THẬP GIÁ, ĐỈNH CAO CỦA MẶC KHẢI CHÚA BA NGÔI
MỘT LỐI NHÌN CỦA KARL RAHNER VÀ HOÀN THÀNH VỚI JÜRGEN MOLTMANN
Để phần nào đó hiểu về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, với việc chọn khởi đi từ lịch sử cứu độ, dường như Rahner chỉ nhấn mạnh đến biến cố nhập thể mà quên biến cố thập giá, cũng là một trong những biến cố quan trọng của mầu nhiệm cứu độ. Đây là lý do tại sao chúng ta chỉ ra cách Rahner trình bày về Chúa Ba Ngôi từ biến cố Thập giá, sau đó chúng ta hoàn thành với phần trình bày của Jürgen Moltmann.
Mầu nhiệm thập giá mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào? Khác với các nhà thần học khác, chẳng hạn như Jürgen Moltmann, Karl Barth và Hans Urs von Balthasar, những người nhấn mạnh đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Rahner cố gắng nhìn lịch sử nhân loại như là sự thông truyền của Thiên Chúa, được mặc khải trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời. Tuy nhiên, Karl Rahner cũng cho thấy rằng thập tự giá là biểu hiện kỳ diệu của đời sống nội tại của Thiên Chúa và mặc khải sự phục sinh trong cuộc sống trần thế của người tín hữu. Trên thập giá, Con Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao mặc khải của Thiên Chúa. Trên thập giá, Lời Ngài đã được ứng nghiệm. Đối với Karl Rahner, Thiên Chúa Ba Ngôi, sau một quyết định tự do, Người đến gặp gỡ loài người và tỏ mình cho họ qua Chúa Kitô, và triệt để qua cái chết của Chúa Kitô, nơi Người tự hiến mình vì tình yêu. Điều đó cũng có nghĩa là, trên thập giá, Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục và thuộc về Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con trong chương trình sáng tạo và cứu độ được hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đích thực mạc khải cho nhân loại Chúa Cha và Chúa Con. Như thế, trên thập giá, trong đỉnh cao của tình yêu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong sự phục vụ, hy sinh và trọn lành. Theo Rahner, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá phải được coi như cái chết của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn bất biến, nhưng qua việc nhập thể, Người đã bộc lộ trọn vẹn tình yêu của Người đối với nhân loại. Karl Rahner giải thích: “ Trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, nơi mà một mình Thiên Chúa đến để gặp gỡ chúng ta, bởi vì Thiên Chúa đã tự hiến mình. Bởi tình yêu và giống như tình yêu, và điều này đã được nhận ra bằng cái chết của Ngài và biểu lộ trong đó. Cái chết của Chúa Giêsu là sự tự bày tỏ Thiên Chúa trao ban chính mình ngài”[1].
Nếu các nhà thần học khác nói về thập giá, thì Karl Rahner thêm vào suy tư của mình chiều kích Ba Ngôi.
Để hoàn thành các giới hạn của suy tư này, chúng ta trình bày một cách giải thích về thập giá của Moltmann để đi sâu vào các khía cạnh khác của câu hỏi này. Moltmann viết : “ [...] làm sao một Thiên Chúa bất diệt lại đồng thời là một con người dễ hư nát? Làm sao Thiên Chúa của toàn vũ trụ lại có thể đồng thời là một con người? Làm sao Thiên Chúa “bất biến” có thể “trở nên” xác thịt? Làm sao Thiên Chúa bất tử có thể chịu đau khổ và chết trên thập tự giá?”[2] .
Theo J. Moltmann, qua thập giá, toàn bộ Ba Ngôi được mặc khải; thập giá mặc khải mối tương quan của Chúa Cha với Chúa Con, sự đón nhận Thần Khí từ Chúa Cha. Giải thích theo thuật ngữ Ba Ngôi, trên thập giá: “Chúa Cha để Chúa Con hy sinh chính mình nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Cha là tình yêu đóng đinh, Chúa Con là tình yêu bị đóng đinh và Chúa Thánh Thần là sức mạnh bất khả chiến bại của thập giá”[3]. Moltmann tin rằng đỉnh cao của việc bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa là ở thập giá của Chúa Giêsu. Moltmann lập luận rằng trung tâm của thần học Kitô giáo phải là mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi trong thập giá của Chúa Giêsu Kitô. “Thập giá được đặt ở trung tâm của Chúa Ba Ngôi”[4]. Đây là biến cố Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra.
