìn thấy qua công nghệ truyền thông. Và điều quan trọng là, mỗi người, mỗi nhà, mỗi gia đình, cần hiệp thông cầu nguyện, quan tâm yêu thương nhau, cùng làm việc lành bác ái… như một dấu chỉ “máu chiên” của dân Israel năm xưa, để đánh dấu trên ngôi nhà, gia đình và tâm hồn mình. Để rồi, chính Đức Kitô Phục Sinh sẽ nhận thấy và sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua cơn đại dịch này trong hân hoan tiến vào tương lai mới. Chắc hẳn, đó phải là tinh thần sống và niềm hy vọng của mọi Kitô hữu trước thềm Đại Lễ Phục Sinh 2020 năm nay. 
 

 Maria Hoàng Hồng
BTT. GP. Thanh Hóa