Ủy ban Giáo dân – Thường huấn tháng 03/2024: Giáo xứ là trường tông đồ

03/03/2024
1766

 

 

Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam

THƯỜNG HUẤN THÁNG 03/2024:
GIÁO XỨ LÀ TRƯỜNG TÔNG ĐỒ

 

 


Bài 1: GIÁO XỨ NHƯ TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ - LM Tôma Vũ Ngọc Tín SJ
Bài 2: TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN, SỨ GIẢ CỦA DÂN THÁNH - LM Antôn Hà Văn Minh
Bài 3: VUN ĐẮP MỘT NỀN LINH ĐẠO DỰA TRÊN CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ - LM Tôma Vũ Ngọc Tín SJ
Bài 4: TRƯỞNG THÀNH NHÂN ĐỨC CỦA TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN QUA ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ - LM Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

 

Bài 1: GIÁO XỨ NHƯ TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ - LM Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Giáo xứ không chỉ là một tổ chức hay cơ cấu đơn thuần trong một bối cảnh văn hóa xã hội địa phương nhất định, mà còn là một cộng đoàn đức tin sống động, nơi mỗi tín hữu được mời gọi đào luyện, sống và chuyển trao đức tin, trong tình liên đới và hiệp thông. Trong kỷ nguyên thông tin và di dân ngày nay, giáo xứ phải đối diện và thích nghi với thách thức mới, từ sự thay đổi trong cách chúng ta sống và giao tiếp đến những thách thức mà nền văn hóa kỹ thuật số đặt ra. Điều này đòi hỏi nơi giáo xứ một sự năng động đi ra “vùng ngoại biên” và những “biên cương mới” về mặt đức tin và phong hóa. Về mặt quản trị và tổ chức mục vụ, đây là một tiến trình đòi hỏi tình liên đới và sự hợp tác liên tục giữa các cộng đoàn giáo xứ, giữa các cộng đoàn trong giáo xứ, và giữa cha xứ với giáo dân nói chung và Hội đồng mục vụ giáo xứ nói riêng.
Thật vậy, kỷ nguyên truyền thông và di dân ngày nay đang đặt ra thách đố và cơ hội cho từng giáo xứ, trong việc canh tân mục vụ và nhận định phương hướng phát triển. Trước hết, mục vụ giáo xứ không giới hạn trong những cơ chế hành chánh hay tổ chức đoàn thể, mà còn phải thực sự làm cho cộng đoàn giáo xứ thể hiện mình là một cộng đoàn Dân Chúa, hiện diện sống động trong một bối cảnh văn hóa xã hội đặc thù, thể hiện qua việc mỗi Kitô hữu trong giáo xứ tích cực thể hiện tư cách thành viên, tham gia vào đời sống và sứ vụ của giáo xứ. Với ơn của Bí tích Thanh tẩy, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta được kêu gọi sống linh đạo hiệp thông, được tái sinh vào đời sống thần linh và sống tư cách con cái Thiên Chúa. Trong việc quản trị mục vụ, với sự cộng tác của Hội đồng mục vụ giáo xứ, cha xứ cần thể hiện tinh thần mục vụ truyền giáo và minh bạch trong quản trị. Sự minh bạch ở đây không chỉ có nghĩa là trình bày các dữ kiện mà còn là cung cấp thông tin và tạo cơ hội để thành viên cộng đoàn tham gia vào việc nhận định, vun đắp tình hiệp thông và chung tay xây dựng giáo xứ.
