Lòng Thương Xót Chúa: quyển sách làm Đức Phanxicô giao động

11/04/2021
555

Lòng thương xót là điều quan trọng hàng đầu dưới mắt Đức Phanxicô và ngài không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nhắc lại. Và có phải đây là chìa khóa dẫn đến triều giáo hoàng của ngài được truyền cảm hứng qua việc đọc một tác phẩm trong mật nghị không?

Và đó là điều Đức Hồng y Walter Kasper, Chủ tịch danh dự Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu nhấn mạnh.

Tám năm sau, Đức Hồng y Kasper vẫn còn nhớ như in. Đó là vào tháng 3 năm 2013. Hồng y Walter Kasper đang ở Rôma như tất cả các hồng y đại cử tri khác trên thế giới về Rôma dự mật nghị bất ngờ vì Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm. Trước khi vào Nhà nguyện Sixtine họp để bầu người kế vị thánh Phêrô, các hồng y đến từng người một và được chào đón ở Nhà Thánh Marta, một tòa nhà ở Vatican dành cho khách đến ở trong thời gian này, tòa nhà vài ngày sau đã thành nổi tiếng vì tân giáo hoàng đến ở. Hồng y Kasper đến nhận phòng và vali của ngài được mang lên phòng, đối diện với phòng của hồng y Jorge Mario Bergoglio từ Buenos Aires đến.

Đó là lời của Thiên Chúa chúng ta, không có lời này, chúng ta ra hư mất.

Vào thời điểm đó, quyển sách của hồng y Kasper vừa xuất bản một năm trước được dịch ra tiếng Tây Ban Nha có tựa Lòng Thương Xót, Khái niệm Cơ bản về Phúc âm và chìa khóa cho đời sống kitô giáo. Hồng y nhận nhiều ấn bản của nhà xuất bản và tặng cho các hồng y bạn nói tiếng Tây Ban Nha của mình, có vào khoảng 20 trong số các hồng y cử tri. Và dĩ nhiên ngài tặng cho người bạn ở phòng đối diện. Phản ứng của giáo hoàng tương lai đã tạo ấn tượng rất lớn với ngài: hết sức kinh ngạc, vừa khi thấy chữ “Mercy” ở tựa sách, hồng y Bergoglio kêu lên: “Đó là lời của Thiên Chúa chúng ta, không có lời này, chúng ta ra hư mất”. Có một giai thoại hơi khác một chút với giai thoại này được nhà báo Gerard O’Connell viết trong quyển sách của mình “Cuộc bầu chọn Đức Phanxicô” (L’élection du pape François, nxb. Artège, 2020). Theo nhà vatican học người Canada, người đã thu thập rất nhiều chứng từ của các hồng y trong giai đoạn mật nghị quan trọng này, Đức Phanxicô còn đi xa hơn và xác nhận với hồng y Kasper: “Đây là tên của Thiên Chúa của chúng ta!”.

Giai thoại có thể không đáng kể nếu mật nghị không bầu người Argentina. Thêm nữa, vài ngày sau khi chọn tên là Phanxicô, trong giờ Kinh Truyền Tin ở cửa sổ Dinh Tông Tòa, trong dịp này ngài đã nhắc đến quyển sách về lòng thương xót của hồng y Kasper, mà ngài mô tả là tác phẩm của một “nhà thần học xuất chúng”. Ngài còn nói đùa, ngài không có ý quảng cáo cho sách của các hồng y.

Từ đó, câu chuyện lớn nhỏ này gặp nhau: lòng thương xót đã trở thành một trong từ ngữ chính của Đức Phanxicô. Ngài bước theo bước chân của Đức Gioan-Phaolô II, tôn kính Thánh nữ thần nghiệm Faustina Kowalska, người đã nhận được thông điệp này từ Chúa Kitô: “Nhân loại sẽ không tìm thấy hòa bình khi chưa quay về với cội nguồn lòng thương xót của Ta”.

Sau khi Đức Gioan-Phaolô II thành lập ngày chúa nhật Lòng thương xót vào tuần bát nhật Phục sinh, Đức Phanxicô đã tiếp tục trực cảm này cho Giáo hội của thế kỷ 21. Năm 2015, ngài có sáng kiến thực hiện “những ngày thứ sáu của lòng thương xót”. Đơn giản là tiếp nối chúa nhật Lòng Thương Xót: ít nhất trong một ngày thứ sáu trong tháng, làm một việc cụ thể để nói lên lòng thương xót.

Marta An Nguyễn dịch

nguồn: phaxico.vn