DIỄN ĐÀN THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGÀY 10/10/2024: TẤT CẢ DÂN THIÊN CHÚA ĐỀU LÀ CHỦ THỂ CỦA SỨ MẠNG
Các tham dự viên Diễn đàn được tổ chức tại Nhà Mẹ của Dòng Tên vào thứ Tư ngày 9 tháng 10 bày tỏ mong muốn thấy các cấp thượng hội đồng trở nên đại diện hơn trong tương lai của toàn bộ thân thể Giáo hội, có tính đến các ngành nghề, khả năng và đặc điểm của lãnh thổ. Tầm quan trọng của việc tái khám phá ý nghĩa đích thực của việc tham vấn, một điều kiện của “tính giáo hội” thực sự, đã được nhấn mạnh.
Dân Thiên Chúa không phải là tổng số đơn giản những người đã được rửa tội, mà là cái “chúng tôi” của Giáo hội, chủ thể cộng đồng và lịch sử của tính hiệp hành và sứ mạng. Chính dựa trên giả thuyết này trong Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng mà Diễn đàn “Dân Thiên Chúa là chủ thể của sứ mạng”, diễn ra vào chiều ngày 9 tháng 10 tại Nhà Mẹ của Dòng Tên ở Rôma, đã tạo ra một cơ hội để thảo luận và tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này. Cuộc tranh luận được điều hành bởi Klara A. Csiszar, Giáo sư Thần học Mục vụ tại Khoa Thần học tại Đại học Công giáo Linz, Áo, và là thành viên của trường tiến sĩ Văn hóa – Tôn giáo – Xã hội của Đại học Babes-Bolyai từ Cluj, ở Rumani.
Truyền giáo bằng sự thu hút, không loại trừ và trong sự tự do
Thomas Söding là tiến sĩ thần học, đã lập gia đình và là cha của hai đứa con. Ông giảng dạy Tân Ước tại Khoa Thần học Công giáo tại Đại học Ruhr ở Bochum. Ông từng là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế từ năm 2004 đến 2014 và hiện tại, ngoài vai trò cố vấn cho Ủy ban Đức tin của Hội đồng Giám mục Đức, ông còn là phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Công giáo Đức (ZdK) và của Con đường Công nghị của Giáo hội Công giáo Đức. Từ quan điểm chú giải học, thông thích học (herméneutique) và rất nhấn mạnh về đối thoại đại kết, ông nhấn mạnh rằng sứ mạng là chân trời của Giáo hội. Ông nhắc nhớ rằng nhiệm vụ của các môn đệ Chúa Giêsu không phải là kiểm soát đức tin của người ta, mà là làm cho đức tin đó trở nên khả thi. Ông nói, mười hai tông đồ không có thẩm quyền loại trừ bất kỳ ai khỏi cộng đồng sứ mạng, bởi vì sứ mạng của Chúa Giêsu luôn đòi hỏi một bàn tay dang rộng ra. Phêrô và Maria Mađalêna là những tấm gương về đức tin truyền giáo, giống như bà nội trợ và men của bà được nói đến trong Thánh Kinh. Tiến sĩ Söding nhấn mạnh: “Chỉ có một sứ mạng duy nhất, đó là công bố vương quốc của Thiên Chúa sắp đến. Sứ mạng truyền giáo thông qua sự thu hút chính là chìa khóa.”
Theo thánh Phaolô, sự phát triển truyền giáo sẽ hiệu quả hơn nếu người ta tràn đầy đức tin, một đức tin không bao giờ hiển nhiên. “Cần phải có sự đồng cảm với những người khác để bao hàm, khuyến khích ngay cả những người yếu đuối nhất”, giáo sư nhấn mạnh và đồng thời nhắc lại rằng Thánh tông đồ “không khiến các tín hữu lệ thuộc vào chính ngài, nhưng công bố sự tự do trong Chúa Kitô”. Ông nhắc lại, khả năng thần học không phải là đặc ân của các giám mục, những người vốn là một món quà cho Giáo hội trong chừng mực họ khuyến khích những hình thức tham gia mới vào đời sống Giáo hội. Cuối cùng, ông nhấn mạnh rằng những kỳ vọng đã gia tăng nơi phía các tín hữu giáo dân mong muốn đóng góp một cách tích cực và trưởng thành vào đời sống của Giáo hội: “Họ mong được lắng nghe và yêu cầu sự minh bạch hơn”.