Thứ đến, mục vụ giáo xứ cần phát triển ngang qua tinh thần hợp tác và liên đới. Mục vụ giáo xứ cần mở rộng ra ngoài ranh giới nhà thờ giáo xứ và tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn Dân Chúa cách rõ ràng và cụ thể hơn. Bên cạnh sự hợp tác hữu hiệu giữa các thành phần Dân Chúa, cần có sự hợp tác sống động và thiết thực giữa các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ. Hội đồng Mục vụ Giáo xứ có chức năng tư vấn, không chỉ giúp cha xứ xem xét cẩn thận các ý kiến mà còn tham gia vào tiến trình nhận định, giúp tìm kiếm và đề xuất những sáng kiến thực tiễn về mục vụ và bác ái liên quan đến giáo xứ. Để thực thi chức năng của mình cách hữu hiệu, Hội đồng cần tránh hai thái cực: một là cha xứ đưa ra quyết định sẵn có của ngài, và hai là cha xứ đánh mất vai trò mục tử và lãnh đạo cộng đoàn. Thực tế, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ là một cơ cấu không thể thiếu trong việc phát triển mục vụ, có vai trò quan trọng trong việc điều hành mục vụ. Có thể nói, cha xứ khó có thể chu toàn phận vụ của mình khi điều hành giáo xứ mà không có sự hợp tác và hỗ trợ của Hội đồng mục vụ giáo xứ.
Sau cùng, Mục vụ giáo xứ cần khám phá phương thức mới, sáng tạo và đổi mới liên tục để phản ánh đúng sức sống của cộng đoàn Dân Chúa trước nhu cầu và thách thức của thời đại. Điều này đòi hỏi phải khám phá những phương thức mới và sáng tạo, để Giáo hội có thể thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình là nguồn lực loan báo Tin Mừng. Giáo xứ không thể bị giới hạn trong không gian phụng vụ nơi nhà thờ giáo xứ, cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức đoàn thể, mà còn mở rộng ra không gian sống đức tin, vốn được xác định cụ thể về mặt địa dư, nhưng phong phú và đa dạng về niềm tin và phong hóa. Khi đời sống giáo xứ thể hiện theo định hướng này, giáo xứ là một cộng đoàn đi ra, một giáo xứ mở rộng bản thân qua những biên cương mới.
Tóm lại, bối cảnh truyền thông và di dân ngày nay mời gọi giáo xứ canh tân bản thân để thể hiện sức sống của cộng đoàn Dân Chúa trong những hoàn cảnh đặc thù. Giáo xứ là nơi từng thành phần Dân Chúa trong giáo xứ thuộc về và sống tư cách thành viên trong tình hiệp thông và liên đới. Mỗi giáo xứ được kêu gọi không ngừng đổi mới, để trở thành cộng đoàn sống động, nơi các tín hữu không chỉ tham dự cử hành phụng vụ, mà còn đào luyện đức tin và thực thi sứ mạng hợp với ơn gọi của mình. Trong thế giới hiện đại, đầy thách thức và biến đổi nhanh chóng, giáo xứ với tính linh hoạt và sáng tạo, cần mở rộng ra đến những biên cương mới, tiếp cận mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, để loan báo Tin Mừng.
Hồi tâm:
1. Trong hoàn cảnh giáo xứ, tôi đóng góp như thế nào để giáo xứ trở thành trung tâm đổi mới đời sống và sứ vụ? Tôi có thể làm gì thêm để góp phần thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và hoạt động tông đồ của giáo xứ?
2. Tôi cảm nghĩ thế nào về tình liên đới và sự hợp tác giữa các thành viên trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, giữa các đoàn thể trong giáo xứ? Có những thách đố nào trong việc xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong đa dạng?
3. Giáo xứ của tôi tiếp cận và phục vụ những nhóm người ngoài cộng đoàn giáo xứ nhưng sinh sống trong địa bàn giáo xứ như thế nào? Giáo xứ tôi cần thực hiện những bước đi nào để mở rộng sứ vụ của mình ra đến những anh chị em này?
 

Bài 2: TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN, SỨ GIẢ CỦA DÂN THÁNH - LM Antôn Hà Văn Minh

