"Các tài liệu mới của Triều đại Giáo hoàng Piô XII và ý nghĩa của chúng đối với mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo"

11/10/2023
1293



"Các tài liệu mới của Triều đại Giáo hoàng Piô XII và ý nghĩa của chúng đối với mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo"

Từ ngày 9-11/10/2023, tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma đang diễn ra Hội nghị quốc tế về chủ đề “Các tài liệu mới của Triều đại Giáo hoàng Piô XII và ý nghĩa của chúng đối với mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo: Cuộc Đối thoại giữa các nhà sử học và các nhà thần học”, được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Do Thái giáo “Hồng y Bea”’, Khoa Lịch sử và Di sản Văn hóa của Giáo hội.

 

Vatican News

Đây là hội nghị rất đáng chú ý vì được tổ chức và tài trợ bởi các tổ chức cấp cao của Công giáo và Do Thái: Tòa Thánh, viện nghiên cứu Diệt chủng Yad Vashem của Israel, Bảo tàng Tưởng niệm Diệt chủng Hoa Kỳ, đại sứ quán Hoa Kỳ và Israel cạnh Tòa thánh và cộng đồng Do Thái ở Ý, vv.

Các nhà sử học từ lâu đã chia rẽ trong ý kiến về Đức Piô XII. Những người ủng hộ khẳng định ngài đã sử dụng chính sách ngoại giao thầm lặng để cứu sống người Do Thái, trong khi những người chỉ trích nói rằng ngài vẫn im lặng khi nạn Diệt chủng Do Thái hoành hành.

Hội nghị “Các tài liệu mới của Triều đại Giáo hoàng Piô XII và ý nghĩa của chúng đối với mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo: Cuộc Đối thoại giữa các nhà sử học và các nhà thần học”

Trọng tâm của Hội nghị tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana là cuộc nghiên cứu nổi lên từ 3 năm nay kể từ khi Vatican, theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, mở văn khố của Triều đại Giáo hoàng Piô XII trước thời hạn để đáp ứng yêu cầu của các nhà sử học về việc tiếp cận tài liệu của Tòa Thánh để hiểu rõ hơn về di sản thời chiến của ngài.

Hồi tháng 3/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho mở hàng triệu tài liệu liên quan đến Triều đại của Đức Giáo hoàng Piô XII (1939-1958). Sẽ phải mất hàng thập kỷ xem xét kỹ lưỡng và phân tích để xác định ý nghĩa đầy đủ của các kho lưu trữ ước tính ít nhất 16 triệu trang này, nhưng một số khám phá quan trọng đã được thực hiện và phải được chia sẻ rộng rãi hơn cho công chúng. Những tài liệu này có thể được tiếp cận từ quan điểm của nhiều vấn đề lịch sử và thần học khác nhau.

Hội nghị “Các tài liệu mới từ Triều đại của Giáo hoàng Piô XII và ý nghĩa của chúng đối với mối Quan hệ Do Thái-Kitô giáo” sẽ tập trung vào cách các tài liệu lưu trữ này làm sáng tỏ những tranh cãi về lịch sử và thần học đối với Đức Giáo hoàng Piô XII và Vatican trong thời kỳ Diệt chủng Do Thái, cũng như về các mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo ở nhiều cấp độ - từ những người bình thường đến những nhân vật có thẩm quyền trong môi trường Do Thái, trong các thể chế và cơ cấu quyền lực của người Do Thái và Công giáo.

Năm 1965, Giáo hội Công giáo ban hành một giáo huấn mới, tài liệu của Công đồng Vatican II Nostra Aetate, bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái và xem dân Do Thái là những người được Chúa chúc lành. Các tài liệu mới có thể cho chúng ta biết điều gì về những cuộc gặp gỡ dẫn đến thời điểm bước ngoặt này trong giáo huấn của Giáo hội? Hội nghị này sẽ quy tụ các nhà sử học và thần học, Kitô hữu và người Do Thái, cùng nhau nghiên cứu để nâng cao kiến thức lịch sử cũng như mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo.

