THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2024

22/12/2024
581
Header


THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2024
 

Trong nhiều hình ảnh của Mùa Vọng, cha đọc thấy mỗi Chúa nhật có một ngọn nến được thắp sáng, với ý nghĩa của tượng trưng cho bốn món quà: HY VỌNG, TÌNH YÊU, NIỀM VUI và HÒA BÌNH. Những món quà này được trao tặng cho từng người chúng ta một cách tự do và phong phú bởi Chúa Hài Đồng Giêsu, Chúa chúng ta.

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

 

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2024

 

Các con thân mến,

Cha gửi đến các con lời chào yêu mến, nhân dịp lễ Giáng Sinh 2024. Tạ ơn Chúa vì thêm một cơ hội nữa, tất cả chúng ta được vui mừng cử hành và sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, như lời loan báo của sứ thần Thiên Chúa: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2, 11). Trong mầu nhiệm cứu độ, sự hiện diện của Chúa Giêsu được mô tả thật phong phú. Các Thánh Tông đồ công bố Người là viên đá bị các thợ xây loại bỏ nhưng đã trở thành viên đá góc tường (x. Cv 4, 11), là viên đá trung tâm của một Đền thờ sống động, để quy tụ những ai tin vào Người. Chúa Giêsu cũng là hình ảnh của hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, mà cuộc khổ nạn Người phải chịu sẽ làm trổ sinh nhiều bông hạt khác (x. Ga 12, 23-24). Đặc biệt nhất, Đức Giêsu được gọi là “Ánh Sáng cho muôn dân”. Danh xưng này không phải do Giáo Hội gán ghép cho Người, nhưng đây là lời tuyên bố của Đức Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49, 6). Tất cả những hình ảnh thật ý nghĩa ấy, đều khởi nguồn từ Mầu nhiệm Giáng Sinh, một mầu nhiệm mà chúng ta cùng sốt sắng cử hành trong những ngày sắp tới.

1. Những lời loan báo thánh thiêng

“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gal 4, 4). Chúng ta có thể nhìn thấy cách rõ nét điều này qua những lời loan báo thánh thiêng được mô tả lại trong Thánh Kinh.

1.1. Loan báo qua các Tiên tri

Một câu chuyện đầy nuối tiếc đã xảy ra trong buổi bình minh của nhân loại: Adam và Eva dùng tự do Chúa ban cho mình, không vâng lời Thiên Chúa, từ chối hạnh phúc tốt đẹp từ ban đầu mà Người muốn trao tặng cho con người (x. St 3, 1-19). Nhưng Chúa hứa sẽ cứu chuộc nhân loại: một người nữ sẽ xuất hiện và dòng giống người nữ ấy sẽ chiến thắng (x. St 2, 15). Để thực hiện chương trình cứu chuộc này, Thiên Chúa đã gửi đến cho dân mà Người tuyển chọn nhiều sứ giả nổi bật: Ápraham, cha của các tín đồ (St 12-18); Môisen, người được cứu thoát cách lạ lùng (Xh 2, 1-10); Đavít, một người như lòng Chúa ước mong (x. 1Sm 13,14). Bên cạnh đó là các Ngôn sứ và Tiên tri, những người được tuyển chọn để tiếp tục nói Lời của Đức Chúa cho mọi người. Dù là ở những giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích chung: loan báo cho mọi người về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Isaia, một trong những khuôn mặt được nhắc đến nhiều trong Mùa Vọng, ông đã nói đến một thời kỳ mà ánh sáng sẽ chiếu rọi trên những người ở trong bóng tối. Đấng Cứu Thế, “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (x. Is 9, 1-7). Lời loan báo ấy càng trở nên gần gũi hơn nữa khi ông nói với mọi người rằng:“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7, 14).