Công đồng Vatican II đã minh định: tất cả mọi Kitô hữu, nhờ Bí tích Ra tội được tháp nhập vào thân Thể nhiệm mẫu của Chúa Kitô, qua đó họ được qui tụ lại vào trong cộng đoàn Giáo Hội được gọi là Dân Thánh: Thật vậy, những ai tin kính Đức Kitô, những người được tái sinh không phải bởi mầm mống hư nát, nhưng bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống, không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần, nay được thiết lập nên giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải là một dân, nay đã là dân của Thiên Chúa (Hiến chế tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium (LG) số 9).
Công đồng tiếp tục khẳng định: “Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng cách dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng, dùng miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người” (LG số 12). Như vậy mỗi một Kitô hữu đích thị là sứ giả của Dân Thánh được Chúa Sai đi. Và đây chính là một hồng ân lớn lao, vì được Chúa sai đi. Sách Đệ Nhị Luật đã tường thuật lời của Đức Chúa: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Dnl 13, 18).
Đứng trước hồng ân này, người tín hữu chúng ta phải có thái độ gì để xứng hợp là Sứ giả của Dân Thánh? Công đồng Vatican II đã nói: “Rõ ràng là tất cả các Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo; sự thánh thiện này cũng giúp phát huy một lối sống nhân bản hơn trong xã hội trần thế” (LG số 40). Lời Công đồng đã chỉ cho chúng ta thái độ phải có để là Sứ giả của Dân Thánh phù hợp với ơn gọi Kitô hữu của mình chinh là sống thánh thiện. Sự thánh thiện thuộc về bản chất của ơn gọi Tông đồ, bởi người Tông đồ được sai đi để loan báo về Nước Thiên Chúa, đây chính là mục đích khi Chúa Thiết lập Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã minh định: “Giáo Hội được thiết lập nhằm mở rộng nước Đức Kitô trên khắp địa cầu để tôn vinh Thiên Chúa Cha, và làm cho mọi người được tham dự vào công trình cứu độ” (Sắc lệnh về hoạt động tông đồ giáo dân – Apostolicam Actuositatem (AA), số 2). Do đó, ơn gọi Tông Đồ luôn hướng người Tông đồ kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là Đầu, một sự kết hợp trong sự thánh thiện được tỏ bày qua ba chiều kích sau đây:
1. Gặp gỡ Chúa
Sứ giả của Dân Thánh phải là người thấm đẫm hình ảnh của Thiên Chúa trong chính mình, và có thể nói dung mạo của Chúa Kitô được tỏ bày nơi dung mạo của người Tông đồ. Để có được điều đó, Sứ giả Dân Thánh trước tiên phải thường xuyên kiến tạo cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô qua đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện chính là phương thế để người sứ giả Dân Chúa học cách thế để thể hiện đúng ân sủng được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa nhờ Bí tích Rửa tội, và qua đó người Sứ giả được kín múc nguồn lực để làm tông đồ, đó là hành động mà Đức Kitô đã thường xuyên thực hiện, Thánh Kinh đã kể, Chúa thường xuyên tìm nơi hoang vắng để cầu nguyện, vì chính qua việc cầu nguyện, chúng ta thể hiện một cuộc gặp gỡ được xây dựng trên tình yêu dành cho Chúa, một tình bằng hữu thân tình với Chúa Kitô. “Lý do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận, kinh nghiệm cứu độ thôi thúc chúng ta ngày càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Có tình yêu nào không cảm thấy nhu cầu nói với người yêu, chỉ ra người yêu, làm cho người yêu được biết đến? Nếu chúng ta không cảm thấy cháy bỏng ước muốn chia sẻ tình yêu này, chúng ta cần phải tha thiết cầu nguyện để Ngài một lần nữa đánh động lòng chúng ta” (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, số 264).
