
NỀN TẢNG NHÂN HỌC VÀ THẦN HỌC
CỦA GIÁO HUẤN GIÁO HỘI VỀ NGỪA THAI
Dẫn Nhập
Tự bản chất hôn nhân và tình yêu vợ chồng quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái, điều này quan trọng đến mức trở thành một sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Hiến chế Mục Vụ của Giáo hội nhấn mạnh rằng: “Bổn phận sinh sản và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết mình cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Người. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người và của Kitô hữu” (GS, 50). Mỗi một con người được sinh ra đều nằm trong thánh ý của Thiên Chúa, đó là hồng ân cao quý mà Thiên Chúa là Đấng sáng tạo đã trao ban cho con người. Chính Ngài đã thêu dệt và biết rõ giây phút nào thì con người được thành hình trong cung lòng của người mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…” (Tv 139,13-15).
Trung thành với Lời Chúa, Giáo hội ao ước cho nhân loại được tăng số (x. St 1,28), nhưng phải là tăng số có ý thức, trách nhiệm và trong bầu khí yêu thương đích thực. Việc sinh sản và giáo dục là hai trách nhiệm đồng thời của bậc làm cha mẹ. Giáo huấn trên xác định việc điều hòa sinh sản xét ở một góc cạnh nào đó là hợp với ý Thiên Chúa. Đây là vấn đề không phải là quá mới mẻ trong luân lý Kitô giáo, cũng như trong đời sống mục vụ của Giáo hội. Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã trình bày quan điểm và giáo huấn của Giáo hội về vấn đề ngừa thai (điều hòa sinh sản) trong Thông điệp Humanae Vitae, công bố ngày 25/07/1968. Điều này được lặp lại trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, từ số 2368 – 2372. Tuy nhiên, sau khi Humanae Vitae được công bố, đã có rất nhiều những tranh luận, thậm chí là phản đáp gay gắt. Có những người cho rằng giáo huấn của Giáo hội về vấn đề ngừa thai là thiếu thực tế, cứng nhắc cổ hủ và có phần lỗi thời.
Như một nỗ lực trình bày Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề ngừa thai, qua lăng kính nhân học và thần học Kitô giáo. Ước mong rằng, qua bài viết này giúp người đọc hiểu rõ hơn về đề tài được luận bàn và sẽ mang lại lợi ích thực tiễn cho người đọc, nhất là đối với những cặp vợ chồng đang gặp phải khó khăn trong vấn đề điều hòa sinh sản.
1. Ngừa Thai Là Gì
Ngừa thai hoặc Tránh thai (Contraception) là ngăn cản sự thụ thai.[1] Cụ thể là ngăn chặn việc tinh trùng kết hợp với trứng dẫn đến thụ tinh[2] hoặc là ngăn chặn hình thành những tế bào đầu tiên sau khi thụ tinh (contragestion).[3] Có nhiều cách thức ngừa thai khác nhau, nhưng người ta thường chia ra làm hai phương pháp: phương pháp ngừa thai nhân tạo và phương pháp ngừa thai tự nhiên.
