SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

28/08/2024
1367


SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B
TỪ SẠCH SẼ CỦA ĐÔI BÀN TAY ĐẾN TRONG SẠCH TRONG TÂM HỒN

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Mỗi người chúng ta là những người Kitô, chúng ta thi hành các việc đạo đức cách đầy đủ, chúng ta mang trong mình hình ảnh của Chúa. Nhưng liệu tâm hồn chúng ta có phải là tâm hồn Kitô hữu  đích thực không? Liệu đời sống của chúng ta có phải là một sự thể hiện những gì chúng ta tuyên xưng không? Hay chúng ta chỉ có cái vỏ Kitô hữu hào nhoáng bên ngoài, mà bên trong chúng ta chất chứa toàn những điều bất chính?

Câu chuyện sau minh họa phần nào điều đó cho chúng ta. Có hai người bộ hành đi đường xa. Đêm đến họ phải vào một cái miếu để ngủ nhờ. Đây là một ngôi miếu nổi tiếng là nhiều ma quái. Bầu không khí lạnh lẽo đến rợn người, làm cho hai người khách bộ hành cảm thấy sợ khi đã vào trong miếu.

Trong hoàn cảnh này người không có đạo nói với người bạn có đạo rằng: Anh làm ơn cho tôi mượn cây thánh giá anh đang đeo ở cổ anh đi. Tôi sợ quá! Hy vọng rằng cây Thánh giá của anh sẽ làm cho tôi bớt sợ.

Thế là người có đạo kia đã gỡ cây thánh giá của anh đang mang ở cổ trao cho người bạn không có đạo. Hai người nằm nghỉ đêm.

Trời về khuya, con yêu tinh xuất hiện, nó sờ vào cổ của người có đạo, tính sát hại người này, bỗng nó thốt lên:

Người này có trong mà không có ngoài.

Con yêu tinh có ý nói rằng người này là một người có đạo đích thực, tuy không mang trong mình một dấu hiệu ảnh Chúa.

Qua người không có đạo, con yêu tinh chạm đến cây thánh giá người này đeo ở cổ, nó thốt lên:

 Người này có ngoài mà không có trong.

Con yêu tinh có ý nói rằng, người này tuy mang cây thánh giá ở cổ, nhưng không phải là người Kitô hữu đích thực.

Mẩu truyện trên đây cho chúng thấy phần nào quan niệm về việc giữ đạo của một số người, xưa cũng như nay. Đó là quan niệm vụ hình thức trong việc giữ đạo.

Ngày xưa tiêu biểu cho lớp người có quan niệm này, đó là các Luật sĩ và Biệt phái thời Chúa Giêsu. Nhóm người này đã bị Chúa Giêsu quở trách rất nặng lời, về thái độ vụ hình thức của họ. Ngài đã dùng hình ảnh của một ngôi mộ quét vôi, để nói lên sự ghê tởm của thái độ giả hình.

Bài Tin Mừng hôm nay, thuật lại, một trong những lần Chúa quở trách những người này. Theo lời tường thuật của Thánh sử Maccô thì, nhóm người này theo Chúa Giêsu đã từ lâu, không phải là để được nghe Ngài giảng dậy cho bằng để rình mò, xét nét, hầu bắt bẻ Ngài.

Thế nhưng họ đã không đạt được mục đích của họ, và vì thế, thay vì bắt bẻ Chúa, họ đã bắt bẻ các môn đệ Chúa. Việc mà nhóm người này bắt bẻ các môn đệ Chúa ở đây, đó là việc không rửa tay trước khi dùng bữa: “ Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa “ ( Mc 7,5 ).

 Như chúng ta biết, người Do Thái là những người cố gắng giữ các luật lệ của Cựu Ước. Để giúp cho việc tuân giữ các luật này được hoàn hảo, các nhà lãnh đạo tôn giáo của Do Thái thời Chúa Giêsu, đã giải thích các luật lệ, một cách hết sức tỉ mỉ. Những điều giải thích này được ghi lại trong một tập gọi là Tahmud. Đây là những luật lệ truyền khẩu, hay những tục lệ cổ truyền. Trong những tục lệ cổ truyền ấy, việc rửa tay và rửa chén bát là luật được coi là vô cùng quan trọng.

Chỗ khác nhau và cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người biệt phái là các chuyên gia về luật pháp nêu lên một vấn đề vô cùng quan trọng, vì nó cho ta thấy chính yếu tính và cốt lõi của hai đường hướng trái ngược nhau giữa Chúa Giêsu với người Do Thái chính thống vào thời của Ngài. Vấn đề đặt ra là tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài không giữ theo truyền thống của người xưa? Truyền thống đó là gì và tinh thần vận dụng nó là gì?

Đối với dân Do Thái thì luật pháp nguyên có hai nghĩa. Thứ nhất và quan trọng hơn hết là Mười Điều răn, và thứ hai, là năm quyển sách đầu của Cựu ước gọi là Ngũ kinh. Thật ra Ngũ Kinh hàm chứa một số quy tắc và chỉ dẫn chi tiết, nhưng về các vấn đề đạo đức, những gì được nêu lên chỉ là một loạt nguyên tắc mà người ta phải tự giải nghĩa và ứng dụng cho riêng mình. Qua một thời gian dài, dân Do Thái bằng lòng với việc làm ấy.

