CHIỀU KÍCH BA NGÔI TRONG CÔNG THỨC XÁ GIẢI

05/02/2025
55


CHIỀU KÍCH BA NGÔI TRONG CÔNG THỨC XÁ GIẢI

Dẫn Nhập

“Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở,
nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương.” (Gr 31,3)

Dẫu cho con người đã phạm tội nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và mời gọi họ vươn tới sự thánh thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Ý muốn của Thiên Chúa và việc Ngài đi bước trước đến tìm gặp con người để mạc khải cho họ biết về lòng nhân từ của Người. Thiên Chúa đã không nhìn chúng ta với con người của quá khứ, của lầm lỗi, nhưng luôn hướng về tương lai. Người chờ đợi và hy vọng sự biến đổi nơi chúng ta. Thiên Chúa là Cha đã hòa giải nhân loại với mình nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.[1] Điều đó được diễn tả cách trọn vẹn trong công thức xá giải:

“Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho ông (bà, anh, chị, con…) ơn tha thứ và bình an. Vậy tôi (cha) tha tội cho ông (bà, anh, chị, con…) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”[2]

1.    Thiên Chúa Là Cha Hay Thương Xót

Cựu Ước diễn tả lòng nhân hậu của Thiên Chúa bằng từ hesed hoặc Rahamin[3] - Ngài là lòng tốt, tín trung, hay tha thứ (Gr 31,3.20; Nkm 9,31; Is 49,15). Trên núi Sinai, Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê biết Ngài là Đấng nhân hậu từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng (Xh 34,6). Thiên Chúa là Cha thương xót hiến mình cho nhân loại, ôm lấy sự đau khổ của chúng ta bằng tình cha, tình mẹ đối với chính những đứa con của mình. Khi con người phạm tội, Ngài ban lời hứa cứu độ (St 3,15) và thực hiện chương trình cứu độ, bắt đầu với Abraham (St 12,1). Thiên Chúa luôn yêu dân Israel bằng một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu tha thứ, tìm kiếm những đứa con sai lầm trở về với ý chí tự do để họ yêu mến Thiên Chúa, Đấng cho họ được hiện hữu.[4] Với trái tim cháy lửa giận dữ, nhưng rồi lại hoàn toàn thay đổi và dấy lên lòng nhân từ, Ngài không đến với dân trong cơn thịnh nộ (Hs 11,9), nhưng hoàn toàn rộng lòng tha thứ (Is 55,7; Is 49,5; Xh 34,6). Thiên Chúa kìm nén cơn giận chính đáng của Ngài, như thể Ngài kìm nén chính mình để con người có được cơ hội hoán cải. Ngài ước ao họ quay trở về để cậy trông và tin tưởng Ngài tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh.[5]

Qua Thông Điệp Dives In Misericordia của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Tông Sắc Misericordiae Vultus của Đức Giáo Hoàng Phanxicô chúng ta có thể nhận thấy và thấu hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa qua hạn từ: Misericordia” - nghĩa là một trái tim thổn thức, xúc động và trên hết đó là sự ân cần của Thiên Chúa trước nỗi thống khổ con người. Các thánh Giáo phụ cho rằng lòng thương xót còn nhắm đến việc khuất phục sự đau khổ để làm chúng chấm dứt.[6] Theo đó, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một điều gì trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể. Ngài tỏ bày tình yêu của mình, như tình yêu của một người cha hay một người mẹ, tan nát ruột gan vì con của mình (Hs 14,5; 11,9). Phải nói đây là một tình yêu “thấu tận ruột gan,”[7] nó phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, thật tự nhiên, đầy nhân từ, trắc ẩn, khoan dung và luôn tha thứ. Về điểm này, thánh Thomas Aquino nhấn mạnh: việc thương xót và tha thứ cho tội nhân còn lớn lao hơn là tạo dựng đất trời, bởi vì trời đất sẽ qua đi, còn người công chính sẽ được ở bên Chúa mãi mãi.[8] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng, lòng thương xót chính là cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng; đó là Danh của Thiên Chúa, Người đã mặc khải chính Người trong Cựu Ước và trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô.[9]

