Tiếp kiến chung 13/11/2024 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu

13/11/2024
68

Tiếp kiến chung 13/11/2024 - ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13/11/2024, tiếp tục suy tư về cách thế Chúa Thánh Thần hoạt động để thánh hóa Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngoài Lời Chúa, các bí tích và lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần còn thánh hóa Giáo hội bằng “lòng sùng kính Đức Maria”. Ngài giải thích rằng Mẹ Thiên Chúa là công cụ Chúa Thánh Thần sử dụng để đưa chúng ta đến với Con của Mẹ; đó là lý do tại sao chúng ta có câu nói truyền thống: “Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu”.

 

Vatican News 

Đức Thánh Cha nói rằng cuộc đời của Mẹ là một mẫu gương cho chúng ta, để chúng ta biết thưa “xin vâng” với Thiên Chúa như Mẹ đã làm, với lòng tin tưởng và quảng đại, để Thiên Chúa viết những gì Người muốn trên cuộc đời chúng ta. Hai tiếng “Này con đây” và “xin vâng” của Đức Mẹ là những lời mà chúng ta có thể thưa với Thiên Chúa khi chúng ta cần vâng phục hoặc phải vượt qua thử thách. Như Mẹ Maria đã hiện diện cùng các môn đệ trong Nhà Tiệc Ly, Mẹ cũng hiện diện với chúng ta khi chúng ta cùng Mẹ cầu nguyện với Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu theo gương Mẹ Maria, sẵn sàng vâng theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và sẵn sàng đứng lên giúp đỡ những người cần chúng ta trợ giúp.

Vào đầu buổi tiếp kiến chung, cộng đoàn cùng nghe đoạn sách Công vụ Tông đồ (Cv 1,12-14):

Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu.

Sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý. 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Qua Đức Maria đến với Chúa Giêsu”

Trong số những cách thức mà Chúa Thánh Thần sử dụng để thực hiện công cuộc thánh hóa trong Giáo hội - Lời Chúa, các Bí tích, việc cầu nguyện - có một phương thế rất đặc biệt; đó là lòng sùng kính Đức Maria. Trong truyền thống Công giáo có châm ngôn này “Ad Iesum per Mariam”, nghĩa là “qua Đức Maria đến với Chúa Giêsu”. Đức Mẹ giúp cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, Mẹ luôn luôn mở cửa cho chúng ta! Đức Mẹ là người mẹ nắm tay chúng ta hướng về Chúa Giêsu. Đức Mẹ không bao giờ chỉ về chính mình, Đức Mẹ chỉ về Chúa Giêsu. Và đây là lòng sùng kính Đức Mẹ: nhờ tay Mẹ dẫn dắt đến với Chúa Giêsu.

Mọi người có thể "biết và đọc" Đức Maria

Thánh Phaolô định nghĩa cộng đoàn Kitô hữu là “một bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi viết, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3,3). Đức Maria, như là môn đệ đầu tiên và là gương mặt của Giáo hội, cũng là một lá thư được viết bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống. Chính vì lý do này mà Mẹ có thể “được mọi người biết và đọc” (2 Cr 3,2), ngay cả bởi những người không biết đọc các sách thần học, và bởi những “kẻ bé mọn” mà Chúa Giêsu nói về họ rằng những mầu nhiệm Nước Trời ẩn giấu đối với những người khôn ngoan, nhưng lại được tỏ ra cho họ (xem Mt 11,25).

Lời "Xin vâng" của Mẹ Maria là đỉnh cao của mọi hành vi tôn giáo

Khi Đức Maria thưa tiếng “xin vâng” – khi đón nhận lời thiên thần và thưa với thiên thần: “xin hãy thực hiện thánh ý Chúa” và chấp nhận trở thành mẹ của Chúa Giêsu –, Đức Maria như thể thưa với Chúa: “Này con đây, con là một tấm bảng để viết: xin hãy để Nhà văn viết những gì Nhà văn muốn, hãy thực hiện với con những điều Chúa muốn”[1]. Vào thời đó, người ta có phong tục viết trên những tấm bảng sáp; ngày nay chúng ta có thể nói rằng Đức Maria dâng mình cho Thiên Chúa như một trang giấy trắng để Người có thể viết bất cứ điều gì Người muốn. Tiếng “xin vâng” của Đức Maria – một nhà chú giải nổi tiếng đã viết – thể hiện “đỉnh cao của mọi hành vi tôn giáo trước mặt Thiên Chúa, bởi vì Mẹ diễn tả, theo cách cao nhất, sự sẵn sàng thụ động được kết hợp với sự sẵn sàng tích cực, sự trống rỗng sâu thẳm nhất đi kèm với sự tràn đầy phong phú nhất”[2].

