Gia đình Thánh Charles de Foucauld trong lễ phong thánh của ngài ngày 15 tháng 5

17/05/2022
896

Gia đình Thánh Charles de Foucauld trong lễ phong thánh của ngài ngày 15 tháng 5


Hình minh họa giáo dân trong ngày lễ phong thánh 15 tháng 5-2022 tại Quảng trường Thánh Phêrô


Ngày 27 tháng 5 năm 2020, Đức Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ cầu bàu với chân phước Charles de Foucauld vì thế đã mở con đường phong thánh cho ngài.

Thánh Charles de Foucauld (1858-1916) đã để lại một gia đình thiêng liêng to lớn. Nhưng ngài cũng có gia đình ruột thịt và sẽ có 350 thành viên gia đình sẽ có mặt trong lễ phong thánh của ngài ngày 15 tháng 5 – 2022 Rôma. I.Media nói chuyện với hai trong số các thành viên gia đình ruột thịt của vị thánh phi thường này.

Charles de Foucauld viết: “Tôi đã yêu rất dịu dàng những ai mà Chúa nhân lành đã để lại cho tôi trong gia đình… Một gia đình cho tôi hạnh phúc… Một gia đình yêu mến”, ngài là em bé mồ côi nên có ý thức sâu đậm mối quan hệ gia đình. Nhiều thế hệ tiếp nhau cho đến thế hệ của bà Anne de Blic, nhà trị liệu tâm lý, bà là cháu của bà cố Marie – người chị duy nhất của Charles de Foucauld – và đến người cháu gái của Charles de Blic, cháu trai và là con đỡ đầu của người mà mọi người gọi là “Bác Charles”.

Bà Anne là người được thừa hưởng những bức thư mà thánh nhân trao đổi với người thân của mình. Bà giải thích: “Có khoảng 300 bức thư, ngài viết rất nhiều”, bây giờ bà khám phá đây là một di sản rất quý giá. Bà nói: “Với thời gian, tôi là một mắt xích trong hệ gia đình, tôi đã phát triển một gắn bó sâu sắc với cội nguồn của chúng tôi, đặc biệt với Charles de Foucauld.” Được Dòng Tiểu đệ Phúc âm Xavier Gufflet nghiên cứu, tất cả các bài viết của ngài từ năm 1893 đến năm 1916 đã được xuất bản.

Bà Anne de Blic cũng là người giữ một số vật dụng của ngài, những thứ đã đánh dấu cuộc đời của ngài, đặc biệt là một cây thánh giá, chiếc cốc thời học sinh và máy lục phân khi ngài đi khám phá Ma-rốc. Sau khi nhập cảnh nhờ hóa trang thành người do thái để đến Ma-rốc vì thời đó nước này còn cấm công dân Pháp nhập cảnh, Charles de Foucauld đã vẽ địa hình ở đó. Khi về ngài xuất bản quyển sách Ghi nhận ở Ma-rốc (Reconnaissance au Maroc) và đã có thành công rực rỡ.

Lời cầu nguyện buông bỏ của Cha De Foucauld

Bà Anne de Blic nói đùa: “Tôi cảm thấy như được sinh ra để nói về Charles de Foucauld”, bà cảm nhận một sự hiện diện rất mạnh của ông tổ của bà trong gia đình. Bà nói: “Một cảm nhận vừa ngưỡng mộ vừa ý thức mình được may mắn không thể tưởng tượng, được là con cháu của một người như vậy. Và cũng làm cho chúng tôi tự hỏi chúng tôi có ở tầm mức để xứng đáng ở tầm cao của ngài không… chúng tôi không có lối thoát. Mỗi người có một con đường riêng.”

Lời cầu nguyện buông bỏ của Cha De Foucauld

Lạy Cha, con xin buông bỏ con trong tay Cha;
xin Cha làm cho con những gì Cha muốn.
Dù Cha có làm gì cho con, con cũng xin tạ ơn Cha.

 

Con sẵn sàng tất cả, con chấp nhận tất cả.
Để ý Cha thực hiện trên con,
và nơi mọi tạo vật của Cha,
Lạy Cha, con chẳng còn ước ao điều gì hơn nữa.

Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha.
Lạy Cha, con dâng linh hồn con cho Cha với tất cả tình yêu từ trái tim con, vì con yêu Cha,và với con, nhu cầu yêu thương là hiến mình, là đặt đời con trong tay Cha, không giữ lại gì cho con và với một lòng tin tưởng vô bờ, vì Cha là Cha của con.
 

Charles de Foucauld một tuổi trong lòng mẹ năm 1859 (ảnh trong án phong thánh chân phước Charles de Foucauld)

Anne de Blic xúc động trước “sự khiêm tốn” và “buông bỏ” của ngài, bà giải thích: “Đối với tôi lời cầu nguyện buông bỏ của ngài thật phi thường, nó đi rất xa trên con đường phân định thiêng liêng và tâm lý. Khi chúng ta bị làn sóng trong Đại dương ụp xuống, phản ứng bình thường là chống cự lại với làn sóng. Nhưng sẽ rất mệt mỏi và chúng ta sẽ chết đuối. Ngược lại, nếu chúng ta buông mình, làn sóng sẽ đưa chúng ta đi xa hơn để vào bờ. Đó là biểu tượng của tin tưởng và buông bỏ trong Đức tin, mà Charles de Foucauld đã sống: trong thử thách, đừng hoảng sợ mà hãy tin tưởng.
 

Một linh đạo sống động
 

Ông Damien de Blic, giáo sư thỉnh giảng khoa học chính trị tại Paris VIII nói: “Charles de Foucauld là người mà chúng tôi đã nói đến, chúng tôi có mối quan hệ gia đình gắn chặt”, ông có quan hệ với gia đình Raymond de Blic, chồng của bà Marie và là em rể của chân phước. Ông nói: “Marie đã có thời gian ở trong nhà của ông bà cố của tôi ở Grasse. Trong nhà chúng tôi có những tấm tấm hình Cha De Foucauld. Tôi sớm có được một quyển Phúc âm ngài tặng cho ông tôi và tôi vẫn còn giữ ở nhà. Chúng tôi cũng có memento mori (hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết) và các thư từ trao đổi của ngài.”

Giáo sư sớm quan tâm đến gương mẫu của Charles de Foucauld, nhất là cảm nhận được sự truyền nối linh đạo của ngài qua các Dòng được thành lập dựa trên đời sống thiêng liêng của ngài. Ông nói: “Trong suốt cuộc đời tôi, tôi đã có dịp để thấy những công việc phi thường mà những Dòng này làm. Đặc biệt, tôi biết ba sư huynh ở Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, những người rất khiêm nhường đã thực sự làm công việc truyền bá văn hóa kitô giáo. Họ làm việc xã hội thầm lặng nhưng rất quan trọng – họ đã thành công trong việc xóa bệnh bại liệt ở trong miền của họ. Tôi cũng đã gặp ba nữ tu sống ở các khu vực phía bắc thành phố Marseille nước Pháp, họ là gương mẫu của linh đạo này”.

Ông kết luận: “Với tôi, Cha De Foucauld là toàn bộ gương mẫu này của kitô giáo, hướng về những người nghèo nhất, thường trong chiều hướng đối thoại giữa các tôn giáo.”


Một khuôn gia đình ở Quảng trường Thánh Phêrô

Khoảng 350 thành viên của gia đình, con cháu của ngài sẽ có mặt trong lễ phong thánh do Đức Phanxicô cử hành ở Quảng trường Thánh Phêrô, họ có được một khuôn riêng dành cho gia đình. Được tổ chức với sự phối hợp với các Nữ tu Hài đồng Giêsu ở Trefontane, chương trình gồm buổi cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Louis-des-Français vào tối thứ bảy 14 tháng 5, thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Thánh Gioan-Latran sáng thứ hai 16 tháng 5 và một buổi trình chiếu về cuộc đời của tân thánh.

Bà Anne de Blic là điều phối viên cuộc đoàn tụ gia đình, theo bà việc phong thánh cho Người Anh Chung “Frère universel” mang một đặc điểm rất thời sự. Theo bà, ẩn sĩ Tamanrasset, người sống giữa người Tuareg là người: “Rất gần gũi với người hồi giáo, nhưng lại không muốn họ trở lại, ngài muốn nêu gương của một đời sống kitô giáo hướng về Chúa, một điều rất ý nghĩa ở thời buổi này.”


Marta An Nguyễn dịch

---
Nguồn: Phanxico.vn