THÁNG MÂN CÔI: LẦN CHUỖI CÙNG MẸ MARIA
Richard Ounsworth, OP
06/10/2024
WHĐ (06/10/2024) - Mỗi năm, tháng Mười là tháng thứ hai – sau tháng Năm - dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria, với Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng Mười, năm nay là vào Thứ Hai đầu tháng.
WHĐ (06/10/2024) - Mỗi năm, tháng Mười là tháng thứ hai – sau tháng Năm - dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria, với Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng Mười, năm nay là vào Thứ Hai đầu tháng.
Vào ngày 7 tháng 10, bài đọc Tin Mừng của chúng ta sẽ là câu chuyện Truyền tin, trong đó Thánh Luca kể lại cả sứ điệp của thiên thần và câu trả lời của Mẹ Maria. Chúng ta tập trung vào câu trả lời của Mẹ Maria. Thánh Luca đặt câu chuyện này song song với câu chuyện về chuyến viếng thăm trước đó của Sứ thần Gabriel đến gặp ông Dacaria, một chuyến viếng thăm kết thúc bằng cảnh ông Dacaria trở nên câm lặng như một câu trả lời cho câu hỏi của ông “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” (Lc 1:18). Bằng cách đặt những câu chuyện này cạnh nhau, thánh sử mời chúng ta lưu ý đến cả những tương đồng và những khác biệt, và một trong những điểm nổi bật nhất trong cả hai câu chuyện là Mẹ Maria cũng đặt ra một câu hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (Lc 1:34).
Trong khi Dacaria bị phạt vì sự dại dột của mình, thì Mẹ Maria lại được ưu ái với một câu trả lời chi tiết. Tại sao? Tôi cho rằng điều này là vì Mẹ yêu cầu một điều gì đó rất khác. Dacaria muốn bằng chứng, nhưng Mẹ Maria muốn một lời giải thích – Mẹ muốn hiểu. Mẹ có đủ đức tin để không đòi hỏi bằng chứng và đủ đức tin để nhận ra rằng Mẹ phải đặt niềm tin của mình vào Chúa, nhưng đây không phải là đức tin mù quáng; đúng hơn, phản ứng của Mẹ là mở mắt ra và trí tuệ của Mẹ muốn tìm hiểu.
Mẹ Maria tiếp tục được chú ý đến bởi việc muốn tìm hiểu đầy trí tuệ này: một sự siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện chăm chú, đó là hình thức chiêm niệm Kitô giáo đích thực nhất. Chúng ta đọc thấy hai lần nữa về những ứng đáp chiêm niệm của Mẹ Maria đối với những điều mà Mẹ nhìn thấy và nghe thấy trong các sự kiện chung quanh sự ra đời và thời thơ ấu của Con mình: sau khi Chúa giáng sinh, Mẹ nghe những người chăn chiên kể về những cuộc gặp gỡ với thiên thần của chính họ, và trong khi tất cả những ai nghe câu chuyện của họ đều “kinh khiếp hãi hùng” (Luca 2:18) thì Thánh sử chỉ ra Mẹ Maria là người “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Luca 2:19).
Tương tự như vậy, Mầu nhiệm Sự Vui thứ năm suy niệm việc tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thánh, và câu chuyện này cũng kết thúc bằng ghi chú rằng “Riêng mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Luca 2:51). Do đó, Mẹ Maria được Thánh Luca giới thiệu với chúng ta như một hình mẫu chiêm niệm Kitô giáo; một cách chiêm niệm không giống như một số hình thức thiền định, vốn tìm cách làm tâm trí mình ra trống rỗng thoát khỏi mọi nội dung trí tuệ, nhưng chiêm niệm Kitô giáo đích thực là tìm kiếm ý nghĩa của các mầu nhiệm thiêng liêng, với trí thông minh được Chúa Thánh Thần soi sáng.
Khi chúng ta cùng Đức Trinh Nữ Maria suy niệm về các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta nên lưu ý rằng đáp ứng của Mẹ đối với các biến cố chung quanh cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Con Mẹ không chỉ là sự chiêm niệm thuần túy. Thay vào đó, việc suy ngẫm về các vấn đề dẫn Mẹ đến hành động, ngay từ đầu. Khi Sứ thần Gabriel tự mình nói với Mẹ rằng “Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Luca 1:36), Mẹ Maria đã đến thăm người chị họ cao niên của mình trong lúc bà cần đến. Mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong các biến cố của Mầu nhiệm Sự Sáng thứ hai: Mẹ vững tin Con của Mẹ có khả năng mang lại niềm vui cho những ai đang gặp khó khăn bằng cách gợi ý cho Chúa Kitô biến nước thành rượu tại Tiệc cưới Cana.
Có thể một số người thấy lạ khi Kinh Mân Côi lại ưu tiên cầu nguyện với Đức Mẹ hơn là cầu nguyện trực tiếp với Chúa – mười Kinh Kính Mừng cho mỗi Kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh – nhưng chúng ta nên nhớ rằng khi chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chúng ta đang cầu nguyện cùng với Đức Trinh Nữ Maria, đặt mình bên cạnh mẫu gương vĩ đại của việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Điều này được nhấn mạnh trong bài đọc đầu tiên của Lễ Đức Mẹ Mân Côi, trích từ Công vụ Tông đồ, nhắc nhở chúng ta rằng cộng đoàn Giáo hội đầu tiên bao gồm các Tông đồ “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Chúa Giêsu” (Công vụ 1:14).
Hiển nhiên hai trong những vị Tông đồ này đã trở thành những nhà thần học vĩ đại, đáng chú ý các ngài là hai trong bốn tác giả các sách Tin Mừng. Nhưng trở thành một nhà thần học Kitô giáo là ơn gọi của mọi người, được kêu gọi noi gương Đức Trinh Nữ Maria chiêm niệm và yêu thương thiết thực. Nếu chúng ta noi gương Mẹ Maria bằng lời cầu nguyện và các việc bác ái, chúng ta có thể hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được chia sẻ với Mẹ trong vinh quang của tất cả các thánh.
Phêrô Phạm Văn Trung