1.1.        Tìm Kiếm, Chờ Đợi Và Tha Thứ

Sách Sáng Thế (St 3,1-15) trình bày việc sa ngã của con người đầu tiên, nhưng ý nghĩa sâu xa của trình thuật chỉ được bày tỏ trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và sống lại, để trở thành Cứu Chúa duy nhất của toàn thể nhân loại (Cv 4,12). Khi phạm tội con người đã phải gánh lấy hậu quả là sự đau khổ và sự chết (St 3,6-15). Thế nhưng, Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót đã không nỡ bỏ mặc con người sống trong nỗi bất hạnh, Ngài luôn tìm cách để gặp gỡ con người, chờ đợi họ quay trở về để ban ơn tha thứ, ngõ hầu con người có thể lãnh nhận được ơn cứu độ. Thiên Chúa không biết mệt mỏi tìm kiếm con người, vì mỗi chúng ta là quí giá trước nhan Ngài, không phải chúng ta xứng đáng, mà đó là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Luca (Lc 15,1-32), Đức Giêsu đã kể ba dụ ngôn rất cảm động để cho thấy Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu, luôn chờ đợi người tội lỗi ăn năn hối cải, để được tha thứ và trở lại làm con cái Chúa. Qua việc sử dụng một loạt các động từ: “(to have) có, (be lost) mất, (to seek/ to look for) tìm kiếm, (to find) tìm thấy và (to rejoice) vui mừng,” thánh sử Luca cho thấy đó là một tiến trình của niềm vui. Mục đích của ba dụ ngôn chính là mối tương quan của con người với Thiên Chúa đã được phục hồi (St 3,8).[10]

Tha tội là hành vi của Đấng giàu lòng thương xót, dù con người bất trung và tội lỗi, Ngài vẫn dành cho chúng ta một tình yêu trọn vẹn. Thậm chí Ngài đã không ngừng đi tìm và chờ đợi chúng ta.[11] Giống như người cha trong dụ ngôn (Lc 15,1-32), Thiên Chúa đã không đóng lòng mình lại với bất cứ đứa con nào, nhưng Ngài chờ đợi, tìm kiếm và đến gặp họ ở chính nơi mà sự từ chối hiệp thông đã khép chặt họ trong cô lập và phân ly. Người mời gọi họ tụ họp quanh bàn tiệc với niềm vui của buổi lễ mừng sự tha thứ và hòa giải.[12] Thiên Chúa đã đi bước trước, trước tất cả suy nghĩ và tưởng tượng của con người, dù đó là suy nghĩ như đứa con đi hoang hay đứa con không trung tín.

1.2.        Kêu Gọi Sám Hối Trở Về

Sám hối, theo nghĩa của từ nguyên “teshuva” trong tiếng Do thái và “metanoia” trong tiếng Hy Lạp[13] - đó là thay đổi nội tâm một cách triệt để, toàn diện. Vì tính mỏng giòn và yếu đuối của phận người nên việc sám hối của tội nhân sẽ không thể xảy ra, nếu trước đó Thiên Chúa đã không đi tìm họ, “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23). Theo một cách đặc biệt, chủ đề “sám hối” như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ Thánh Kinh. Các ngôn sứ không ngừng mời gọi con người thay đổi lối sống, trở về với Thiên Chúa. Chương đầu sách ngôn sứ Isaia đã ghi lại lời Thiên Chúa thúc giục dân Israel hãy sám hối trở về:

“Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. Tội các ngươi dầu có đỏ như son cũng hóa trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,16-17.18).

Tiếp nối ngôn sứ Giêrêmia, ngôn sứ Gioel cũng mời gọi dân Israel sám hối: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Gr 2,12-13). Còn ngôn sứ Amot thì khuyến cáo dân: “Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ, rồi các ngươi sẽ được sống, và như vậy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh sẽ ở cùng các ngươi” (Am 5,14-15).

Vì tình yêu, Thiên Chúa Cha đã ban cho con người hồng ân tự do, lại cũng chính Ngài ngày ngày tựa cửa mong ngóng con trở về. Nơi Thiên Chúa, thái độ này là sự hy vọng. Thiên Chúa vẫn luôn kiên tâm thiết tha kêu mời và hy vọng Israel trở về với Ngài (x. Gr 3,12; Gr 3,20-22). Xuyên suốt cuộc đời công khai và trong chính sứ điệp của mình, Đức Giêsu tập trung vào chiều kích sâu xa của sự sám hối nhiều hơn các ngôn sứ, nó khởi đi từ nội tâm con người, “ăn năn” là từ đầu tiên trong sứ vụ rao giảng của Người, như chúng ta tìm thấy trong Tin mừng Máccô: “Hãy ăn năn sám hối, và tin vào Tin mừng” (x. Mc 1,15).[14]

1.3.        Ban Con Một

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (x. Ga 3,16). Nơi Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã không chỉ nói với mà còn tìm kiếm con người. Ðó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Tình thương của Thiên Chúa tỏ hiện rõ nhất nơi Đức Giêsu Kitô, như thánh Thomas Aquino nhận định: Lòng thương xót là lý do của việc nhập thể - Đây là phẩm tính đặc biệt của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót” (x. Ep 2,4), sau khi đã mạc khải cho Môsê biết danh của Ngài là “Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại, và trung tín” (x. Xh 34,6). Một cách dứt khoát hơn, đó là khi thời gian đến hồi viên mãn, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, để qua người Con ấy là Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha (x. Gl 4,4).[15]

