SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN B

16/07/2024
6090


LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Bài đọc 1

Gr 23,1-6

Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác -sấm ngôn của Đức Chúa-. Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta : chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác ; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa. Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng ; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa. Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là : “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.” Đó là Lời Chúa

 

Bài đọc 2

Ep 2,13-18

 

Chính Đức Giê-su là sự bình an của chúng ta. Người đã liên kết dân Do-thái và dân ngoại thành một.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.

Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét ; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất ; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an : bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.  Đó là Lời Chúa

Tin Mừng

Mc 6,30-34

Họ như bầy chiên không người chăn dắt.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.  Đó là Lời Chúa




SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN B
TỪ ÁNH MẮT ĐẾN TRÁI TIM

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta thường hay nghe nói : “từ ánh mắt đến trái tim, để rồi từ trái tim đến trái tim”. Câu nói này diễn tả sự hiểu biết, nhạy bén trong trong cái nhìn để rồi hiểu được tâm tư, tình cảm và sự mong chờ của người khác. Câu chuyện sau diễn tả điều này.

Buổi tối hôm đó  trời thật lạnh. Một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước cửa hàng. Đứa bé không có giày, còn quần áo chỉ là những miếng vá. Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt mầu xanh u buồn của cậu. Bà cầm tay đứa trẻ, dẫn em vào tiệm và mua cho em đôi giày và bộ quần áo ấm. Họ trở lại phố và thiếu phụ nói với cậu bé:

 Bây giờ cháu có thể về nhà và hưởng một ngày nghỉ vui vẻ nhé !

Đứa bé ngước nhìn thiếu phụ và hỏi:

Thưa bà, bà có phải là Chúa không?

Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bè và trả lời:

Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Chúa thôi!

Lúc đó cậu bé nói:

Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà !

Tin Mừng hôm nay nói lên phản ứng và thái độ của Chúa Giêsu đối với đám đông dân chúng đang đi theo Ngài.

Thánh sử Marco ghi lại rằng : “Thấy đám đông dân chúng, Chúa động lòng thương”. Động từ “thấy” mà Thánh Marco dùng ở đây cho chúng ta thấy chiều sâu cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngài thấy, nhưng không phải là chỉ thoáng qua bằng con mắt, mà còn thấy cả bằng con tim.

Vậy Ngài đã thấy những gì ? Ngài thấy đám đông, thấy những nhu cầu của họ, thấy những nỗi lo lắng, buồn đau, thấy những nỗi khát vọng của họ. Chính những thứ đó đã làm rung động con tim của Ngài. Vì thế Chúa mới “động lòng thương”.

Thánh sử Marco đã mô tả tình trạng của đám đông dân chúng đang theo Chúa Giêsu lúc ấy, bằng một hình ảnh thật đáng thương : “ Họ bơ vơ như những con chiên không có người chăn”.

Chúng ta biết, chiên là một loài rất hiền lành, hiền lành đến độ có thể nói là ngú ngớ, khù khờ.Vì thế đoàn chiên mà  không có người chăn thì thật là đáng thương, vì chúng dễ bị lạc, dễ bị các loài khác tấn công. Khi đưa ra hình ảnh chiên với người chăn, Thánh Marco muốn cho chúng ta thấy sự lưu tâm, chăm sóc của Chúa đối với chúng ta, không phải là sự quan tâm, chăm sóc chung chung đối với một tập thể mà là sự chăm sóc lưu tâm đến từng phần tử của tập thể đó.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã tự xưng mình là người chăn chiên hiền lành và Ngài nêu lên những đặc tính của người chăn chiên hiền lành là : “ gọi tên từng con một và đi đầu để dẫn đường” (Jn10,3). Việc gọi tên từng con chiên chứng tỏ rằng người chăn chiên biết rõ từng con chiên một. Như chúng ta biết, tên của một con chiên thường được đặt theo mầu sắc, hình dáng, tính tình của từng con,chẳng hạn như con đốm,con thọt,con cứng đầu..vv. Như thế khi đặt tên cho mỗi con chiên, là người chăn chiên đã biết rõ từng con,biết hình dáng, biết tính tình của từng con. Khi so sánh những người đang theo Chúa bằng hình ảnh những con chiên, Thánh sử Marco muốn nhấn mạnh rằng, Chúa biết rõ từng người đang theo Ngài, biết hình dáng, biết tính tình, biết những nỗi vui buồn sướng khổ, biết những khó khăn thử thách mà mỗi người theo Chúa đang gặp phải.

Chúng ta là những người đang theo Chúa. Vậy Chúa đã đặt tên gì cho mỗi người chúng ta ? Ngoài cái tên mà cha mẹ đã đặt cho chúng ta, chúng ta còn có một tên khác nữa, do Chúa đặt cho chúng ta. Tên đó có thể là :nghi ngờ, chán nản, hay là than vãn, kiêu ngạo, tham lam, bướng bỉnh hay là khiêm tốn, dịu hiền, thương người...vv. Những tên đó nói lên cá tính của mỗi người chúng ta. Chúa biết những cá tính đó và Ngài lấy nó để mà đặt tên cho mỗi người chúng ta. Ngài biết cá tính của chúng ta, cho dù đó là một cá tính xấu, nhưng Ngài vẫn thương yêu, vẫn săn sóc chúng ta, vẫn lo lắng cho chúng ta như một người Mục tử hiền lành. Thánh vịnh 23 được trích đọc trong phần đáp ca của thánh lễ hôm nay đã nói lên điều đó: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”.

Nghĩ đến điều này, chúng ta được an ủi biết bao. Sống dưới sự chăm sóc ân cần và bảo vệ chắc chắn của Chúa như thế, chúng ta còn phải lo lắng gì nữa ?

Nhìn vào thực tế của đời sống hôm nay, chúng ta thấy không thiếu gì những lo lắng, những băn khoăn, trăn trở, những đau khổ, những thử thách, những gian truân..., lo lắng về đời sống vật chất, lo lắng về những đe dọa tinh thần, băn khoăn trăn trở về những thử thách, những gian truân mà cá  nhân hay tập thể hoặc Giáo hội chúng ta đang gặp phải; đau khổ về những bệnh tật, những hiểu lầm..vv. Tất cả những thứ đó đều sẽ tan biến trong cuộc sống của những người biết đặt niềm tin vào Chúa, biết sống với Chúa như một con chiên dưới quyền của một Mục tử tốt lành. Đây là điều mà tác giả Thánh vịnh 23 đã sống và chia sẻ kinh nghiệm đó với chúng ta: “ Dầu tôi đi qua trong thung lũng tối đen hiểm nguy, lòng tôi không lo ngại tai họa gì, vì Chúa ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy Chúa khiến tôi an lòng”. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa nghiêm khắc, sống xa cách chúng ta. Nhưng Ngài là một Thiên Chúa yêu thương, luôn luôn gần gũi chúng ta. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tiếp nhận, phải đắm mình trong mối quan hệ với Chúa, khởi đi “ từ ánh mắt đến trái tim và từ trái tim đến trái tim”.

 

Lm. Joseph Phan Cảnh