Trong khi một số nhà xã hộ học, chính trị gia… ủng hộ việc ngừa thai. Một số nhà cải cách Tin Lành như Martin Luther nên án một cách gay gắt đối với việc ngừa thai, họ gọi những người dùng biện pháp tránh thai là “ngu xuẩn”, “thú vật” và “con heo”. Còn John Calvin nói rằng việc tránh thai “bị kết án” và “hết sức ghê tởm” trong khi phá thai là “trọng tội không thể chuộc tội”. Các Đức Giáo hoàng kêu gọi áp dụng phương pháp luân lý và thánh thiện của hôn nhân vào việc sinh sản con cái, và định hình lương tâm theo ánh sáng truyền thống của các giáo phụ, đồng thời chúng ta dạy và sống như vậy nhờ hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta.[4]
1.1. Phương Pháp Ngừa Thai Nhân Tạo
Đây là phương pháp trực tiếp làm cho khả năng sinh sản bị vô hiệu tạm thời hay vĩnh viễn nơi người nam cũng như người nữ, hoặc làm cho diễn tiến truyền sinh bị ngăn chặn hay không thể đạt kết quả. Nói cách khác, Ngừa thai nhân tạo là “tất cả những hành động và dụng cụ được sử dụng để ngăn chặn sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng, hoặc ngăn sự làm tổ của trứng đã thụ tinh”.[5] Phương pháp này là trực tiếp làm vô hiệu khả năng sinh sản hoặc làm cho diễn tiến truyền sinh bị ngăn chặn hay không thể đạt kết quả.[6] Việc ngừa thai nhân tạo áp dụng cho nam giới gồm có những phương pháp: Thắt ống dẫn tinh, dùng bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo, sử dụng thuốc diệt tinh trùng, hay thậm chí là thắt ống dẫn tinh trùng... Cách thức ngừa thai nhân tạo áp dụng cho nữ giới gồm có những phương pháp: Thắt ống dẫn trứng, uống thuốc tránh thai, sử dụng các dụng cụ ngừa thai trong tử cung...[7]
Nhìn chung những phương pháp này đạt hiệu quả cao, tuy nhiên, nó cũng để lại rất nhiều những lo ngại. Trước hết về mặt y khoa, các phương pháp ngừa thai nhân tạo không giúp người phụ nữ biết mình, thêm vào đó một số phương pháp này can thiệp vào hoạt động của cơ phận hoặc những bộ phận khác của cơ thể mà không liên hệ trực tiếp đến việc thụ thai. Phương pháp này có thể làm mất hoặc thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, gây tắc nghẽn mạch tim, viêm nội mạc tử cung, thậm chí là làm tăng khả năng vô sinh. Thứ đến, xét về khía cạnh luân lý: coi sự có thể thụ thai như một chức năng cần phải ngăn chặn, hoặc khởi động lại tùy theo ý của mình, từ đó đứa con được sinh ra bị coi như là một sản phẩm của chức năng ấy. Điều này đưa đến việc coi nhẹ phẩm giá con người, coi người phối ngẫu của mình như là đối tượng để thỏa mãn, hưởng lạc ích kỷ, hơn là người mình chia sẻ tình yêu. Ngoài ra nó cũng đưa đến tỉ lệ quan hệ trước hôn nhân, ngoài hôn nhân gia tăng. Giải thoát nam giới khỏi phải chịu trách nhiệm về hành động tình dục của mình.[8]
Phương pháp ngừa thai nhân tạo không phù hợp với luân lý Kitô giáo vì chúng làm sai lệch bản chất của tình yêu trong hôn nhân là tự hiến cho nhau và hướng đến việc truyền sinh. Dù không phải bất cứ lần yêu thương thân mật nào đều có thể thụ thai, nhưng việc trực tiếp ngừa thai là nghịch với bản chất và mục đích của hành vi đó. Chính vì vậy Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo cấm sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo.[9] Dù vậy, hiện nay đang được rất nhiều người sử dụng, trong đó có cả những người công giáo.
