ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP CÁC SINH VIÊN TẠI ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO LOUVAIN NGÀY 28/9/2024

29/09/2024
109
Header


Chiều ngày 28/9/2024, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các sinh viên đại học tại Đại học Công giáo Louvain, một Đại học Công giáo thuộc khối nói tiếng Pháp của Bỉ, có 19 phân khoa với khoảng 30 ngàn sinh viên.

Đến phòng hội lớn của Đại học, Đức Thánh Cha được đón tiếp bởi bà Viện trưởng của Đại học Louvain, ông Viện trưởng của Đại học Leuven, Tổng Giám mục của Malines-Bruxelles trong vai trò là Đại Chưởng ấn của Đại học, và một số chức sắc chính quyền dân sự.

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha dựa trên lá thư được các giáo sư, nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên gửi cho ngài, suy tư về năm chủ đề sâu sắc: nguồn gốc triết học và thần học của cuộc khủng hoảng khí hậu, vị trí của cảm xúc và sự dấn thân, câu hỏi về sự bất bình đẳng, vị trí của phụ nữ và thái độ tỉnh táo và liên đới khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Đức Thánh Cha nói:

Tương lai và nỗi băn khoăn khắc khoải.

Trong số các vấn đề các con nêu ra, cha rất ấn tượng với vấn đề về tương lai và nỗi băn khoăn khắc khoải. Thật dễ dàng nhìn thấy một sự tà ác tàn bạo và kiêu ngạo tàn phá môi trường và con người như thế nào. Nó dường như không biết giới hạn. Chiến tranh là biểu hiện tàn bạo nhất của nó; cũng như tham nhũng và các hình thức nô lệ hiện đại. Đôi khi những tệ nạn này làm hư hoại chính tôn giáo, biến nó trở thành một công cụ thống trị. Nhưng đây là sự báng bổ xúc phạm. Từ đó, sự kết hợp của con người với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu cứu độ, bị biến thành sự nô lệ. Ngay cả tên gọi Cha, điều là mặc khải về sự quan tâm, cũng trở thành biểu hiện của sự kiêu ngạo. Thiên Chúa là Cha chứ không phải là chủ; là Con và Anh, không phải là nhà độc tài; là Thần Khí của tình yêu, không phải của sự thống trị.

Các Kitô hữu chúng ta biết rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng. Thậm chí chúng ta có thể nói ngày đời của nó đã được đếm sẵn. Sự ác không làm giảm đi sự dấn thân của chúng ta, trái lại còn củng cố nó, bởi vì trách nhiệm của chúng ta là hy vọng.

Kitô giáo và sinh thái

Về vấn đề này, các con hỏi cha về tương quan giữa Kitô giáo và sinh thái, nghĩa là đức tin của chúng ta có kế hoạch gì đối với ngôi nhà chung của toàn thể nhân loại. Cha sẽ nói điều đó bằng ba điều: lòng biết ơn, sứ vụ, lòng trung thành.

Lòng biết ơn

Thái độ đầu tiên là lòng biết ơn, vì ngôi nhà này được ban cho chúng ta: chúng ta không phải là những ông chủ, chúng ta là những người khách và những người hành hương trên trái đất. Thiên Chúa là Đấng đầu tiên chăm sóc nó, như Người cũng chăm sóc chúng ta. Ngôn sứ Isaia nói: Thiên Chúa "dựng nên quả đất mà không để hoang vu, nặn ra nó cho muôn loài cư ngụ" (xem Is 45,18). Và Thánh vịnh 8 đầy lòng biết ơn kinh ngạc: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?" (Tv 8,4-5). Cảm ơn Chúa Cha của chúng ta vì bầu trời đầy sao và sự sống trong vũ trụ này!

Sứ vụ

Thái độ thứ hai là sứ vụ: chúng ta ở trong thế giới để bảo vệ vẻ đẹp của nó và vun trồng nó vì lợi ích của mọi người, đặc biệt là những thế hệ sẽ kế tiếp ngay sau chúng ta. Đây là “chương trình sinh thái” của Giáo hội. Nhưng không có kế hoạch phát triển nào có thể thành công nếu tính kiêu ngạo, bạo lực và ganh đua vẫn còn trong lương tâm chúng ta. Chúng ta cần đi đến cội nguồn của vấn đề, đó là lòng người. Tính cấp bách bi thảm của vấn đề sinh thái cũng xuất phát từ đó: từ sự thờ ơ ngạo mạn của kẻ có quyền lực, luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Bao lâu các thị trường còn được ưu ái, thì ngôi nhà chung của chúng ta sẽ tiếp tục chịu bất công. Tuy nhiên, vẻ đẹp của món quà sáng tạo đòi chúng ta có trách nhiệm, bởi vì chúng ta là khách, không phải là kẻ chuyên quyền. Về vấn đề này, các sinh viên thân mến, cha mời các con hãy coi văn hóa là sự vun trồng của thế giới chứ không chỉ là sự trau dồi tư tưởng.

