SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI NĂM B

12/08/2024
1314

 

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI NĂM B
ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG MẸ ĐÃ ĐI VÀ ĐẾN NƠI MẸ ĐÃ ĐẾN

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội chúng ta long trọng mừng lễ Mẹ Maria hồn xác lên trời. Mẹ lên trời  là biến cố sau cùng trong mầu nhiệm đời sống Đồng công Cứu chuộc của Mẹ đặc biệt liên đới với mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Vì Mẹ đã thụ thai và hạ sinh Chúa Giêsu, thì sau khi về trời vinh quang, Chúa Giêsu cũng đưa Mẹ vào phúc vinh quang cùng với Người. Mẹ đã cho thân xác Chúa sự sống nhân loại, thì đáp lại, Chúa cũng cho thân xác Mẹ sự sống trường sinh vinh quang. Do đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, thân xác trinh trong của Mẹ được thoát án lệ của tội Nguyên tổ mà được sống lại và lên trời cùng với cùng với linh hồn trong sáng của Mẹ. Biến cố Mẹ lên trời hoàn thành sự thánh thiện và công nghiệp của Mẹ, là niềm ủi an và hy vọng tràn trề của chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh của Hội thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời.

Vì những lý do đó, ngày 1 tháng11 năm1950, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã long trọng công bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, với một biểu thức vắn gọn: “ Khi đến cuối đời tại thế, Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, đã được nâng lên cả hồn xác vào vinh quang thiên quốc”. Trong tất cả các loài thụ tạo thì Đức Maria là người đầu tiên đã được phúc lên trời cả hồn và xác. Đây là một vinh dự lớn lao Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ. Nhưng cũng là hạnh phúc cho chúng ta là con cái. Vì Mẹ về trời là để chuẩn bị và soi lối cho chúng ta. Điều Đức Giáo Hoàng minh nhiệm định tín là Đức Mẹ đang hiện diện cả hồn và xác trong vinh quang thiên quốc. Tuy vắn gọn nhưng trong tín điều ta thấy: Các tước hiệu của Mẹ được gắn chặt với nhau. Từ tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội đến Mẹ Thiên Chúa và Trọn Đời Đồng Trinh. Chính những tước hiệu ấy lại là nền tảng giải thích tín điều. Quả vậy Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi tội lỗi, nên chẳng thế nào chịu cảnh hư nát của thân xác, vốn là hậu quả của tội lỗi và sự chết.

Sau khi tổ tông phạm tội, con người đã bị tước hết mọi ân huệ hồn xác, lòng trí ra tối tăm, phải đau khổ và phải nhận lấy án phạt cuối cùng là sự chết. Thế nhưng Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã tạo dựng con người đã không muốn để con người phải chết đi trong tội. Vì thế, Ngài hứa sẽ cứu chuộc con người bằng cách sai Con Một Người xuống thế. Lời hứa ấy đã được chuẩn bị từ trong Cựu Ứơc qua một dân tộc: Đó là dân tộc Do Thái. Và khi đến thời viên mãn, Ngài đã cho Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể nơi cung lòng Trinh Nữ Maria. Đây chính là một ân huệ thật vỹ đại cho toàn thể nhân loại, nhưng trước tiên và trên hết là Đức Maria, Đấng đã được tuyển chọn như là ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, ngày từ ban đầu, Thiên Chúa đã gìn giữ, trang điểm Mẹ bằng hương thơm nhân đức xứng với ngai toà để Con Thiên Chúa ngự vào.

Bài đọc I hôm nay, khi đặt bút ghi lại bản văn khải huyền này, thánh Gioan Tông đồ muốn ám chỉ trước tiên đến cuộc đời cuả Đức Maria, qua hình ảnh người đàn bà đã chiến đấu và chiến thắng. Quả vậy, nếu Đức Maria đi vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác xuyên qua những gian lao và thử thách, xuyên qua những đêm tối của đức tin, mà Mẹ phải lầm dò từng bước trong vâng phục và phó thác, thì vinh quang ấy không chỉ dành riêng cho cá nhân Mẹ, mà còn là tương lai của toàn thể Giáo Hội cũng như mỗi Kitô hữu trên đường lữ thứ trần gian.

