SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B

10/07/2024
4307


SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B
ƠN GỌI KITÔ HỮU CỦA MỖI CHÚNG TA

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa nhật XV thường niên hôm nay nói về ơn gọi của người Kitô hữu chúng ta. Nhưng nói đến ơn gọi, hầu hết chúng ta chỉ nghĩ đến ơn gọi làm Linh Mục, Tu Sĩ, chứ chẳng mấy ai nghĩ đến ơn gọi làm Kitô hữu, bởi chúng ta cứ nghĩ rằng, Kitô hữu giáo dân là bậc cuối cùng, chẳng cần phải gọi gì cả thì cũng ở vào bậc đó rồi. Nhưng trước khi đi tu làm linh mục, tu sĩ thì người đó đã phải là một Kitô hữu. Mỗi chúng ta đây có thể mỗi người có hoàn cảnh địa vị, sở thích, tính tình khác nhau, nhưng tất cả đều có ơn gọi làm con Thiên Chúa. Đây là ơn gọi Chúa ban cho ta cách nhưng không, là món quà vô giá mà không phải ai ai cũng có được. Người ta có thể tốn hàng triệu mà không mua được món quà này. Đây chính là ơn gọi thứ nhất trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ơn gọi làm người Kitô hữu. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham dự vào ba sứ mạng chính yếu của Chúa Giêsu, đó là: Tiên tri, Tư tế và vương đế. Ba sứ mạng ấy đều được cả ba bài đọc của Thánh lễ hôm nay nhắc đến.

Trước hết là bài đọc I, được trích từ sách tiên tri Amos. Qua lịch sử của dân tộc Do Thái chúng ta được biết, vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, Bethel là một trung tâm thờ tự nằm giữa vương quốc miền Bắc, gọi là vương quốc Israel  hay là vương quốc Samaria.Vương quốc này gồm 10 chi tộc Do Thái và vương quốc miền Nam, gọi là vương quốc Giuđa hay là vương quốc  Giêrusalem. Vương quốc này chỉ gồm có 2 chi tộc Do Thái mà thôi. Và để dân chúng của mình không xuống miền Nam lễ bái tại đền thờ Giêrusalem nữa, các vua trong vương quốc miền Bắc đã thiết lập một trung tâm thờ tự tại Bethel.

Vào năm 740 trước công nguyên, người được vua chỉ định trông coi trung tâm thờ tự Bethel là thày cả Amasia, một loại thày cả quốc doanh chính hiệu, một thứ công chức nô bộc của nhà vua hơn là một thừa tác viên tư tế của Thiên Chúa.

Trong khi đó, Amos là một người gốc miền Nam, xuất thân từ một làng nhỏ, nằm về phía Nam Giêrusalem. Ông sống với nghề chăn cừu. Ông dẫn đoàn súc vật lên miền Bắc, tìm những đồng cỏ xanh tốt để thả cho chúng ăn.Tuy quê mùa chất phác, nhưng Amos có một lòng tin sâu sắc, một ý chí kiên cường, vì thế Thiên Chúa đã chọn ông làm ngôn sứ của Ngài

Trong khi sống tại miền Bắc, Amos đã nhận thấy những cảnh bất công, những cách sống bê tha buông thả của mọi tầng lớp và đáng buồn hơn nữa là thấy nếp sống ấy đã được che dấu bằng những lễ nghi phụng tự rất bất xứng. Vì thế Amos đã can đảm tố cáo nhà vua cũng như hàng ngũ tư tế. Do đó thày cả Amasia đã đuổi Amos : "Ngươi hãy trở về đất Giuda mà sinh sống ở đó đi". Nhưng Amos vẫn cứ tiếp tục sứ mạng ngôn sứ mà ông đã được trao phó. Sứ điệp mà Ngôn sứ Amos loan báo nhằm mục đích đưa người ta về với giao ước, hầu nối lại mối quan hệ giữa Thiên Chúa với dân Ngài, mối quan hệ đã bị cắt đứt bởi những phản bội, chỉ vì những tham vọng bất chính của dân Ngài.

Thế nhưng sứ điệp ấy đã không vừa tai nhiều người. Chính vì thế mà không lạ gì số phận của Amos cũng như của hầu hết các ngôn sứ chân chính, là số phận hẩm hiu : bị xua đuổi, bị bắt giữ cầm tù, bị đòn vọt và có thể bị chết nữa. Cho dù số phận của các ngôn  sứ có như thế đó, nhưng sứ điệp mà các Ngài loan báo, không phải vì thế mà cũng bị xiềng xích gông cùm đâu.

Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, nhũng người đã được mời gọi gia nhập đoàn ngôn sứ của Chúa, chúng ta cũng cần phải can đảm như Amos, lấy lời nói cũng như đời sống của mình mà loan báo Tin Mừng Cứu Độ, trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Đừng bao giờ vì tư lợi mà thỏa hiệp hay nhượng bộ hoặc thích nghi, để rồi sau trở thành những công cụ, những tên nô bộc cho một thể chế như thày cả Amasia.

Để có thể được như thế, chúng ta cần phải được Chúa sai đi như các Tông Đồ trong Tin Mừng hôm nay. Thánh sử Marco cho biết, khi sai các Tông Đồ đi từng hai người để thi hành sứ mạng ngôn sứ, Chúa Giêsu ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Còn quyền lực nào mạnh mẽ hơn là quyền lực trên các thần ô uế, nghĩa là quyền sai khiến ma quỉ, vua của sự dữ. Quyền ấy chính là quyền vương giả, quyền đế vương mà thánh Phaolo đã nói tới và chúng ta đã nhắc đến trong bài đọc thứ hai. Quyền ấy cũng đã được trao ban cho chúng ta, những người Kitô hữu, qua Bí Tích Rửa Tội. Nhưng khi trao ban cho chúng ta  quyền ấy, Chúa không muốn chúng ta sử dụng nó theo kiểu của thế gian, nghĩa là dùng nó để mà thống trị người khác, mà là để tiêu diệt quyền lực tối tăm, thứ quyền lực hằng lôi cuốn và cầm giữ con người trong vòng nô lệ của tội lỗi, hầu cho chúng ta được vươn tới sự sống tự do của con cái Thiên Chúa.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu mới căn nhặn các Tông Đồ của Ngài trước khi lên đường rằng : “ Các con đừng mang bao bị, mang bánh, đừng mang tiền trong túi, cũng đừng mặc hai áo”. Con đường đó được mệnh danh là con đường khó nghèo và từ bỏ.

Khi đã thoát ra được khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và dục vọng để bước vào con đường của Chúa, là chúng ta đang trở về với tình trạng thánh thiện nguyên thủy, tình trạng mà Thiên Chúa đã ban cho con người khi tạo dựng nên chúng ta. Chính ơn gọi Kitô hữu đã cho chúng ta được tham dự vào ba chức vụ : tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Nhưng chúng ta đã thi hành những chức vụ đó như thế nào ? Đây là một câu hỏi mà chúng ta luôn phải đặt ra cho chính mình, để kiểm điểm việc đi theo Chúa của chúng ta. Có năm nhân đức không xa lạ với Kitô giáo, chúng ta có thể áp dụng để sống: 

 

- Nhân : tức là xử tốt với mọi người.

- Nghĩa : là sống có tình với nhau như lương tâm nhắc nhở.

- Lễ : là biết tỏ ra lịch sự, kính trọng người xung quanh.

- Trí : là biết cân nhắc đắn đo để xử sự cách khôn ngoan.

- Tín : là có tinh thần trách nhiệm về mọi chuyện, đáng cho người khác tin cậy.

Ai mà chẳng muốn sống tốt với mọi người ! Thế tại sao người ta lại không làm được điều mình muốn. Tại vì người ta không dám bỏ mình, không dám hy sinh, người ta không quyết tâm thực sự. Cả bậc Đại Nhân như Đức Khổng Tử vẫn xét mình liên lỉ “Mỗi ngày tôi xét mình ba lần”. Người kitô hữu cũng thế, hằng ngày chúng ta cần xét xem mình đã dứt khoát với tội lỗi chưa ? Đã tiến bộ trong các nhân đức như thế nào ? Nhờ xét mình nhiều lần mỗi ngày, chúng ta sẽ thực hiện được những điều đó, để sống tốt với mọi người và sống đẹp lòng Thiên Chúa.

 Ước gì sau mỗi lần kiểm điểm, chúng ta đều xác định lại được rằng, chúng ta thực sự đang là những ngôn sứ, những tư tế, những vương đế của Chúa. Được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu chất lượng của Chúa giữa lòng đời hôm nay.

 

Lm. Joseph Phan Cảnh