Qua Đức Giêsu Thiên Chúa đã thực sự bước vào trong đời sống của con người, đến độ từ giữa những người khác, chúng ta gần như không nhận biết người. Không chỉ sai Con Một đến ở với cuộc sống của chúng ta, Chúa Cha còn biểu lộ tình yêu của Ngài vượt xa điều chúng ta có thể tưởng tượng. Nơi Đức Giêsu, nơi con người chết treo trên thập giá, chóp đỉnh của tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ. Đức Giêsu đã làm những việc lạ lùng không phải để chứng minh sứ mạng của Ngài cho bằng để bày tỏ lòng nhân hậu của Chúa Cha.[16] Nơi Đức Giêsu, lời nói, hành động và thái độ đều quy về lòng thương xót đối với những kẻ lâm cảnh ngặt nghèo, bị bỏ rơi và bệnh tật.[17] Ngài cho thấy Chúa Cha với vòng tay luôn rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Ngài chấp nhận và cúi đầu để tha thứ bất chấp sự bất trung của chúng ta.[18]

Đức Giêsu chính là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Người không chỉ làm chứng rằng Thiên Chúa yêu con người, nhưng còn mạc khải cho con người biết Ngài cũng yêu con người vô cùng, “không có tình thương nào cao hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13). Yêu thương là một lời mời gọi nên nghĩa thiết với Chúa, “Thầy không còn gọi Anh em là tôi tớ nữa … nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu. Vì tất cả những gì Thầy nghe nơi Cha. Thầy đều tỏ cho anh em biết” (x. Ga 15,14). Trong hy tế thập giá, không những Cha nhận hy tế của Con, mà chính Cha hy sinh Con Một, đó là dấu chỉ tuyệt tỉnh của tình yêu. Với biến cố nhập thể cứu chuộc là hình thức Cha sinh thành Con Một tại thế. Chính trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của mình, Đức Giêsu mạc khải cho loài người biết sự hiến tế của chính Cha, vì Ngài là một với Cha trong mọi sự.[19]

2.    Chúa Con - Chiên Xóa Tội Trần Gian

Đức Giêsu Kitô đã tỏ lộ Người chính là nguồn ân sủng tuyệt đối của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài đã dùng mọi phương thế để giúp con người nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa sẽ được thông ban nơi bàn tiệc Nước Trời. Nơi Đức Giêsu tình yêu của Chúa Cha được mang lấy một khuôn mặt cụ thể, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (x. Ga 1,29), Vị Thiên Chúa nhập thể để giao hòa con người với Thiên Chúa, để làm cho họ nên công chính, để Thiên Chúa từ nay gần gũi với con người.[20] Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã hoàn toàn tự ý từ bỏ những đặc ân của một vì Thiên Chúa, chấp nhận hoá ra không, mặc lấy thân phận con người với tất cả những yếu hèn, khổ đau. Nghĩa là với tình yêu tự huỷ “Kenosis”, Đức Kitô trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa để đi sâu vào thế giới loài người, trao ban chính mình cho họ để họ được sống và sống dồi dào sự sống của Người.[21]

2.1.        Rao Giảng Kêu Gọi Sám Hối Để Đón Nhận Ơn Tha Thứ

Bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã lội xuống dòng sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình. Thật bất ngờ khi Con Thiên Chúa, Đấng mà thánh Gioan tuyên bố là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” lại khởi đầu sứ vụ của mình với cung cách của một tội nhân.

Đến thế gian, Đức Giêsu không hề tuyên truyền một chủ thuyết, một ý thức hệ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng, nhưng Người đến với một thông điệp rõ ràng là: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (x. Mc 1,15).  Sám hối chính là để con người nhận thấy rõ những thiệt hại mình đã gây ra do phạm tội, và Tin Mừng ở đây là chính ơn tha thứ của Thiên Chúa nói lên lòng trung thành của Thiên Chúa.[22] Ban đầu nhiều người đến nghe Ngài, nhiều người muốn làm môn đệ, họ hy vọng Ngài là Đấng Cứu Độ (x. Ga 6,14tt), nhưng khi nghe những lời Người rao giảng, một số đã bỏ đi (x. Ga 6,52).