1.2. Phương Pháp Ngừa Thai Tự Nhiên
Phương pháp ngừa thai tự nhiên là những phương thức dựa vào sự hiểu biết hoạt động của cơ thể người phụ nữ tất cả những gì liên quan tới sự thụ thai. Nhất là vận dụng sự hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt của người nữ, giúp vợ chồng cùng chọn lựa thởi điểm giao hợp mà không thể thụ thai, khi họ muốn ngưng tạm thời hay dài hạn việc sinh thêm con.[10] Nói cách khác, phương pháp này dựa trên sự tiết dục định kỳ, vợ chồng kiêng giao hợp trong thời kỳ người vợ có thể thụ thai. Có hai phương pháp ngừa thai tự nhiên thông dụng: đó là phương pháp Ogino–Knauss và phương pháp Billings. Cả hai phương pháp này đều xác định ngày trứng rụng, cũng như xác định trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ những ngày nào có thể thụ thai và những ngày nào không thể thụ thai. Các phương pháp tự nhiên không đối nghịch với bản chất và mục đích của hành vi yêu thương thân mật và không trực tiếp ngăn cản việc trứng thụ tinh hay giết chết bào thai.[11]
Hiểu biết phương pháp này sẽ giúp ích rất nhiều, không chỉ cho những cặp vợ chồng muốn làm chậm lại tiến trình thụ thai, mà nó còn giúp ích cho những cặp vốn đã khó đậu thai. Tuy nhiên, vẫn có những dè dặt cần nói về phương pháp ngừa thai tự nhiên này, không phải trên vấn đề hiệu quả, nhưng đúng hơn là trên những bất ưng khó lường thấy trước trong cuộc sống thường nhật khiến cho “tiết dục định kỳ, có thời hạn” trở thành “vô thời hạn”. Một số các thần học gia luân lý khác đã nhận định rằng: nhiều cặp hôn nhân thích dùng một trong những phương pháp ngừa thai nào đó, hơn là những cách được Giáo Hội chuẩn nhận chính thức, và do vậy họ phải chịu cảnh sống vô kỷ luật hay như những con chiên không người chăn dắt.[12]
2. Ngừa Thai Dưới Khía Cạnh Nhân Học
Mở đầu Thông điệp Humanae Vitae - Sự sống con người, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh tính cách trọng đại của nhiệm vụ lưu truyền sự sống trong định chế hôn nhân và nhiệm vụ này làm cho họ trở thành những người tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa.[13] Trên nền tảng là tình yêu hôn nhân, sự hiệp nhất vợ chồng và sinh sản con cái là hai mặt không thể tách rời nhau. Điều này đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tư về chính việc trao ban nhân vị và sự thông hiệp trọn vẹn ngôi vị mà bất kỳ sự can thiệp nào đều đi ngược lại nền tảng và giá trị nhân học của hành vi trao dâng trong khung cảnh hôn nhân.[14] Hành vi trao hiến giữa người nam và người nữ không chỉ diễn tả nhân vị con người mà còn diễn tả chính Thiên Chúa vô hình.[15] Hành vi trao ban mà qua đó vợ chồng dấn thân trọn vẹn cho nhau. Nó không thể bị giản lược vào thân xác sinh học nhưng chạm tới hệ thống giá trị sâu xa nhất của nhân vị con người.[16] Đồng thời hành vi trao hiến của vợ chồng chỉ thật sự hợp với nhân vị khi nó là tình yêu qua đó người nam và người nữ dấn thân chọn vẹn cho nhau đến khi chết. Tính toàn vẹn của tình yêu vợ chồng luôn tương hợp với đòi hỏi truyền sinh có trách nhiệm, do bởi bản chất tự nhiên của nó, sự truyền sinh vượt qua những gì thuộc về khía cạnh sinh học và liên hệ đến toàn bộ hệ thống giá trị của con người.
