
Các giám mục châu Âu cảnh báo về nguy cơ Syria không còn Kitô hữu
Vatican News
Trong tuyên bố, Đức Cha Crociata bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, vẫn tiếp diễn hơn một thập kỷ sau khi cuộc xung đột nổ ra. Ngài lưu ý đến “nỗi đau khổ to lớn của người dân Syria”, đồng thời bày tỏ hy vọng về một tương lai được đánh dấu bằng hòa bình, phẩm giá và công lý.
Cộng đồng Kitô hữu là không thể thiếu
Đặc biệt, ngài thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh khó khăn của các cộng đồng Kitô hữu, “một phần không thể thiếu và cốt yếu của lịch sử và văn hóa của khu vực trong nhiều thế kỷ”, hiện đang “đấu tranh để duy trì sự hiện diện liên tục lịch sử của họ tại quê hương”. Về vấn đề này, ngài cảnh báo rằng “mất đi” những cộng đồng này sẽ đồng nghĩa với “sự mất mát bi thảm không chỉ đối với Syria mà còn đối với sự ổn định của khu vực và thế giới”.
Kêu gọi cung cấp hỗ trợ nhân đạo, thúc đẩy hòa giải
Thay mặt cho các giám mục của Liên minh châu Âu, Đức Cha Crociata cũng kêu gọi thiết kế các chiến lược để cung cấp hỗ trợ nhân đạo và phục hồi kinh tế, thông qua việc “nới lỏng dần các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu và tạo ra một khuôn khổ cho phép các tổ chức tư nhân tham gia với các biện pháp bảo vệ phù hợp”.
Ngài cũng kêu gọi thúc đẩy “quyền công dân bình đẳng”, bao gồm các cộng đồng thiểu số trong quá trình lập hiến và các nỗ lực tái thiết, cũng như thúc đẩy đối thoại, “hòa giải và chữa lành”, tránh trả thù và thực hiện “khuôn khổ pháp lý cho công lý chuyển tiếp”. Ngài cũng kêu gọi thúc đẩy đối thoại để “chữa lành những chia rẽ xã hội”.
Cam kết của Giáo hội trong việc hỗ trợ người tị nạn Syria
Về vấn đề này, các Giám mục của Liên minh Châu Âu tái khẳng định cam kết của Giáo hội Công giáo trong việc hỗ trợ người tị nạn Syria và những người phải di dời, nhấn mạnh nhu cầu “nỗ lực tạo ra các điều kiện cho phép người tị nạn và gia đình họ trở về nhà một cách an toàn và tự nguyện”.
Các ngài cũng nhấn mạnh “vai trò quan trọng của các tác nhân tôn giáo trong nước, ủng hộ quá trình chuyển đổi hòa bình và thúc đẩy khả năng phục hồi lâu dài”.
Nguồn: Vaticannews