Trong bài Tin Mừng, Mẹ đã cảm thụ được hồng phúc cao cả của Thiên Chúa. Nhưng thay vì huênh hoang tự đắc, Mẹ lại một mực tự hạ. Thay vì kiêu ngạo tự mãn, Mẹ lại cúi đầu xin vâng như một nữ tỳ hèn mọn. Thay vì nhận lấy vinh quang cho mình, Mẹ lại một niềm ca tụng ngợi khen Thiên Chúa. Mẹ đã đem hết lòng để cộng tác với Chúa và làm cho chương trình cứu chuộc được đi đến sự viên mãn thành toàn: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền. Trong mọi biến cố, Mẹ đã hoàn toàn vâng phục cho dù trong đêm tối đức tin. Sự vâng phục đức tin này, xuyên suốt hành trình đời Mẹ và đã đạt đến ý nghĩa trọn vẹn khi Mẹ đứng dưới chân thập giá của Con Mẹ. Thật cao cả thay sự vâng phục trong đức tin của Mẹ trước những quyết định khôn dò của Thiên Chúa.

Người ta kể một giai thoại như sau: năm 389 dân Théxalonica nổi loạn phá tượng vua và giết các quan. Được tin ấy, vua thịnh nộ sai quân giết hết mọi người trong thành ấy. Quân của vua đến thành Théxalônica. Lập mưu mời dân đến xem trò xiếc ở chợ. Dân thành kéo đến đông đủ, liền đó, quân lính bổ vây xông vào giết hết mọi người không trừ ai, bất kể nam nữ già trẻ. Trong số đó, có một lão già và hai con trai. Lính muốn tha cho hai con ông nhưng lại sợ quan không dám tha cả. Anh ta bảo ông lão: trong hai thằng này, ông muốn thằng nào sống, thằng nào chết. Người cha lúng túng chẳng biết nói sao vì ông thấy cả hai: một lời nói ra có thể cứu một con và giết một con. Ông không nói được, chỉ ôm hai con. Lính tức giận giết luôn cả hai.

Chúng ta cũng có thể nói được rằng: trên núi Canvê, Mẹ cũng có hai người con: Con cả là Chúa Giêsu, con thứ hai là loài người. Trong hai con ấy, một phải chết. Vậy bà muốn con nào sống con nào chết? Đức Mẹ tuy đầy lòng yêu Chúa Giêsu nhưng thấy cả loài người hư đi vì tội lỗi nên Ngài bằng lòng để Chúa Giêsu chết thay cho chúng ta.

Vâng! Nếu ở trần gian, Mẹ đã cộng tác với ơn Chúa để lo cho phần rỗi của chúng ta thì giờ đây trên thiên đàng, Mẹ lại càng lo cho chúng ta hơn nữa. Tình mẫu tử đậm đà khiến Mẹ càng lưu tâm hơn nữa đến những anh em đang còn lê bước trên đường lữ hành trần gian hoặc còn đang chiến đấu giữa bao nguy hiểm và thử thách. Chớ gì chúng ta biết luôn sống như Mẹ, thánh hoá cả cuộc đời chúng ta trong tin yêu và vâng phục, trong nhẫn nhục và hy sinh vì đó chính là đường dẫn dắt chúng ta đạt đến hạnh phúc quê trời như Mẹ. Xin cho chúng ta biết từng ngày dõi theo bước Mẹ đi. Sống trọn hành trình trên với tâm tình tin yêu phó thác. Để ở trần gian nhờ đã sống như Mẹ, thuộc trọn về Chúa cả hồn lẫn xác chúng ta cũng được chia sẻ với Mẹ hạnh phúc nơi thiên đàng.

 

Lm. Giuse Phan Cảnh