Khi thông báo rằng sẽ không có Tông huấn nào sau khi công bố tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, Đức Phanxicô đề nghị một tầm nhìn mới về việc thực thi quyền bính của mình và ký một hành động quan trọng về một cách thức mới để trở thành Giáo hội. Phỏng vấn cha Gilles Routhier, nhà thần học người Canada, người đã tham gia vào tất cả các giai đoạn của Thượng Hội đồng kể từ năm 2021.
Bắt đầu vào năm 2021, Thượng Hội đồng về tính hiệp hành đã bế mạc vào Chúa Nhật 27/10/2024 với thánh lễ do Đức Phanxicô chủ tế với sự hiện diện của các tham dự viên Thượng hội đồng, bao gồm các đại diện của các niềm tin Kitô khác.
Thượng hội đồng đã kết thúc, nhưng vẫn chưa hoàn tất. Một mặt, 10 nhóm sẽ tiếp tục làm việc trong những tháng tới về một số vấn đề, một số trong đó được coi là tế nhị cần nghiên cứu sâu hơn. Mặt khác, tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng được thông qua vào tối Thứ Bảy tạo thành sự khởi đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn thực hiện các định hướng khác nhau mà nó chứa đựng.
Tuy nhiên, Thượng hội đồng này sẽ không được theo sau bởi một Tông huấn. Lần đầu tiên kể từ khi Thánh Phaolô VI đưa vào. Do đó, tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng, một biểu hiện về tính phổ quát của Giáo hội, sẽ vẫn là tài liệu tham khảo.
Nhà thần học người Canada, cha Gilles Routhier, làm sáng tỏ sự thiếu vắng Tông huấn này được thông báo vào tối thứ Bảy, sau khi chính Đức Phanxicô thông qua tài liệu cuối cùng.
Jean Charles Putzolu: Thưa cha Gilles Routhier, đâu là ý nghĩa của thông báo này của Đức Phanxicô về việc không có tiếp theo sau Thượng Hội đồng bằng một Tông huấn?
Cha Gilles Routhier: Tông huấn có nguy cơ kết thúc Thượng Hội đồng, trong khi Tài liệu cuối cùng tạo nên cầu nối giữa những gì chúng ta đã trải qua trong ba năm và giai đoạn tiếp theo là giai đoạn thực hiện. Đó không phải là kết thúc. Bây giờ, có thể nói rằng chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn cũng quan trọng khác. Nếu không thì đó sẽ vẫn là một Tông huấn nữa. Điều đó sẽ tạo thành một cuốn sách đẹp trên các kệ thư viện.
Jean Charles Putzolu: Cha đọc thấy thế nào về quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô, về việc thực thi quyền bính này, bằng cách quyết định chính xác là không sử dụng những gì đã là thông lệ, sau một Thượng hội đồng, một Tông huấn hậu Thượng hội đồng?
Cha Gilles Routhier: Đức Thánh Cha mong muốn trao cho các Giáo hội địa phương trách nhiệm thực hiện các kết luận của Thượng Hội đồng. Các hội đồng giám mục được yêu cầu, được đề nghị làm điều gì đó với tài liệu cuối cùng này, để nó, một cách nào đó, trở thành một bản đồ cho con đường phải đi theo. Chúng ta luôn trên hành trình, chúng ta không dừng lại.
Jean Charles Putzolu: Quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô có một chiều kích đại kết không?
Cha Gilles Routhier: Theo một nghĩa nào đó là có. Và các quan sát viên hoặc các đại biểu huynh đệ rất thích tham gia vào việc thực thi này vì họ cũng thấy rằng có điều gì đó đang chuyển động trong Giáo hội Công giáo. Tôi nghĩ rằng những gì đang xảy ra là một điều gì đó không thể đảo ngược. Chúng ta không thể quay lại đằng sau.
Jean Charles Putzolu: Đức Thánh Cha Phanxicô thường bày tỏ sự sẵn sàng thảo luận về quyền tối thượng của người kế vị Thánh Phêrô. Cuối cùng không phải chính ngài là người thực hiện bước đầu tiên sao?
Cha Gilles Routhier: Đó là một cách thực thi quyền tối thượng, một cách trở thành dấu chỉ và nền tảng của sự hiệp nhất, bởi vì chúng ta không phải lựa chọn giữa hiệp nhất và đa dạng. Chúng ta phải trân trọng cả hai, cho phép sự đa dạng, nhưng không phải là sự đa dạng lông bông hay đối lập, mà là sự đa dạng trong sự hiệp nhất.
Jean Charles Putzolu: Đức Phanxicô không rút lui đối với Thượng Hội đồng này, nhưng ngài đang đưa ra một tài liệu là kết quả của cuộc tham vấn rộng rãi trong ba năm, trong đó Giáo hội hoàn vũ, và do đó là các tín hữu, bày tỏ chính mình. Đâu là vai trò của các tín hữu ngày nay? Đâu là vai trò của tất cả các Kitô hữu ?
Cha Gilles Routhier: Vai trò của tất cả các Kitô hữu được khẳng định trong tài liệu cuối cùng là vai trò mà chúng ta cũng muốn trao cho họ trong suốt tiến trình Thượng hội đồng, đặc biệt từ giai đoạn đầu tiên là giáo phận và giai đoạn lục địa nơi họ tham gia rất nhiều. Nhưng chúng ta không muốn quên họ, chúng ta không làm nên một Thượng Hội đồng Giám mục, chúng ta làm nên một Thượng hội đồng nơi tất cả các tín hữu có thể hiện diện.
Jean Charles Putzolu: Đức Gioan Phaolô II đã viết về thiên niên kỷ thứ ba sắp đến “Tertio millennio adveniente” vào năm 1994. Ba mươi năm sau, vào năm 2024, phải chăng Đức Phanxicô không đưa Giáo hội của mình trọn vẹn vào thiên niên kỷ này?
Cha Gilles Routhier: Đúng, bởi vì sự khởi đầu của thiên niên kỷ không nhất thiết phải bắt đầu vào năm 2000. Các nhà sử học luôn nói với chúng ta rằng các khoảng thời gian không trùng với lịch. Nhưng đó là một cách cho thấy rằng chúng ta đã chuyển sang một điều khác và như tôi đã nói, điều khác này là không thể đảo ngược. Hiện nay có một cách sống trong Giáo hội Công giáo, đó là sự quản lý của Giáo hội.
Jean Charles Putzolu: Còn Cha, thưa cha Gilles Routhier, Cha giữ lại gì về Thượng Hội đồng này?
Cha Gilles Routhier: Rất nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là những cuộc gặp gỡ và những cuộc gặp gỡ với tha nhân khác nhau. Đó không phải là sự gặp gỡ của những điều giống nhau; đây là điều phải tránh. Tôi cũng giữ lại một phương pháp: tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, chứ không chỉ đơn giản là thể hiện ý muốn của mình hay nguyện vọng của chính mình, mong muốn của chính mình, nhưng cùng với người khác, tìm kiếm thiên ý này.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net