Thập giá cho thấy thời điểm cao nhất của sự phân chia các ngôi vị thần linh. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm đó cho thấy sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ở đó, Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra. Thiên Chúa không chỉ hành động bên ngoài, mà còn hành động bên trong trong chính mình Ngài. Nói cách khác, nơi thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa chịu đau khổ nơi chính mình. Moltmann giải thích rõ hơn: “ Trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Con, chính Chúa Cha là người bị bỏ rơi. Trong cái chết của Chúa Con, cái chết cũng rơi xuống trên chính Chúa Cha và Người đã chịu cái chết của Con mình vì tình yêu dành cho Người Con bị bỏ rơi. Vì thế, biến cố xảy ra trên thập giá phải được hiểu là biến cố giữa Thiên Chúa và Con Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra trong việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi, cũng như trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người” [5].
Tuy nhiên, khi nói những điều trên, Moltmann cũng chỉ ra rằng khi nói "Thiên Chúa đau khổ", chúng ta không thể hiểu Ngài theo cách nói giảm, nói tránh, mà phải hiểu Ngài theo nghĩa Ba Ngôi. Vì khi Chúa Con chịu đau khổ và chết trên thập tự giá, Chúa Cha cũng chịu đau khổ với Chúa Con, nhưng không cùng một một cách. Chính ở điểm này, Moltmann tự cho mình khác với Karl Barth và Karl Rahner. Vì ông cho rằng hai nhà thần học này không nhấn mạnh và không phân biệt đủ ở đây chiều kích Chúa Ba Ngôi. Do đó, Moltmann thấy cần phải phân biệt Chúa Ba Ngôi với thập giá. Và đó là một nghịch lý, bởi vì một mặt Thiên Chúa chết trên thập tự giá, nhưng mặt khác Thiên Chúa không chết. Điều này chỉ có thể được hiểu một cách ẩn dụ. Nói cách khác, Thiên Chúa không chỉ siêu việt mà còn nội tại. Do đó, Moltmann không hiểu nỗi đau khổ của Chúa theo quan điểm của " Chúa Cha đau khổ". Vì cho dù Chúa Cha có đau khổ, thì sự đau khổ của Chúa Cha trong cái chết của Chúa Con khác với đau khổ và cái chết của Chúa Con bị Chúa Cha bỏ rơi. Tương tự, Moltmann cũng không đồng ý với "thuyết théopaschisme", coi cái chết của Chúa Giê-su là cái chết của Thiên Chúa[6].
Ngoài ra, theo Moltmann, cái chết của Chúa Giêsu trên thập tự giá là một sự kiện của Chúa Ba Ngôi trước khi nó được nhìn nhận là quan trọng đối với sự cứu rỗi của thế giới. Theo nghĩa này, trước khi biến cố thập giá cho thấy giá trị cứu độ của nó, nó đã là mạc khải về chính Thiên Chúa Ba Ngôi và về “périchorèse ”[7] của các ngôi vị trong Thiên Chúa. Hơn nữa, cũng trong biến cố thập giá, Moltmann chỉ trích những người quá coi trọng hai bản tính của Chúa Giêsu và không cắt nghĩa biến cố thập giá. Đối với Moltmann, biến cố thập giá phải được hiểu theo bản tính của Thiên Chúa, cả về Ba Ngôi lẫn ngôi vị. Ở đó, chiều kích ngôi vị của Chúa Giêsu phải được hiểu trong sự trọn vẹn của Chúa Con nhập thể, chứ không chỉ theo bản chất con người. Đồng thời, biến cố thập giá của Chúa Con là mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, thập giá mặc khải một mầu nhiệm không thể giải thích được, vì sự khiêm nhường của Thiên Chúa và sự tự hủy của Ngài. Nói một cách rõ ràng hơn, ý nghĩa thập giá của Con Thiên Chúa tại đồi Canvê chạm đến chính nội tại của Chúa Ba Ngôi[8]. Và Ba Ngôi nội tại chỉ trở nên hoàn hảo trên thập giá.
