THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN ĐẾN NỖI TẶNG BAN CON MỘT

07/03/2024
1035
 

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN ĐẾN NỖI TẶNG BAN CON MỘT

 

Kính thưa cộng đoàn,

Bài hát xin định nghĩa tình yêu của tác giả Phaolo Cao Huy Hoàng : “Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu. Yêu không là ngó nhau nhưng là ngước cao cùng nhìn về bến mai sau. Yêu xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan. Yêu ta cùng ước giao, dẫu ngàn khổ đau, một lần xin hứa trọn đời thủy chung. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung  trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”. Những lời của bài hát đã phần nào diễn tả cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Theo cái nhìn của của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”. Đồng thời cũng biểu lộ sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Trên thập giá, Con Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao mặc khải của Thiên Chúa. Trên thập tự giá, Lời Ngài đã được ứng nghiệm. Thiên Chúa đến gặp gỡ loài người và tỏ mình cho họ qua Chúa Kitô, và triệt để qua cái chết của Chúa Kitô, nơi Người tự hiến mình vì tình yêu. Điều đó cũng có nghĩa là, trên thập giá, Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục và thuộc về Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con trong chương trình sáng tạo và cứu độ được hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đích thực mạc khải cho nhân loại Chúa Cha và Chúa Con. Như thế, trên thập giá, trong đỉnh cao của tình yêu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong sự phục vụ, hy sinh và trọn lành. Trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, nơi mà một mình Thiên Chúa đến để gặp gỡ chúng ta, bởi vì Thiên Chúa đã tự hiến mình. Bởi tình yêu và giống như tình yêu, và điều này đã được nhận ra bằng cái chết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu là  sự tự bày tỏ Thiên Chúa trao ban chính mình ngài cho nhân loại.

Thiên Chúa là tình yêu, và “tình yêu Thiên Chúa không chỉ là một cảm giác mà còn là một hành động”. Và qua sự nhập thể của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã nói với con người như một người cha nói với con mình. Qua lời nói và việc làm của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cảm nhận được điều Thiên Chúa đang nói với con người. Nói cách khác, trong việc nhập thể của Đức Kitô và trong Thần Khí của Người, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên tự thân với mầu nhiệm thông truyền tuyệt đối. Chính vì thế mà các tác giả Kinh Thánh đã mô tả các hành động của Chúa Giêsu bằng một hình ảnh rất cảm động: Người chạm đến những người phong cùi (x. Mc 1,41), Người kéo riêng người câm điếc ra khỏi đám đông, rồi đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta, Ngài lấy nước miếng bôi vào lưỡi ( Mc 7, 33 )... Thiên Chúa đến với con người một cách cụ thể và rõ ràng. Những bữa ăn thân mật của Đức Giêsu, nhất là với những người thu thuế và tội lỗi, được hiểu như dấu chỉ của tình liên đới, nhưng “các kinh sư và người Pharisêu” đã chống lại hành động này của Chúa (Mc 2,15; x. Lc 15,2) và Đức Giêsu tỏ mình ra như Ngôi Lời của Thiên Chúa.

Kính thưa cộng đoàn,

Một trong những lý do quan trọng làm cho người ta từ khước Thiên Chúa là Cha, đó là nỗi đau khổ của những con người vô tội. Con người đau khổ, Thiên Chúa thì không, vì Thiên Chúa không thể đau khổ. Ðức Giêsu đau khổ, nhưng Chúa Cha thì không. Có đúng như vậy không ?

Đôi khi người ta hình dung cái nhìn của Thiên Chúa như một cái nhìn soi mói, rình rập, hủy diệt con người, như Nietzsche nói : "Cái nhìn của Thiên Chúa tước đoạt nhân tính và danh dự của con người". Thiên Chúa làm con người xao xuyến, cho nên phải tiêu diệt Thiên Chúa, vì nếu con người phải hiện hữu thì Thiên Chúa không được hiện hữu. Người ta thường lý luận : Hạnh phúc là thiết yếu cho sự toàn hảo, mà Thiên Chúa là Đấng toàn hảo, vậy Ngài phải hạnh phúc. Nếu Thiên Chúa hạnh phúc thì Ngài không đau khổ. Một Thiên Chúa đau khổ không phải là Thiên Chúa.

Chúng ta phải khẳng định Thiên Chúa tuyệt đối hạnh phúc, không gì có thể làm lu mờ mầu nhiệm niềm vui của Ngài, nhưng niềm vui này khác hẳn với niềm vui của con người. Đau đớn và khóai lạc không thể đồng hiện hữu nơi một người, nhưng liên quan đến tình trạng thuộc cảm tính, niềm vui và đau đớn đôi khi có thể tương đồng. Trên bình diện việc hy sinh được ưng thuận vì tình yêu, người ta có thể cảm nghiệm đau khổ và niềm vui hòa nhập với nhau. Khi người ta không còn quy hướng về mình, khi người kia là tất cả đối với mình, thì khi đó, đau khổ được xem như thiết yếu cho niềm vui, và giới hạn cuối cùng, người ta cảm nhận niềm vui được chết vì yêu.

Chúng ta không được quan niệm một Thiên Chúa bất khả thụ ( không thể đau khổ), chỉ gán cho Ngài trí tuệ mà khước từ không cho Ngài có trái tim hay lòng dạ, trái với mạc khải của Kinh Thánh (Is 49,15). Một Thiên Chúa Cha, ngự trên tòa vinh hiển, ngắm nhìn cảnh tượng diễn ra trong vườn Gethsemani hay trên đồi Golgotha mà không chút đau đớn, thì làm sao có thể gọi là Cha ? Có thể nói Thiên Chúa đồng hành với chúng ta xuống tận đáy vực thẳm, âm thầm kín đáo. Ngài không thể ở bên chúng ta mà không đi vào cơn hấp hối, vì nếu không thì Ngài hoàn toàn lãnh đạm, thờ ơ trước nỗi khốn cùng của con người. Vâng, “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Amen.

 

Lm. Joseph Phan Cảnh