Sự loan báo của Đức Giêsu không phải là một tiếng nói thoảng qua, nhưng là một sự can thiệp tức khắc và đầy ân huệ của Thiên Chúa. Sự can thiệp sống động ấy đã chữa lành các bệnh tật cho con người. Đức Giêsu đã dùng trót cuộc đời để loan báo về Nước Thiên Chúa, mời gọi con người hãy mở lòng đón nhận sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa. Lòng từ bi thương xót bộc lộ cách rộng lượng bao dung nhất là khi Đức Giêsu thi hành quyền tha tội. Ngài là hiện thân của vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, như người cha già trong dụ ngôn luôn túc trực đợi chờ ở ngã ba, trông ngóng bóng dáng đứa con đi hoang trở về mà lòng bồi hồi thổn thức.[23]

2.2.        Chết Và Phục Sinh Để Giao Hòa Thế Gian Với Chúa Cha

Bí tích Hòa giải không chỉ là dấu chỉ tưởng nhớ biến cố Vượt Qua của Đức Kitô, mà còn là phương thế hữu hiệu để Thiên Chúa thực thi lòng thương xót cho nhân loại ngang qua cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Nhờ đó con người được giao hòa với Thiên Chúa và Giáo hội.[24] Điều này được thánh Phaolô diễn tả một cách sâu sắc trong thư gửi tín hữu Rôma (x. Rm 5,9-11), và cũng là điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định:

“Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt qua và qua trung gian của Giáo hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ.”[25]

Nơi biến cố Tử nạn và Phục sinh, Đức Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người là một tình yêu ở dạng thức cao nhất: Tình yêu đến tận cùng, một tình yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa.[26] Thập giá là biến cố trong đó hữu thể và hành động của con người đồng nhất với nhau, là diễn tả của một hiện hữu trọn vẹn là cho tha nhân.[27] Đức Giêsu đã để những giọt máu và nước cuối cùng trong thân xác được chảy ra, hầu khai sinh cho con người một đời sống mới (x. Ga 19,34). Ngài đã chấp nhận chết cách nhục nhã, để mặc lại cho con người phẩm giá làm con Thiên Chúa (x. Ga 19,28- 30). Việc đầu tiên Đức Giêsu làm trên thập giá là nghĩ đến người tội lỗi, những người đầu tiên Chúa nghĩ đến chính là những người đã hành hạ và đóng đinh Ngài. Đức Giêsu đã nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho họ (x. Lc 23,34). Điều này cho thấy, ngay cả khi họ chưa cầu xin thì Đức Giêsu đã tha thứ. Hơn nữa, khi nghe người trộm lành cầu xin, Ngài đã hứa ban Nước Trời cho anh. Lời hứa ấy nói lên tình yêu trọn vẹn dành cho người có tội biết thật tình hối cải (x. Lc 23,43). Đặc biệt, trong Đức Kitô Phục sinh, cái chết còn là một sự ‘sinh nở,’ ở đây là sự bước vào trong sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô sống lại đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ số phận con người được nâng lên làm con cái Thiên Chúa. Cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu đã trở thành trung gian giao hoà giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa và nhân loại (x. 2Cr 5,19; Cl 2,14).[28]

Ơn giao hòa không chỉ là việc Thiên Chúa phán xử và tuyên bố tha tội, nhưng nhờ Đức Kitô trong màu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, loài người được trở về ‘ở gần’ Thiên Chúa (x. Ep 2,13), được trở nên công chính (x. Rm 5,9). Máu Đức Kitô là Máu Tân Ước vĩnh cửu đổ ra để cho nhân loại được tha tội (x. Mt 26, 28). Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là căn nguyên của sự hòa giải giữa Thiên Chúa Cha và nhân loại, nơi đó các tội nhân được ơn trở lại, được sạch tội, được giải thoát, được trở lại làm con của Thiên Chúa, làm chi thể sống động của Nhiệm Thể Đức Kitô.[29]

2.3.        Thiết Lập Chức Tư Tế Để Ban Ơn Tha Tội

Để tiếp tục ban ơn tha tội, Đức Giêsu đã thiết lập chức vị tư tế. Trong bữa Tiệc ly, trước khi hiến thân chịu chết, trong bữa tiệc ly khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, Người cũng thiết lập chức tư tế (x. Lc 22,19; 1Cr 11,24). Thật vậy, Đức Giêsu biết sắp đến ‘giờ’ Ngài phải trở về với Chúa Cha (x. Ga 13,1), ‘giờ’ mà Ngài không còn sống và hiện diện với các môn đệ về mặt thể lý, nên Ngài đã để lại cho các môn đệ của mình một di chúc. Di chúc đó không bằng lời nói nhưng bằng hành động, đó là việc Ngài rửa chân cho các ông. Một tình yêu hạ mình xuống để phục vụ: “Anh em hãy rửa chân cho nhau” (x. Ga 13,13). Thánh Gioan cho mọi người thấy việc yêu tha nhân là di sản to lớn mà Đức Kitô đã để lại cho các môn đệ. Ý muốn của Chúa là tất cả nhân loại phải yêu thương nhau với tình huynh đệ. “Anh em thân mến chúng ta phải yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra” (x. 1Ga 4,7).