Đời cầu nguyện được tỏ bày qua việc lắng nghe Lời Chúa. Công đồng dạy: Chỉ có ánh sáng đức tin và việc suy niệm lời Chúa mới có thể giúp chúng ta nhận ra Chúa mọi nơi và mọi lúc, ‘nơi Ngài chúng ta sống, hoạt động và hiện hữu’, đồng thời cũng giúp chúng ta tìm biết thánh ý Chúa trong mọi biến cố, nhận ra Chúa Kitô nơi mọi người, dù là thân quen hay xa lạ, thẩm định đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của các thực tại trần thế, trong bản chất của chúng và trong mối tương quan với cứu cánh của con người” (AA số 4). Đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đã nhắn nhủ các Sứ giả của Dân Chúa như sau: “Nếu không có những thời khắc lâu để thờ phượng, gặp gỡ Lời Chúa trong kinh nguyện, hay đối thoại chân thành với Chúa, công việc của chúng ta dễ dàng trở thành vô nghĩa; chúng ta mất năng lượng do sự chán ngán và những khó khăn, và nhiệt huyết của chúng ta tắt dần. Hội Thánh cấp thiết cần hơi thở sâu của kinh nguyện, và tôi rất mừng khi thấy ngày càng tăng số những nhóm người ở mọi cấp trong đời sống Hội Thánh chuyên tâm cầu nguyện và chuyển cầu, đọc Lời Chúa trong kinh nguyện và liên lỉ chầu Thánh Thể. Dù vậy, “chúng ta phải bác bỏ cái cám dỗ cung cấp một thứ linh đạo tư riêng và cá nhân, vì nó không phù hợp với những đòi hỏi của đức ái, chưa nói đến những hệ luỵ của sự nhập thể”. Luôn luôn có nguy cơ là một số thời khắc cầu nguyện có thể trở thành cái cớ để từ chối hiến thân truyền giáo; một lối sống tư riêng có thể khiến người Kitô hữu tìm trú ẩn nơi một số hình thức linh đạo sai lạc” (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, số 263).
2. Gặp gỡ chính mình
Sứ giả của Dân Chúa sống ở giữa thế gian, tuy không thuộc về thế gian nhưng vẫn mang lấy thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được sự mỏng dòn của phận người: “sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7, 19). Bởi đó, người Sứ giả của Dân Thánh cần phải luôn nỗ lực tìm về chính mình để nhận biết rõ mình là ai?
Một cuộc gặp gỡ được thực hiện trên nền tảng của sự khiêm nhường và lòng sám hối. Bởi từ bản chất của con người vẫn luôn in đậm “cái tôi” lớn lao, luôn tự hào về chính mình, và khó chấp nhận một sự thua kém người khác trong các mối tương giao. Và đây là nguyên nhân tạo ra một lực cản lớn để người Tông đồ có thể chuyển tải Tin Mừng đến cho người khác. Bởi nội dung Tin Mừng là nói về một Thiên Chúa yêu thương và đầy lòng thương xót, còn “cái tôi” ích kỷ, tự ái thì không thể nào phù hợp với nội dung của Tin Mừng.
Trở về với chính mình trước tiên để nhận ra mình là một tội nhân, một con người mỏng dòn yếu đuối. Thánh Giacôbê đã minh định: “Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3,2) và người chỉ rõ: “Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa (Gc 3, 8-9). Nhận ra sự yếu hèn của mình để luôn nỗ lực hoán cải, Chân phước Barberi đã cho biết bí mật giúp ngài thành công trong việc truyền giáo chính là cầu nguyện không mệt mỏi và sám hối nghiêm ngặt.
Trong việc hoán cải, người Sứ giả luôn thấy mình được thứ tha, đay là yếu tố cần thiết, để người Tông đồ luôn mang trong mình một trái tim quảng đại, bao dung. Đức Phanxicô trong bài giảng tại nguyện đường thánh Martha vào ngày 21-03-2017 đã nói: “Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm”.
Người Sứ giả đích thực của Dân thánh luôn nỗ lực sống khiêm tốn, và nhận ra rằng mình phải luôn xin được tha thứ trong tiến trình hoán cải hằng ngày trong cuộc sống. Thư chung Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI gửi Dân Chúa ngày 25-10-2023 đã nhấn mạnh: Ngày này qua ngày khác, chúng tôi cảm nhận được lời kêu gọi cấp bách phải hoán cải về mục vụ và sứ vụ. Vì ơn gọi của Giáo hội là loan báo Tin Mừng không phải bằng cách quy về mình, nhưng bằng cách phục vụ tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho thế gian.