Moltmann bắt đầu từ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cho thấy sự tham dự của Chúa Ba Ngôi vào đau khổ. Thật vậy, Moltmann lập luận rằng các Giáo phụ chỉ nhận ra hai khả năng: hoặc Thiên Chúa không có khả năng chịu đau khổ, hoặc Ngài hoàn toàn phụ thuộc vào đau khổ. Ở đây Moltmann gợi ý khả năng thứ ba, đó là sự đau khổ của tình yêu say đắm trong Thiên Chúa. Với tình yêu này, Thiên Chúa sẵn lòng mở lòng đón nhận các thụ tạo khác và cho phép họ ảnh hưởng đến Người[9]. Vì vậy, trong khi siêu hình học hữu thần khẳng định rằng Thiien Chúa không thể bị ảnh hưởng bởi các đối tượng của Tình yêu, nghĩa là những đối tượng này không phải là nguyên nhân gây ra đau khổ hay niềm vui của Thiên Chúa. Moltmann lập luận rằng nếu Thiên Chúa không đau khổ như các sinh vật đau khổ vì sự không hoàn hảo của chúng, thì Thiên Chúa hoàn toàn tự do và có thể sẵn sàng tham gia vào đau khổ. Ngài yêu bằng tất cả con người mình, và Ngài có thể đau khổ vì tình yêu dồi dào của mình. Nói cách khác, sự đau khổ của Thiên Chúa không diễn tả sự bất toàn của hữu thể Thiên Chúa mà đúng hơn, nó đến từ sự viên mãn của hữu thể Thiên Chúa. Trong tình yêu và sự viên mãn của bản thể mình, Ba Ngôi thể hiện sự hiệp thông liên đới trong đau khổ. Đó là sự đau khổ tích cực mà Thiên Chúa sẵn sàng “mở ra” cho người khác chạm đến và ảnh hưởng đến Ngài. Hơn nữa, theo Moltmann, nếu Thiên Chúa không thể mở lòng để cho người khác ảnh hưởng đến mình, thì Ngài cũng không có khả năng yêu thương[10].
Hơn nữa, vì Thiên Chúa là tình yêu nên tình yêu không bao giờ đơn độc. Trong tình yêu luôn có người yêu và đối tượng yêu. Và theo Moltmann, bản chất của tình yêu là có đi có lại, hỗ trợ nhau. Trong tình yêu hỗ tương này, Chúa Cha chịu đựng trong tình yêu của mình nỗi đau và cái chết của Chúa Con. Con đã tự nguyện xả thân vì tình yêu. Như vậy, tính năng động của tình yêu giữa các ngôi vị thần linh tự biểu lộ trong biến cố thập giá này. Đó là một sự kiện cho thấy mối quan hệ giữa các ngôi vị trong Thiên Chúa. Có một ý chí và một món quà lẫn nhau vì tình yêu. Như vậy, nếu Thiên Chúa đau khổ vì tình yêu thì không có gì mâu thuẫn với bản tính của Người. Thật vậy, dựa vào Kinh thánh ( Gal 2, 20), Moltmann cho thấy Chúa Cha và Chúa Con là những tác nhân tích cực trong biến cố thập giá. Người Con kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Chúa bỏ rơi con? (Mc 15, 34). Tiếng kêu này, theo Moltmann, cho thấy chính Thiên Chúa trên thập tự giá. Chúa Giêsu không chỉ là nạn nhân, mà còn là Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa đã chịu đau khổ và chết cách vô tội. Chúa Cha đau khổ khi thấy Con mình chịu đau khổ và chết. Đây là lý do tại sao Moltmann viết: "Chúa Con đau khổ về cái chết, và Chúa Cha đau khổ về cái chết của Chúa Con"[11].
Moltmann còn đi xa hơn khi khẳng định: “Sự hiện hữu của Thiên Chúa ở trong đau khổ và đau khổ ở trong chính sự hiện hữu của Thiên Chúa”[12]. Theo nghĩa này, Moltmann lập luận rằng câu hỏi về Thiên Chúa và vấn đề đau khổ là không thể tách rời. Như vậy, ta có thể hiểu biến cố thập giá là biến cố Thiên Chúa đã không tiếc Con Một của mình ( Rm 8,32) cũng có nghĩa là Thiên Chúa đã không tiếc chính mình. Người Con đau khổ vì tình yêu đã bị Chúa Cha bỏ rơi khi chết trên thập giá. Chúa Cha đau khổ trong tình yêu trước cái chết của Chúa Con. Chúa Thánh Thần hoạt động trong sự phó thác và tự hiến của Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, khi Chúa Con từ bỏ, Chúa Cha cũng từ bỏ chính mình. Moltmann viết : “ Chúa Cha đau khổ về sự chết của Chúa Con. Đây là lý do tại sao cái chết của Chúa Con tương ứng với nỗi đau của Chúa Cha. Và nếu Chúa Con mất Chúa Cha trong cuộc tử nạn, thì Chúa Cha cũng mất Chúa Con trong cuộc phán xét này. Ở đây chính sự sống mật thiết nhất của Chúa Ba Ngôi bị lâm nguy, ở đây tình yêu của Chúa Cha được thông ban trở thành nỗi đau vô biên của sự hy sinh của Chúa Con. Ở đây, tình yêu do Chúa Con thể hiện trở thành nỗi đau vô hạn khi bị Chúa Cha từ chối và bỏ rơi. Những gì diễn ra tại Golgotha đạt đến tận cùng chiều sâu của thần tính và do đó đánh dấu sự sống vĩnh cửu của Chúa Ba Ngôi” [13].