Qua chức tư tế thừa tác, Đức Giêsu ban cho Phêrô và các tông đồ quyền tha tội (x. Mt 16,19). Thánh Gioan cho biết Đức Kitô phục sinh đã ban quyền tha tội cho đoàn Tông Đồ khi hiện ra và nói với các ông: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con. Nói xong Người thổi hơi vào các ông rồi bảo: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; các con cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (x. Ga 20,21-22).

Hai động tự “cầm buộc”“tháo cởi” là cách nói chỉ về việc loại trừ hay đón nhận người nào đó vào đời sống cộng đoàn, vào đời sống của Dân Thiên Chúa. Giáo hội không tự nhận cho mình quyền tha tội, nhưng Đức Kitô Phục Sinh đã ban quyền tha tội cho các Tông đồ, khi thông ban Chúa Thánh Thần. Qua Bí tích Truyền chức, các Giám mục, linh mục được tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế của Đức Kitô. Khi cử hành Bí tích Hòa giải, linh mục vừa là dấu chỉ, vừa là dụng cụ được Đức Kitô dùng để bày tỏ tình yêu Thiên Chúa đối với tội nhân, các ngài chỉ có thể tha tội nhân danh Đức Kitô khi được Giáo hội ban năng quyền này.[30]

3.    Chúa Thánh Thần Thúc Đẩy Và Biến Đổi

Truyền thống Kitô giáo thường liên kết Chúa Thánh Thần với sự sống và với việc trao ban sự sống (x. Ga 7,37-38), không những thế, chính Thánh Thần còn phục hồi sự sống cho con người, “Người hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa … Thần Khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (x. Ed, 37,5-6.10). Chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa con người vào sự sống và duy trì trong tương quan sinh động là con cái Thiên Chúa.[31] Ngài nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người từ khởi đầu sáng tạo cho đến thời kỳ viên mãn của lời hứa được thực hiện nơi Đức Kitô. Nơi Bí tích Hòa giải, chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy các hối nhân hoán cải, trở về với Thiên Chúa để lãnh nhận ơn tha tội (x. Ga 20,22), đồng thời cũng được lãnh lấy các hoa trái Thần Linh: đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ, … (x. Gl 5,22-23).

3.1.        Soi Sáng Và Hướng Dẫn Trong Tâm Hồn Người Tín Hữu

Trong đức tin mạnh mẽ và cảm nhận sâu xa về ơn thánh, giáo phụ Irénee đã viết: “Con Thiên Chúa đã làm người, để con người được làm con Thiên Chúa.” Tất cả những hoạt động của Thần Khí trong Cựu Ước được coi là những hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhằm dọn đường và hướng dẫn Dân Chúa tiến tới giao ước mới. Tân Ước cũng mạc khải cho thấy lịch sử cứu độ được lật sang trang mới nhờ biến cố Ngôi Lời nhập thể, nhờ đó, con người được phép gọi Thiên Chúa là Cha; được gọi là con của Đấng Thánh (x. 1Pr 1,16-17), và được tham dự vào sự sống thần linh, như lời xác quyết của thánh Cyrilo thành Alaxandria:

“Chúng ta là những đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng hiện hữu và cư ngụ trong chúng ta, nhờ Người chúng ta được gọi là “thần linh”, bởi vì nhờ mối tương kết giữa chúng ta với người, chúng ta có khả năng bước vào trong tình trạng hiệp thông với bản tính thần linh khôn tả và người thần hóa chúng ta”.[32]

Chúa Thánh Thần là nguồn gốc và suối nguồn của sự thánh thiện, chính Ngài đã góp phần làm hoán cải nội tâm và thánh hóa mọi hoạt động của con người. Đấng là Tình yêu vô cùng đã thánh hóa và khơi nguồn cảm hứng làm điều thiện nơi các kitô hữu bằng việc trao ban ân sủng và sức mạnh để họ chống lại sự cám dỗ của ma quỷ (x. 1Cr 12,13).[33] Nơi Bí tích Hòa giải Chúa, Chúa Thánh Thần thổi sức sống thần linh một cách đặc biệt vào những tâm hồn con người, Ngài giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, làm cho con người dần dần triển nở đến tầm vóc viên mãn trong Đức Kitô Giêsu. Để có thể nhận ra con người thật của mình và bước đi trong đời sống thiêng liêng, người kitô hữu phải được Thánh Thần soi sáng, dẫn dắt, “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, thì đều là con cái của Thiên Chúa” (x. Rm 8,14); ngoài Thần Khí ra, sẽ chẳng còn một năng lực nào khác đủ sức dẫn đưa con người trong cuộc hành trình đời sống thiêng liêng.[34]