3. Đến với mọi người
Sứ giả của Dân Thánh thi hành nhiệm vụ loan báo nhắm hướng đến mọi người. Đức Phanxicô đã khẳng định trong Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng: Sự cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện và Hội Thánh vui mừng loan báo là ơn được dành cho hết mọi người. Thiên Chúa đã tìm ra một cách để kết hợp với mọi con người trong mọi thời đại. Người đã quyết định kêu gọi họ trong tư cách một dân tộc chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ. Không ai được cứu rỗi một mình hay nhờ cố gắng riêng của mình (số 113).
Trong chiều kích nầy, Đức Phanxicô mời gọi một cuộc canh tân mục vụ để cho công việc truyền giáo đạt tới mục đích tối thượng của nó, tức là người Sứ giả của Dân Thánh phải đi ra khỏi “ốc đảo” an toàn của thói tục, của tập quán quen thuộc, để làm một cuộc hành trình đến với muôn dân, khởi sự từ việc gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe, đây là mẫu thức đã được Thượng hội đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI áp dụng và trở thành khuôn mẫu cho một Giáo Hội Hiệp hành.
Thật vậy, trong một thế giới được gọi là thế giới phẳng, người tông đồ đối diện nhiều bối cảnh có nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, Sư giả của Dân Thánh phải ý thức về tính hiệp hành của Dân Thánh, có nghĩa Dân Thánh là một cộng đoàn được thiết lập ngay từ nguyên thủy đã mang tính hiệp hành, ngay cả khi tính hiệp hành vẫn đang trong quá trình được thực hiện. Thật vậy, tính hiệp hành buộc phải được thực hiện đầy đủ hơn bao giờ hết, thể hiện lời kêu gọi triệt để để hoán cải, thay đổi, cầu nguyện và hành động dành cho tất cả mọi người. Theo nghĩa này, một Dân Thánh, một cộng đoàn hiệp hành, biết cởi mở, và đón nhận tất cả mọi người. Không có biên giới nào có thể ngăn cản hành động của Chúa Thánh Thần. Bản chất triệt để của Kitô giáo không phải là đặc quyền của một vài ơn gọi cụ thể, mà là lời kêu gọi mọi tín hữu xây dựng một cộng đoàn sống và làm chứng cho hết thảy mọi người biết về mối tương quan của con cái Thiên Chúa, một mối tương quan đặt trên nền tảng chân lý tình yêu, một mối tương quan dựa trên quà tặng và sự nhưng không của Thiên Chúa. Do đó, lời kêu gọi cấp thiết là cùng nhau xây dựng một Giáo hội hấp dẫn và cụ thể: một công đoàn Dân Thánh rộng mở để trong đó tất cả mọi người đều cảm thấy được chào đón.
Qua Bí tích Rửa tội, người Giáo dân ôm lấy trách nhiệm làm Sứ giả cho Dân Thánh, đây là một ơn gọi trọng đại được Chúa trao ban, vì thế, mỗi người tín hữu cần phải yêu mến và trân quý ơn gọi này, phải khắc ghi lời nhắc nhớ của Thánh Phaolô: “Anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên chúa đã chọn anh em” (1Tx 4); “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4, 1). Vì đây là ơn gọi được Chúa trao ban, mỗi người Kitô hữu cần phải sống thánh thiện phù hợp với trách nhiệm là Sứ giả của Dân thánh, như Đức Thánh cha Phanxicô đã minh định: “Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Trường hợp đó không đúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui. Anh chị em đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Anh chị em làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em mình. Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ trẻ nhỏ cách theo Chúa Giêsu. Anh chị em ở địa vị thẩm quyền ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân” (Tông Huấn Gaudete et Exsultate, số 14).
 