1.2. Loan báo cho Đức Mẹ

Theo truyền thống của Giáo hội, người thiếu nữ mà Isaia đã nói ở trên chính là Đức Maria, một thiếu nữ thôn quê hiền lành đạo đức, cũng nhận được những lời loan báo thiêng thánh từ trời cao, nơi môi miệng của sứ thần Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại sự chuyển động thật hợp lý của Phụng vụ Giáo hội. Với bậc lễ trọng của ngày 25.3, chúng ta được kêu gọi bày tỏ niềm vui trước một sự kiện trọng đại trong lịch sử Cứu độ nhân loại: Sứ Thần của Thiên Chúa đã đến ngỏ lời với Đức Maria, như ước mong cho trần thế mở lòng đón nhận Đấng Cứu Độ của mình (x. Lc 1, 26-38). Cho dù có một chút phản ứng của tâm trạng ngỡ ngàng, nhưng với câu trả lời “Xin Vâng” đầy khiêm nhường và tín thác của Đức Mẹ, việc Nhập Thể được thực hiện: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người (Kinh Truyền Tin). Tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria có một giá trị đáng ngưỡng mộ, đến nỗi thánh Bênađô đã viết: lời xin vâng của Mẹ Maria đã làm cho triều thần thiên quốc đang nín thở đợi chờ, được hân hoan vui sướng, cho hoa lá reo mừng, cho Mùa Xuân Cứu Độ được mở ra. Niềm vui ấy đã nhanh chóng lan tỏa vào thế gian, khi trẻ Gioan Baotixita lúc còn ở trong lòng mẹ, đã cảm nhận được Ơn Cứu Độ của mình: “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1, 44).

1.3. Loan báo cho các Mục đồng

Ngày 25.12, tức là 9 tháng sau biến cố truyền tin, Phụng vụ đầy ánh sáng của ngày lễ Chúa Giáng Sinh, đã làm cho những lời loan báo thiêng thánh một lần nữa lại được vang lên trong nhân thế đầy niềm vui và hy vọng, Sứ thần Thiên Chúa đã đánh thức sự im lặng trong bóng đêm của trần thế: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại…Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 10-12). Đọc chậm lại lời loan báo này, một cách cá nhân, cha cảm nhận một tình thương quá đặc biệt mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Có thể sự nghèo nàn làm cho người ta phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng có lẽ trong nhân gian thiên hạ, chưa có một trẻ sơ sinh nào phải nằm trong máng cỏ, chưa có một sinh linh nào phải chào đời trong nơi trú ngụ của đàn súc vật. Thế nhưng, đó lại là con đường mà Thiên Chúa quyền năng đã chọn để đi vào trần thế. Thánh Phaolô còn nhận ra và nói với chúng ta rằng: Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có (x. 2 Cr 8, 9). Ước gì tất cả chúng ta, tất cả những người đứng trước Hang đá Máng cỏ Chúa Hài Đồng trong đêm cực thánh mừng Chúa Giáng sinh, đều cảm nhận được tình thương Chúa đang ở gần và luôn hiện diện trong chính cuộc sống hàng ngày của mình.

2. Giáng sinh, huyền nhiệm của Tình Yêu

Nếu theo xác tín của Thánh Gioan: Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 16a), thì ta có thể tìm thấy một mệnh đề kết luận rằng: Giáng Sinh, Tình Yêu ở cùng chúng ta. Đây quả thật là một món quà chưa ai dám hay có thể nghĩ đến, nhưng Thiên Chúa lại ban tặng cách vô điều kiện cho nhân loại. Bằng con đường nhập thể làm người, tình yêu Thiên Chúa không ở xa hay ở trên, để chúng ta phải níu kéo hoặc hướng nhìn nữa, nhưng là ở cùng và ở với chúng ta mỗi ngày trong cuộc đời của mình. Cách đây một năm 15/12/2023, khi gặp gỡ các bạn trẻ Công giáo Tiến hành ở Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ một đề tài ngắn về mầu nhiệm Giáng Sinh, qua đó, ngài nói lên ước mong của ngài cho các bạn khi mừng lễ trọng đại này. Hôm nay cùng với các con, cha muốn đọc lại các ý tưởng của Đức Thánh Cha. Đối với Đức Thánh Cha, Giáng Sinh là lễ kỷ niệm tình yêu Thiên Chúa: Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và ở bên chúng ta, tình yêu người khác và tình yêu công trình sáng tạo, nhờ đó, chúng ta được ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong chúng ta (x. 1 Ga 4, 16b).