Giáo Hội, chủ thể mang tính bí tích, người giải thích Tin Mừng ở đây và bây giờ
Ormond Rush là linh mục, giáo sư cộng tác và độc giả tại Đại học Công giáo Úc, cơ sở Brisbane. Được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Thần học Công giáo Úc trong ba nhiệm kỳ, cha đã phục vụ với tư cách là chuyên gia tại hai cuộc đại hội của Hội đồng Toàn thể Úc và là cố vấn cho Ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục. Trong bài phát biểu của mình, cha nhấn mạnh ý nghĩa mang tính bao hàm của Giáo hội, được hiểu là toàn bộ thân thể của các tín hữu, trong đó có hàng giáo phẩm. Cha minh họa bốn khía cạnh: dân Thiên Chúa là chủ thể giải thích; dân Thiên Chúa là một chủ thể bị điều kiện hóa bởi thời gian; dân Thiên Chúa được đặt ở một vị trí quan trọng cho việc nhập thể của Tin Mừng; Dân Thiên Chúa là một chủ thể mang tính bí tích. Nhờ những hàm ý này, cha nói về việc các cộng đồng Kitô giáo ban đầu phải giải thích Tin Mừng như thế nào để áp dụng Tin Mừng vào các Giáo hội địa phương khác nhau vốn đang dần dần xuất hiện. Nhiều quy tắc khác nhau đã xuất hiện, nhưng chúng được coi là trung thành với sứ điệp của Chúa Kitô. Vị linh mục người Úc tuyên bố: “Thượng hội đồng này là một chủ thể giải thích nhằm tìm cách được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để mang lại một ý nghĩa cho Tin Mừng sống động và trọn vẹn”. Thời gian và không gian rõ ràng là những dữ kiện hình thành nên Giáo hội và chính Tin Mừng.
Cuối cùng, khi đề cập đến công đồng kiểu mẫu Chalcédoine vào thế kỷ thứ V, cha nhấn mạnh đến thực tại phức tạp, thần linh và nhân loại của Giáo hội. Lumen Gentium chỉ ra rằng việc giảm thiểu tính thần linh có thể dẫn đến việc coi tính hiệp hành là một tiến trình dân chủ đơn giản (đa số chiến thắng). Mặt khác, việc giảm thiểu yếu tố con người có thể dẫn đến việc coi tính hiệp hành như một quá trình tham vấn đơn giản (chỉ có hàng giáo phẩm mới có thể quyết định). Tóm lại, “chúng ta phải tránh nguy cơ kép” và quay về với Vatican II để duy trì sự cân bằng.
Tái khám phá mối liên hệ giữa luật pháp, thần học và cuộc sống
Donata Horak, giáo sư Giáo luật tại nghiên cứu thần học Alberoni de Plaisance, liên kết với Angelicum, và tại trường đào tạo thần học Plaisance, cho biết: “Chúng ta phải khám phá lại mối liên hệ giữa luật pháp, thần học và cuộc sống”. Bà là thành viên của Hội đồng Chủ tịch Điều phối các nhà thần học Ý (CTI) và thư ký của ban Điều phối các Hiệp hội Thần học Ý (CATI). Sự đóng góp của bà mang lại một cuộc kiểm tra hợp thời về việc thực thi quyền bính và sự đại diện trong một Giáo hội hiệp hành. Bà bắt đầu từ nguyên tắc “bất cứ cải cách nào chúng ta thực hiện, chúng ta sẽ thực hiện để tìm lại ý muốn đích thực ban đầu của người sáng lập”. Bà nhấn mạnh, mục tiêu và con đường phải theo là làm cho Tin Mừng trở nên đáng tin cậy đối với những mối quan hệ đúng đắn và sự chung sống giữa con người với nhau, trong đó tất cả chúng ta đều thấy mình là anh chị em. Cũng đáp lại lời chất vấn của cử tọa rằng sứ mạng không phải là một điều gì đó an nhàn và êm ả, nhưng nó thường mang chiều kích của cuộc đấu tranh thực sự chống lại sự dữ, nhà thần học người Ý này tuyên bố rằng các cuộc cải cách không được nhằm mục đích “bảo vệ chính mình, áp đặt chính mình, lặp lại chính mình, bảo vệ mình khỏi thế gian, nhưng vì Người, vì Chúa Kitô, Đấng đã tìm cách giải phóng cuộc sống.”
