6 năm cuối triều đại Giáo hoàng Phanxicô: người lữ hành cao tuổi mang những lo âu của thế giới

24/04/2025
13
Đức Thánh Cha trong giờ cầu nguyện cho thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19
 

6 năm cuối triều đại Giáo hoàng Phanxicô: người lữ hành cao tuổi mang những lo âu của thế giới

Trong 6 năm cuối Đức Thánh Cha lãnh đạo Giáo hội, bên cạnh giờ cầu nguyện vào ngày 27/3/2020 cho đại dịch Covid-19 chấm dứt và việc cải cách giáo triều Roma, sứ vụ của Đức Thánh Cha nổi bật với những chuyến tông du viếng thăm những đất nước ở những vùng ngoại vi, cả về tôn giáo lẫn hiện sinh. Những ngày tháng đau bệnh càng chứng minh sức mạnh tinh thần và lòng trung thành với sứ vụ của vị Mục tử hết lòng vì đoàn chiên, của vị lãnh đạo luôn thao thức về hòa bình, công ích cho toàn thế giới.

 

Hồng Thủy - Vatican News

Trong 6 năm cuối Đức Thánh Cha lãnh đạo Giáo hội, bên cạnh giờ cầu nguyện vào ngày 27/3/2020 cho đại dịch Covid-19 chấm dứt và việc cải cách giáo triều Roma, sứ vụ của Đức Thánh Cha nổi bật với những chuyến tông du viếng thăm những đất nước ở những vùng ngoại vi, cả về tôn giáo lẫn hiện sinh. Những ngày tháng đau bệnh càng chứng minh sức mạnh tinh thần và lòng trung thành với sứ vụ của vị Mục tử hết lòng vì đoàn chiên.

"Cụ già" mang trên vai gánh nặng của thế giới bị đại dịch tấn công

Biến cố quan trọng đầu tiên không thể không kể đến trong những năm cuối của triều Giáo hoàng Phanxicô chính là đại dịch Covid-19. Từ đầu tháng 2/2020 đại dịch lan sang châu Âu, và Ý là quốc gia đầu tiên bị tấn công mạnh mẽ bởi đại dịch thế kỷ này. Kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid chưa có, vật tư y tế và thuốc men thiếu thốn, số người chết ngày càng tăng, từ hàng chục đến hàng trăm và thậm chí hơn một ngàn người mỗi ngày. Bầu khí chết chóc bao trùm mọi nơi, đường phố thủ đô Roma như một thành phố chết, không bóng người...

Giữa tình hình tăm tối này, vào lúc 6 giờ chiều ngày 27/3/2020, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô và ban phép lành Thánh Thể toàn xá Urbi et Orbi cho các tín hữu trong buổi cầu nguyện đặc biệt cầu cho thế giới trước đại dịch.

Giờ cầu nguyện diễn ra trong Quảng trường hoàn toàn trống vắng vì phong tỏa, chỉ một mình Đức Thánh Cha giữa Quảng trường rộng lớn dưới trời mưa. Nhưng thực ra đây lại là một trong những giờ cầu nguyện có hàng triệu tín hữu từ khắp nơi trên thế giới tham dự.

Hình ảnh một cụ già lớn tuổi dường như mang trên vai toàn bộ sức nặng của một thảm kịch đã đảo lộn cuộc sống và thói quen hàng ngày khiến toàn thế giới xúc động. Nhân loại đã bị ảnh hưởng nhưng Giáo hoàng đã nói về hy vọng và về tình huynh đệ.

Đoạn Tin Mừng thánh Marco được đọc trong giờ cầu nguyện thuật lại sự kiện các môn đệ đang ở trên tàu, khi Chúa Giêsu đang ngủ, thì giông bão nổi lên. Các môn đệ hoảng sợ, đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giêsu đã truyền cho sóng im biển lặng và ngài bảo họ “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Suy tư về đoạn Tin Mừng trên, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy mời Chúa vào cuộc đời chúng ta, hãy phó thác những khó khăn đau khổ cho Chúa, hãy tin rằng Chúa là Đấng yêu thương và yêu thương chúng ta nhất.

Đức Thánh Cha đã chia sẻ một số điểm chính: Chúng ta ở trên cùng con thuyền và cần cùng nhau chèo để vượt qua sóng gió; Chúa Giêsu ngủ yên vì Người tín thác nơi Chúa Cha; các môn đệ thiếu đức tin bởi vì họ không tin Chúa quan tâm đến họ; bão tố cho thấy chúng ta đã bỏ qua điều nâng đỡ và ban sức mạnh cho chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta và đón nhận thập giá và đón nhận hy vọng. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, giải thoát khỏi sợ hãi và mang lại hy vọng.

Người lữ hành mang Chúa đến những vùng ngoại vi của thế giới

Một điểm nổi bật khác trong những năm sứ vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô chính là những chuyến đi mang Chúa đến gần mọi người. Ngài đã thực hiện 47 chuyến tông du nước ngoài theo lời mời của chính phủ các nước, hoặc tham dự sự kiện, hay để thi hành sứ vụ.