Nói cách khác, theo Moltmann, đau khổ và tình yêu được liên kết với nhau, thậm chí đồng nhất với nhau. Và đối với Moltmann, chính nhờ tương quan yêu thương với thập giá Chúa Giêsu mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính xác hơn, biến cố thập giá cho thấy Thiên Chúa Ba Ngôi diễn tả sự hiện hữu của mình như tình yêu tự hiến. Chúa Cha đau khổ với Con mình trong tình yêu. Nói cách khác, chính trong tình yêu mà Thiên Chúa đã chia sẻ đau khổ thập giá của Chúa Con. Và như thế Thiên Chúa cũng đau khổ với Chúa Con. Moltman viết: “ Khi bỏ rơi Chúa Con, Chúa Cha cũng bỏ rơi chính mình. Bằng cách giải cứu Chúa Con, Chúa Cha cũng giải cứu chính mình, mặc dù không thể làm như vậy. Chúa Giêsu đau khổ trước cái chết bị bỏ rơi, nhưng Người không chịu đau khổ bởi chính cái chết, đau khổ đối lập với sự sống. Nhưng Chúa Cha, Đấng đã bỏ rơi Người và giải thoát Người, đã chịu đựng cái chết của Người Con trong sự ngọt ngào vô biên của tình yêu. Những đau khổ của Chúa Kitô đi kèm với những đau khổ của Chúa Cha nhưng cũng của Chúa Thánh Thần” [14].
Tóm lại, theo Moltmann, để hiểu được sự đau khổ của Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu tầm quan trọng của cái chết của Chúa Giêsu đối với chính Thiên Chúa. Ở đó, biến cố thập giá trở thành biến cố mặc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trên thập giá, sự phân chia và hiệp nhất được tìm thấy trong các mối liên hệ của Ba Ngôi nội tại[15].
Lm. Joseph Phan Cảnh
Chú thích:
[1] Karl RAHNER, Sacramentum Mundi II, Fribourg, 1968, p. 951, cité par Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié, Paris, Cerf, 1999, p. 227.
[2] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié, Paris, Cerf, 1999, p. 103-104.
[3] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 110.
[4] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 110.
[5] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu Crucifié, La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei » , 80, Paris, Cerf, 1974, p. 205.
[6] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu Crucifié, La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei » , 80, Paris, Cerf, 1974, p. 243.
[7] Mối liên hệ giữa các ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi.
[8] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 202-203.
[9] Ibid., p. 203.
[10] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié, La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei », 80, Paris, Cerf, 1974, p. 131.
[11] Ibid., p. 243.
[12] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié, La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei », 80, Paris, Cerf, 1974, p. 227.
[13] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei » 123, Paris, Cerf, 1984, p. 108.
[14] Jürgen MOLTMANN, Jésus, le Messie de Dieu, Paris, Cerf, 1993, p. 248.
[15] Ở đây, để đi xa hơn một chút, chúng ta có thể nghĩ đến Hans Urs Von Balthasar. Khi nói đến Balthasar, chúng ta thường nghĩ ngay đến một nền thần học Ba Ngôi bắt đầu từ vẻ đẹp của Thập giá. Truyền thống suy tư thần học về Thiên Chúa nói chung bắt đầu với Thiên Chúa duy nhất rồi đến Ba Ngôi. Nhưng nhà thần học Balthasar dường như không theo lối suy nghĩ truyền thống này. Tư duy thần học của ông bắt đầu với việc nghĩ về Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ và sau đó chuyển sang một số hiểu biết về Chúa Ba Ngôi nội tại. Với sự suy tư sâu sắc về mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô, qua đó mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ mặc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nội tại, Balthasar đã làm sáng tỏ điều này: trong thân phận con người, chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, đã kinh nghiệm thập giá, kinh nghiệm sợ hãi, đau khổ. Hans Urs von Balthasar dường như là người xác định rõ nhất thần học về thập giá và Chúa Ba Ngôi. Hans Urs von Balthasar, sau khi đã suy tư sâu sắc về cả thần học lẫn thần bí học, đã phát triển một nền thần học liên kết chặt chẽ Ba Ngôi với Thập Giá: “Ai nói về Nhập Thể là đã nói về Thập Giá rồi”. Đối với Balthasar, Thiên Chúa Ba Ngôi tham dự vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Chịu Đóng Đinh; chính ở đó Thiên Chúa Ba Ngôi biểu lộ chính mình một cách trọn vẹn.