Bà tái khẳng định rằng Giáo hội là một dân tộc gồm những người nam và người nữ, tất cả đều mang chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Tất cả đều đồng trách nhiệm về sứ mạng và bình đẳng trong Chúa Kitô. Bà cũng tập trung vào việc sở hữu quyền lực mà, theo bà, “là nút thắt mà lề luật sẽ phải giải quyết”. Thật vậy, theo bà, điều cần thiết là phải làm sáng tỏ những mâu thuẫn trong đó “một loại giáo hội học kép dường như xuất hiện trên một số vấn đề cơ bản”. Chúng ta phải khám phá lại nền tảng của việc phục hồi mỗi người trong việc thực thi quyền bính, bà giải thích và đồng thời nhấn mạnh rằng giáo luật hiện chưa rõ ràng về điểm này.
Vượt quá não trạng nhị phân tham vấn/biểu quyết
Donata Horak đã tố giác: “Kỷ luật hiện tại của các quy chế thượng hội đồng và các cấp tham gia cho thấy một tầm nhìn tối giản về việc tham vấn”. Và để nhắc lại một não trạng nhị phân cứng nhắc đã được thiết lập như thế nào trong luật của Giáo hội Latinh, vốn đối lập các Thượng hội đồng – luôn luôn và “chỉ” mang tính tư vấn – đối với các công đồng, vốn có quyền biểu quyết. Sự phân biệt cứng nhắc này không được biết đến trong luật của các Giáo hội Đông phương. Bà lưu ý: “Có sự phản kháng đối với sự tham gia của dân Thiên Chúa, điều này thậm chí còn vượt quá giới hạn của lề luật”. “Nếu ít nhất bộ luật được thực thi trong mọi khả năng của nó, thì chúng ta sẽ có một Giáo hội sinh động và có sự tham gia nhiều hơn; ví dụ, các công đồng đặc biệt (toàn thể và cấp tỉnh), vốn có quyền biểu quyết, hầu như vẫn chưa được sử dụng”.
Bà bày tỏ hy vọng rằng: “Chúng ta phải khám phá lại động lực của việc bỏ phiếu biểu quyết, được phân bổ cho các chủ thể khác nhau, cho các cơ quan đa tác vụ, do thẩm quyền trong vấn đề hoặc hoàn cảnh Giáo hội trong đó phải đưa ra một quyết định. Do đó, nguyên tắc phẩm trật phải được bao hàm trong sự năng động của các mối quan hệ phức tạp và bất đối xứng trong Giáo hội, trong đó các đặc sủng, các thừa tác vụ, các chức vụ và khả năng được phân bổ khác nhau, luôn trong sự hiệp thông được bảo đảm bởi các Giám mục, những người có thể cấp việc bỏ phiếu biểu quyết cho các cơ quan tư vấn, công nghị hoặc ủy ban mục vụ”.
Mấu chốt của sự đại diện
Các cấp thượng hội đồng trong tương lai phải đại diện cho toàn thể dân Thiên Chúa, bằng cách quan tâm đến nghề nghiệp, khả năng, đặc điểm của lãnh thổ, bà nhấn mạnh và đồng thời mời gọi khám phá lại “ý nghĩa đích thực của việc tham vấn vốn thực sự là điều kiện của tính giáo hội trong việc thực thi quyền bính”. Bà nói thêm rằng quyền biểu quyết đó, ngay cả khi nó hợp pháp về mặt hình thức, chỉ có ý nghĩa nếu nó là kết quả của sự phân định cộng đồng bởi vì Giáo hội không thể là một chế độ quân chủ.
Để kết luận, bà đặt ra câu hỏi sau đây: làm thế nào tiến hành những cuộc cải cách giáo luật cần thiết cho chúng ta ngày nay, để luật pháp phục vụ đời sống và sứ mạng của Giáo hội? Đi sâu vào chi tiết, bà nhận xét, “bước đầu tiên sẽ là cải thiện ngôn ngữ của bộ luật bằng cách loại bỏ những cách diễn đạt mâu thuẫn liên quan đến giáo hội học đương đại, làm cho các ý kiến được các cơ quan tư vấn bày tỏ trở nên bắt buộc với hiệu lực, cung cấp cho mỗi hội đồng một quy định về bầu cử và ứng cử, đồng thời giới thiệu các tổ chức thượng hội đồng mới”. Bà nhận xét rằng có rất nhiều khả năng mà hệ thống hiện tại sẽ cho phép, nếu nó được triển khai hoặc cải cách đầy đủ.