3.2.        Thúc đẩy hối nhân đến với Bí tích Hòa giải

Tội lỗi làm cho con người thiếu sự vinh quang của Thiên Chúa (x. Rm 3,23), từ đó họ trở nên vô cảm đối với quyền năng của sự phục sinh, con người tự đóng kín lòng mình (x. Gl 5,4), chối bỏ sự hiệp thông.[35] Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự hư đi, Ngài gửi Thánh Thần đến để can thiệp cách dịu dàng nhằm nâng đỡ những ai vấp ngã, tiếp tục hoán cải họ đến sự hiệp thông, và khuyên giục họ ăn năn sám hối bằng cách mở tâm hồn để họ đón nhận ơn tha tội (x. Lc 15,11-13; Cv 2,37-38; Rm 8,2.9; Ga 20, 21-23).

Chúa Thánh Thần chính là tình yêu trong lòng tội nhân, tình yêu ấy không chỉ nối kết Chúa Cha với Chúa Con trong biến cố Vượt Qua của Đức Kitô, mà còn nối kết nhân loại với Chúa Cha và Chúa Con. Trên hành trình trở về của hối nhân, chính Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng đế hối nhân nhận ra tội lỗi của mình, Ngài thúc đẩy và hướng dẫn họ trong những cố gắng ‘đứng dậy’, nhất là giúp đỡ hối nhân dứt bỏ đường tội lỗi. Chúa Thánh Thần không ngừng thúc dục hối nhân thật lòng ăn năn hối cải và khao khát trở về với Chúa qua việc hòa giải với Giáo hội. Chúa Thành Thần còn là sức mạnh giúp cho tội nhân có khả năng thực hiện quyết tâm xưng thú hết mọi lỗi lầm để đón nhận ơn tha tội, đúng như lời Thánh Vịnh: “Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng dấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: nào ta đi thú tội với Chúa, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (x. Tv, 31,5).

3.3.        Ban ơn bình an và biến đổi thành con người mới

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết rằng: “Hiệu quả của Bí tích Hòa giải là đưa chúng ta về lại ân sủng của Thiên Chúa và kết hợp với Ngài bằng tình thân nghĩa thắm thiết” (số 1468). Qua Bí tích Hòa giải, hối nhân có thể tiếp cận tới sự thánh thiện khi họ khiêm tốn đón nhận và cầu xin tha thứ, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi hối nhân đi sâu vào ân sủng của Đức Kitô.[36] Ngang qua việc xưng thú lỗi lầm, ân sủng của bí tích giúp hối nhân phát triển đời sống thiêng liêng trong Đức Kitô tới sự hoàn hảo thanh khiết đích thực là sự bình an đích thực.[37] Khi xưng thú tội lỗi của mình một cách chân thành, điều mà hối nhân cảm nhận rõ nhất sau lời xá giải của linh mục chính là sự bình an nội tâm sâu xa. Bình an vì được tha thứ, bình an vì được giao hòa với Thiên Chúa với tha nhân và với chính mình. Bình an vì trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần chính là bình an của hối nhân (x. Ga 20,19-21).

Trong sự kết hợp với Đức Giêsu, nơi Bí tích Hòa giải, Chúa Thánh Thần thiết lập lại và làm ‘tươi mới’ mối tương quan phụ tử, Ngài ôm lấy tất cả, mang lại niềm vui mới, mang lại sức sống mới cho hối nhân. Nhờ hồng ân tha tội Chúa Thánh Thần ban tặng làm cho phẩm giá của con người vượt trổi hơn muôn loài, nhờ đó được gọi là con Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Đức Kitô. Cùng với Đức Kitô, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, ‘Kitô hóa’ chúng ta, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Như vậy, Thánh Thần biến đổi tận căn con người khi Ngài thần hóa chúng ta. Nghĩa là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được tham dự vào chính bản tính và đời sống của Thiên Chúa, làm cho chúng ta hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con.[38]

Thánh Thần chính là ân sủng tuyệt đối mà Thiên Chúa ban cho nhân loại nhân danh Đức Kitô (x. Ga 14,15-26; Ep 1,3). Con người của ân sủng chính là con người trong Thánh Thần. Con người mới này không khác với con người cũ (con người bị sa ngã) về phẩm giá, vì tất cả đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”, nhưng khác nhau về bản tính và địa vị. Nếu như người cũ với bản tính bị tổn thương (ngôn ngữ thánh Augustinô), hay bị biến dạng (ngôn ngữ của giáo lý) vì nguyên tội, thì con người mới đã được trả lại bản tính nguyên tuyền, bản tính của thần linh do sự tự hiến chính mình của Đức Kitô (x. Ga 17,19). Con người cũ đã bị tước mất quyền làm con vì nó đã trở thành nô lệ cho tội khi con người đi ngược lại ý muốn Thiên Chúa, nên không được ở lại trong nhà của Người. Con người mới được tha thứ mọi tội lỗi nhờ bửu huyết cửu trùng của Thánh Tử (x. Ep 1,7), con người mới này được trả lại quyền làm con của Thiên Chúa, và như thế con người mới được ở mãi trong nhà của Thiên Chúa.[39]