Bài 3: VUN ĐẮP MỘT NỀN LINH ĐẠO DỰA TRÊN CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ - LM Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Vun đắp một nền linh đạo dựa trên cộng đoàn giáo xứ là một quá trình phức tạp và đa diện, đòi hỏi sự tham gia của toàn thể cộng đoàn tín hữu trong việc chia sẻ đức tin, cử hành các Bí tích, và thực thi sứ mệnh tông đồ. Cơ sở của nền linh đạo cộng đoàn này gắn liền với lịch sử phát triển của giáo xứ từ những ngày đầu tiên, khi các cộng đoàn nhỏ được thành lập dưới hình thức “hội thánh tại gia” (Cv 2,46; 5,42; 12,12). Các “nhà” này không chỉ là nơi qui tụ cộng đoàn mà còn là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa Dân Người, từ đó hình thành nên những giáo xứ đầu tiên với vai trò là một nơi thờ phượng, “ngôi nhà” của cộng đoàn tín hữu.
Trong thời đại hiện nay, giáo xứ đối mặt với thách thức từ sự thay đổi văn hóa và công nghệ, yêu cầu một sự hoán cải mục vụ và cải tổ cơ cấu để phù hợp với “ngôi làng toàn cầu và đa nguyên” của thế giới hiện đại. Sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi trong nhận thức về không gian và thời gian đòi hỏi giáo xứ phải định hình bản thân thành những cộng đoàn linh hoạt, sáng tạo và hướng về truyền giáo. “Giáo xứ là một ngôi nhà ở giữa các ngôi nhà”.[1]
Thêm vào đó, để đáp ứng nhu cầu của tín hữu và những biến chuyển lịch sử, giáo xứ cần nhận ra các dấu chỉ của thời đại và tái khám phá ơn gọi của những người đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, đó là trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô và là nhà thừa sai rao giảng Tin Mừng. Điều này đòi hỏi một sự canh tân trong cách tiếp cận với Lời Chúa và đời sống bí tích, sao cho các nguồn mạch ân sủng này có thể chạm tới từng người một cách hiệu quả.
Sự canh tân này không chỉ về mặt cơ cấu mà còn liên quan đến việc tái khám phá linh đạo cộng đoàn và sứ mệnh tông đồ, nơi giáo xứ trở thành một “tiền đồn truyền giáo”, với mục tiêu không chỉ cử hành các Bí tích mà còn loan báo Lời Chúa và phục vụ người nghèo. Các hoạt động mục vụ cần đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và cộng đồng địa phương, đồng thời củng cố tình hiệp thông và huynh đệ trong giáo xứ.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác trong việc vun đắp linh đạo cộng đoàn là việc phát huy tình liên đới và cảm thông, giúp củng cố mối quan hệ, sự hiểu biết và đồng cảm giữa các thành viên cộng đoàn. Giáo xứ không chỉ là một không gian vật lý mà còn là nơi để tăng trưởng đời sống Kitô hữu và tương quan cộng đoàn, qua đó trở thành một môi trường sống đậm đà tinh thần hiệp thông và tham gia. Trong quá trình này, việc đối mặt với những thách thức như sự thờ ơ từ phía cộng đoàn hoặc việc các hoạt động mục vụ truyền thống không còn tạo ra sức hấp dẫn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để giáo xứ chuyển mình, phát triển các phương pháp và hoạt động tông đồ mới, linh hoạt và sáng tạo hơn.
Cuối cùng, sự phát triển của một nền linh đạo cộng đoàn dựa trên giáo xứ đòi hỏi một sự thay đổi não trạng và đổi mới tâm hồn, từ những người được trao phó trọng trách lãnh đạo mục vụ đến mỗi thành viên trong cộng đoàn. Mỗi người đều có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một nền linh đạo cộng đoàn mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy việc thực thi hoạt động tông đồ, từng bước, từng cá nhân trong cộng đoàn đều thể hiện sự năng động và tích cực trong việc loan báo Tin Mừng. Điều này không chỉ là nhiệm vụ của hàng giáo sĩ mà còn là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu, nhằm phản ánh bản chất và sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh. Mỗi người, qua việc sống và chia sẻ đức tin, góp phần vào việc xây dựng một cộng đoàn đầy sức sống, linh động và sẵn sàng đón nhận những thách thức mới trong việc loan báo Tin Mừng, đồng thời đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và đời sống của cộng đoàn một cách hiệu quả và sâu sắc.
Hồi tâm:
1. Trong hoàn cảnh thực tế tại giáo xứ, tôi đóng góp vào việc xây dựng linh đạo cộng đoàn như thế nào? Tôi cảm thấy những thách thức và cơ hội nào là quan trọng nhất đối với việc vun đắp tương quan cộng đoàn giáo xứ?
2. Khi xem xét những thách thức mà giáo xứ đang đối diện, đặc biệt trong việc thích ứng với sự thay đổi văn hóa và công nghệ, tôi thấy có giải pháp nào đem lại nhiều hoa trái? Có sự thay đổi nào trong việc thực hành đức tin và cử hành Bí tích tại giáo xứ, nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu của cộng đoàn giáo xứ và những người thuộc tôn giáo bạn, sinh sống trong địa bàn giáo xứ?
3. Nhớ lại một hoạt động hoặc sáng kiến mà tôi tin rằng có thể giúp giáo xứ mở ra với sứ vụ truyền giáo, phục vụ không chỉ các tín hữu mà còn cả cộng đồng rộng lớn hơn. Từ góc độ cá nhân, tôi cảm thấy làm thế nào để giáo xứ có thể canh tân linh đạo cộng đoàn và sứ mệnh tông đồ một cách hiệu quả?
 