Sẽ là giả tạo khi sự trao ban thân xác của vợ chồng không phải là dấu chỉ và hoa trái của sự trao tặng trọn vẹn toàn thể con người, bao gồm chiều kích tạm thời, hiện diện: nếu con người giữ lại một phần nào đó (như ngừa thai nhân tạo), thì người đó sẽ không trao tặng trọn vẹn chính mình.[17] Vì tính chất của việc ngừa thai làm sai lạc tính dục con người, và nâng cao khoái lạc tính dục, trong khi bác bỏ mục đích nền tảng của tính dục là truyền sinh. Hoạt động tính dục là một phần trong kế hoạch và như một phương thế truyền sinh và biểu lộ yêu thương, trong khi ngừa thai lại tách rời việc truyền sinh, việc mà nó loại bỏ, và sau đó chỉ tập chú duy nhất vào khoái lạc nhằm thỏa mãn thân xác, là thứ chỉ tạo nên tính vị kỷ (eros). Giáo huấn Giáo Hội không cho phép ngừa thai là vì nó tiêu diệt phẩm tính của tình yêu, và tình yêu vợ chồng, vốn là phương cách biểu lộ ơn thánh của bí tích hôn phối, là phương cách sống đức ái được phú bẩm trong thân xác và linh hồn hai người. Về điểm này, linh mục Wojciech Giertych cũng là thần học gia của phủ giáo hoàng giải thích rằng: “Tình yêu vợ chồng phải là phẩm tính tối cao, thế mà ngừa thai kết cục lại nói với hai vợ chồng rằng ‘trong các bạn, có điều tôi yêu nhưng cũng có điều tôi ghét, và điều tôi ghét là bạn có thể thành một bà mẹ. Bởi thế tôi đòi phải đánh thuốc độc việc ấy. Nhưng việc này đâu phải là yêu thương.”[18] Làm như thế là bóp méo tính dục, bóp méo các liên hệ nhân bản, bóp méo trọn vẹn việc sống thực tính dục con người. Ngài nói thêm:
“Khi không cột chặt tính dục vào đức khiết tịnh, là đức dạy con người cách tích nhập thèm muốn tính dục vào trong đức ái, thì mọi sự sẽ lung lay. Và chắc chắn, ta sẽ thấy điều này khi ngừa thai trở thành dễ dàng. Lần lượt, ta đã được chứng kiến các hình thức bóp méo tính dục, nhiều nan đề trên bình diện tương giao nhân bản, nhiều hôn nhân tan vỡ, nhiều tấn công hung hãn đối với phụ nữ, những người đang khám ra mình bị kỹ nghệ ngừa thai lạm dụng, và do đó quay qua chủ nghĩa duy nữ hung hãn, nổi loạn chống nam giới. Ngừa thai dẫn tới phá thai, vì nó coi đứa trẻ trong tiềm năng kia như kẻ thù, và nếu có trục trặc gì sẩy ra mà đứa trẻ vẫn được tượng thai, thì dễ dàng nhất là trục thai nó.”[19]
3. Nền Tảng Thần Học Của Việc Ngừa Thai
Khởi từ trình thuật sách Sáng thế cho chúng ta thấy về việc Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), và đồng thời cũng là một thực thể thống nhất xác hồn (x. St 2,7), vì vậy con người có một phẩm giá đặc biệt vượt lên trên mọi loài thụ tạo khác. Con người có khả năng đón nhận và đáp trả tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa, và có khả năng sống trao ban tình yêu để cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.[20] Điều đó được diễn tả đặc biệt trong câu chuyện hôn nhân giữa Adam và Eva. Cuộc hôn nhân này nhấn mạnh đến khía cạnh của mối tương quan hỗ tương, và đặc biệt nhấn mạnh đến phúc lành của việc sinh sôi nảy nở được ban tặng cho ông bà (x. St 1, 26-28). Ở chỗ khác, con của ông Giuđa là Ônan tưởng rằng đứa trẻ sinh ra thuộc dòng dõi của người anh đã chết. Ông Ônan biết rằng dòng dõi sinh ra sẽ không phải là của mình, nên khi ăn ở với chị dâu, cậu lại cho tinh rơi xuống đất, để không cho anh cậu có người nối dõi. Hành động của cậu không đẹp lòng Đức Chúa, nên Người cũng khiến cậu chết (x. St 38, 9 – 10).