Trung thành

Ở đây có thách thức của sự phát triển toàn diện và điều này đòi hỏi thái độ thứ ba: sự trung thành. Trung thành với Thiên Chúa và con người. Sự phát triển này liên quan đến mọi người trong mọi khía cạnh của cuộc sống: thể chất, đạo đức, văn hóa, chính trị xã hội. Hơn nữa, hình thức phát triển này đối lập với mọi hình thức áp bức và loại trừ người khác. Giáo hội tố cáo những hành vi lạm dụng này, dấn thân trên hết cho việc hoán cải mỗi thành viên của mình, mỗi người chúng ta, cho công lý và sự thật. Theo nghĩa này, sự phát triển toàn diện kêu gọi chúng ta hướng đến sự thánh thiện, đến ơn gọi hướng tới một cuộc sống công bằng và hạnh phúc cho mọi người.

Do đó, cần thực hiện lựa chọn giữa việc thao túng thiên nhiên và vun đắp thiên nhiên. Và chúng ta phải bắt đầu từ bản chất của chính con người chúng ta – hãy nghĩ đến thuyết ưu sinh, người máy, trí tuệ nhân tạo. Lựa chọn giữa thao túng hay trau dồi cũng liên quan đến thế giới nội tâm của chúng ta.

Ai là phụ nữ và ai là Giáo hội

Việc suy nghĩ về hệ sinh thái nhân bản đưa chúng ta đến một chủ đề các con rất quan tâm, và cả cha và những người tiền nhiệm của cha cũng quan tâm: vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Có rất nhiều vấn đề ở đây, bao gồm bạo lực và bất công, cùng với những thành kiến về ý thức hệ. Vì vậy, chúng ta cần quay trở lại điều cốt yếu: ai là phụ nữ và ai là Giáo hội. Giáo hội là dân Chúa chứ không phải là một công ty đa quốc gia. Người nữ, giữa dân Thiên Chúa, là con gái, là chị, là mẹ. Như cha là người con, là anh, là cha. Tất cả những điều này là những mối quan hệ, diễn tả sự thật rằng chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, như là những người nam và người nữ, cùng nhau chứ không tách biệt! Trong Giáo hội, ngay từ khởi đầu, phụ nữ và đàn ông đều được mời gọi yêu và được yêu. Đây là một ơn gọi và cũng là một sứ mạng. Và từ đây nảy sinh vai trò của họ trong xã hội và trong Giáo hội (xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem, 1).

Phụ nữ và nam giới không được nhắm để trở thành đối thủ, nhưng thực sự là vì nhau

Những đặc tính của phụ nữ, những điều thực sự là nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hoặc ý thức hệ, cũng như phẩm giá không được đảm bảo bởi luật được viết trên giấy nhưng bởi luật nguyên thủy được viết trên trái tim của chúng ta. Phẩm giá là gia tài vô giá, một phẩm chất nguyên thủy mà không luật lệ nào của con người có thể ban tặng hay lấy đi. Dựa trên phẩm giá chung và chia sẻ này, văn hóa Kitô giáo, trong những bối cảnh khác nhau, tìm cách phát triển những hiểu biết mới mẻ hơn về ơn gọi và sứ mạng của người nam và người nữ và sự hỗ tương của họ cho nhau trong sự hiệp thông. Họ không được nhắm để trở thành đối thủ, nhưng thực sự là vì nhau.

Chúng ta hãy nhớ rằng người phụ nữ là trung tâm của biến cố cứu độ. Chính từ tiếng “xin vâng” của Đức Maria mà Thiên Chúa đã đến thế gian. Phụ nữ nói với chúng ta về sự chào đón, nuôi dưỡng và cống hiến mang lại sự sống. Chúng ta hãy chú ý hơn đến nhiều cách diễn tả hàng ngày của tình yêu này, từ tình bạn đến nơi làm việc, từ học tập đến việc thực hiện trách nhiệm trong Giáo hội và xã hội, từ hôn nhân đến thiên chức làm mẹ, đến sự trinh khiết vì vương quốc của Thiên Chúa và để phục vụ.