Giáo luật cần có tầm nhìn táo bạo hơn
Nhà thần học này tuyên bố: chúng ta có thể dám làm nhiều hơn nữa, “vào thời kỳ mà các hệ thống luật hóa đang gặp khủng hoảng, trật tự của Giáo hội có thể khám phá lại sức sống vốn thuộc về truyền thống của mình, bằng cách vượt quá những cứng nhắc về mặt hình thức vốn cần thiết trong thế kỷ trước. Việc giải thích luật, vốn quá tự mãn trong việc chú giải các bộ luật, ngày nay được kêu gọi có một tầm nhìn táo bạo hơn và “công giáo” (phổ quát) hơn”. Cung cấp cho các Giáo hội không phải những bộ luật mới, nhưng là những công cụ hợp lý hơn vốn bao gồm các quy tắc thủ tục để các Giáo hội có thể xây dựng luật một cách tự quản và tự đưa ra những cải cách cần thiết để việc loan báo Tin Mừng trở nên đáng tin cậy trong bối cảnh văn hóa cụ thể của họ. Luật phổ quát sẽ ngày càng có nhiệm vụ thúc đẩy “việc phân quyền lành mạnh” và sự phân biệt lành mạnh về kỷ luật của các tổ chức, các thừa tác vụ và các cơ cấu giáo hội, luôn không phương hại đến sự hiệp thông vốn là quyền/nghĩa vụ cơ bản của mọi người đã được rửa tội trong Dân Thiên Chúa.
Giáo Hội không phải là ông chủ của sứ mạng, nhưng là người phục vụ
Đức cha Lúcio Andrice Muadula, đến từ Mozambique, giám mục giáo phận Xai-Xai, được giao nhiệm vụ hoàn thành cuộc tranh luận bằng một suy tư mục vụ-Thánh Kinh. Là Chủ tịch Hội đồng Giám mục của đất nước mình và là phó chủ tịch thứ nhất của Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (Sceam), ngài khuyến khích dân Thiên Chúa thực hiện một sứ mạng không đến từ con người mà đến từ Chúa Cha. Ngài mời gọi mọi người bước ra khỏi chính mình trong một Giáo hội “không phải là một ông chủ của sứ mạng, nhưng là một người truyền giáo phục vụ”. Ngài cũng nhắc lại rằng Giáo hội không thể tự nhốt mình vào một thái độ tự quy chiếu: “Vấn đề không chỉ là thực hiện việc phục vụ duy trì cộng đồng Kitô hữu, nhưng còn dấn thân vào cuộc đối thoại với thế giới”. Một thái độ phải được nảy sinh từ việc khai tâm Kitô giáo của mỗi người, như trường hợp ở miền nam Châu Phi, nơi mà, ngài giải thích, đời sống giáo xứ được gắn liền với những nhu cầu cụ thể của các vùng lãnh thổ.
Khi trao đổi các câu hỏi với cộng đồng những người tham gia Diễn đàn, cần phải xua tan sự nghi ngờ rằng việc nói về Dân Thiên Chúa, mà không nhấn mạnh rằng chúng ta đang nói về “thân thể của Giáo hội”, là “rơi” vào một phạm trù xã hội học vốn bỏ qua dự kiện thần linh. Một nhà thần học và nhà truyền giáo đã đặt câu hỏi: dân truyền giáo này ở đâu nếu có quá ít người trong Giáo hội? Ngài làm chứng: “Động lực của mọi thứ, của việc học biết lẫn nhau và thực hiện các thượng hội đồng, đó là tạo ra niềm vui. Có lẽ chính nét vui mừng này dường như đã bị mất đi phần nào trong thời gian gần đây và cũng phải được phục hồi thông qua việc đào tạo Kitô giáo vững chắc và liên tục hơn”.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/fr (10/10/2024)
Nguồn: xuanbichvietnam.net