Như vậy, cả Thánh Kinh cũng như Bí tích Hôn Nhân đều cho thấy hôn nhân là sự hiệp nhất tình yêu trong việc phục vụ và trao ban sự sống. Thiên Chúa đã thiết lập mối tương quan vợ chồng, để chính trong tình yêu người nam và người nữ nâng đỡ bổ túc cho nhau và sự sinh sản con cái được xem là những giá trị cốt lõi, đến nỗi chúng không thể tách rời nhau.[21] Vì thế mà hành vi ‘nên một’ giữa một người nam và một người nữ chỉ dành riêng trong tình yêu vợ chồng. Lập trường của Giáo Hội về ngừa thai (phương pháp nhân tạo) không chỉ là những cố gắng để bảo vệ nhân vị mà còn liên hệ đến việc xây dựng giá trị bền vững của hôn nhân gia đình.[22] Vì các phương pháp ngừa thai nhân tạo có nguy cơ tiềm ẩn gây ra sự đổ vỡ gia đình, đặc biệt là trong hành vi thiếu chung thủy với người phối ngẫu của mình.[23]
Theo một số các nhà thần học luân lý, người ta có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời cho chất vấn của một số người về mục đích của việc sử dụng biện pháp ngừa thai nhân tạo trong hành vi vợ chồng. Đó chính là khước từ sự thụ thai. Đàng sau sự khước từ này, các phương pháp ấy không bao hàm mục đích của hôn nhân là yêu thương và trao hiến cho nhau, thiếu trách nhiệm với người phối ngẫu. Não trạng ngừa thai theo các phương pháp nhân tạo có thể dễ dàng nhốt con người vào trong thế giới của giác quan, mà thế giới của giác quan thì khép lại với bất cứ giá trị nào cao hơn chính nó. Thành thử ra, xét dưới lăng kính của cứu cánh học, không thể chấp nhận hay thỏa thuận được với những lý do nào để biện minh cho việc sử dụng các biện pháp thụ thai nhân tạo, vì nó không mở đường cho sự sống, thậm chí là giết chết. Ngoài ra, việc chủ động ngừa thai theo phương pháp nhân tạo sẽ làm tổn hại đến kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.[24]
4. Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo
Thông điệp Humanae Vitae tái khẳng định Giáo huấn trung thành của Giáo hội đối với những luật luân lý liên quan tới việc truyền sinh, qua đó Đức Giáo hoàng Phaolô VI làm sáng tỏ một điểm trong điều thứ nhất của kinh Tin Kính nói về Thiên Chúa Đấng sáng tạo sự sống. Theo đó, cấm bất cứ hành động nào nhằm ngăn chặn sự sinh sản, dù như mục đích hay như phương tiện, dù có hành động như vậy trước việc vợ chồng, hay là khi việc vợ chồng đang tiến tới hậu quả tự nhiên của nó. Ngừa thai nhằm ngăn chặn việc truyền sinh được xem là hành vi ‘xấu tự nội tại - intrinsece malum’ (x. HV, số 14), là hành vi phi đạo đức, vì nó loại trừ phẩm chất sáng tạo của tình dục con người, để chỉ tìm sự vui thú và khoái lạc. Điều này ngược với luật tự nhiên, là nền tảng tự nhiên đặt trên con người và là chương trình của Thiên Chúa, dành cho nhân loại nhiệm vụ quan trọng là chuyển giao sự sống.[25] Theo đó, việc ngừa thai nhân tạo bị tuyệt đối cấm, vì ngăn chặn việc truyền sinh trong giao hợp là không bao giờ hợp luật luân lý (x. HV, số 16). Sau khi công bố thông điệp này, Đức Phaolô VI đã không tránh khỏi những làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ thế lực bên ngoài. Nhưng với cương vị là Chủ chăn của Giáo hội công giáo, trung thành với Lề luật của Thiên Chúa, bất chấp mọi dư luận và chỉ trích, Đức Giáo Hoàng vẫn duy trì và không thay đổi lập trường của Giáo hội, chống lại bất cứ một phương pháp tránh thai nhân tạo vì chúng trái ngược với luật tự nhiên.
Trong Hiến chế Gaudium et spes, các Nghị phụ công đồng đã đánh giá tầm quan trọng của hôn nhân Kitô giáo và ý nghĩa đích thực của đời sống vợ chồng. Thật vậy, hôn nhân Kitô giáo như là cộng đoàn tình yêu thâm sâu của đời sống vợ chồng.[26] Sự hiệp nhất với lòng quảng đại giữa vợ chồng mang lại hoa trái nơi họ. Sự hiệp nhất thân xác trong đời sống vợ chồng diễn tả tình yêu phu phụ, một giá trị thiết yếu nhưng lại độc lập với việc sinh sản, một giá trị cao thượng (x. GS, 49). Sự tiết dục từng thời kỳ, những phương pháp ngừa thai tự nhiên là phù hợp với tiêu chuẩn khách quan của luân lý vì nó tôn trọng thân xác của hai người phối ngẫu, khuyến khích họ âu yếm nhau và cổ vũ cho việc giáo dục về tự do đích thực (x. GLHTCG, 2370).[27] Đang khi đó ngừa thai nhân tạo không còn phải là sự hiến thân cho nhau cách trọn vẹn, từ đó, không những có sự khước từ tích cực, không mở ngõ cho sự sống được phát sinh, mà còn làm mất đi chân lý nội tại của tình yêu vợ chồng, một tình yêu hướng tới việc hiến thân cho nhau với trọn vẹn nhân vị (x. GLHTCG, 2370).