Tài liệu có tên hơn 4.400 người Do Thái bị Đức Quốc xã đàn áp 

Có một tài liệu gồm danh sách hơn 4.400 tên của những nạn nhân bị Đức Quốc xã đàn áp vì là người Do Thái ở Roma đã được tìm thấy lại trong văn khố của Học viện Giáo hoàng về Kinh Thánh ở Roma. Những người này được tị nạn trong các cơ sở giáo hội ở Roma, bao gồm 100 dòng nữ và 55 dòng nam. Trong khi danh sách các dòng này với số lượng người được các dòng này tiếp đón đã được Renzo De Felice công bố vào năm 1961, thì tài liệu đầy đủ được coi là bị thất lạc. Trong ngày đầu tiên của Hội nghị, thứ Hai 9/10, trong Phiên họp trước hội nghị diễn ra tại Học viện Giáo hoàng về Kinh Thánh ở Roma, một số học giả đã trình bày vắn tắt về bối cảnh và nội dung lịch sử của tài liệu này, cũng như lịch sử về sự biến mất của nó và việc tìm lại được trong văn khố của Học viện.

Các phần chính của Hội nghị

Phần chính của Hội nghị gồm 5 phiên họp. Phiên thứ nhất đề cập đến các động cơ và quyết định của Đức Giáo hoàng Piô XII khi đối mặt với chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản, trong nỗ lực cân bằng vai trò của ngài với tư cách là người đứng đầu Giáo hội và Tòa Thánh.

Phiên thứ hai khám phá thế giới quan của Vatican nói chung khi đối mặt với nạn Diệt chủng Do Thái, và đặc biệt là quan điểm về các quốc gia và tôn giáo, nhưng điều này đã tạo nên các phản ứng của các quan chức, giám mục và giáo dân xung quanh Đức Piô XII.

Trong phiên thứ ba, lý thuyết và thực tiễn về luật chủng tộc, ra đời ở Đức Quốc xã và lan rộng khắp châu Âu, sẽ được đào sâu.

Phiên thứ tư, được chia thành hai phần, nói về việc giải cứu người Do Thái, đặc biệt chú ý đến dịp kỷ niệm 80 năm cuộc vây bắt ở Roma: ai đã cứu người Do Thái và tại sao? Các văn khố mới có thể cho chúng ta biết điều gì về sự kiện này cũng như lý do tại sao cuộc giải cứu lại xảy ra hoặc không xảy ra?

Phiên họp thứ năm trình bày phản ứng của các nhà ngoại giao và Sứ thần Tòa Thánh trên khắp thế giới đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn và nỗi kinh hoàng của nạn Diệt chủng Do Thái.

Phiên họp thứ sáu sẽ nói về một số thời điểm đặc biệt quan trọng sau chiến tranh, ví dụ như việc viện trợ cho tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã và Phe Trục, cũng như những nỗ lực của Vatican giúp đỡ cho những người Đức bị kết án về tội ác chiến tranh tại các tòa án quân sự quốc tế.

Phiên họp thứ bảy và cuối cùng sẽ đi theo con đường dẫn đến tuyên bố Nostra Aetate (1965), khi mà, hai mươi năm sau nạn Diệt chủng Do Thái, Công đồng Vatican II đã bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái và nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa Kitô giáo và Do Thái giáo. (https://www.unigre.it/it/eventi-e-comunicazione/comunicazione/notizie-e-comunicati/nuovi-documenti-del-pontificato-di-pio-xii-iscrizioni-aperte/)

Phát biểu của ĐHY Parolin

Phát biểu trong phần mở đầu của hội nghị, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận định rằng “Nhờ việc mở các văn khố mới đây, nó cho thấy rõ ràng hơn là Đức Giáo Hoàng Piô XII đã đi theo cả con đường ngoại giao lẫn con đường phản kháng bí mật”. Theo Đức Hồng Y Parolin, “Quyết định chiến lược này không phải là một hành động thờ ơ mà là một quyết định cực kỳ nguy hiểm đối với tất cả những người liên quan”.