Chính các con ở đây để trưởng thành như là những người nữ và người nam. Các con đang trên một cuộc hành trình, một tiến trình đào tạo nhân bản. Do đó, con đường học tập của các con bao gồm các lĩnh vực khác nhau: nghiên cứu, tình bạn, sự phục vụ xã hội, trách nhiệm dân sự và chính trị, diễn tả nghệ thuật...

Cha nghĩ đến trải nghiệm các con sống hàng ngày tại Đại học Công giáo Louvain này, và cha chia sẻ ba khía cạnh đơn giản và mang tính quyết định của giáo dục: học tập như thế nào? tại sao lại học? học cho ai?

Học thế nào

Học thế nào: không chỉ có một phương pháp, như trong mọi ngành khoa học, mà còn có một phong cách. Mỗi người có thể tự mình trau dồi. Thực ra, học tập luôn là con đường đi đến sự hiểu biết của bản thân. Nhưng cũng có một phong cách chung có thể được chia sẻ trong cộng đồng đại học. Chúng ta học cùng nhau: cảm ơn những người đã học trước tôi - những giáo viên, những người bạn học trước đây - và những người học cùng tôi, trong lớp học. Văn hóa, được hiểu như sự tự chăm sóc, do đó, bao gồm sự quan tâm lẫn nhau.

 Tại sao phải học

Thứ hai: tại sao phải học. Có một động lực thúc đẩy chúng ta và có một mục tiêu thu hút chúng ta. Tuy nhiên các yếu tố này phải tốt đẹp, bởi vì ý nghĩa của việc học, hướng đi của cuộc đời chúng ta đều phụ thuộc vào chúng. Đôi khi chúng ta học để khám phá một loại công việc mới, nhưng cuối cùng lại sống vì công việc của mình, do đó trở thành “sản phẩm” thực sự. Chúng ta không nên sống để làm việc; thay vào đó, chúng ta nên làm việc để sống. Điều này dễ nói, nhưng cần phải nỗ lực liên tục để thực hiện nó.

Học cho ai

Thứ ba: học cho ai. Cho chính họ? Để chịu trách nhiệm trước người khác? Chúng ta học tập để có thể giáo dục và phục vụ người khác cách có năng lực và tự tin. Trước khi tự hỏi liệu việc học có ích lợi gì không, chúng ta hãy chắc chắn rằng nó hữu ích cho ai đó. Bằng đại học sau đó sẽ chỉ ra khả năng phục vụ lợi ích chung.

Sự thật giải thoát chúng ta

Các sinh viên thân mến, cha rất vui được chia sẻ những suy tư này với các con. Và khi suy tư, chúng ta nhận ra rằng có một thực tại vĩ đại hơn soi sáng chúng ta và vượt trên chúng ta: sự thật. Không có sự thật, cuộc sống của chúng ta mất đi ý nghĩa. Nghiên cứu có ý nghĩa khi nó tìm kiếm sự thật và khi tìm kiếm nó chúng ta hiểu rằng chúng ta được tạo ra để tìm ra sự thật. Sự thật có nghĩa là phải được tìm thấy, vì nó hấp dẫn, dễ tiếp cận và quảng đại. Nhưng nếu chúng ta từ bỏ việc tìm kiếm sự thật, thì việc học sẽ trở thành một công cụ của quyền lực, một cách để kiểm soát người khác; nó không còn phục vụ mà thống trị. Ngược lại, sự thật giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Các con có muốn tự do không? Vậy hãy tìm kiếm và làm chứng cho sự thật! Và cố gắng trở nên đáng tin cậy và chân thực trong những lựa chọn đơn giản và hàng ngày của các con. Theo cách này, trường đại học của các con sẽ trở thành, mỗi ngày, đúng như mục đích ban đầu của nó: một trường đại học Công giáo!

Cảm ơn vì cuộc gặp gỡ này. Cha chân thành chúc lành cho các con và hành trình đào tạo của các con. Và cha xin các con: đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn các con!

Sau khi chúc lành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi xe mui trần vòng quanh chào các sinh viên và sau đó trở về Học viện Thánh Micae cách đó 27 km.

Học viện Thánh Micae là một cơ sở học thuật do Dòng Tên điều hành, nằm ở khu Etterbeek của Bruxells. Tại đây Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ riêng với các tu sĩ dòng Tên.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Tòa Sứ thần cách đó hơn 2 km để dùng bữa và nghỉ đêm.

Chúa Nhật ngày 29/9 hôm nay, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, vào lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ tại Sân vận động Vua Baudouin và sau đó ngài từ biệt Bỉ để trở về Roma.

Nguồn: vaticannews.va/vi