Bài 4: TRƯỞNG THÀNH NHÂN ĐỨC CỦA TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN QUA ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ - LM Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Giáo xứ đóng một vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển nhân đức của người tông đồ giáo dân. Từ những cộng đoàn nhỏ ban đầu, giáo xứ đã phát triển thành môi trường sống đạo, nơi mỗi cá nhân được gọi mời sống chứng tá đức tin qua cuộc sống hàng ngày, cũng như tham gia vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
Trước hết, sự phát triển nhân đức của tông đồ giáo dân trong giáo xứ là một tiến trình năng động, được thúc đẩy bởi sự hiệp thông sâu xa và tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các đoàn thể hay thành viên trong cộng đoàn giáo xứ. Điều này tạo nên một cộng đoàn đồng lòng và yêu thương, nơi mỗi cá nhân không chỉ được khuyến khích phát triển đức tin và nhân đức tông đồ mà còn được mời gọi nhận ra và phát huy khả năng và ơn gọi riêng biệt, để cùng nhau xây dựng Hội Thánh. Qua việc tham gia vào đời sống cộng đoàn, mỗi người tín hữu không chỉ cảm nhận được sự hỗ trợ và khích lệ từ cộng đoàn mà còn có cơ hội trao đổi, học hỏi, và tăng cường nhân đức thông qua việc chia sẻ và sống đạo. Sự gắn kết và hiệp thông này không chỉ giúp mỗi người trưởng thành trong đức tin mà còn trong việc thực hiện sứ mệnh tông đồ.
Kế đến, sự phát triển nhân được vun trồng qua việc giáo dục đức tin, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhân đức. Quá trình này không dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình đồng hành, giúp mỗi người tín hữu khám phá và nuôi dưỡng mối liên hệ thiết thân với Thiên Chúa. Nhờ giáo dục đức tin, người tín hữu không chỉ nhận thức sâu sắc hơn về đức tin của mình mà còn được hướng dẫn để phát triển nhân đức và sứ mệnh tông đồ một cách toàn diện. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc hình thành người tông đồ giáo dân, những người không chỉ sống đạo mà còn làm chứng cho niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, giáo dục đức tin tại giáo xứ góp phần vào việc xây dựng và củng cố nhân đức, làm cho đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh được thể hiện rõ nét hơn trong cộng đồng.
Tiếp đến, đời sống chứng tá đức tin là trung tâm của việc phát triển nhân đức của người tông đồ giáo dân. Đời sống hàng ngày trong giáo xứ không giới hạn ở việc tham dự các cử hành phụng vụ hay thực hành đạo đức, nhưng còn là cơ hội để mỗi người diễn tả niềm tin của mình qua các hành động yêu thương và phục vụ. Chứng tá đức tin trong đời sống thường ngày tạo nên mối liên kết mạnh mẽ giữa việc sống đức tin và loan báo Tin Mừng, góp phần vào sự phát triển nhân đức của mỗi người trong cộng đoàn và tác động sâu rộng đến xã hội. Giáo xứ trở thành nơi nuôi dưỡng và thể hiện đời sống đức tin một cách thiết thực, qua đó mỗi thành viên không chỉ được củng cố về mặt tinh thần mà còn được trang bị để thực hiện sứ mệnh chứng tá đức tin trong các hoàn cảnh đa dạng của cuộc sống.
Sau cùng, tinh thần trách nhiệm đóng một vai trò trọng yếu trong quá trình phát triển nhân đức của người tông đồ giáo dân. Tinh thần trách nhiệm không giới hạn ở những vai trò lãnh đạo mục vụ mà còn mở rộng ra tất cả mọi người tham gia vào công việc mục vụ của giáo xứ. Mỗi thành viên trong cộng đoàn, bằng cách tham gia tích cực vào các hoạt động mục vụ, được mời gọi phát huy nhân đức tông đồ của bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đoàn. Quá trình này không chỉ yêu cầu sự cam kết và cống hiến mà còn đòi hỏi một sự nhận thức sâu sắc về trách nhiệm cá nhân và cộng đoàn trong việc nuôi dưỡng và phát triển nhân đức tông đồ.
Tóm lại, trong thế giới hiện đại, giáo xứ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân đức của người tông đồ giáo dân. Qua sự hiệp thông, giáo dục đức tin, và tinh thần trách nhiệm, giáo xứ không chỉ là nơi nuôi dưỡng đức tin mà còn là nơi mỗi cá nhân có thể phát triển toàn diện, đóng góp vào sự phong phú của Hội Thánh và xã hội.
Hồi tâm:
1. Nhớ lại trải nghiệm tôi được cộng đoàn giáo xứ đón nhận hoặc khích lệ, giúp tôi phát triển đời sống đức tin và nhân đức tông đồ, tôi cảm nghĩ thế nào về tinh thần hiệp nhất và yêu thương trong giáo xứ?
2. Trong hành trình đức tin, tôi được hướng dẫn và nuôi dưỡng như thế nào để phát triển nhân đức tông đồ? Có phương pháp hoặc chương trình giáo dục nào tôi cảm thấy hữu ích trong việc giúp hiểu sâu hơn về mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa và sống đức tin mỗi ngày?
3. Thách thức lớn nhất trong việc sống chứng tá đức tin qua cuộc sống hàng ngày tại giáo xứ tôi là gì? Hoạt động nào tại giáo xứ mà tôi cảm thấy thực sự thể hiện tinh thần chứng tá đức tin, và hoạt động đó ảnh hưởng đến tôi hoặc cộng đoàn như thế nào?
WHĐ (02.03.2024)
Nguồn: hdgmvietnam.com