Kết Luận

Bao lâu còn tồn tại trong thân xác là bấy lâu con người còn sống trong tội lỗi. Cảm thức được điều đó, thánh Gioan đã viết: “Nếu ai nói rằng mình không có tội, thì người đó tự lừa dối mình” (x. 1Ga 1,8). Điều này giúp con người ý thức thân phận tội lỗi của mình để luôn khao khát tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa. Và Bí tích Hòa giải là một trong những phương thế hữu hiệu nhất có thể đáp ứng khát vọng của con người. Nhấn mạnh về điều này, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa giải.”[40]

Nơi Bí tích Hòa giải, chúng ta đón nhận tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống vì người mình yêu. Chúng ta cử hành tình yêu của Đức Giêsu biểu lộ bằng giá máu cứu chuộc đổ ra trên thập giá, nhưng đồng thời Chúng ta cũng cử hành tình yêu của Chúa Thánh Thần là ơn thông hiệp, kết hiệp chúng ta với Đức Kitô, giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha, làm cho chúng ta nên một trong Thánh Thần. Theo sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, công thức xá giải trong Giáo hội La tinh diễn tả được hết những yếu tố nòng cốt của Bí tích Hòa giải: “Chúa Cha giàu lòng thương xót là nguồn ơn tha tội; Ngài thể hiện sự giao hòa các tội nhân nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Con Một của Ngài và ban Thánh Thần để tha tội, qua lời cầu nguyện và thừa tác vụ của Hội Thánh.”[41]

Bí tích Hòa giải không phải như là một tòa án, nơi xét xử các tội nhân. Nhưng trên hết, giúp hối nhân ý thức cách sâu sắc về một cuộc gặp gỡ mầu nhiệm, là nơi mà Thiên Chúa thi thố lòng thương xót, qua đó mang lại ơn cứu độ cho con người. Đó như là một cuộc ‘vượt qua’ mà thực sự hối nhân sẽ gặp gỡ, đụng chạm, và nếm cảm được tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa qua tác vụ của Giáo hội. Nhờ đó chúng ta sẽ yêu mến, tin tưởng và siêng năng đên với Bí tích của lòng thương xót. Đồng thời cũng đập tan lối suy nghĩ của nhiều người thời nay: tôi ăn ngay ở lành, không làm thiệt hại ai … nên chẳng cần phải đi xưng tội.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Kế

-------------------------------------
[1]
Đa Minh Nguyễn Đức Thông, Đường Tình Ta Đi, Lưu hành nội bộ, 2007, 24.

[2] Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Cẩm Nang Các Nghi Thức Bí Tích Và Á Bí Tích, (Lưu hành nội bộ), 57.

[3] Rahamim xuất phát từ chữ rehem chỉ cung lòng, tình cảm người mẹ; hesed nghĩa là “lòng tốt mà tôi không xứng đáng” trước ân sủng Chúa. Cả hai đều diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa.

[4] Daniel G. Samuels, The Gospel of God’s Love Old Testament Sermons (the United States: New Heart Press, 2003), 92-100.

[5] Hồng Y Walter Kasper, Lòng Thương Xót Cốt Lõi của Tin Mừng và Chìa Khóa của Đời Sống Kitô Hữu, 62.65.66.

[6] Ibid., 31.

[7] ĐGH. Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, 6.

[8] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh và Thần Học,” Thời Sự Thần Học, 33-35.

[9] ĐGH. Bênêdictô XVI, “REGINA CÆLI, Courtyard of the Papal Residence, Castel Gandolfo Second Sunday of Easter, 30 March 2008” được trích từ Pope Francis, The Name of God Is Mercy, 14.

[10] Utley, Luke the Historian, The Gospel of Luke, 238.

[11] Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, 276.

[12] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, Op., Bí Tích Hòa Giải - Những Tài Liệu Hỗ Trợ Cho Cha Giải Tội, (NXB Phương Đông, 2014), 175.

[13] Theo từ nguyên: Hoán cải “teshuva” trong tiếng Do thái và “metanoia” trong tiếng Hy lạp, chúng ta thấy hoán cải teshuva có nghĩa là đổi hướng 180 độ, bỏ hướng đang đi để quay trở lại đàng sau: hoán cải là đang rời xa Thiên Chúa thì quyết định đổi hướng quay trở về với Người. Hoán cải metanoia có nghĩa là nghĩ cao hơn, xa hơn, nghĩ khác đi: thay đổi tâm trí thay đổi cung cách suy tư, nói năng và hành xử. Sám hối là thay đổi nội tâm một cách triệt để, toàn diện. Đó là sự trở về lớn của cá nhân và của cộng đoàn. (Lm. Linh Tiến Khải, Thần Học Thánh Kinh Bài Số 1165, truy cập: 10/02/2022, https://conggiao24h.com/sam-hoi-trong-thanh-kinh-cuu-uoc.html ).