- Giáng sinh, tình yêu dành cho nhau

Đức Thánh Cha nhận xét, ngày nay món quà tình yêu của Chúa Giáng sinh đang thiếu trầm trọng, từ đó gây ra chiến tranh khiến rất nhiều người và trẻ em phải đau khổ. Người đề cập đến con số đáng kinh ngạc của sinh mạng trẻ em bị cắt ngắn trong ba cuộc xung đột đang diễn ra: hơn 3.000 trẻ em đã chết ở Gaza, ở Ukraine có hơn 500 trẻ em, và ở Yémen, sau nhiều năm chiến tranh, có hàng nghìn trẻ em đã chết. Thật khó tin nhưng đó là sự thật; một sự thật mà các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người có thể ngăn chặn được bạo lực, không được phép coi thường trong vai trò của mình; một tiếng kêu xé lòng cho tất cả mọi người khi nhìn ngắm Chúa Hài Đồng nơi Hang đá Máng cỏ đầy thinh lặng. Từ viễn cảnh đó, bắt đầu từ những môi trường mình đang sống, Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta thể hiện tình yêu thương trong gia đình, giáo xứ, trường học và mọi nơi khác trong cuộc sống hàng ngày. Người nói, đó là lý do mà Chúa Giêsu đã sinh ra, trở nên nhỏ bé, sống trong một gia đình với Đức Maria và Thánh Giuse, và tiếp tục hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta.

- Giáng sinh, tình yêu cho môi trường

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc Ngôi nhà chung là thế giới mình đang sống. Người nói: “Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nhận ra và tôn trọng vẻ đẹp chung quanh chúng ta, trong thiên nhiên và con người, và do đó phát triển trong sự chia sẻ và tình huynh đệ”. Cuối cùng, người khuyến khích các bạn trẻ hãy dấn thân cho cuộc hành trình này. Chúa Giáng sinh cho trần thế, trong đó có con người, có tạo vật. Vậy, bằng những công việc có thể làm được trong ý thức bảo vệ môi sinh, các con hãy chung tay giúp cho môi trường mình đang sống trở nên sạch đẹp hơn như thuở ban đầu của tạo dựng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31). Hãy cầu nguyện với Chúa Hài Đồng những lời này cho chúng ta và tất cả mọi người trên thế giới: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ và ngay trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa. Chúa đã phủ đầy lòng từ ái trên tất cả những gì hiện hữu, Xin gieo vào lòng chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa, để chúng con bảo vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài…” (Laudato Si số 246)

Các con thân mến,

Trong nhiều hình ảnh của Mùa Vọng, cha đọc thấy mỗi Chúa nhật có một ngọn nến được thắp sáng, với ý nghĩa của tượng trưng cho bốn món quà: HY VỌNG, TÌNH YÊU, NIỀM VUI và HÒA BÌNH. Những món quà này được trao tặng cho từng người chúng ta một cách tự do và phong phú bởi Chúa Hài Đồng Giêsu, Chúa chúng ta. Chính vì thế, với tất cả lòng yêu mến và tạ ơn, cha mến chúc các con nhận được các món quà nầy từ đêm mừng Chúa Giáng Sinh. Các con cũng đừng giữ riêng cho mình, mà hãy chia sẻ những món quà thật ý nghĩa này cho người khác.

Cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta sẽ mừng Năm Thánh Thường lệ 2025, chúng ta hãy là “những người hành hương của hy vọng”. Mến chúc các con và gia đình một Mùa Giáng Sinh an bình và một Năm Thánh tràn đầy ân sủng của Chúa.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2024.

Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

 

Nguồn: hdgmvietnam.com