Cho đến nay, lập trường của Giáo hội vẫn trước sau như một: không chấp nhận bất cứ một hình thức tránh thai nhân tạo nào. Ðức Gioan Phaolo II nói: khi ngừa thai các cặp vợ chồng loại trừ khỏi tiềm năng sinh sản qua hành vi tính dục, họ dành lấy một quyền mà quyền ấy chỉ có nơi Thiên Chúa vốn là quyền quyết định cuối cùng cho sự hiện hữu của một con người.[28] Tuy nhiên, khi có lý do thật sự chính đáng, với lương tâm ngay thẳng và chân chính, cùng với sự suy nghĩ chín chắn… vợ chồng có thể quyết định tách rời khoảng cách giữa những lần sinh con. Việc chọn lựa này phải phù hợp với tình yêu và trách nhiệm của những người làm cha mẹ.[29] Ngoài ra, khi thực hiện công việc này, họ phải tuân theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lý (x. GLHTCG, 2368).
Gần đây, một số nhà thần học luân lý đề nghị hợp thức hóa việc dùng bao cao su (condom) trong giao hợp vợ chồng như là một phương thế để ngăn ngừa bệnh HIV/AIDS (trong trường hợp một trong hai vợ chồng bị nhiễm HIV).[30] Tuy nhiên, Giáo hội chỉ nói rằng trong những tình huống như thế, người ta dùng bao cao su (condom) là thật sự “ít xấu hơn” (dựa trên nguyên tắc song hiệu), nhưng nó không thể được chấp nhận như một kiểu nhân loại hóa ngừa thai và phát triển.[31]
Sau cùng, Giáo huấn cũng nhắc mọi người phải ý thức rằng sự sống con người và nhiệm vụ lưu truyền sự sống không chỉ bị giới hạn ở đời này, chúng ta chỉ có thể hiểu được chúng khi các việc đánh giá chân thật và ý nghĩa đầy đủ của chúng khi nó quy chiếu về vận mệnh vĩnh cửu của con người.[32]
Kết Luận
Chúng ta đang sống trong một thế giới để cao vật chất, sự suy sụp chung về đạo đức bởi cuộc “cách mạng tình dục,” tình dục chỉ được xem như là trò chơi giải trí mạng lại sự hoan lạc thuần túy của nhục dục… Điều này đưa tới sự đảo lộn giá trị trong lãnh vực tình dục của con người và đời sống hôn nhân gia đình. Tất cả những điều đó như những thách thức đặt ra cho Giáo hội trên phương diện luân lý. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn kiên định trong việc duy trì và bảo vệ giá trị ưu việt của sự sống và việc truyền sinh. Thiết tưởng rằng, vấn đề của chúng ta hôm nay không chỉ liên hệ câu hỏi hợp pháp hay không hợp pháp nơi những hành vi ngừa thai nhân tạo, mà đúng hơn chúng ta cần tìm những phương thế tốt hơn để hướng tới sự thăng tiến các giá trị của hôn nhân gia đình, và nâng cao phầm giá con người toàn diện xác – hồn.[33]
Con cái là hoa quả của tình yêu vợ chồng, cha mẹ. Những đứa con là hồng ân vô cùng qúy giá được ban tặng cho vợ chồng, là những viên gạch sống động xây dựng và kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ.[34] Vợ chồng đón nhận con cái với tất cả trách nhiệm, biến tình thương dành cho những đứa con qua việc nuôi dưỡng và giáo dục chúng… thành dấu chỉ hữu hình để chúng nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Ngay cả khi những trường hợp không thể có con vì một lý do nào đó, vợ chồng Kitô hữu vẫn giữ nguyên những giá trị nói trên khi họ có thể nhận nuôi những đứa con hoặc giúp đỡ những trẻ em trong các gia đình khó khăn.[35] Trên hết, Giáo hội muốn các cặp vợ chồng sinh sản con cái có trách nhiệm.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Kế
[1] HĐGMVN., UB. Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng “Từ Điển Công Giáo,” (Nxb: Tôn Giáo, 2016), 629.