Chuyến thăm đầu tiên sau đại dịch Covid-19 chính là thăm Iraq trong ba ngày, từ ngày 5-8/3/2021. Ngài thăm Baghad, Ur, Erbil, Mosul và Qaraqosh, những vùng đất và ngôi làng vẫn còn mang những vết sẹo rõ ràng của chủ nghĩa khủng bố, với máu trên tường và lều trại của những người di tản dọc theo đường phố, giữa đại dịch Covid và những lo ngại chung về an ninh. Một chuyến đi không được nhiều người khuyến khích vì lý do sức khỏe và nguy cơ bị tấn công nhưng lại là một chuyến đi được ngài mong muốn bằng mọi giá. Bản thân Đức Phanxicô luôn tâm sự rằng chuyến đi “đẹp nhất”, là chuyến đi đầu tiên đặt chân đến vùng đất của tổ phụ Abraham, nơi mà Đức Gioan Phaolô II không thể đến, và để trò chuyện với nhà lãnh đạo Shia Al-Sistani. Ngài và Đại Giáo chủ Ayatollah Ali al-Sistani đã ký một tuyên ngôn chung lên án chủ nghĩa cực đoan và cổ võ hòa bình. Có thể nói là có một sự “ngoan cố tốt lành” đã thúc đẩy Đức Thánh Cha thăm Iraq.

Đó cũng chính là sự ngoan cố trước đó, vào năm 2015, đã đưa ngài đến Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi, đất nước bị thương tích bởi một cuộc nội chiến đã khiến người dân chết trên đường phố ngay cả chính trong những ngày Đức Thánh Cha viếng thăm. Và chúng ta cũng có thể định nghĩa sự ngoan cố tốt lành là sự ngoan cố đã truyền cảm hứng cho sự lựa chọn thực hiện hành trình dài nhất của triều đại giáo hoàng ở tuổi 87 vào tháng 9/2024, với 15 ngày, qua 2 châu lục nằm trên 4 múi giờ, 32.814 km di chuyển bằng máy bay. Đó là chuyến thăm 4 nước: Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Mỗi quốc gia đại diện cho một chủ đề chính trong giáo huấn của ngài: tình huynh đệ và đối thoại liên tôn, vùng ngoại vi và tình trạng khẩn cấp về khí hậu, hòa giải và đức tin, sự giàu có và phát triển phục vụ đối với đói nghèo.

Thao thức cải cách Giáo triều Roma

Dù tuổi cao và sức khỏe yếu dần theo năm tháng, cộng thêm với những căn bệnh đã trở thành mãn tính, Đức Thánh Cha vẫn miệt mài hoạt động, chưa nghĩ đến chuyện từ nhiệm. Một trong những thao thức thúc đẩy ngài chính là mong ước cải cách Giáo triều Roma. Cuộc cải cách nhấn mạnh việc loan báo Tin Mừng và tạo điều kiện cho giáo dân giữ những chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội.

Đức Thánh Cha đã không muốn phớt lờ các khuyến nghị của các hồng y trong các phiên họp trước Mật nghị bầu Giáo hoàng, những người đã yêu cầu vị Giáo hoàng mới tái cấu trúc Giáo triều Roma và đặc biệt là tài chính của Vatican, vốn đã là tâm điểm của các vụ bê bối trong nhiều năm. Ngay lập tức ngài đã thành lập một Hội đồng Hồng y, C9 (sau nhiều năm đã trở thành C6 và C8 với sự thay đổi của các thành viên khác nhau), một “thượng viện” nhỏ để hỗ trợ ngài trong việc quản lý Giáo hội hoàn vũ và trong việc cải cách Giáo triều. Việc sáp nhập các Bộ và những thay đổi khác về chức danh và biểu đồ tổ chức là một dấu hiệu của công việc đang được tiến hành; bước cuối cùng là Tông hiến Praedicate Evangelium (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng), được chờ đợi trong nhiều năm, được ban hành ngày 19/3/2022. Tông hiến giới thiệu những đổi mới đáng kể.

Đức Thánh Cha đã thành lập Bộ Loan báo Tin Mừng mới, do ngài trực tiếp chủ trì, bổ nhiệm giáo dân “vào các vai trò quản lý và trách nhiệm”. Ngài bổ nhiệm vị tổng trưởng đầu tiên là giáo dân: ông Paolo Ruffini làm Tổng trưởng Bộ Truyền thông. Sau đó bổ nhiệm Tổng trường đầu tiên của Bộ Tu hội Đời sống Thánh hiến là một nữ tu - Sơ Simona Brambilla, và nữ tu đầu tiên giữ chức vụ Thống đốc Quốc gia Thành Vatican - Sơ Raffaella Petrini.