Dưới mắt của những Luật sĩ và Biệt phái thời ấy, việc dùng bữa với đôi tay bẩn, là một vi phạm nặng nề, không thể tha thứ được. Việc rửa tay trước khi dùng bửa ở đây, thực ra không phải là nhằm mục đích giữ vệ sinh mà chỉ là một nghi lễ người ta thêm vào sau này, chứ không có trong luật Moisen.

 Nghi lễ đó là thế này: Tại phòng ăn, người ta để một thau nước lớn và một bình nhỏ để múc nước ở trong thau, với một thau nhỏ. Để rửa tay, người ta dùng một lượng nước nhỏ,vào khoảng một muỗm canh, chụm những ngón tay lại, rồi đổ cho nước chảy từ những ngón tay xuống cổ tay rồi chảy xuống thau. Nếu vì một lý do nào đó, nước chảy lại những đầu gón tay thì phải rửa lại, vì như thế, những ngón tay đó vẫn còn nhơ uế.

Sở dĩ họ đã chú tâm đến việc rửa tay trước khi dùng bữa như thế là vì họ nghĩ rằng, rửa như thế, sẽ làm cho bàn tay họ trở nên sạch, và nhờ đó những đồ ăn cũng trở nên sạch. Như thế rửa tay là cách làm cho họ trở nên những người không bị nhơ uế. Chính vì thế mà họ không thể bỏ qua luật này được.

Chúa Giêsu cũng là một người Do Thái, bởi thế, Ngài không còn lạ gì lối giữ luật vụ hình thức như vậy nữa. Ngài vạch trần bộ mặt thực của những Luật sĩ và Biệt phái. Ngài gọi họ là những người giả hình. Trong tiếng Hy Lạp, giả hình đồng nghĩa với đóng kịch. Thực vậy, những nhân vật trên sân khấu không phải là nhân vật thực mà chị là những người nghệ sĩ đóng vai nhân vật đó mà thôi.

Nhưng người Do Thái thời ấy thì lại nghĩ rắng, mình cứ đóng vai một nhân vật nào đó đi, là mình sẽ trở thành nhân vật đó. Nói khác đi, họ quan niệm rằng, cứ giữ đúng những điều trong Tahmud là tức khắc trở thành người lành thánh. Đây là điều Chúa Giêsu đả phá kịch kiệt, và sau này Thánh Phaolô quả quyết trong thư gởi cho giáo đoàn Roma rằng,  con người được công chính hóa không phải do lề luật mà là do Đức Tin.

Cũng thế, với chúng ta ngày nay, những việc như đi lễ, đi nhà thờ, việc dâng hiến tiền của, việc tham gia các hội đoàn, việc tham dự các cuộc lễ, hay những cuộc rước sách linh đình....tất cả những việc đó, tự nó không thể làm cho chúng ta trở nên thánh trước mặt Thiên Chúa được. Có người trong chúng ta ra ngoài thì hoang phí, rộng rãi với anh bồi quán rượu, hào phóng với cô chạy bàn, nhưng rất keo kiệt với người thân thương, và với Chúa. Nhiều người không bao giờ quên câu nói: “Xin vui lòng, cám ơn, xin lỗi”, khi ở ngoài gia đình. Nhưng giữa những người thân yêu, ít khi bạn nghe được những từ quan trọng ấy.

Vấn đề cốt yếu vẫn là tâm hồn của chúng ta. Nếu tâm hồn của chúng ta còn đầy dẫy những hận thù, những ham muốn bất chính, những kiêu căng, những bất công.....thì tất cả những hình thức là những lễ nghi tôn giáo bên ngoài chỉ làm cho chúng ta trở thành những con người giả hình trước mặt Thiên Chúa mà thôi.

Tất cả chúng ta đây là những người đã theo Chúa, kẻ ít người nhiều. Nhưng có bao giờ chúng ta kiểm điểm lại việc đi theo Chúa của chúng ta không ? Chúng ta quan niệm như thế nào về việc đi theo Chúa ? Đi theo Chúa có phải chỉ là tuân giữ một số những luật lệ, là thi hành một số những tập tục nghi lễ, là đọc một số kinh, là thi hành một số những việc đạo đức, hay theo Chúa là một thái độ sống, sống với lòng yêu mến Thiên Chúa, sống với thái độ tôn trọng sự thật, sống trong tình yêu thương thông cảm với đồng loại, sống trong sự công bình chính trực ? Từ sạch sẽ đôi bàn tay đến thanh sạch trong tâm hồn. Đây là điều chúng ta cần kiểm điểm lại hôm nay, để chúng ta khỏi phải nghe lời trách móc này của Chúa : “ Dân này (người này) chỉ thờ kính Ta ngoài môi, ngoài miệng, còn lòng nó thì xa Ta” ( Mc 7,6 ).

 

Lm. Giuse Phan Cảnh