 

 

Chương trình thường huấn cho giáo dân năm 2024 với chủ đề: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội, hướng đến một giáo hội hiệp hành” gồm 12 đề tài:
 

 

Tháng 01: Nền tảng của tính hiệp hành và Giáo hội hiệp hành
Tháng 02: Sống ơn gọi tông đồ: Sự tham gia của giáo dân vào đời sống Giáo hội
Tháng 03: Giáo xứ là trường tông đồ
Tháng 04: Cổ võ cung cách ứng xử hiệp nhất trong đa dạng
Tháng 05: Giới trẻ và tông đồ giáo dân xây dựng Giáo hội tương lai
Tháng 06: Lãnh đạo giáo dân: phục vụ cách khiêm tốn và khôn ngoan
Tháng 07: Tông đồ giáo dân: muối và ánh sáng cho thế giới
Tháng 08: Cùng nhau loan báo Tin mừng
Tháng 09: Đi theo con đường Chúa Giêsu
Tháng 10: Nuôi dưỡng tinh thần chiêm niệm
Tháng 11: Giáo hội trong thế giới hiện đại
Tháng 12: Vai trò của gia đình trong Giáo hội. 


[1] Bộ Giáo sĩ, Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin mừng của Hội Thánhsố 7https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-giao-si-huan-thi-cai-to-muc-vu-cong-doan-giao-xu-de-phuc-vu-su-vu-loan-bao-tin-mung-cua-hoi-thanh-46479