Điều quan trọng nền tảng là phải thiết lập một sự thật lịch sử

Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh rằng, sau quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cho phép tiếp cận các tài liệu của Văn khố mật của Vatican về triều đại của Đức Piô XII, và việc xuất bản nhiều nghiên cứu khác nhau, “điều quan trọng nền tảng là phải thiết lập một sự thật lịch sử” thông qua việc nghiên cứu phê bình lịch sử. Theo Đức Hồng Y Parolin, duy trì tính chính xác về lịch sử có nghĩa là bảo vệ sự thật trước tất cả các bên liên quan.

Các trường hợp không trung thực

Nhưng thật không may, ngài nhấn mạnh, “vẫn còn những trường hợp thiếu trung thực về mặt khoa học, những trường hợp trở thành sự thao túng lịch sử, nơi các tài liệu bị che giấu một cách cẩu thả hoặc cố ý”. Như đã xảy ra với phản hồi vào năm 1916 của Quốc vụ khanh Tòa Thánh lúc bấy giờ, Đức Hồng y Gasparri, với Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ, sau đó vào năm 1919 với người Do Thái Ashkenazi ở Giêrusalem. Những tài liệu chỉ mới được khám phá lại, trong đó nói rằng người Công giáo nên nhìn nhận người Do Thái như thế nào. Đức Hồng Y Parolin trích dẫn: “Người Do Thái là anh em của chúng ta và người Do Thái nên được coi là những dân tộc anh em của bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới”.

Đóng góp của Đức Giáo hoàng Piô XII tương lai vào việc soạn thảo các tài liệu

Đức Hồng y Parolin giải thích rằng Đức Giáo hoàng Pio XII tương lai, khi đó là Đức ông Eugenio Pacelli, vào lúc đó là Tổng Thư ký của Bộ xử lý các vấn đề đặc biệt của Giáo hội, “đã đích thân đóng góp vào việc soạn thảo những tài liệu này, những tài liệu cho thấy một hình ảnh của Đức Pacelli (tức là Đức Piô XII) rất khác với hình ảnh thường được biết”. Người Do Thái, bao gồm cả một số giáo sĩ Do Thái, tin chắc rằng thái độ của Đức Giáo hoàng Piô XII đối với họ là thân thiện, “và do đó họ đã quay sang nhờ ngài giúp đỡ trong Thế chiến thứ hai”. Và tổng thống Israel Isaac Herzog đã nhắc lại chi tiết này trong một cuộc phỏng vấn với báo L'Osservatore Romano của Tòa Thánh, “khi nói về mối quan hệ thân tình với Đức Piô XII và những người cộng tác của ngài trong Thế chiến thứ hai”.

Tình bạn giữa Tòa Thánh và Do Thái từ những năm đầu thế kỷ XII

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh giải thích rằng ngài muốn nhắc lại những tài liệu vào năm 1916 và 1919 này cũng như tình bạn của Đức Pacelli (Piô XII) với người Do Thái trên khắp thế giới, “để nhấn mạnh rằng Tòa thánh đã có lập trường ủng hộ người Do Thái ngay từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Và trong Thế chiến thứ hai, Đức Thánh Cha đã mời một số lượng đáng kể người Công giáo từ các tổ chức tôn giáo đến bảo vệ người Do Thái bằng mọi cách, đồng thời tham gia vào cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã”. Những khám phá gần đây ở Vatican cũng như ở các văn khố khác “đã giúp mọi người dễ dàng hiểu được có bao nhiêu hồ sơ lịch sử đã bị thao túng trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai”.

Con đường phản kháng không công khai của Đức Piô XII

Đức Hồng Y Parolin nói tiếp rằng nhờ việc mở các văn khố, “điều trở nên rõ ràng là Đức Giáo Hoàng đã đi theo cả con đường ngoại giao lẫn con đường phản kháng không công khai. Quyết định này không hề thờ ơ và thiếu hành động” mà thay vào đó kéo theo những rủi ro lớn cho bất kỳ ai liên quan và tham gia. Đức Hồng y kết luận rằng các nhà sử học còn nhiều năm để nghiên cứu các tài liệu và hy vọng rằng “họ sẽ tiếp tục làm sáng tỏ một trong những thời kỳ được thảo luận và tế nhị nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Piô XII”.

 

Nguồn:vaticannews.va