[14] x. ĐGH. Phanxicô, "Sám hối thật sẽ mở lối chúng ta đến với những người thiếu thốn nhất," Vatican Radio, nguồn: news.va, chuyển ngữ: Tri Khoan 19/06/2016, truy cập: 10/02/2022, http://conggiao.info/trieu-yet-chung-cua-duc-thanh-cha-sam-hoi-that-se-mo-loi-chung-ta-den-voi-nhung-nguoi-thieu-thon-nhat-d-36281

[15] ĐGH. Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, 1.

[16] Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, op. cit., 193.

[17] Hội Đồng Chủ Tịch Đại Năm Thánh 2000, Thiên Chúa Cha Nhân Từ (1999), 98-100.

[18] Pope Francis, The Name of God Is Mercy, trans. Oonagh Stransky (New York: Random House, 2017), 15.48.

[19] Lm. Francois-Xavier Durrwell, CSsR, Le Père, ed. Phaolô Vũ Văn Thiện, (không nhà xuất bản, 2006), 370.

[20] x. Phêrô Trần Đình, “Cứu Chuộc Học” Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người”, truy cập ngày 14/02/2022, http://www.simonhoadalat.com.

[21] x. Trần Huy, “Mầu Nhiệm Tự Huỷ của Thiên Chúa để Ban Ơn Cứu Độ”, ngày 26 tháng 12, 2017, truy cập ngày 10/7/2021, https://tsthdm.blogspot.com/2017/12/mau-nhiem-tu-huy-cua-thien-chua-e-ban.htmlv

[22] Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, “Phụng Vụ Các Bí Tích,” (ĐCV. Thánh Giuse Sài Gòn, 2000),53.

[23] Lm. Francois-Xavier Durrwell, CSsR., Le Père, 393.

[24] x. Ban Huấn Giáo – Gp. Bà Rịa, “Bí Tích Hòa Giải, Dấu Chỉ Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa,” truy cập: 11/02/2022,https://www.giaophanbaria.org/chuyen-de/muc-vu-chuyen-de/nam-long-chua-thuong-xot-2016/2016/05/08/bi-tich-hoa-giai-dau-chi-long-thuong-xot-cua-thien-chua.html

[25] ĐGH. Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus – Dung Mạo Lòng thương Xót, 22.

[26] Phan Tấn Thành, Về Nguồn, q.I, 152.

[27] ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua & Hôm Nay, ed., Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm & Phạm Hồng Lam, (Hà Nội, nxb: Tôn Giáo, 2009), 303.

[28] Vaticano II, GS. 2.

[29] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Thánh Linh Học, (Đcv. Vinh Thanh, 2016), 121.

[30] x. GLCG, số 1465.

[31] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như trên với gần 100.000 tín hữu tham dự Thánh lễ Ngày Sự Sống, do ngài cử hành sáng Chúa Nhật 16-6-2013, nhân Ngày Tin Mừng Sự Sống trong Năm Đức Tin, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Truy cập: 18/01/2022, http://daminhrosalima.net/tin-giao-hoi-hoan-vu/thien-chua-hang-song-la-dang-thuong-xot-luon-luon-tha-thu-va-tai-ban-su-song-cho-con-nguoi-16680.html 

[32] Cyrilo thành Alaxandria, ……., được trích trong Felipe Góme., Chúa Thánh Thần, 165.

[33] B. Elena Guerra, Tái Sinh Trong Chúa Thánh Thần, (Nxb. Tôn giáo 2013), 13.

[34] Felipe Gómez Ngô Minh, Sj., Chúa Thánh Thần (Thần học Tín lý 5), (Antôn & Đuốc sáng, 2009), 159.

[35] Lm. Francois-Xavier Durrwell, Thần Học Chúa Thánh Thần, ed. Thiên Hựu và Kim Ngân, (nxb: Phương Đông), 200-201.

[36] Christopher Dennis Cauchi, Reclaiming the Sacrament of Reconciliation (the University of Toronto, 2012), 85.

[37] Cauchi, Reclaiming the Sacrament of Reconciliation, 86-88.

[38] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Thánh Linh Hoc, ĐCV. Vinh -Thanh 2015, 88.

[39] x. LG., 4.

[40] ĐGH. Gioan Phaolô II, Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 28.

[41] x. GLHTCG., 1449.