“Này con đây”; “xin vâng”

Do đó đây là cách mà Mẹ Thiên Chúa là công cụ của Chúa Thánh Thần trong công cuộc thánh hóa của Người như thế nào. Giữa vô số từ ngữ được nói và viết về Thiên Chúa, về Giáo hội và sự thánh thiện (mà rất ít người, hay không có ai, có thể đọc và hiểu đầy đủ), Mẹ chỉ gợi ý hai từ mà mọi người, ngay cả những người đơn sơ nhất, có thể thưa trong mọi trường hợp: “Này con đây” và “xin vâng”. Đức Maria là người đã thưa “xin vâng” với Thiên Chúa và bằng gương sáng và lời cầu bầu, Mẹ cũng thúc đẩy chúng ta thưa “xin vâng” với Người, mỗi khi chúng ta đứng trước việc phải thực hiện sự vâng phục hoặc một thử thách phải vượt qua.

Đức Mẹ hiện diện với Giáo hội

Trong mọi thời đại trong lịch sử của Giáo hội, đặc biệt là vào thời điểm này, Giáo hội đang ở trong cùng tình trạng như cộng đoàn Kitô hữu sau khi Chúa Giêsu lên trời. Giáo hội phải rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhưng đang chờ đợi “sức mạnh từ trời cao” mới có thể làm được điều đó. Và chúng ta đừng quên rằng vào lúc đó, như chúng ta đọc trong sách Công vụ Tông đồ, các môn đệ tụ họp quanh “Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu” (Cv 1,14).

Đúng là cũng có những người phụ nữ khác ở cùng với Mẹ trong Nhà Tiệc ly, nhưng sự hiện diện của Mẹ khác biệt và độc đáo hơn tất cả. Giữa Mẹ và Chúa Thánh Thần có một mối liên kết độc đáo và vĩnh viễn không thể phá hủy, chính là Chúa Kitô, “Đấng được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria” (Kinh Tin Kính). Thánh sử Luca cố tình nhấn mạnh sự liên hệ giữa việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria lúc Truyền Tin và việc Người ngự xuống trên các môn đệ vào Lễ Ngũ Tuần, bằng cách sử dụng một số cách diễn đạt giống hệt nhau trong cả hai trường hợp.

Mối liên hệ độc đáo của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi 

Thánh Phanxicô Assisi, trong một lời cầu nguyện, đã chào Đức Trinh Nữ là “nữ tử và nữ tỳ của Vua tối cao, Cha trên trời, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô rất thánh, hiền thê của Chúa Thánh Thần”[3]. Nữ tử của Chúa Cha, Mẹ của Chúa Con, Hiền thê của Chúa Thánh Thần! Mối liên hệ độc đáo của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi không thể được minh họa bằng những lời lẽ đơn giản hơn.

Theo gương Mẹ, vâng theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần

Giống như tất cả các hình ảnh, hình ảnh “Hiền thê của Chúa Thánh Thần” này không nên được hiểu cách tuyệt đối, nhưng phải được hiểu theo mức độ sự thật trong cách diễn tả này, và đó là một sự thật rất đẹp. Mẹ là hiền thê, nhưng trước đó, Mẹ còn là môn đệ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy học nơi Mẹ trở nên ngoan ngùy trước những soi sáng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt khi Người gợi ý với chúng ta hãy “vội vã lên đường” và đi giúp đỡ người đang cần chúng ta, như Mẹ đã làm ngay sau khi thiên thần từ biệt Mẹ (xem Lc 1,39). Cám ơn anh chị em!

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

[1] Chú giải Tin Mừng Thánh Luca, framm. 18 (GCS 49, p. 227).

[2] H. Schürmann, Tin Mừng Thánh Luca, Friburgo in Br. 1968: trad. ital. Brescia 1983, 154.

[3] Các nguồn của Dòng Phanxicô, Assisi 1986,  n. 281.


Nguồn:vaticannews.va