![DRCONGO-UNREST](https://www.vaticannews.va/content/dam/vaticannews/agenzie/images/afp/2025/02/06/09/1738830283071.jpg/_jcr_content/renditions/cq5dam.thumbnail.cropped.750.422.jpeg)
CHDC Congo: Ít nhất 3.000 người thiệt mạng giữa lo ngại xung đột lan rộng
Vatican News
Nhóm phiến quân M23, được Rwanda hậu thuẫn, những người đã chiếm được Goma – một thành phố lớn ở tỉnh Bắc Kivu, miền đông Congo – đang tìm cách trấn an hơn 2 triệu cư dân của thành phố bằng cách tổ chức một cuộc tuần hành và hứa hẹn về sự an toàn và ổn định dưới sự quản lý của họ.
Cuộc tuần hành diễn ra vào thứ Năm tại sân vận động của thành phố Goma là một phần trong nỗ lực của nhóm phiến quân nhằm củng cố sự ủng hộ của công chúng, giữa áp lực quốc tế ngày càng gia tăng sau các báo cáo cho biết gần 3.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa phiến quân và quân đội Congo.
Mặc dù đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương vì lý do nhân đạo sau khi chiếm được Goma vào tuần trước, hôm thứ Tư nhóm phiến quân cũng đã kiểm soát thị trấn khai thác mỏ Nyabibwe, không xa thủ phủ Bukavu của tỉnh Nam Kivu.
Khủng hoảng nhân đạo
Cuộc giao tranh đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, thu hút sự chú ý của Tòa án Hình sự Quốc tế. Ngoài các báo cáo về những thi thể nằm trên đường phố, các bệnh viện đang quá tải và cạn kiệt nguồn cung ứng, thì còn có nỗi lo sợ về sự lây lan của dịch bệnh gia tăng do thiếu điện, nước sạch và các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ và dịch tả đang diễn ra.
Chính quyền Congo đã thông báo sẽ trình một đề xuất lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, yêu cầu điều tra những gì họ gọi là “các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” tại thành phố Goma – nơi cũng là trung tâm của hàng chục ngàn người phải di tản do nhiều thập kỷ bất ổn và bạo lực trong khu vực.
Lo ngại khu vực
Nhóm phiến quân M23, được hỗ trợ bởi khoảng 4.000 quân từ Rwanda láng giềng, là lực lượng mạnh nhất trong số hơn 100 nhóm vũ trang hoạt động ở miền đông Congo – nơi sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn, có vai trò quan trọng đối với công nghệ toàn cầu.
Lo ngại và kinh hoàng trước mức độ bạo lực ngày càng gia tăng, các sáng kiến hòa bình địa phương đang được nhân rộng, bao gồm sáng kiến của Giáo hội Công giáo và Tin lành tại Congo, những người đã gặp gỡ Tổng thống Tshisekedi và trình bày một “kế hoạch thoát khủng hoảng”.
Tổng Thư ký Hội đồng Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) cũng kêu gọi đối thoại và cho biết Hội đồng Giáo hội Kitô Thế giới sẵn sàng cùng các giáo hội thành viên hỗ trợ mọi nỗ lực nhằm nối lại đối thoại ở cấp độ chính trị.
Kể từ khi cuộc giao tranh bùng phát và phiến quân tiến sâu vào miền đông Congo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng mọi cơ hội để kêu gọi cầu nguyện cho người dân Goma và Nam Kivu, đồng thời thúc giục một giải pháp trung gian cho bạo lực.
Nguồn: vaticannews.va