[2] Hình Thục Mẫn và Mã Lệ Viện, 130 lời giải đáp về các phương pháp tránh thai, (Nxb: Phụ Nữ, Hà Nội 2004) 34.
[3] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Tránh Thai,” truy cập: 22/06/2022, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A1nh_thai
[4] “Ngừa thai, phá thai, và các Giáo phụ,” ed. Trần Thiên Thu (chuyển dịch từ NCRegister.com), truy cập: 22/06/2022, http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/ngua-thai-pha-thai-va-cac-giao-phu-34007.html
[5] Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND, Dẫn nhập Môn Luân Lý Y - Sinh học Công giáo, (Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, 2020), 401.
[6] HĐGM VN, UB Giáo Lý Đức Tin, Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, (Hà Nội: Tôn giáo, 2004), 166.
[7] Ibid., 166-167.
[8] Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND, Dẫn nhập Môn Luân Lý Y - Sinh học Công giáo, 398.
[9] Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, số 14.
[10] Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND, sđd, 380.
[11] Giáo Phận Xuân Lộc, Giáo Lý Hôn Nhân – Bài 6: “Lương Tâm Công Giáo Và Vấn Đề Điều Hòa Sinh Sản,” truy cập: 22/06/2022, http://www.tinvuixuanloc.vn/Cate_DanhMuc_41.aspx
[12] Trần Mạnh Hùng, “Ngừa thai phần 4,” Vietcatholic News, Thứ năm ngày 2/2/2002.
[13] Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, số 1.
[14] Gioan Phaolô II, Thần học về Thân xác: Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh, ed. Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội: Tôn giáo, 2018), 140.
[15] GLHTCG, số 704.
[16] Gioan Phaoô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 11.
[17] Trần Như Ý Lan, sđd., 404.
[18] Trích theo: Vũ Văn An, “Đồng tính và phá thai làm sai lạc sự thật về bản nhiên con người,” truy cập: 26/06/2022, http://conggiao.info/dong-tinh-va-pha-thai-lam-sai-lac-su-that-ve-ban-nhien-con-nguoi-d-18825
[19] Trích theo: Vũ Văn An, “Đồng tính và phá thai làm sai lạc sự thật về bản nhiên con người.”
[20] Gs, số 12.
[21] GS, số 49-50.
[22] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 32, Bản dịch của Ủy ban Mục vụ Gia đình – trực thuộc HĐGM Việt Nam (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), 92.
[23] Trần Như Ý Lan, sđd, 398-99.
[24] Trần Như Ý Lan, sđd., 310.
[25] Roberto Latorre, “Catechesis On Contraception – Giáo Lý Về Tránh Thai,” ed. Nguyễn Quốc Đoạt, truy cập: 26/6/2022, http://www.tinmung.net/GIADINH/GiaDinhKitoHuu/TongHop/GiaoLyVanDeTranhThai.htm
[26] Gaudium et Spes, 47.
[27] Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND, sđd., 379.
[28] Julian Porteous – Giám đốc Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành của Tổng Giáo phận Sydney, “Ngừa Thai Và Phá Thai,” truy cập: 26/06/2022, http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/7059
[29] Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, số 10.
[30] Suaudeau J, Stopping the spread of HIV/AIDS, (in L’OS, 19.04.200), 9-10.
[31] Ibid. 10.
[32] Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND, Sđd., 380.
[33] Gioan Phaolô II, Thần học Thân xác, sđd., 885.
[34] GS, số 50.
[35] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 14.