Những lời kêu gọi không mệt mỏi cho hòa bình

Các cuộc xung đột, chiến tranh là những nỗi đau của Đức Thánh Cha khi chứng kiến cái chết của người dân vô tội, tuổi thơ và giấc mơ của trẻ em bị cướp đi, các gia đình ly tán. Đáng buồn là trong những năm cuối triều Giáo hoàng của ngài, những cuộc chiến đến gần hơn, như chiến tranh Nga-Ucraina, Israel-Hamas. Ngài tâm sự trong podcast đầu tiên và duy nhất với các phương tiện truyền thông Vatican nhân kỷ niệm 10 năm ngày ngài được bầu làm Giáo hoàng: “Tôi không nghĩ mình sẽ trở thành Giáo hoàng trong thời chiến”.

Do đó, hòa bình là mục tiêu Đức Thánh Cha không ngừng tìm kiếm. Vì hòa bình, ngài liên tục kêu gọi cầu nguyện, được gọi là Ngày ăn chay và cầu nguyện - cho Syria, Libăng, Afghanistan, Thánh Địa - với sự tham gia của các tín hữu ở mọi nơi; ngài đã thánh hiến nước Nga và nước Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Mẹ Maria vào năm 2022; ngài đã tổ chức những khoảnh khắc lịch sử như trồng một cây ô liu trong Vườn Vatican, vào ngày 8/6/2014, với các tổng thống của Israel - Shimon Peres - và tổng thống Palestine - Mahmoud Abbas.

Vì hòa bình, Đức Thánh Cha đã có những cử chỉ không theo nghi lễ ngoại giao. Một ngày sau quả bom đầu tiên thả xuống Kyiv, ngài lên xe và đi, đến văn phòng của đại sứ Nga cạnh Tòa Thánh, cố gắng bắt đầu các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Putin và đảm bảo khả năng làm trung gian. Đã nhiều lần ngài khiển trách các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cảnh báo các lãnh chúa rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chúa vì những giọt nước mắt đã rơi giữa các dân tộc, không đồng ý với thị trường vũ khí đang phát triển mạnh bằng cách đưa ra đề xuất sử dụng chi phí vũ khí để thành lập Quỹ toàn cầu nhằm xóa bỏ đói nghèo. Ngài đã yêu cầu xây dựng cầu nối chứ không phải những bức tường, ngài đã thúc giục đặt lợi ích chung lên trên các chiến lược quân sự, đôi khi bị hiểu sai và chỉ trích.

Những vấn đề sức khỏe không cản được Đức Thánh Cha gần gũi với mọi người

Và chúng ta không thể không kể đến những khoảnh khắc khó khăn và vấn đề sức khỏe của Đức Thánh Cha trong những năm cuối đời. Ngài phải trải qua các ca phẫu thuật tại bệnh viện Gemelli vào năm 2021 và 2023, việc nhập viện tại cùng một bệnh viện một lần nữa vào năm 2023, do các biến chứng về hô hấp, sau đó là cảm lạnh, cúm, đau đầu gối khiến ngài phải ngồi xe lăn trong ba năm qua. Cuối cùng là thời gian nằm viện dài nhất - 38 ngày - do viêm phổi hai bên. Những vấn đề sức khỏe không ngăn cản ngài hiện diện và gần gũi với mọi người, như đã thấy trong những tuần gần đây, sau khi ngài xuất viện, với chuyến viếng thăm bất ngờ tới Đền thờ Đức Bà Cả vào trước Tuần Thánh, chuyến viếng thăm cuối cùng trong hơn một trăm chuyến viếng thăm. Ngài đến thăm nhà tù vào thứ Năm Tuần Thánh. Và cuối cùng chuyến chào thăm cuối cùng tại Quảng trường Thánh Phêrô và trưa Chúa Nhật Phục Sinh. Bệnh tật và đau yếu không ngăn cản ước mơ gần gũi tín hữu của vị Mục tử luôn quan tâm đến đoàn chiên của mình.

Những con số ấn tượng trong 12 năm Giáo hoàng

Cuối cùng, các khó khăn chưa bao giờ có thể ngăn cản Đức Thánh Cha hoạt động hoặc tham dự các sự kiện. Một số thống kê đưa ra thông tin về điều này. Trong 12 năm qua, ngài đã chủ trì hơn 500 buổi tiếp kiến chung, 10 Công nghị hồng y để phong 163 tân Hồng y và đặc biệt là mang lại tính cách phổ quát cho bộ mặt của Giáo hội; hơn 900 lễ phong thánh (bao gồm ba vị tiền nhiệm: Gioan XXIII, Gioan Phaolô II, Phaolô VI); các “Năm đặc biệt”, bao gồm các năm dành cho Đời sống thánh hiến (2015-2016), Năm Thánh Giuse (2020-2021) và Năm Gia đình (2021-2022); bốn Đại hội Giới trẻ Thế giới: Rio de Janeiro (2013), Krakow (2016), Panama (2019) và Lisbon (2023). Hai Năm Thánh: Năm Thánh ngoại thường về Lòng thương xót năm 2016 và Năm Thánh thường kỳ năm 2025, hiện đang diễn ra, với chủ đề “Những người hành hương của Hy vọng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường về Nhà Cha trên trời trong Năm Thánh Hy vọng và chắc chắn là trong Hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh, niềm Hy vọng không làm thất vọng.

Nguồn:vaticannews.va